- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 18
- Tu Phật không phải dễ
Ngày Phật còn tại thế, hàng Phật
tử tại gia đâu phải ai cũng lãnh hội lời Phật dạy, thậm chí các vị
tu sĩ sống gần Phật còn có vị chưa chứng quả mãi cho đến Phật vào
Niết Bàn. Có vị còn phản lại giới luật, cho rằng gò bó, hạn cuộc đời
sống tu sĩ, cả đến muốn chống lại Phật nữa. Đó là thời chánh pháp
Phật còn hiện tiền, bây giờ nhìn lại chúng ta những người đang tập tành
lê bước tìm bóng dáng Phật cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm có phải
là chuyện dễ không?
Ngày còn Phật ở thế gian, pháp ngữ
của Ngài vang vọng khắp không gian, vậy mà còn có người dửng dưng không
hiểu; giờ đây pháp ngữ đó chỉ là những nét mực loang trên giấy bản,
thì người ta có thể dễ cảm được chăng? Và không chỉ là pháp âm, mà
hình tướng trang nghiêm siêu thoát của Phật tỏa ra vẻ đẹp sáng đến cả
mười phương thế giới, hay hiểu đơn giản là loài chúng sanh nào cũng nhìn
Ngài mê mẩn, nhưng vẫn có người như đui ra nghĩa là không cảm được gì,
cho nên không duyên học đạo; thì thời nay chỉ là mường tượng miêu tả
vẻ đẹp theo giác quan thô kệch ô nhiễm của con người thời mạt pháp,
thì có dễ cho người ngộ đạo không?
Rồi cuộc đời của Phật đã cảm
hóa được hàng vạn người, không phân biệt giai cấp, từ hàng vua chúa
đến hạng cùng đinh; bất luận người nào khi hiểu lời dạy của Ngài tức
thì giác ngộ chứng quả, hay ít ra cũng dứt đi tạo nghiệp mà quả thấp
nhất là sanh vào cõi trời. Vậy mà cũng có người không muốn nghe, không
muốn thấy sự thật đó, thế bây giờ tìm có được hình ảnh nào đáng
so sánh phần trăm, phần ngàn như thời chánh pháp để cho người thời nay
thức tỉnh không? Chưa nói là thời đó đời sống con người không phải
như thời nay, họ không có nhiều thú vui cám dỗ; nhìn lại bây giờ phải
biết vạn lần khó hơn để tìm về Phật đạo!...
Vài điểm để thấy đời nay tu Phật
không phải là dễ, thử nhìn xem từ thời Lục Tổ Huệ Năng (638-713) đến
nay, biết được có bao nhiêu người đắc đạo! Chỉ lác đác có vài chục
người, trong khi có đến cả chục triệu người tu theo Phật (tính chung tu
sĩ, cư sĩ). Có phải những người tu sau là tu sai! Điều này không thể khẳng
định được, nhưng nói cho dễ nghe, là tu Phật không phải dễ, vì như trên
đã nói cả thời còn Phật mà vẫn nhiều người không tu được.
Chúng ta thử nhìn xem ngay chính bản
thân mình, những người mới vào đạo hiểu được lấp lửng một vài
giáo lý, một vài bài kinh có đủ để chứng đạo không? Đừng nghe tích
sử của Lục Tổ người không biết chữ mà chứng đạo rồi móng tâm cho
là dễ; không khéo đã không ra khỏi luân hồi mà còn ở vào thế giới thấp
nhất của lục đạo. Lục tổ chỉ là người duy nhất từ đó tới nay,
ngoài ra không thấy người thứ hai nữa. Một người phi thường liễu đạo
như thế không cần suy nghĩ cũng biết là bậc Bồ Tát hóa thân, mà đã
hóa thân đẹp lạ như thế tức phải tu hàng vạn kiếp mới được. Theo
Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn giải thích, là thời gian từ
Thánh quả Tu Đà Hoàn đến được quả Phật phải trải qua tám vạn kiếp,
một tiểu kiếp được tạm tính là mười sáu triệu tám trăm ngàn năm(16,800,000),
vậy tám vạn kiếp tức tám nhân cho mười ngàn (8 x 10000) rồi nhân cho mười
sáu triệu tám trăm ngàn (16,800,000) năm, con số sẽ là một ngàn ba trăm bốn
mươi bốn tỉ (1344,000,000,000). Đây lấy con số để tính mà tạm hiểu thời
gian lâu vậy, thật ra còn lâu hơn nữa. Phật học Từ điển ĐTC giải thích
thêm: Trong kinh, có chỗ thí dụ nầy để chỉ sự lâu dài của một Kiếp:
Ví như có một hòn đá vuông vức 40 dặm. Cứ một trăm năm đem chiếc
áo Tiên chỉ nặng ba thù* mà phất vào hòn đá một lần. Lần hồi như vậy
chừng nào hòn đá mòn và tiêu hết, đó là một Kiếp.
