- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 19
- Tu Phật không hẳn là khó
Khi đấng giác ngộ vừa thành đạo,
Ngài liền băn khoăn, làm thế nào đem giáo pháp giải thoát giảng dạy cho
chúng sanh. Vì chân lý mà Ngài khám phá ra đi ngược lại điều thế gian
chấp giữ; thế gian vui sướng trong dục ái đã lâu, bỗng dưng đạo lý
xuất hiện cho rằng hãy lìa bỏ đó sẽ được hạnh phúc! Vậy ai là người
tin nổi? Rõ ràng đang sung sướng hạnh phúc ngay khi sống đời hưởng thụ
khoái lạc, nay từ bỏ hưởng thụ thì cái gì gọi là hạnh phúc?
Tất cả sự thể như thế, là do
không thấy giáo pháp giải thoát, đây là điều cơ bản, chớ không phải
nhân loại không biết khổ trước khi thái tử Sĩ Đạt Đa ra đời. Tứ Diệu
Đế chỉ là chân lý mà Đức Phật tìm ra trong khi thành đạo, chân lý ấy
vạch rõ nhân sinh là vậy, và siêu sinh tử cũng từ đó mà ra. Chính thế
mà ngay trong thời Phật, vẫn có nhiều đạo sĩ lãnh hội được chân lý
cuộc đời, nhưng họ chỉ giác ngộ ở góc độ tâm thức tối thiểu của
họ, nên quả vị chứng ngộ cũng là tương ứng. Và người mà giác ngộ
quán triệt toàn vẹn chân lý chỉ có đạo sĩ Cồ Đàm*.
Nhưng rồi đức Phật đã quan sát
tâm thức chúng sanh trong hiện kiếp này, tuy lăn lộn trong sanh tử đục
dơ như bùn đen hối hám ví như hoa sen trong đầm, nhưng khi vượt khỏi,
ngoi đầu lên mặt nước tức thì đơm hoa ngát hương thơm. Trong đầm sen
có vô số cánh sen, tất cả đều muốn vươn mình lên tỏa nhụy, dù là
cành thấp nhánh cao. Chúng sanh cũng vậy, sở dĩ còn lặn hụp trong sanh tử
vì chưa thấy giáo pháp giải thoát. Quan trọng hơn, không phải ai cũng không
thấy, và không phải người nào cũng si mê. Tất cả tất cả là nhân
duyên sớm muộn, Ngài ưu tư và rồi quyết định khai mở đạo vàng.
Từ đó hàng đệ tử của Ngài có
đủ hạng người trong xã hội; từ giai cấp vương quyền vua chúa đến hàng
cùng đinh nô lệ. Cho thấy đạo vàng chẳng phân biệt ai, vấn đề chỉ có
hành đúng theo lời Phật dạy hay không. Xem sử tích đệ tử của Ngài,
có vị đệ tử Tỳ Kheo mang một quá khứ khủng khiếp; trước kia là tên
giết người hàng loạt, vậy mà Phật chẳng những cảm hóa được con
người ghê gớm đó, mà còn chỉ dạy tu hành để trở thành bậc Thánh
vô sanh (A La Hán).
Nêu ra ví dụ và ý niệm cụ thể
việc hóa duyên cứu độ chúng sanh của Phật để thấy, chúng ta dù là hạng
căn cơ thấp kém sống cách Phật quá xa, nhưng vẫn cảm được niềm thâm
cảm tôn kính đó. Trong niềm thâm cảm tôn kính này, rõ ràng ta đã cảm
nhận được chân lý, bởi vì truyền sử của Thái tử Tất Đạt Đa bỏ
thành ra đi học đạo rồi thành Phật không phải là điểm mà thế gian
truyền tụng. Người ta có thể vẽ ra, hay thêu dệt nhiều chuyện còn đẹp
hơn nữa. Tuy nhiên điều ta không thể nào không bị giao động cảm xúc,
là những gì Đức Phật tìm ra. Tức thì ta hiểu, không một người nào
có thể hiểu điều Phật nói mà vẽ đặt ra được. Điều đó chính là
chân lý, là điều mà không bị không thời gian chi phối được. Do đó đời
trước đời nay chân lý chẳng có gì sai khác. Sông Hồng của ngày xưa
nơi kim thân Phật đã nhiều lần nhúng mình, bây giờ nó vẫn còn đó dù
cuộc tuần hoàn có thay đổi nhưng nước vẫn là nước. Và nhiều di tích
còn lại đủ chứng minh kim thân đấng Điều Ngự đã từng đi lại trên
thánh địa này (Ấn Độ). Những hình ảnh vật thể qua thời gian đó vẫn
còn, huống gì chân lý siêu việt có thể bị lung lạc với một thời gian
quá ngắn vậy ư!
Chúng ta có thể nói, hễ còn giáo
pháp giải thoát thì còn có người giải thoát; giải thoát bằng cách nào
thì tùy vào căn cơ hoàn cảnh của mỗi người. Cũng như hình ảnh của
sen, đã hóa thân là sen thì phải nở hoa tỏa nhụy. Trong kinh Pháp Hoa, Phật
dạy, sự xuất hiện của Ngài không ngoài mục đích làm cho chúng sinh thấy
được tri kiến Như Lai, nghĩa là giác ngộ đạo lý giải thoát để rồi
sẽ thành Phật như Ngài. Ý nghĩa rõ ràng như vậy, cho thấy Phật thấy tận
suốt tâm thức chúng sanh có được Phật tánh đầy đủ, và dù thời gian
lâu xa thế nào, một khi đã có chủng tử Phật tức đường về Phật quả
sẽ thành.
Trước đây ta cho là khó tu, điều
này không phải là sai nhưng không tuyệt đối; bây giờ ta chẳng thấy khó
nữa. Tuy nhiên khó dễ đều do lòng người, thành công hay thất bại chỉ
do ở chính ta mà thôi. Nhưng đã có duyên với đạo giải thoát rồi, chắc
chắn ta sẽ không thất bại, vì cuối cùng đoạn đường tươi đẹp đó
cũng phải sáng ra trước mắt. Lại nữa trong sự luân hồi đau khổ của
một chúng sanh đến mức không còn chịu đựng, tức thì sẽ ngừng lại
mà tìm kiếm nơi an nghỉ. Bấy giờ chúng sanh nào có duyên nuôi được chủng
tử giải thoát sẽ quay về mà tìm, còn không có duyên thì con đường quay
về cũng chỉ mà lâu xa hơn thôi. Nhưng cái lâu xa đó chúng ta không thể
đoán định được, vì Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Chỉ lạc
mất thân người, cũng là điều vô vàn khó khăn để được trở lại, vì
có không biết bao nhiêu chúng sanh đau khổ khác, lại mang hình tướng không
phải là người. Thậm chí cả mang thân trời cũng chưa phải là sung sướng!
Đến khi được lại thân người cũng vô vàn khó khăn gặp được Phật
pháp. Nên nói Phật pháp khó nghe là vậy. Chỉ có khó nghe thôi, còn phải
hiểu và tu hành nữa!
Chúng ta nay đã là thân người, đã
nhận thức tu Phật không phải dễ, điều này quả là một đại nhân
duyên; khi hiểu tu Phật là khó cũng có nghĩa đã thấy được phần nào
con đường giải thoát. Thế thì dù đang mang căn tánh hạ thô ta vẫn vui mừng
nhìn lại mình đang vững bước vào niềm tin chánh pháp vậy.
________________
*Cồ Đàm: một tên gọi của đức
Phật Thích Ca.