- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 34
- Ta chẳng thấy ta...
Đoạn đường thay hình đổi dạng
từ vô thỉ kiếp đến nay quá nhiều quá lâu không thể biết
được, mà Phật phải ví là biển, là hư không, là thời gian nỗ
tung một thế giới rồi tính từ hạt bụi sinh ra vô số thế giới
khác. Ta vì không thể lãnh hội được việc quay cuồng này nên vẫn
âm thầm chịu đựng, và Bồ Tát cũng vì vậy mà nguyện độ chúng
sanh đến vô cùng mới chịu thành Phật.
Vấn đề có thật là ta chịu khổ
từ vô lượng kiếp thì chỉ có chư Phật rõ biết, và dạy lại ta.
Riêng ta nhìn được sự việc luân hồi tái sanh đau khổ, hiển hiện
tại thế gian này mới tin được phần nào. Nhưng do chỉ thấy được
vài hình ảnh quả báo luân hồi tái sanh, mà chẳng lo sợ, ý thức
đoạn đường chất chồng của nghiệp lực. Nguyên nhân chính, việc
dẫn đưa quay tít trong vòng luân hồi như thế, vì ta đã chẳng thấy ta
- chẳng thấy ta là một, chẳng thấy ta là tất cả. Các vị Bồ Tát
lớn đã chẳng thấy các Ngài khác với chúng sinh, vì có cùng bản
thể tánh giác, do vậy các Ngài hành đạo mà xem như không hành.
Ngược lại đã thấy một thì tất nhiên một cũng là tất cả, vì
muôn hình vạn trạng kia chỉ là hiện tượng bản thể chưa quay về, khi
đã quay về thì chỉ là một (lý tánh tuyệt đối). Thí dụ nước
hiện hữu khắp nơi đây đó: sông hồ biển cả, cho đến được
chứa đựng trong bình chai ly tách v.v...nhưng tất cả chỉ chung cùng
một tánh, đó là tánh ướt. Tuy nhiên vấn đề chịu khổ hưởng vui
là những hiện tượng xảy ra trên đoạn đường nghiệp lực mà
điểm cuối của đoạn đường là lý tánh thanh tịnh, và tương lai
chúng ta sẽ đi tới mà thôi.
Sự trở ngại, là không rõ bản
thể lý tánh giác ngộ không có sai khác, nên ta cho TA là thật có,
là nhất định hiện hữu trong đời này, cũng như sẽ mang cái ta tồn
tại đó đi vào đời sau. Gọi đúng là chấp NGÃ, tức là cái con
người và tư tưởng này! Đây là vấn đề rắc rối và tế nhị,
mà người học đạo giải thoát thường nghe nói đến. Chúng ta khó
trả lời thế nào dứt khoát, là ta có phải là thật có hay không?
Và như ta không có thì ai phải bị luân hồi đau khổ, ai được sanh
cõi trời, ai đi vào địa ngục, ai đạt quả Thánh, ai vào Niết Bàn
v.v...và v.v...Thật sự Phật đã dạy hảy quán sát năm uẩn là
không, quán được như vậy sẽ lìa khỏi Ngã mà đi vào Niết Bàn.
Năm uẩn là năm thứ tập hợp làm nên con người: Sắc uẩn, thọ
uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn - sắc uẩn là thân, các
uẩn kia là tâm. Thân thì thấy được, nhưng tâm thì không thấy, và
nếu có thân mà không tâm thì chưa đủ thành con người, đó chỉ
là khối thịt; cũng vậy có tâm mà không thân thì lấy đâu mà
biết con người. Phật dạy năm uẩn là Không, Không đây là không
thật có, chứ không phải không có, vì rõ ràng chúng ta thấy biết
đó mà! Không thật có, nghĩa là chúng chỉ hiện hữu hợp duyên
với nhau, nếu rời ra thì không thể thành được. Vậy hiểu đại
khái, Vô ngã là không tìm được cái bản chất thực thể thật
sự của cái tôi, cái ta ở trong đó. Nếu quả thật có cái ta cái
ngã, thì ta đã tự tại ung dung chính ta, mà không phải bị lôi kéo
khi sắc căn tiếp xúc với trần cảnh để tạo ra cảm thọ phiền
não, khi sắc căn tiếp xúc với trần cảnh để thức uẩn phân biệt
mà tạo ra phiền não v.v...và nếu có thì mặc cho thân đau khổ ta
lại chịu đau khổ làm gì!