Chỉ đơn giản hiểu vậy thôi,
chúng ta thấy chứng được quả Phật là việc không thể tưởng nổi. Với
bậc Tu Đà Hoàn là bậc thấp trong tứ quả, phải trải qua thời gian lâu
như vậy, thế mà đời nay đâu dễ thấy mấy ai đắc quả Dự Lưu này!
Còn như các vị phát Bồ Đề Tâm, mang đủ hình tướng Bồ Tát lăn xả vào
đời để được thành Phật, thì thời gian không thể tính được. Trong
quyển Phật Giáo Khái Luận của Hòa Thượng Thích Mật Thể, đoạn viết
về Kiếp có nói: Các bậc Bồ Tát tu hành phải trải qua tam A Tăng Kỳ
kiếp mới thành Phật. A Tăng Kỳ ý nghĩa là vô số kiếp vậy.
Do đó chúng ta tu hành đời nay chớ
móng tâm cho là dễ, hoặc cho Phật tại tâm, hoặc cho Phật với ta không
khác hoặc chứng đạo chỉ trong sát na v.v...Những tư tưởng như thế chỉ
để phương tiện an ủi nhắc nhở sách tấn trên đường hành đạo, chớ
thực tế hoàn toàn cách xa.
Chúng ta dư biết tâm vô thường, có
thể xoay chuyển từng sát na, và trong trần cảnh dục nhiễm lên đến cực
điểm như thời đại hiện nay, ai dám tự hào tâm mình ngưng đọng. Nhưng
tâm Phật không phải là tâm ngưng đọng! Dựa vào quả vị Phật thì
không tưởng nổi, ta thử so tâm các vị Tổ thôi, chúng ta cũng khó mà với
tới. Các Tổ cũng thời mang tâm vô thường nhưng vô thường trong sự tự
tại để chuyển thành chân thường đạo, thành ra nhìn cách sinh hoạt của
Tổ không khác người thường. Tuy vậy các Tổ cũng nghiêm mật tinh chuyên
tu hành khó mà hiểu được, vì ở mức độ tu cao hành giả càng cảnh
giác hơn. Lịch sử xưa nay cho thấy Tổ nào cũng gian truân tầm đạo hành
đạo, và việc ngộ đạo để lại chứng tích thường xảy ra ở nơi không
bị hoen ố của những hình thức danh vị sắc tướng... Suy ra các Ngài buộc
phải hành đạo gian khổ như thế, vì các Ngài thấy rằng đời nay không
thể với kiến thức Phật học mà chứng được đạo, và chỉ đôi mươi
năm giữ giới mà tạo được chân tâm! Đọc trong Từ Bi Thủy Sám chúng
ta thấy gương của Ngài Ngộ Đạt quốc sư, đã hơn mười đời sanh ra làm
bậc cao tăng đức độ, vậy mà đời cuối sau không kềm hãm được tâm,
để cho danh sắc động lòng mà móng tâm tự mãn, nên phải chịu quả báo
oan gia hiện lên đòi oán. Mười đời làm Hòa Thượng cao tăng hẳn đã
thông hiểu nhiều pháp Phật, hẳn thấm nhuần lý vô thường, vô ngã...và
tưởng đã hồi hướng tiêu hết những oan gia nghiệp báo đời trước, ai
ngờ khi móng tâm lên nghiệp báo kia vẫn quay về báo oán một cách dễ
dàng. May thật Ngài đã nghiêm mật tu hành giới hạnh cả đến chín đời,
chớ chỉ có một hai đời mà móng tâm vậy, thì chắc không có cơ hội sám
hối mà phải đền mạng. Lại khi bị đền mạng, liệu tâm thức có đủ
mạnh từ bi sáng suốt, để hòa vào ánh sáng Phật tức là vẫn kiên trì
níu chặt chủng tử Phật pháp, hay sanh tâm buồn thảm tự tủi cho mình đã
hành đạo mà vẫn chịu quả xấu rồi hóa thành hờn giận! Thế là xung
khắc tâm thức, và khi được sanh làm tu sĩ trở lại, luôn mang tâm trạng
giận hờn trong tâm mà không biết nguyên nhân gì, đến chừng gặp người
của quá khứ tái sanh thì bao vấn đề rắc rối khởi lên, dù hoàn cảnh
không gây hại lại được, nhưng tâm tư khó mà an lạc để tu!
