- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 35
- Hướng về chư Phật
Thế giới sống của chúng ta tất cả
là tương đối, không gì tuyệt đối, nói theo lý nhân duyên duyên
khởi thì liên hệ mật thiết với nhau, hay gọi theo kinh Hoa Nghiêm là
trùng trùng duyên khởi; ý nói lên cả pháp giới vũ trụ vô
cùng này đều khởi lên do tâm mà có các pháp do tâm
tạo. Do đó mọi hình ảnh tác động nào đều phản ảnh sự
động niệm của ta: ta đi đứng nằm ngồi, ta tư tưởng phán đoán
và cụ thể hóa qua đủ mọi hành động gầy dựng, phá vỡ tất cả
là những tương đối lăn xăn trong pháp giới. Các bậc chứng đạo
thấy được pháp giới lăn xăn như vậy, và từ đây các Ngài
tự chuyển hóa Pháp giới cảnh của chính các Ngài trở thành Pháp
giới tánh thanh tịnh, vì tất cả do tâm biến hiện mà ra. Tư tưởng
đó hóa thành trí huệ Bát Nhã, thấy được tất cả khởi lên do
nhân duyên vọng động đều là không thật, để chuyển thành Chân
Không thanh tịnh, rồi trở về cái có trong an nhiên Diệu Hữu. Tức
là pháp Trung Đạo mà Phật đã luôn dạy cho hàng đệ tử của
Ngài.
Ngày nay chúng ta dù tu pháp môn nào
cũng phải giữ con đường trung đạo hài hòa vào tâm cảnh, không
vì tự cho mình chọn đúng pháp môn rồi bảo người khác là sai.
Cảm thấy chọn đúng pháp môn chỉ
là hợp căn, có duyên với pháp đó. Hơn nữa theo lý nhân duyên
mật thiết với nhau, thì đối lập giữa tâm cảnh là vấn đề cho
người tu Phật phải vượt qua để gạn lọc thanh tịnh tâm mình.
Hành giả ngồi thiền khó thể an
định, nếu tâm còn chấp trước so sánh pháp tu, dù là so sánh sự
phát triển của mình huống là đến sự đúng sai của người khác.
Hành giả trì chú niệm Phật, nhất định phải nhất tâm, để có thể
đi vào Thanh Tịnh Tam Muội, không khác vào Tam Ma Địa là cảnh giới an
định dứt trừ phiền não của các bậc chứng thiền, nếu còn suy
tưởng tự cho mình là đúng, không khéo sẽ vào ma đạo!
Đó là con đường trung đạo nhắc
nhở chúng ta phải khéo léo đi vào, và để an toàn cho việc đi vào
trung đạo đó, nhất định chúng ta phải nên hướng về tâm điểm
là sự lý thanh tịnh toàn giác. Thanh tịnh toàn giác đó là bậc
đạo sư của chúng ta, là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, đấng -ng
Cúng, Chánh Biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô
thượng sĩ, Điều ngự, Trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn.
Hướng về sự toàn giác thanh tịnh
của Ngài dù là bằng sự qua hình ảnh, hay về lý là tánh chân
giác, đều nhất định cần phải hướng về và luôn luôn phải
hướng về. Trong đời sống hiện tại quá phức tạp, nhiễu nhương
biến động này, ai là người tu Phật lại dám tự hào không
hướng về Phật! Cách đây hơn cả ngàn năm các vị Đại sư, Tổ sư
Trung hoa, Tây Tạng, Tích Lan v.v...đều đã nhất tâm hướng về để
tìm cầu giải thoát, chứng tích đó là những tượng thờ hình ảnh
đức Thế Tôn được tạo lên, mà bây giờ trở thành thánh tích
lịch sử. Nhưng đáng ghi nhận hơn là ngay thời Phật còn tại thế,
các đệ tử của Ngài dù đã đắc đến quả Thánh cao nhất là Vô
Sanh mà vẫn còn hướng về, để cầu được quả Viên Giác (Phật).
Các vị hướng về bằng cách quán tưởng chân tướng giải thoát
của đấng Thế Tôn, qua hình ảnh sinh hoạt thường tình của Ngài và
chuyển hóa chân tướng thanh tịnh đó, trở lại chính với các vị
bằng sự liễu đạo vượt siêu quả vị A La Hán đi đến quả Chánh
Đẳng Chánh Giác ở vị lai. Đọc lại các kinh Đại thừa nghe Ngài A
Nan kể, kinh nào chẳng có hàng ngàn vị Bồ Tát đến nghe Phật thuyết
pháp. Có kinh Phật dạy là có vô số Bồ Tát đến dự nghe mà đệ
tử Thánh tăng của Ngài chỉ thấy rất ít. Đó chưa nói hàng quỷ
thần, thiên vương thì tính sao cho xuể. Chẳng hạn lời đầu kinh
Dược Sư, trước giờ nói pháp ...cùng với tám ngàn vị
Đại Bí Sô, ba vạn sáu ngàn vị Đại Bồ Tát, các hàng quốc vương,
đại thần, bà la môn, các hàng cư sĩ, thiên long, bát bộ, cùng
nhơn, phi nhơn, cả thảy đại chúng nhiều vô lượng, đồng vây quanh
Phật cung kính thỉnh Ngài thuyết pháp...
Do suy xét nhận rõ như thế, người
học pháp giải thoát thời nào cũng phải đặt tâm hướng về chư
Phật, hướng về chư Phật là hướng về sự giải thoát; đơn giản
như vậy, nhưng cụ thể hóa bằng những phương cách tu hành tùy theo
mỗi hành giả. Người tu thiền dù không đặt nặng đọc kinh, trì
chú, niệm Phật nhưng phải hướng về bằng tâm niệm, ít ra cũng
phải tối thiểu tạo cho mình một ảnh tượng Phật trước mặt để
đi vào định tâm. Như không có ảnh tượng thì phải tự theo nghi
thức nào đó xưng tán danh hiệu đấng giác ngộ rồi mới đi vào
Thiền. Đây là vấn đề thật tự nhiên chẳng có kẹt chấp gì cả,
dù pháp môn Thiền là vô chấp, bởi vì phải thận trọng sự nguy
hiểm của cái vi tế móng tâm kẹt vào sự kiêu mạn.
Sự nguy hiểm này đức Phật đã
dạy rõ trong kinh Lăng Nghiêm, thiết nghĩ thật quan trọng mà chúng ta
nên nhận ra. Phật dạy Ngài A Nan Mười Món Ma về Sắc Ám mà
người tu thiền không khéo sẽ bị ma cám dỗ đi vào tà đạo. Phật
dạy khi tu thiền hành giả do dụng công nên tạm hiện những cảnh sau
đây:
1-Thân thể không bị chướng ngại,
2-Lượm bỏ trùng độc trong thân,
3-Nghe trong hư không có tiếng nói
pháp,
4-Thấy Phật hiện và hoa sen trổ,
5-Thấy các vật báu đầy cả hư
không,
6-Thấy ban đêm như ban ngày,
7-Thân thể không biết đau,
8-Thấy cảnh giới Phật hiện khắp
nơi,
9-Ban đêm thấy, nghe được phương xa,
10-Thân hình biến hóa, nói pháp
thông suốt.
Ở đây chỉ ghi lại tên của mười
món ma, đọc rõ từng món sẽ thấy Phật dạy chi tiết hơn. Cuối
cùng Phật dạy rằng: Này A Nan, mười cảnh ma này, đều do trong
lúc tu thiền, dụng tâm phá trừ sắc ấm, nên nó biến hiện ra các
cảnh như vậy. Nếu khi gặp những cảnh như vậy, mê lầm không biết,
cho mình đã chứng Thánh thì bị ma nó ám ảnh, rồi sanh ra đại vọng
ngữ, nói mình thành đạo chứng quả v.v...Vậy khi ta nhập diệt rồi,
các ông nên y lời ta dạy, đem những việc ma này, giảng dạy cho
người tu hành đời sau, bảo hộ người tu hành đặng thành đạo
quả, chớ để cho họ bị thiên ma nhiễu hại.*
Đọc qua lời răn nhắc như vậy,
càng thấy rằng sự tu niệm của chúng ta luôn luôn nên hướng về
chân ảnh Phật. Người tu trì chú, niệm Phật thì sự hướng về
quá rõ ràng, hơn là người chuyên về Thiền định, vì người niệm
Phật trì chú đọc kinh là đã hướng tâm đến chân ảnh của sự
giác ngộ qua lời kinh và danh hiệu của bậc toàn giác. Và người tu
thiền thế nào cũng nên hướng về dù là ảnh tượng hay chân
ảnh. Chân ảnh Phật, vừa là lý tánh giác ngộ nhưng cũng vừa là
những lời kinh và ảnh tượng. Nhớ lại Lục tổ Huệ Năng, Ngài
là bậc tổ thiền đắc đạo đã chứng thực bằng sự lưu lại cho
đời nhục thân bất hoại; Ngài được như vậy cũng do nhân duyên
nghe được lời kinh Kim Cang để từ đó làm nơi quy ngưỡng hướng
về và việc hướng về của Ngài quả thật là siêu việt, nhưng dù
sao ta vẫn thấy Ngài vẫn nhờ vào lời kinh Phật mà ra. Cho nên
người tu thiền đời nay không thể được như Ngài, thì cũng nên
nương vào kinh để đi sâu vào lý tánh mà lợi ích có thể sẽ dễ
dàng đạt quả được ngay thời nay.
