- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 31
- Trạng thái an nhiên, và con
đường thực hành đạt đến
Chúng ta đã phần nào rõ biết
tham dục, luyến ái là vấn đề đưa đến khổ, và muốn dứt khổ
tức phải lìa xa sự trói buộc này. Phần Diệt Đế trong pháp Tứ
Diệu Đế mang lại cho con người sự an lạc yên vui nhất mà thế gian
khó được. Chúng ta từ bấy lâu sống trong động chẳng có thời
gian nghĩ suy về sự yên tịnh của pháp hỷ lạc giải thoát, mà các
vị tu chứng đã kinh qua. Vì chưa cảm nhận như vậy nên ta chỉ cảm
nhận bằng sự hài lòng về cảm tính qua chân lý, chứ không thật
thấy được sự chứng thực an lạc qua giác tính, trí lực của
mình, nghĩa là chúng ta vẫn xem sự an lạc này khó thể đến với ta.
Tuy nhiên thật sự pháp hỷ lạc, là một chứng minh thực tế không
xa trong đời sống hiện tại, mà con người đã và đang đối diện.
Chúng ta rõ ràng thấy khổ, thì chúng ta cũng thấy nguyên nhân, và
cũng ngay nguyên nhân thấy được thế nào để lìa xa hay bám vào
khổ đó. Trạng thái an lạc mà Phật dạy, khi một người đạt
được do không còn say đắm với dục tình tham ái tạm gọi là Niết
Bàn. Định nghĩa Niết Bàn chỉ là tương đối để cố gắng hiểu thế
nào, là một con người đã đạt tới tâm cảnh đó, và điều này
chỉ thực sự được sáng tỏ rốt ráo một khi sống trong cảnh ấy,
cho nên vì chưa sống được cảnh Niết Bàn, ta không thể định nghĩa
được. Nhưng ta có thể thấy sự an lạc của một người sống trong
cảnh đó, và đoán được phần nào. Nếu gọi danh từ Niết Bàn
là sống được an lạc tĩnh thức không còn vọng động thì ta thấy,
ta có thể đạt được không mấy khó khăn, việc này là sự thật.
Thí dụ, ta không lo lắng những việc chưa đến, không buồn phiền hối
hận những chuyện đã qua, và vui vẻ ngay hiện tại, sống được như
thế ta đã có Niết Bàn. Sống như vậy thật không phải là dễ,
nhưng không phải không thực hành được, chỉ có vấn đề là giữ
được tâm trạng này bao lâu!
Thử nghĩ về mức độ hưởng lạc
trên những quan hệ khác nhau. Nhìn sự sai lệch ở thế gian này như
là, người giàu kẻ nghèo người đẹp kẻ xấu người hiền kẻ
dữ, sung sướng, đau khổ, thông minh, ám độn v.v...sự chênh lệch
như thế cho thấy luật nhân quả nghiệp báo trong quá khứ. Chúng ta
học Phật tất nhiên phải công nhận luật nhân quả là nền tảng
làm gốc, và từ nhân quả này có thể suy ra một sự đấu tranh
vươn lên của một chúng sanh - Người nào mang thân, sanh vào hoàn
cảnh thế nào hiện tại, đã nói lên mức độ vươn lên của họ
trong quá khứ. Một cá nhân hôm nay được giàu sang khoẻ mạnh,
chắc chắn trong quá khứ cá nhân đó đã tạo nhân nghiệp bố thí,
trì giới không sát sanh. Vì giữ giới bất sát được thọ mạng
không bệnh tật, và giới bố thí thương người được sung sướng
giàu sang. Đó là cảnh lạc thú hiện tại của một người nhờ gieo
tạo trong đời trước. Và cũng là cảnh sống sung sướng đối lại
cảnh khổ của người nghèo.
Lại biết được những cảnh giới
cao hơn, mà kể cả người giàu sang cũng phải ước mơ! Vì người
dù xinh đẹp giàu sang vẫn có những mức khổ của họ. Căn bản thì
thấy giàu đẹp vật chất thế nào cũng không tránh được cái lo
tinh thần. Đức Phật đã dạy, không hạnh phúc nào bằng hạnh phúc
của sự an lạc tinh thần. Vậy an lạc đó tạm gọi là Niết Bàn!