Hiểu thêm lời luận về Vô ngã như
sau: Đức Phật xem thế giới này là thế giới của khổ đau,
và dạy những phương pháp đối trị nó. Vậy cái gì đã làm nên
thế giới này toàn khổ đau? Lý do đầu tiên, như đức Phật đã
dạy, là các pháp đều vô ngã, nghĩa là, vạn vật - hữu tình hay
vô tình - tất cả không có cái mà chúng ta có thể gọi là bản
ngã hay thực thể. Ta thử khảo sát con người. Một người không
thể xem tinh thần, hay hồn của y là một thực ngã . Y hiện hữu,
nhưng không thể nào nắm được cái thực thể của y, không thể tìm
thấy được tinh thần y, bởi vì hiện hữu của con người không gì
ngoài cái hiện hữu tùy thuộc vào một tràng nhân
duyên. Mọi vật hiện hữu đều là vì nhân duyên, và nó
sẽ tan biến khi những tác dụng của tràng nhân duyên đó chấm
dứt.*
Và trong quyển Sử Cương Triết Học:
Nagarjuna (Long Thọ) không những phủ nhận sự thật tại của
giác quan hoặc năm uẩn. Ngài còn phủ nhận linh hồn thật tại bất
biến. Nagarjuna dẫn quan niệm của Sammityas cho rằng có một linh hồn,
từ linh hồn mới có sự cảm giác thấy nghe ...Nếu không linh hồn
tồn tại, thấy nghe v.v...do đâu mà có. Ngài Nagarjuna gạn hỏi: Nếu
thực có một linh hồn thực tại trước khi có cảm giác thấy nghe
v.v...thì căn cứ vào đâu biết có linh hồn thực hữu không cần
thấy nghe ...Thế thì ta có thể nói thấy, nghe... hiện hữu không cần
đến chủ lực linh hồn.*
Đến đây ta có thể tạm hiểu về
cái không thật của cái Ta này, chỉ vì chúng là nhân duyên hội
tụ, và bất cứ gì là nhân duyên, chúng không thể nào có tự
tánh riêng được. Và thực tế để hành theo đạo giải thoát, ta
phải nhận rằng bao giờ ta còn thấy có thật NGÃ là ta vẫn khổ,
đơn giản vì phải tư duy và hành động để bảo vệ nó. Chúng ta
đã thấy qua, thế giới chiến tranh hận thù máu lửa cũng vì chấp
chặt vào cái ta. Nếu con người chỉ cần xem nhẹ cái ta đi, thì tự
nhiên kết quả an vui sẽ đến mà không cần phải tìm kiếm như ta đã
làm hiện nay. Tuy nhiên rốt ráo của việc hành đạo không phải là
đạt được cái Không, nếu như vậy cũng rơi vào mê chấp. Đức
Phật đã dạy phải hành theo trung đạo, và việc Ngã chấp là vấn
đề phải lìa xa để thành đạo, chớ không phải hành theo lối sống
ngoan không.
Nhưng còn việc ai là chánh nhân để
vào ra trong luân hồi, thì do nghiệp thức tạo thành lực nghiệp sai
khiến ta đi, nghiệp lực như vậy không phải là cách nói khác cho
linh hồn, hay bản ngã có thật để đầu thai. Vì dễ hiểu nếu thật
có linh hồn bản ngã đầu thai tự tại, thì người phải trở lại
người, và tự mình tìm nơi để sanh lên chớ ai dại gì đi xuống,
tệ hơn lại đi vào cõi thú! Nơi đây chúng ta chỉ cần hiểu phần
nào về sự thật của vô ngã, để chuyển hóa cách sống nhẹ nhàng
theo đúng pháp giải thoát. Khi biết rằng chính con người của ta là
hội tụ của nhân duyên, duyên khởi, thì sự vật ngoài ta lại càng
không thật đến chừng nào. Đó là điểm thực hành theo lý đại
thừa Bát Nhã sắc chẳng khác không, không chẳng khác
sắc, và điều Giáo sư Takakusu, đã bàn về vô ngã cũng nhấn
mạnh rằng ...Mọi người phải từ bỏ cái ngã mình, cố
gắng giúp đỡ kẻ khác và phải nhận thức cái hiện hữu cộng
đồng, vì không thể nào con người hoàn toàn hiện hữu độc lập
được. *
Phần giải thích thêm nguyên nhân
tái sanh luân hồi do Nghiệp lực, chứ không phải là hiện hữu có
một ngã chuyển qua một đời sống mới, xin được trích ra lời
luận bàn chuyên về giáo lý duyên khởi liên quan đến vô ngã mà
hy vọng chúng ta sẽ dễ hiểu hơn. Tác giả viết: Đức Phật
cũng dạy về Nghiệp,Tái sinh, Luân hồi, nhưng lại chủ trương vô
ngã. Ở đây, chỉ nghiệp, nghiệp báo, chứ không có một ngã thể
gọi là linh hồn chịu nghiệp báo. Điểm này thường gây nên nhiều
thắc mắc. Đức Phật đã dạy rõ về sự thật này, nhưng Ngài
không cắt nghĩa nhiều về nó vì theo tinh thần giáo dục rất thực
tiễn của Ngài, Ngài không đi vào các lý luận phiền toái, nơi mà
lý luận và tư duy không đặt chân đến được. Tìm hiểu về
Nghiệp, Tái sinh, Luân hồi, chúng ta chỉ mong đi đến một nhận thức
tương đối về nó. *
___________
* Các Tông Phái của Đạo Phật. Tuệ
Sỹ dịch. Nguyên tác The Essentials of Buddhism Philosophy.-
* Sử Cương Triết Học Ấn Độ, của
HT Thích Quảng Liên. Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản.
* Các Tông Phái Đạo Phật, Tuệ Sỹ
dịch
* Bàn về Giáo Lý Duyên Khởi, T.T
Thích Chơn Thiền, Viện Triết lý Việt Nam và Triết học thế giới
xuất bản 1992.