- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 20
- Đọc tụng kinh Phật
Khi nghiên cứu đạo giải thoát,
không một học giả nào lại không lên tiếng sững sờ chới với về lượng
kinh điển của nhà Phật. Người thì ví như rừng, kẻ ví như biển...ai lạc
vào rồi hẳn phải chơi vơi không biết đâu là hướng đến hướng ra.
Quay cuồn lặn hụp như thế đến hết đời cũng chẳng biết mình đã tới
đâu! Có thể khẳng định rằng, nếu chọn một chú bé thuộc dạng thông
minh; nuôi dưỡng giảng dạy Phật học cho chú ngay khi bắt đầu tập nói,
như thế đào tạo chú đến trưởng thành, và tiếp tục tạo đủ điều
kiện cho vị này học đến già; đến lúc không còn học được nữa, thì
lúc bấy giờ ta có thể tin tưởng rằng vị này làu thông hết kinh điển?
Xin thưa chẳng bao giờ! - và có lẽ phải nhiều đời sanh ra để học như
vậy mới được phần nào thôi! Nhưng lạ một điều là càng học lại
càng thua người không học! Đức Phật há chẳng dạy là xưa nay Như Lai
chưa nói một lời!
Như Lai đã không nói gì cả, thì
pháp mà người đó học tất nhiên làm sao thành được cái gì! Nói là học
cái không không, hóa ra mình là người bất thường, nhưng quả thật trong
thời Phật hiện tiền, các vị chứng đạo đâu có sách mà học, đâu có
ai là học giả. Thời tượng pháp và cận đại sau này, dù đã có kinh
sách truyền tụng nhưng quý Tổ chứng đạo đa số ở nơi làng mạc hẻo
lánh, nơi ấy làm sao có phương tiện nghiên cứu học hỏi nhiều.
Vậy ra học kinh không là cứu cánh
sao? - Tất nhiên là cứu cánh ban đầu và phương tiện về sau, nghĩa là
ban đầu nhờ gặp kinh sách chúng ta mới biết được pháp giải thoát, nhưng
về sau đã hiểu biết rồi phải xem đây chỉ là phương tiện, hầu tránh
kẹt cứng vào những gì đã học. Cũng từ việc chấp chặt như thế mà
Phật đã dạy, xưa nay Ngài chẳng nói một lời. Do vậy nếu người không
hiểu sẽ cho rằng quái lạ, không biết phải tu thế nào, vì bấy lâu nay
ôm kinh mà đọc gần như muốn thuộc lòng cả một cuốn kinh, chẳng hạn
kinh Kim Cương hay Vô Lượng Thọ vậy. Còn các mật chú như chú Đại Bi,
chú Lăng Nghiêm thì thâm nhập vào tâm rồi, vậy lãng phí à!
Thế nghĩ ra chỉ có đạo giải thoát
mới dạy như vậy, vì muốn đưa chúng sanh vào sự giải thoát đúng nghĩa
của giải thoát. Ngón tay chỉ mặt trăng, chiếc bè đưa qua sông mang ý nghĩa
tượng trưng. Chúng ta chỉ nhờ ngón tay mà thấy mặt trăng, nhờ chiếc bè
mà qua được sông; khi đã thấy được trăng, đã qua được bờ thì nên
quên hẳn nó đi, để còn làm chuyện khác! đừng dại cho ngón tay là cứu
cánh, cho chiếc bè là đệ nhất nghĩa...tất cả tất cả chỉ là phương
tiện. Thế nên Phật nói, chẳng nói một lời là như thế.
Vậy hiện nay chúng ta phải đọc
kinh hằng ngày, và chỉ có một vài bài kinh đổi đi đổi lại thế có
tác dụng gì không? Trong khi đọc cả pho kinh còn phải bỏ! Chúng ta không
từ bỏ bất cứ phương tiện nào, nếu phương tiện đó hợp lý và hợp
với khả năng cảm tính của ta theo đường hướng chánh pháp. Nhưng khi đã
biết chúng chỉ là phương tiện, thì phải sống đúng với phương tiện
đó. Tất nhiên đọc kinh nghiên cứu, tụng kinh tu niệm là điều phải làm
của người Phật tử tại gia và xuất gia. Người nào tự xưng mình là Phật
tử, mà khinh thường việc tụng kinh là người liều lĩnh tự cho mình có
thể bơi vượt qua biển Đại Tây Dương. Và việc gì xảy ra cho người đó!
Người đó sẽ chết đuối giữa chừng biển.
Người Phật tử nhờ vào kinh điển
để tìm lại hình bóng Phật, để lắng nghe pháp âm vi diệu của Ngài, để
nhìn xem mình đã sanh ở đâu ngay thời Ngài còn tại thế. Cuộc luân hồi
không tưởng, đâu biết chừng thời ấy mình đã là người Ấn Độ sanh
trong dòng Tỳ Xá (thương gia, bình dân) hay Thủ Đà La một giai cấp cùng
đinh hèn hạ! Rồi duyên ngộ nào đó gặp Phật và đệ tử Ngài đi qua,
chỉ len lén nhìn trộm dung tướng của Ngài, trong tâm móng lên lòng kính mộ;
nhờ được như thế mà phước báo hơn hai ngàn năm sau, sanh ra khỏi đất
Ấn, và hoàn cảnh bây giờ được tương đối đầy đủ. Do chút nhỏ
nhân duyên vậy giờ mới cảm tình với đạo giải thoát chăng!