Thế là lạc thọ của người giàu sang khỏe mạnh vẫn chưa đủ để
mong muốn. Thọ lạc cao hơn nữa là cảnh trời, nơi đây lạc thú
thật sung sướng, gấp trăm ngàn lần ở cõi Ta Bà. Chúng sanh ở
đó hình tướng đã đẹp lại còn ăn uống thanh vị, thơm mát không
như chúng ta bằng cách ăn Đoạn thực* thô kệch, lại tiêu hóa bất
tịnh hơn!
Đến những cảnh trời càng lúc
càng vi tế, các vị ở đây đi lại tự tại hưởng vui thọ lạc
thù thắng. Thọ dụng ăn uống bây giờ chỉ là Tư thực và Thức
thực, họ ăn bằng ý thức và trí thức biến hiện, không phải lệ
thuộc vào cảm xúc thô kệch với vật và thân như ta. Tuy vậy
những cảnh giới cao như thế vẫn là những vị ngọt gọi là sắc,
thanh, hương, vị, xúc, khiến cho năm giác quan sắc, thọ, tưởng, hành,
thức tiếp nhận. Dù bậc thiền giả thọ thực bằng Thức
thực vi tế qua những cảnh giới Thiền lạc, nhưng rồi Đức Phật
nhấn mạnh trong Đại Kinh Khổ Uẩn rằng, ...ngay cả lạc thọ vô
hại ấy cũng còn có nguy hiểm, huống hồ các lạc thọ khác. Vị
ngọt là hỉ lạc do ly dục ở sơ thiền, hỉ lạc do định ở nhị Thiền,
lạc ở tam thiền, xả niệm thanh tịnh ở tứ thiền. Đấy là vị ngọt
tối thượng của cảm thọ, vì nó vô hại. Nguy hiểm của cảm thọ
này là nó cũng vô thường, biến hoại, nên là khổ. Sự xuất ly
các cảm thọ là điều phục dục tham đối vơi các cảm thọ, đoạn
trừ dục tham. Người nào như thật tuệ tri được vị ngọt, nguy hiểm
và xuất ly của các dục, sắc, và thọ, thì mới có khả năng giúp
người khác như thật tuệ tri các pháp ấy. *
Chính ngay đây, như lời Phật dạy,
người nào điều phục dục tham đối với cảm thọ, đoạn trừ dục
tham, sáng suốt rõ biết vị ngọt nguy hiểm, xuất ly được các dục
sắc, lạc thọ, đây mới đúng là an tịnh rốt ráo, nếu tạm gọi
thì đây mới đúng là Niết Bàn. Được như vậy mới an lạc ngay
cả hai hoàn cảnh sướng vui, buồn khổ.
Ngày còn Phật tại thế, các ngoại
đạo đã thắc mắc rất nhiều về sự tự tại an lạc của các vị
Tỳ kheo đệ tử của Phật; họ thấy rằng các vị này sinh hoạt sống
thật bình thường - chẳng mong cầu chất chứa gì cả, cũng chẳng tự
cho mình là giai cấp đạo sĩ có thể dạy đạo đến các bậc quan
quyền, và quan trọng hơn chẳng để ý gì đến hình thức lễ cúng
hưởng lộc. Trong khi các đạo khác thời bấy giờ, đều hướng ra
ngoài đặt nặng bằng hình thức.
Do thế mà quả vị Dự Lưu (Tu Đà
Hoàn) vừa bước vào dòng Thánh, hành giả đã bỏ ngay hình thức,
cả đến không còn phân biệt chấp người và ta.
Chúng ta có thể hiểu Không tham
không sân không si, là luôn sống trong tỉnh thức của người giác
ngộ, xem các pháp là vô ngã, tâm là vô thường. Sống cảm nhận
được lúc này là mở thấy được phần nào cảnh giới an định
tạm gọi là hé mở khung cửa hướng tới Niết Bàn.
