Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

27
Phiền não Tham, Sân, Si

Có ai trong đời này không có phiền não không? Xin thưa có, nhưng gặp hay biết vị đó thì khó có. Bởi vị đó phải là Thánh, mà đúng Thánh thì không vỗ ngực xưng tên thành ra ta không biết là vậy. Nhưng do đâu các vị đó thành Thánh? Xin thưa - căn cứ vào lời Phật dạy, ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh, tức không còn phiền não tham, sân, si vị đó chứng quả thành Thánh. Vậy cũng có nghĩa nhờ phiền não mà vị đó mới thành Thánh, cho nên chúng ta hay nghe Phiền não tức Bồ Đề (giác ngộ) đó mà! Nhìn cụ thể thì nhờ chúng ta tạo ra phiền não, mà các vị đó mới thành Thánh, và nếu chúng ta thực hành chuyển được cái nhìn như các Ngài đối với người khác, chúng ta cũng thành Thánh, đừng nói gì thành Thánh còn có thể thành Phật nữa. Thế thì đối tượng của tâm Bồ Đề là phiền não, và chúng ta không thể tìm được Bồ Đề nếu không biết cái gì thành được Bồ Đề.

 

Hỏi lại lần nữa, có ai trong chúng ta chưa bao giờ phiền não!? Hỏi tức đã tự trã lời, nhưng thôi khỏi trả lời - sống trong đời ngũ trược ác thế này tránh sao cho được. Phiền não len lỏi khắp mọi nơi, chỗ nào có con người chỗ đó có chúng; chỗ nào sinh hoạt con người càng đông, chỗ đó phiền não càng có thế lực, và chỗ nào con người ít nhộn nhịp thì bọn chúng cũng yếu đi. Nhưng đừng tưởng sống đơn độc một mình thì phiền não vắng mặt, bấy giờ chúng chỉ tạm dừng thôi; cuối cùng mọi suy tư hành động nào có đối tượng là có mặt phiền não. Phiền não là gì? - Là tham, sân, si mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến*, đó là mười thứ căn bản làm ta khó chịu. Nhưng ở đây nói về cái gốc độc hại, thì chúng là tham, sân, si; chúng lộng hành dễ thấy đến nổi phải phát sợ. Người tu hành sợ chúng đã đành, mà người tự cho là không tu cũng sợ chúng luôn - không sợ sao được, khi chúng có thể phá hết tất cả những công trình kiến trúc hạnh phúc của ta, từ vật chất đến tinh thần. Rất dễ để tưởng tượng một con người bị tham quá độ, người đó tức thì không còn là người đó nữa, nghĩa là trước đó, người đó không thể nào hành động khờ dại như vậy, bây giờ đã đổi khác. Nói về Sân thì thế nào? Cũng y như anh Tham không khác, một khi sân hận cùng tột lên rồi, cũng đánh mất mình đi; cái gì cuộc đời này là ghê gớm nhất, chết là cùng; người sân cao độ họ đi ngay đến cái đó, để phản ứng tức thì. Còn Si là anh độc thứ ba này thì sao? Cũng thật khủng khiếp và không chừng còn nguy hiểm hơn, vì chính ảnh là đầu mối dẫn đến hai anh kia. Nghĩ lại xem, lúc ta rơi vào tâm trạng tham lam quá độ, thì bấy giờ anh ngu Si đã chiếm đầy trong đầu ta, khiến ta không còn chứa một hạt nhân trí huệ nào cả! Ta bị chìm đắm dâng hiến tất cả, cho Tham lẫn Sân hành động. Nhưng cũng có thể nói tham là anh khởi đầu cho si mê, sân hận, vì cũng không phải hiếm những người đã từng học Phật mà nào dễ bỏ được sân, si. Giáo lý giải thoát không cưỡng nổi cái tham vô hình đó sao?

Trước khi tìm hiểu thêm, chúng ta phải công nhận dù đã hiểu giáo lý Phật Đà nhận rõ nghiệp báo nhân quả vậy, mà ta vẫn bị tham sai khiến đến nỗi không cưỡng lại được còn trở nên vô minh (si), sân giận. Nếu cho rằng không phải cái sân, si kia là do tham, vậy là do cái gì? Sân si xảy ra trong nhiều hoàn cảnh, và mức độ khác nhau do đó vọng tưởng tham muốn cũng tùy vào. Tuy vậy chúng ta thấy rõ hơn về cái tham ngã pháp, tham lợi cho chính con người chúng ta, ở bình diện trên pháp chấp hữu vi, nên đối với chính ta, khó mà chấp nhận mình còn tham khi mình đang là người học Pháp giải thoát. Nếu ngoài hai cái tham ngã pháp đó, thì còn có gì để mà tham, phải hiểu nghĩa chữ pháp này rất rộng, nó bao gồm hết tất cả đối tượng hình ảnh ý niệm của chúng sanh. Khai triển về tham pháp không thôi, chúng ta đã kẹt quá nhiều, lại nói thêm ngã nữa thì sao! Đã không thể chẳng vô ngã mà hóa ra đại ngã rồi! Vậy thì nghi vấn giáo lý giải thoát thế nào? Tất nhiên giáo lý giải thoát là con đường duy nhất để diệt tham, nếu nghi ngờ sự học Phật, ta lại rơi vào sự si mê đọa lạc hơn. Pháp Phật dạy muôn đời là vậy chẳng sai khác, chỉ do chúng ta thực hành sai mà thôi, và sự hiểu biết học Phật của ta vì chưa đạt được cái thật của trí huệ nên vẫn còn bị vô minh, từ đó không cưỡng lại được tham muốn, đơn giản là vậy. Do thế mà trí huệ là hàng đầu cho việc hành đạo, và người có từ bi mà không trí huệ, nhà Phật cho là người ngu tốt bụng, chẳng thể thành cái gì được.

Người có được trí huệ chánh tri, chánh kiến sẽ nhìn phiền não bằng thực tại của các pháp hữu vi, tức nó hẳn nhiên là vô thường, vô ngã, khổ, không, bất tịnh. Nhìn như thế người đó không thấy có gì là thật, là thường vì nó là không, là vô thường, vô ngã. Người đó chẳng thấy cuộc đời có chi là hạnh phúc, và thanh tịnh vì nó là khổ là bất tịnh. Rồi người đó cũng chẳng thấy, cái gì là bất tịnh là đau khổ, vì nó vốn là Không. Nhưng thấy để mà hướng lên, chứ không thấy trong tiêu cực hành động, vì đời vốn khổ, không thể tạo thêm khổ, vì đời vốn vô thường, không thể vô minh tham đắm, và vì quan trọng hơn hết, cả người thấy đó vốn vô ngã nên người đó không chấp ngã, chấp pháp mà sống hạnh phúc theo lời Phật dạy. Vậy ra người đó đã tìm được Bồ Đề từ ngay trong cuộc đời đầy phiền não này. Thế là Phiền não tức Bồ Đề vậy.

________________

*Mạn: ngã mạn, tự kiêu, Nghi: nghi ngờ chánh pháp, Thân kiến: chấp thân này là thật có. Biên kiến: chấp chặt một bên, Kiến thủ: chấp giữ hiểu biết của mình. Giới cấm thủ: giữ giới sai với chánh pháp. Tà kiến: tin theo tà giáo.

 


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang