- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 33
- Tại sao phải tu?
Nếu câu hỏi này, đặt ra thưa thỉnh
dâng hỏi Đức Thế Tôn thì việc rõ ràng đã thấy không cần Ngài
phải trả lời. Đó là sự khác biệt trước sau ngày Đức Thế
Tôn thành đạo. Ngài trước kia chỉ là một thái tử, một thái
tử như bao nhiêu thái tử ở Ấn Độ, hay không khác các bậc tôn
quý con vua chúa khắp nơi toàn thế giới. Và tương lai đó Ngài
chắc chắn sẽ là vị vua anh minh giàu có như bao nhiêu các đế vương
hùng mạnh khắp mọi nơi; nhưng thật sự hơn thế, Ngài phải là vị
vua có một không hai, sự hùng cường lớn mạnh nhất toàn cầu,
đó là theo cái nhìn không sai của bậc đạo sĩ đạt đạo thấy
được tương lai. Đạo sĩ A Tư ĐÀ tiên đoán: ...nếu thái tử
không ở vương triều để thành vị vua lừng lẫy nhân ái nhất trong
thiên hạ thế giới (Chuyển Luân Thánh Vương), thì thái tử sẽ đi
tu thành đạo, và đạo của Ngài là đạo giải thoát siêu việt thế
gian, chưa bao giờ xuất hiện trước đây mà già này thật lấy làm
đau tiếc không sống được tới ngày đó, để học đạo giải
thoát dưới chân Ngài...
Chúng ta thấy câu trả lời là hình
ảnh xinh đẹp như thế, nhưng nguyên nhân thôi thúc, hấp lực dẫn
Ngài tìm đạo, thành đạo là lòng từ bi muốn cứu vớt chúng sanh
ra khỏi bể khổ. Cứu vớt thế nào là ngay tại thế, qua cuộc đời
hành đạo của Ngài. Ngài đã có đến mấy ngàn đệ tử đắc quả
Thánh Vô Sanh liểu sanh tử, và các vị ấy không những xứng đáng
làm thầy người tại thế, mà cả đến làm thầy dạy đạo cho một
số vị trời ở mấy cõi thiên. Rồi hàng phạm thiên, phi nhân tìm
xuống Tà Bà nghe pháp giải thoát. Số này cũng phải thật nhiều,
bởi lâu lắm mới có Phật xuất hiện, thì cảnh trời nào biết
được họ cũng hay hạ xuống cúng dường nghe pháp. Nói đến đây
lại thấy cõi Ta Bà chúng ta với các cõi trời thật gần gũi, do
gần như vậy mà ta thấy sanh thiên chỉ cần tu thập thiện. Thậm chí
một người con kính hiếu với cha mẹ cũng có thể sanh lên được
cõi trời. Lại nhìn về cõi Phật, thì cõi trời và cõi người
cách xa cõi Phật không thể tưởng nổi, và hai cõi đều mơ ước
sanh về cõi Phật, nhưng thật may mắn hơn cõi trời, Phật dạy cõi
người có nhiều cơ hội đến cõi Phật hơn! Do vì cõi này có Tứ
Diệu Đế, là chân lý cho con người tìm về đạo giải thoát; dù cơ
hội giáo pháp của Phật xuất hiện ở Ta Bà cũng không phải đơn
giản dễ dàng. Đọc trong kinh Hiền Ngu qua những chuyện tiền thân
Phật, nhiều câu chuyện cầu pháp giải thoát của các vị thiện nhân.
Họ dám hy sinh cả thân mạng để được nghe pháp vì sanh ra nhằm
thời không Phật pháp.
Thêm hình ảnh nữa, là dù ngay
thời Phật tại thế, vẫn có một số người không thể thực hành
theo lời Phật dạy để làm tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia, những
người này cũng tạo được duyên lành, do chiêm ngưỡng dung nhan
Phật, bấy nhiêu đó cũng đủ duyên gặp pháp giải thoát trong kiếp
vị lai. Vậy thì số lượng chúng sanh mà Phật trải lòng từ bi đến
thật không thể kể được, ngay như bây giờ đã hơn hai ngàn năm
trăm năm mà con người vẫn còn tìm thấy an lạc thanh tịnh ấm dịu
trong lòng mỗi khi giở lại trang kinh hay ngồi thiền hướng lòng về
pháp Phật (giải thoát).
Nay thử đặt lại câu hỏi chính
mình, tại sao mình phải tu Phật? Câu trả lời hẳn đã có, và ai
cũng trả lời được như là: đời là khổ, tu để mà cầu giải
thoát! Và chắc chắn mọi câu trả lời, chỉ lấy từ nguyên nhân
khổ để cuối cùng đi đến giải thoát. Khổ là do phiền não mà ra,
phiền não dứt trừ thì an vui hiện hữu. Nhưng ngược lại không
đơn giản như ta tưởng, vì đời sống luôn luôn di động chẳng bao
giờ dừng lặng nên tâm dễ chao đảo theo, thế là phiền não chỉ
lắng bên ngoài nhưng bên trong chẳng được dừng nghỉ. Bao giờ thân
còn lăn xăn bôn ba dao động thì tâm không cách nào lắng dịu
được yên, đó là quy luật tự nhiên của đạo lý nhân quả. Chỉ
có trường hợp ngoại lệ là những vị Bồ Tát lớn hiện thân
hành đạo trái nghịch mà thôi, ngoài ra tất cả phàm nhân đều
không thể thân động mà điều phục được tâm. Thế là câu trả
lời tu Phật để được giải thoát là trên lý tưởng lý tình, vì
chúng ta vẫn còn chưa thấy tu Phật là diệt phiền não mới giải
thoát được. Hay nói đúng hơn chúng ta quả còn động niệm nhiều
lắm, không phải vì động do công việc mưu sinh mà động do ý tưởng
phóng đi.
Phật tu vì thương chúng sanh, điều
này rõ ràng như vậy; đọc kinh Pháp Hoa ai lại không nghe Phật ra
đời vì muốn chúng sanh thành Phật. Còn chúng ta tu theo Phật chỉ có
độ được mình cũng quá thành vất vả!. Vậy ra đừng nên vội tìm
độ người, khi tự thân mình chẳng cho người thấy mình có giải
thoát - có lẽ nên nói là cùng giúp nhau nâng đỡ dìu dắt theo lý
nhân duyên thì đúng hơn.
Thế chúng ta có thể trả lời, ít ra
tu Phật, là vì ta đã tạo vô số phiền não cho mình, cho người, nay
tỉnh ngộ nhận được nhờ giáo lý Phật Đà mới quay về TU (sửa)
ngay phiền não. Khi phiền não đã rơi rụng, ta mới dám chuyển hóa
những phiền não vi tế nhỏ nhặt thành những phương tiện luyện
tâm. Chẳng hạn ta thấy, khi thiền tọa tư tưởng sẽ nhờ vào sự
bộc phát phiền não móng lên mà nhận ra chân tâm vô ngại, rồi
dần dần nhìn được phiền não là giả tạo, là vọng tưởng giúp
ta thấy chân tâm là giây phút yên tịnh trong sáng của tâm thanh
tịnh. Khi niệm Phật tụng kinh cũng vậy, ta thấy được phiền não len
lỏi vào câu kinh tiếng kệ, có khi ta mơ màng theo phiền não chẳng hay
biết, trong khi tiếng Phật lời kinh vẫn còn tự nhiên trên miệng.
Nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu tự nhiên, do vọng tưởng tích tụ
quá nhiều, đến khi ta ý thức được mỗi lần phiền não móng lên
sắp sửa chen vào lời kinh, tiếng Phật, thì đó là giây phút nhận
ra tự tâm vốn là chân thiện an lạc, có thể nhìn thấy được mọi
vấn đề, và vậy tâm ta sáng ra để nhìn rõ vọng thức vốn không
thật có.