Thực tế cuộc sống có thể tìm
được sự an lạc này, vì trong một khắc thời gian nào đó, có lẽ
mọi người chúng ta đã cảm được sự bình an của tâm khi rơi vào
sự không tham cầu, không thương ghét. Chính thời gian đây, là lúc
ta thấy được thực tại của tâm lắng đọng trong trạng thái tỉnh
thức và an lạc nhất. Nhưng rất tiếc trạng thái đó không thể kéo
dài lâu được. Tuy nhiên rơi vào trạng thái đó, phải bằng sự
hướng về lòng từ bi trí tuệ của pháp Phật mới gọi là hé mở
Niết Bàn, chứ không phải bất chợt mệt mỏi vì cuộc đời bon chen
mà buồn chán, không muốn tranh đấu gì nữa, đây không phải nghĩa
đúng với trạng thái đó. Thế thì ngay tại đây, chúng ta vẫn có
thể tìm được cảnh sống an lạc tỉnh thức khi nhận ra việc thoát ly
tham ái, si mê. Và như thế phải tự thân thực hành mới cảm
nhận, chứ không thể nghe người quảng cáo bày vẽ mà cảm nhận
được.
Câu chuyện của những con ếch. Một
hôm ếch mẹ trên bờ trở về, các con nòng nọc quay quanh, hỏi mẹ
đi đâu về. Mẹ ếch trả lời, từ trên bờ đồng cỏ gần đó,
các con nghe không hiểu bờ là gì, cỏ là chi! Ếch mẹ nói, trên
đó sinh vật sống không ở trong nước, họ thở bằng không khí đi
lại tự tại và cảnh vật sáng tỏ, cỏ cây bông hoa rất là tươi
đẹp. Mẹ càng nói các con càng hỏi, cuối cùng chúng nó chẳng thể
nào tin, vì chưa bao giờ nghe qua nói chi là thấy. Không thể giải
thích thêm, Ếch mẹ nói: thôi đợi khi nào các con lớn lên, (thành
ếch) nhảy được lên bờ sẽ tin lời ta.
Hiện chúng ta đã nghe nhiều về cảnh
Niết Bàn, và khá hơn các con nòng nọc là chúng ta vẫn tin, dù tin
mà khó thực hiện!
Không thực hiện được, hay khó
thực hiện là do chấp chặt vào định kiến cố hữu của mình, hoặc
là sống buông thả, hoặc nhìn đời bằng tang thương khổ lụy, mong
diệt khổ cảnh bằng cách quay về sống khổ chính mình, như là hành
xác để mong cầu sung sướng mai sau. Hai nhân nghiệp này theo luật
nhân quả, tương lai sẽ trở lại thọ nhận lực nghiệp quá khứ mà
thôi. Nghiệp tự tạo khổ sẽ hưởng quả khổ, dù mình làm khổ
chính mình, vì thế theo đạo giải thoát, quyên sinh, tự tử, tự mình
còn mang thêm nghiệp tội sát sanh. Nghiệp hưởng lạc buông thả, khi
trở lại nếu chẳng còn phước báo sẽ phải đau khổ thiếu thốn.
Và đau khổ thiếu thốn chưa đủ, lại còn đau khổ khác do buông thả
gây nên. Phật dạy con đường thực hành đạt đến an lạc, là con
đường quán chiếu hai tác nghiệp trên, để lìa bỏ như là trạng
thái trung dung an lạc của sự không đam mê vào vị ngọt thường tình
ở thế gian, cho đến vị ngọt tối thượng vô hại của sơ thiền, nhị
thiền, tam thiền, tứ thiền. Vì tất cả đó cũng đều vô thường
biến hoại, chỉ cầu được Niết Bàn lạc là vị ngọt giải thoát.
Và con đường đạt đến căn bản bước đầu, Phật dạy hành theo
Bát Chánh Đạo như đã đề cập ở phần Nguyện ghi nhớ bốn
điều diệu đế.
______________________________
*Tứ thực: bốn cách thọ dụng ăn
uống, như là Đoạn thực, Xúc thực, Tư thực, Thức thực. Tùy theo
cảnh giới của tâm thức mà cách thọ thực khác nhau; và Đoạn
thực là lối ăn uống thô kệch, không như lối ăn thanh nhẹ bằng
ý thức ở những từng trời Sắc giới, Vô Sắc giới. (Xem phần
Tứ Thực trong Phật Học Từ Điển ĐTC)
____________
*Trung Bộ Kinh tập 1, bản dịch Hòa
Thượng Minh Châu tóm tắt & chú giải, Thích Nữ Trí Hải)