Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

13
Sống lạc quan

Nếu cuộc đời toàn khổ, thì chúng ta có cố tự sống lạc quan thế nào chăng nữa cũng chẳng được gì. Nếu cuộc đời toàn vui, thì chúng ta có không muốn sống vui vẻ thoải mái yêu thương cũng không được, nghĩa là không lạc quan nó cũng thành lạc quan. Lạc quan nghĩa là sống thoải mái, vui vẻ sống với cặp mắt màu xanh, là màu của hy vọng thành công, chứ không là màu tím, màu đen thảm não.

Đạo Phật và các tôn giáo khác cũng cùng ý niệm về hình ảnh địa ngục. Nơi đó toàn là màu đen, chúng sanh sống ở đó chỉ biết khổ mà thôi. Hễ chúng sanh nào thọ mạng lâu dài thì cái khổ nó kéo dài thêm. Nhưng thật nghiệt ngã, tuổi thọ chúng sanh ở địa ngục lại dài gấp trăm gấp ngàn lần tuổi thọ ở thế gian. Như thế người ở địa ngục mong sao cho CHẾT sớm, còn chúng ta sống ở đây thì mong sao được sống lâu, ngoại trừ những người quá khổ ở đây muốn chạy trốn khổ! Nhưng vì chưa biết cảnh giới địa ngục khổ hơn, và hầu hết người ở địa ngục là người ở Ta Bà (thế gian) di dân xuống; nên vậy một số người lầm tưởng chết là cách thoát khổ.

Thế ra ở khung cảnh đen ngòm hôi hám của huyết máu, lửa đao, chúng sanh có muốn lạc quan sống là chuyện không tưởng. Họ không có rảnh thì giờ để tư duy để lý tưởng. Trừ trường hợp các bậc Bồ Tát lớn thị hiện xuống, phương tiện quyền biến chịu khổ chịu đau bằng mọi cách, dẫn dụ hoán chuyển chúng sanh ở đó thức tỉnh. Thí dụ trong địa ngục A Tỳ, tội nhân ở đó bị hành hình không gián đoạn; trong lúc bị hình phạt đau đớn như vậy, họ lại thấy có một tội nhân bị thọ hình còn đau đớn hơn họ gấp trăm gấp ngàn lần. Thấy như vậy họ phát tâm thương tưởng nhìn lại họ, từ đây là nhân duyên hoán chuyển họ.

 

Trong kinh Phật cũng nói về cảnh trời; các tôn giáo khác gọi là thiên đàng. Nhưng đạo Phật không nói chỉ có một cõi trời, mà đến mấy chục từng trời (đã đề cập trong phần ‘Thành kính tri ân’). Còn cảnh giới Phật thì hằng hà sa số. Nhưng cảnh giới Phật thì chúng sanh ít khi tin là có; có lẽ không dám ước ao đến, nghĩ mình chẳng bao giờ lên được nên nghĩ vậy. Riêng cõi trời thì tin có thể, vì điều kiện nhập tịch không khó khăn bằng cõi Phật!

Sinh hoạt cõi trời phải là sung sướng hơn cõi người nhiều lắm; ở đó không ai thiếu thốn cả, vì tất cả nhu cầu đều được sai khiến bằng tâm hóa hiện. Nếu họ có đấu tranh với nhau, chỉ vì lý do muốn hưởng thêm dục lạc mà thôi chớ hoàn toàn không thiếu. Nhưng họ vẫn còn bị sinh tử, họ sinh ra do thức hóa sinh, và chết đi cũng do thức biến dẫn. Vị trời nào có túc duyên quá khứ, hiểu được đạo giải thoát biết được ba cõi như nhà lửa, thì khi ở cảnh trời mà thỉnh thoảng trầm tư suy tưởng đến cảnh giả đó, nên khi sắp chết họ không sợ, và do sáng suốt như thế họ hoặc sanh lại cõi người ở vào thời gian không gian nghe được Phật pháp, hay sanh lại cõi trời khác cao hơn, nơi đó có các vị Bồ Tát đệ tử Phật thường thuyết pháp. Tuy nhiên đa số các vị trời ít khi có được nhân duyên này.

Triệu chứng ra đi của các vị trời không có vẻ gì ghê gớm đau đớn như ở Ta Bà chúng ta. Do vậy nên họ không thức tỉnh được, dù chứng kiến nhiều vị trời ra đi họ vẫn xem thường, có lẽ nguyên nhân chính là quá đầy đủ khoái lạc, hay nói là vui sướng đến chín mươi chín phần trăm. Vậy thì lạc quan sống ở đây chỉ là giai đoạn, và cuối cùng là cảnh hoa trên đầu héo, trong thân tiết ra mùi hôi, vị trời này mới bắt đầu mất hết tinh thần lạc quan.

Hóa ra lạc quan hay bi quan là vì cảnh mà nói, vì tinh thần mà suy tưởng.

Chúng ta đang sống ở thế giới Ta Bà này, thấy cả hai mặt bi quan, lạc quan là tương đối. Một ngày ta cũng có thể sống toàn là bi quan và một ngày có thể sống toàn lạc quan; có khi cả hai tâm trạng này liên tục thay đổi nhau trong một ngày.

Hiểu đạo Phật, thấy rằng những gì có sanh có diệt đều là giả, và bi quan hay lạc quan chỉ là cảm xúc của một chúng sanh xúc tác với trần cảnh mà ra. Người học Phật không thấy có bi quan hay lạc quan, mà chỉ thấy sự thật. Sự thật thế nào thì nó là vậy, Phật dạy đời là khổ, khổ vì có thân mạng sinh tử, nhưng Phật cũng dạy sinh được thân người là quý, và chỉ có cõi người mới có đủ cơ hội vươn lên đến cảnh giới cao nhất. Cõi trời theo chúng ta là sướng, nhưng Phật dạy cõi trời không bằng cõi người vì toàn hưởng lạc thú, khó có cơ hội học đạo giải thoát. Việc này trong kinh có kể, trời Đế Thích thường hay ủng hộ những người học Phật pháp ở thế gian, cũng như tự thân xuống tìm học Phật pháp. Kinh cũng kể về đời sống sinh hoạt của đức Phật, Ngài thường có những buổi thuyết pháp cho các vị phi nhân (không phải là người).

Riêng các cõi thấp hơn cõi người là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì quá khổ, quá vô minh không thể tu được. Như thế cái nhìn của người học Phật về cuộc đời, nhân sinh là một vòng quay sinh tử, chúng sanh được sinh ra tất nhiên phải kinh nghiệm về khổ, kinh nghiệm khổ mà không chinh phục khổ để vòng quay chậm lại, thì vòng quay sẽ chẳng bao giờ ngừng. Trục quay có thể ví là ba nghiệp Thân Khẩu Ý của chúng ta, và lực tác động cho vòng quay là hành động tạo tác từ Thân Khẩu Ý, nên khi dừng tạo nghiệp (hành động) ác thì không còn lực quay, phát triển nghiệp thiện, học đạo giải thoát là tháo gở trục quay. Khi trục quay bị tháo gở, thì hình ảnh trục quay không còn nữa, bây giờ không còn vật gì để gọi là quay! Cũng như người sống trong biển trí huệ thì đâu có gì vô minh để mà trừ khử.


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang