- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 14
- Nhìn lại để thấy may mắn
Có bao giờ chúng ta nhìn lại để
thấy mình may mắn đang còn tiếp tục cuộc hành trình của kiếp sống
không? Bất luận tuổi lớn nhỏ thế nào, khi ý thức rằng mình còn hiện
hữu là có may mắn, nhất là người đang học Phật như chúng ta. Thử
ngoái nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua có biết bao nhiêu người bỏ
cuộc, và cạm bẫy tử thần ấy đang rình rập chờ chực chúng ta từng
giờ từng phút, từng sát na*. Có người mới vừa sinh ra tức thời bỏ cuộc;
sự đau đớn khi tử thần rước đi của cá nhân đó, còn ảnh hưởng
đau đớn cho kẻ khác. Có người đang bước tới nửa đoạn đường hoa mộng
của tương lai rực rỡ, thì buông tay giã biệt cuộc đời, uổng phí biết
bao công sức ấp ủ một thời, và người thân ở lại khổ đau khôn tả!
Có người thành tựu sự nghiệp chưa kịp hưởng được thành tựu của
mình, thì tử thần cướp mất, đành phải ra đi chẳng mang được cái
gì. Và có người đi trọn con đường, tương đối có một đời sống thọ,
cảm thấy tự hối lương tâm, muốn tập tành việc tu niệm để phục thiện
sám hối, nhưng ý định vừa chớm nở thì cùng lúc với tử thần đến,
đành phải mang nghiệp mà đi...
Đoạn đường đời sống của chúng
ta như vậy có biết bao là cạm bẫy, làm sao có thể kể hết! Mỗi cạm bẫy
là một bài học để ta nhìn lại mình, để thấy mình bước qua bao cạm
bẫy, và cạm bẫy trước mắt tương lai tới đây đã đến gần chưa? Ta
tự đi đến đã đành, đôi khi tự mình làm nên cạm bẫy! Cạm bẫy tử
thần là trạm chót của chặng đường sống, việc này là chắc chắn, nhưng
từ đây đến cuối đường ấy có không biết bao nhiêu là cạm bẫy có
thể kéo ta ra đi bất cứ lúc nào. Nhìn lại mà xem cuộc sống này, một
ngày xảy ra biết bao nhiêu chuyện đau thương. Những chuyện ra đi thường
tình của bệnh chết cộng với bao chuyện tai nạn, nhân tai, thiên tai. Có
những nhân tai gây ra cái chết hàng loạt, nhưng thiên tai thì còn khủng
khiếp hơn, vì không biết được, không lường được, mà chỉ sống bấp
bênh phó thác theo chu kỳ hư hoại của một vật thể có số tuổi thọ giới
hạn nào thôi. Nghĩa là sự sống trên hành tinh này tùy thuộc vào tiến
trình thời gian hư hoại của hành tinh.
Nhìn lại sau để kinh nghiệm, hướng
tới trước để chuẩn bị, đó là sự khéo léo sáng suốt của người học
Phật. Hẳn nhiên vấn đề ra đi là chuyện chắc chắn, và người học Phật
không bao giờ sợ, bởi có sợ cũng chẳng thay đổi được gì. Tuy nhiên
người học Phật chỉ sợ ra đi mà không có sự chuẩn bị, để không biết
mình sẽ về đâu, chính đó là cái sợ duy nhất. Do đây mà nên chuẩn bị.
Nếu chúng ta không chuẩn bị, tất
nhiên sẽ phí phạm một đời sống, bỏ lỡ cơ hội quý báu được làm
người. Và đoạn đường đau khổ đó sẽ nối thành một vòng tròn quay
tít đến vô tận. Ghê gớm hơn nữa là trên vòng tròn sinh tử đó, có những
cạm bẫy đưa người về cảnh ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh.
Khi lạc vào ba con đường khổ này,
thì đoạn đường quay lại dài mãi ra, như thế cơ hội trở lại làm người
càng hiếm có.
Sự chuẩn bị ra khỏi vòng quay
sinh tử đó, là nhìn lại những gì mình đã kinh qua; cũng không chỉ nhìn
mình mà nhìn người chung quanh ta nữa. Nhìn xem để học, nhìn xem để tránh.
Nhìn tới trước sẽ đi, là tự dọn đường cho sạch, hành động cho khéo,
tất cả đều mang một ý niệm trong sạch cụ thể, tu chỉnh lại những
điều căn bản của người học Phật. Phải dè dặt từng cạm bẫy nhỏ,
xem chúng là hiện tượng triệu chứng cho cạm bẫy lớn (cái chết) sắp kề
cận ngay dưới chân ta.
Từ vô thỉ kiếp quá khứ, chúng
ta đã từng trải qua không biết bao con đường, lúc thì dạo chơi trên
đường đầy hoa mộng, lúc lại nặng nề lê bước vượt khỏi con đường
lồi lõm khổ đau. Vô số con đường như vậy mà ta chẳng biết đâu là
đâu, cứ đi mãi không dừng. Xin kễ câu chuyện này: Thời đức Phật còn
tại thế có anh chàng Vô Não bị Thầy anh hại, bảo phải giết người đủ
số một ngàn; rồi cắt một ngón tay của mỗi người chết, giữ mang trên
mình thì sẽ đạt được quyền năng! Anh nghe theo, ráng giết cho đủ số
người; khi còn một người nữa là đủ thì anh gặp Phật. Đây là Phật
soi thấy căn cơ anh, đến lúc có thể cứu độ, nên tự thân đi đến.
Khi đức Phật cố tình đi ngang qua cho anh thấy, thì anh mừng lắm vì anh
đã chờ quá lâu, sợ rằng sẽ qua khỏi giờ khắc mà Thầy anh buộc phải
làm, nên không gặp Phật đây anh có thể tìm về mẹ anh. Chàng Vô Não ngạc
nhiên vô cùng, vì không thể nào đuổi kịp theo Phật dù là Phật chỉ
thong thả bước đi thật chậm. Vô Não vừa giận tức vừa la ‘ Hãy dừng
lại ông Sa môn kia!’ Bấy giờ đức Phật từ tốn trả lời.’Này Vô
Não ngươi không thấy sao, ta đã dừng lại từ lâu rồi; chỉ có ngươi mới
không dừng lại, vì không dừng lại nên mặc tình để cho dục vọng, sân
tham lôi kéo hóa thành kẻ điên dại...’ Vô Não trong cơn giận như một mãnh
hổ, nhưng khi nghe Phật nói vậy, hắn tức khắc giựt mình tự hỏi, tại
Sao ông Sa Môn này nói lạ vậy. Và xin Phật giải thích câu nói lạ lùng
đó! Phật liền thuyết cho anh thời pháp, thế là Vô Não buông gươm để
rồi trở thành đệ tử Phật, không bao lâu đắc quả Vô Sanh (A La Hán).
Có lẽ chúng ta cũng gần giống
như chàng Vô Não, tuy không phạm phải ác tội sát sanh, nhưng chúng ta cũng
chẳng khác gì, vì cứ giong ruổi chạy mãi trên con đường sinh tử mà
không muốn dừng lại. Phật dạy chúng ta dừng lại để tỉnh táo nhận
ra mình, nhận ra những cạm bẫy đầy dẫy chung quanh ta. Những cạm bẫy
đưa ta vào sinh tử không phải hoàn toàn là cạm bẫy mang hình ảnh đau khổ,
mà có khi là những hình ảnh màu sắc âm thanh tươi mát, lại có sức
đưa ta vào sinh tử mạnh hơn. Đó là vì ham mê tham ái, nên chẳng bao giờ
dừng lại để dục vọng sai khiến dẫn đi. Do đó mà thấy, không biết
bao nhiêu người vừa cười vừa khóc, vẫn cũng thui thủi đi vào sinh tử
chẳng muốn dừng. Vậy ra ta nên nhìn lại thấy mình may mắn, khi bước
đi tới của mình có chuẩn bị để rồi sẽ dừng nghỉ trong cảnh giới
an vui giải thoát.
_______________
*Sát na: đơn vị thời gian thật ngắn,
trong một giây có nhiều sát na trong đó, như một tích tắc của kim đồng
hồ.