Vậy lấy việc tụng kinh để mong
giữ được tâm ngưỡng mộ, tri ân mơ màng hình dung lại thời mà mình đã
thấy trộm Ngài, và mong sao còn gặp lại Ngài trong kiếp sống khá hơn. Hãy
thử đọc vài lời kinh rồi mường tượng lại xem sao:...Một thuở nọ,
đức Bạt Già Phạm* đi châu du giáo hóa các nước, đến thành Quảng
Nghiêm, ở nghỉ dưới cây Nhạc Am,...
Tùy vào lòng tôn kính tri ân của mỗi
người, việc đọc tụng kinh điển có thể mang đến sự giác ngộ. Lục
Tổ Huệ
Năng, Ngài chỉ nghe người khác tụng
kinh*, và chỉ lọt vào tai một câu, khiến Ngài giác ngộ; chúng ta vì vô
minh dầy đặc không được như Ngài, thì nay ôm giữ kinh tụng mãi không lẽ
không có ngày giác ngộ sao! Trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, ở phẩm
thứ ba, ‘Mười Công Đức’ Ngài Đại Trang Nghiêm Bồ Tát xưng tán sự
cao siêu mầu nhiệm của kinh Vô Lượng Nghĩa; như khi nghe kinh này các hàng
Bồ Tát, Quỷ Thần...các chúng sanh, không ai là không phát tâm Bồ Đề và
chứng được Thánh quả. Ca tụng xưng tán rồi, Ngài lại thưa hỏi đức
Phật,: Bạch đức Thế Tôn! Kinh này do từ nơi nào tới? Sẽ đi về
nơi nào? Và trụ ở nơi chốn nào?...
Trả lời cho Bồ Tát Trang Nghiêm,
Phật dạy ...Này thiện nam tử! Kinh này vốn nó từ trong nơi nhà chư Phật
mà tới, nó đi đến chỗ hết thẩy chúng sinh phát tâm Bồ đề, và trụ
ở nơi các vị Bồ tát sở trụ...
Phật dạy còn nhiều, nhưng ta thấy
ở câu vốn nó từ trong nơi nhà chư Phật mà tới, khiến chúng ta thật
vững tâm không sợ lạc đường, và không phải chỉ có kinh Vô Lượng
Nghĩa mà các kinh khác nói ra cũng từ nơi nhà chư Phật mà tới. Thế thì
dù ta đọc kinh có phần nào phân tâm vọng tưởng trong đó, ta cũng đã
ở ngay trong nhà chư Phật rồi. Như được nhất tâm trì tụng thời công
đức nào mà không phát ra. Tiếp theo Phật lại dạy công đức mà chúng
sanh đạt được do nhân duyên nghe qua hoặc trì tụng: ‘Này thiện nam tử!
Kinh này, một là hay khiến cho các bồ tát chưa phát tâm, thì phát tâm Bồ
đề, không có lòng nhân từ thì khởi ra lòng nhân từ, người hay sát hại
thì khởi ra tâm đại bi, người hay ghen ghét thì khởi ra tâm tùy hỉ; người
tham ái chấp trước thì khởi ra tâm hỉ xả; người sẻn tham thì khởi ra
tâm bố thí; người kiêu mạn nhiều thì khởi ra tâm giữ giới; người giận
dữ nhiều thì khởi ra tâm nhẫn nhục; người hay lười biếng thì khởi
ra tâm tinh tiến; người hay tán loạn thì khởi ra tâm thuyền định; với
người si mê thì khởi ra tâm trí tuệ; người chưa hay độ người thì khiến
cho phát tâm độ người, người hay làm thập ác, thì khiến cho phát tâm
làm thập thiện; người tu pháp hữu vi thì khiến cho chí cầu đạo vô vi;
người tâm thoái chuyển thì khiến cho tâm bất thoái; người làm hạnh hữu
lậu thì khiến cho phát tâm vô lậu người nhiều phiền não thì khiến cho
phát tâm trừ diệt. Này thiện nam tử! Đó là năng lực thứ nhất bất khả
tư nghị công đức của kinh này vậy ’.
Đọc đoạn công đức đây, chúng
ta thấy, chẳng có gì là huyền bí khó hiểu, ngược lại thì rõ ràng thực
tế mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được công đức này. Phật dạy
rõ như thế cho thấy, lời Ngài dạy cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm
nay, chỉ là làm sao cho con người rửa sạch tâm mình cho thanh tịnh. Và
công đức trì tụng, tức nhắc lại lời Phật dạy chỉ để tu cho được
pháp thiện, phát được tâm Bồ Đề. Tuy nhiên cũng xin nhớ rằng ứng
nghiệm của kinh không thể nghĩ bàn, vì vốn nó từ trong nơi nhà chư Phật
mà tới, nên khi trì tụng chính điểm thời gian đó ta đã ở ngay trong
nhà chư Phật. Ở ngay trong nhà chư Phật thì đã đầy đủ tất cả pháp
tu, do đó khi thân trang nghiêm cung kính, miệng đọc lên lời Phật, ý nhiếp
định theo thân và khẩu, nơi đây
ta đã hòa vào an định của pháp vị giải thoát, từ đó mà có sự cảm
ứng bất khả tư nghì là vậy. Thế là tụng kinh nhất tâm có thể nhiếp
được ba nghiệp sinh ra công đức thù thắng, hóa giải được những phiền
não thô tế trong và ngoài. Hơn nữa thù thắng của lời kinh còn vang động
đến mười phương không gian nữa, việc này ta thấy lời kinh đã chữa
được nhiều bệnh và hàng phục cả đến các loài phi nhân.
_____________
*Bạt Già Phạm: một danh hiệu
khác của đức Phật, với nghĩa đầy đủ phước trí.
____________
*Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
(Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào) lời kinh trong Kinh Kim Cương
mà Lục Tổ Huệ Năng, nghe qua liền giác ngộ.