Sự hướng về giác ngộ bằng tự
tâm, mới dễ đưa ta tới gần chân giác, chứ không phải giữ
chặt ảnh tượng nghi thức thờ cúng là về gần với Phật, dù
đó vẫn là sự hướng về.
Tới đây là phần lý hướng về,
để hòa vào pháp thân giác ngộ. Hướng về giải thoát qua lý
tánh, giúp ta lúc nào cũng sống gần với Phật (giác), và ta có
thể tìm được ảnh tượng trang nghiêm của Ngài ở khắp mọi nơi,
ngay khi đang sinh hoạt trong đời sống qua hình ảnh thô của thân.
Hướng về như vậy quả thật là khó, nhưng đây mới là sự
hướng về sâu kín nhất, do vì như thế mà trong các pháp tu, thấy
rằng pháp niệm danh hiệu Phật cho ta nhiều cơ hội không quên hướng
về chân giác.
Xét cho cùng thì cả hai, lý và sự
cần phải hướng về; chúng ta có thể vừa tu thiền để làm dịu
tâm vọng động, vừa niệm Phật tụng kinh để sống mãi với chánh
niệm, và dễ dàng hướng về chân tâm thanh tịnh giải thoát.
Tóm lại sự hướng về cả hai, ảnh
tượng và chân tánh đều rất cần thiết cho người thật cầu giải
thoát; và đó là con đường Trung Đạo giúp ta an tâm vững bước
không sợ sai lạc, khi mình vẫn còn mang một tâm thức mê mờ thô
lậu.
__________________
*Triết Lý Thủ Lăng Nghiêm, HT. Thích
Thiện Hoa, Phật Học Viện Quốc Tế (Hoa Kỳ) tái bản 1987.
***
Tạm dừng,
Chúng ta đã có duyên bước vào
đạo giải thoát rồi, dù là những bước chập chững, nhưng chắc
chắn sẽ tới. Vậy nỗi vui mừng hân hoan đó, là áp dụng đạo lý
vào đời sống của mình để thăng hoa giải thoát.
Thật ra tất cả đã sẵn có từ
lâu, chúng ta chỉ là người quay về muộn, nay tự biết mình mãi giong
ruổi quên đường, giờ mới được lên thuyền cũng chưa gọi là
lỡ chuyến. Thuyền vẫn còn chờ, ta hãy cố gắng thu dọn hành trang
không nên nuối tiếc. Hành trang mang theo trên mình không là vật chất
gồ ghề như ta đã từng gầy dựng trong đời; hành trang này không
còn là hình tướng nữa, mà chính là những hành động tạo tác
trong quá khứ và hiện tại của ta.
Thiện nghiệp, ác nghiệp là những
hành trang, nhưng thiện nghiệp có sức đưa con thuyền qua bờ bên kia
hưởng vui an lạc, và ác nghiệp lại đưa ta quay về với bến củ
của đau thương phiền muộn; tệ hơn phải bị trôi dạt vào cảnh giới
tối tăm với hình thù thô xấu.
Ngày nay ta có nhân duyên tìm lại
được mình mãi mê bao kiếp sống phí phạm, ta hãy ý thức làm lại
cuộc đời, để sống và hành động phù hợp với tâm niệm giác
ngộ giải thoát mà Đấng Giác Ngộ đã từ bi chỉ dạy.
Khi hành trang đã chuẩn bị, ta không
lo ngại giờ phút lên thuyền, và sẽ hân hoan đón nhận ngày từ
bỏ bến bờ ở đây. Niềm hân hoan đón nhận đó, ngay lúc này
đã làm ta thay đổi cách sống, giúp ta vui vẻ hành xử những hoạt
cảnh trong đời, để trở thành một hành trang giải thoát.
- Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
- Nam Mô A Di Đà Phật
- TK. Thích Phổ Huân.