Với chúng ta thì sao, ai biết mình
đời trước đã có tu? Và đời trước tu thế nào? Theo kinh điển Phật dạy,
muốn biết tương lai nhìn hiện tại đang làm, muốn biết quá khứ nhìn hiện
tại đang hưởng. Cũng có thể rõ ràng, chúng ta là người có duyên với
Phật pháp, và ít nhiều trong quá khứ đã hành qua nên bây giờ mới ham
thích đạo giải thoát vậy. Nhưng bên cạnh sự ham thích đó, chúng ta đã
đạt được gì gọi là an lạc trong pháp vị giải thoát! Điều này chỉ
trong tâm mỗi người chúng ta tự biết mà thôi, nhưng lược qua lịch sử
truyền thừa Phật pháp tính từ thời tượng pháp trở lại đây, ta cũng
có thể suy ra pháp vị giải thoát đâu thấy có mấy người được hưởng.
Biết rằng các vị chứng pháp không tuyên bố ra, nhưng sự thị tịch của
các Ngài có thể cho thấy. Tóm lại chẳng có mấy người, và nếu chúng
ta muốn hiếu kỳ, để diện kiến cho được các bậc chân sư chứng đạo,
thì hẳn nơi ấy không là nơi mà chúng ta thường ồn ào hoạt động cho bản
ngã, nói cách khác không dễ gì tìm thấy trong sinh hoạt của phố thị hiện
ta đang sống. Vậy thì cho thấy các Ngài cũng lượng sức mà tu, và dứt
khoát hành đạo, chỉ khi cảm thấy khả năng có thể, mới âm thầm đi vào
phố thị bằng mọi hình thức hóa duyên độ chúng. Tuy nhiên đa số là thầm
lặng tịnh tu để chờ đợi nhân duyên, thành ra ngày nay không còn thấy
nhiều người ngộ đạo như xưa là vậy.
Lần nữa nhìn lại chúng ta, những
người sơ cơ vào đạo, tâm tánh thô thiển cộc kềnh, thân thể biếng lười
dã dượi; tinh tấn được một ngày thì chín ngày giải đãi. Hàng ngày lại
đón nhận bao duyên cảnh sắc trần, phóng tâm đối đãi, nên tâm đã
không dừng lại được, còn bị cuốn mất - lăn xăn lục đục giỏi lắm
chỉ nhìn được tâm chớ bắt được tâm là chuyện không tưởng. Thành
ra người tu sơ cơ trong thời đại này chỉ là xoa dịu, vổ về, những lỗi
lầm trong quá khứ, và phương pháp sám hối nghiệp nhân đã phạm, là thực
tế và tưởng như ý nghĩa nhất cho việc tu hành của chúng ta. Ấy thế trước
kia ta cho rằng việc sám hối là hình thức, và tội phước vốn là không,
cần gì phải lo sợ chấp chặt mà phiền não! Nào ngờ mới thấy, biết
bao người sống đời tu niệm, nghiền ngẫm kinh sách có được mấy vị hành
xử tự tại xem tội phước vốn không! Do đó chưa phải là căn cơ trung
thượng thì muôn vàn khó khăn trên đường đạo, nếu không bị sa đọa vì
ngã mạn tự cao là vạn may rồi. Vầy thì người sơ cơ như chúng ta phải
đồng ý rằng tu Phật không phải dễ.
________
*Thù: một cách cân ngày xưa. Hai
mươi bốn thù là một lạng, một lạng ngày xưa là nửa lạng bây giờ.