- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 25
- Quay về với tự tánh
Bước thêm lên một bước học Phật,
Phật tử chúng ta phải thiết định rõ ràng việc tu đạo, tránh sự gò
bó câu nệ sự tướng bên ngoài mà quên đi bên trong là điều quan trọng.
Phật pháp bàng bạc trong không gian vũ trụ, và con người không thể lìa
thế gian mà tìm pháp giải thoát, (Phật pháp bất ly thế gian giác) điều
này chúng ta đã hiểu; và vũ trụ vạn hữu đều nằm vào lý nhân duyên -
con người bằng nhiều cách quán sát được hình ảnh này để tìm về bản
thể tự tánh. Bản thể tự tánh là ngay trong con người, chẳng thể tìm
được ở đâu cũng chẳng thể do người nào ngoài ta giúp được. Tất
nhiên hiểu được như vậy là do Đấng Toàn Giác chỉ bày, nhưng dù nương
theo hình ảnh Đấng Toàn Giác bằng hình thức bên ngoài cũng không thể
giúp ta giải thoát. Vậy mới thấy hai chữ phương tiện thường hay dùng
để nhắc nhở chúng ta, hãy quay về ngay chính ta là tối quan trọng sau khi
đã nhờ phương tiện mang đến.
‘Một ngày kia Phật nghỉ đêm
ở một trang trại nhà người thợ gốm. Nơi đó, có một người trai trẻ
ăn vận nhà tu đã đến ngụ trước. Hai người không biết nhau. Phật
nhìn thấy người thanh niên khôi ngô đứng đắn bèn hỏi: ‘Ớ bạn Tì
khưu, vì ai mà anh đi tu, vì ai mà anh lìa bỏ gia đình? Thầy anh là ai? Anh
ưa thích giáo lý của người nào?’
Nhà tu trẻ thưa:
-Có nhà tu tên là Gautama, dòng họ
Sakya đã bỏ gia đình mà tìm Đạo. Vì người ấy mà tôi đi tu, và chính
Người ấy là Thầy tôi. Tôi ưa thích giáo lý của Người lắm!
-Ông ấy bây giờ ở đâu?
-Ở phía Bắc, tại thành Savathi.
-Anh có bao giờ gặp mặt ông ấy
chưa? Nếu anh gặp Ông, anh có nhìn ra Ông không?
-Tôi chưa từng gặp người. Nếu gặp
chắc chắn tôi sẽ không bao giờ nhìn ra được.
Phật không chịu xưng tên, mặc dù
biết rằng người ấy vì mình mà đi tu, bèn nói:
-Anh có chịu nghe tôi nói giáo lý của
tôi không?
-Bằng lòng lắm! Bạn cứ nói.
Phật bèn đem giáo lý mình mà giảng.
Sau khi nghe xong, người ấy nhận ra
liền: kẻ đứng trước mặt anh chính là Phật, chứ không ai xa lạ!*
Người tu sĩ trẻ chưa từng gặp
Phật, chỉ nghe giáo lý của Ngài, rồi từ khước đời sống thế gian trở
thành tu sĩ, vậy vị đó đã hiểu được bên ngoài (giáo lý) mà quay lại
bên trong thấy được bản thể tự tánh của mình. Thậm chí vị đó còn
không nhận ra người mình đang nói chuyện là bậc Đạo sư mà vì ngưỡng
mộ để đi tu. Chúng ta ngày nay không khác vị Tu sĩ trẻ đó, chỉ có nghe
giáo pháp - nhưng có thể còn tệ hơn nhiều, vì chỉ nghe và thờ cúng mà
không tìm thấy giáo pháp bên trong là tự tánh giác ngộ. Nếu ta có thể
hiểu rõ về ý nghĩa của sự trở về quy y Tam. Bảo bằng tự tánh,
có lẽ ta cũng sẽ an lạc ngay trong hoàn cảnh hiện thời, giống như
chàng tu sĩ trẻ vẫn an lạc học pháp giải thoát, mà không thắc mắc lo lắng
bao giờ sẽ gặp được Phật hay phải chờ gặp Phật mới thành tu sĩ. Chúng
ta hãy đọc lại phần lý quy y Tam Bảo, và xin đừng cho là quá thường
nghe, bởi điều này là phần kiến đạo của người học giải thoát.
Lý là bên trong. Lý quy y Tam Bảo
nghĩa là quy y Tam Bảo bên trong chúng ta. Nếu chúng ta chỉ thực hành sự
quy y, chỉ giong ruổi theo Tam Bảo bên ngoài, mà quên lý quy y, nghĩa là
quên Tam Bảo bên trong chúng ta, thì chúng ta chưa thực hành đúng nghĩa Tam
quy. Thật thế, bên trong chúng ta cũng có đủ Tam Bảo. Chúng ta cần thực
hành lý quy y, hay tam tự quy: tự quy y Phật, tự quy Pháp, tự quy y Tăng.
1.Tự quy y Phật: Tự nghĩa là
mình đối với mình. Tự quy y Phật là mình tự trở về với Phật tánh
sáng suốt của mình. Vâng, mỗi người đều có Phật tánh, và đều có thể
thành Phật. Đó là lời Phật Thích Ca đã dạy. Nhưng Phật tánh ấy bị
mê lầm, vọng tưởng che lấp. Vọng tưởng như mây mờ, Phật tánh như
trăng sáng, Mây mờ có thể che khuất chứ không thể tiêu diệt được
trăng sáng.
Phật tánh của chúng ta dù bị vọng
tưởng vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thưòng còn. Vậy thì
sao chúng ta lại bỏ quên Phật tánh của chúng ta, mà chỉ chạy theo cầu
khẩn Phật bên ngoài như đứa ‘cùng tử’ có viên ngọc quý, cha mẹ đã
giấu sẵn trong chéo áo mà không biết, lại đi xin ăn cùng khắp mọi nơi?
2.Tự quy y Pháp : Tự quy y Pháp
là vâng theo Pháp tánh của mình. Trong tâm ta có đủ các pháp Từ bi, Trí
tuệ, Bình đẳng, Nhẫn nhục, Tinh tấn...Chúng ta cần phát huy những đức
tánh ấy và hành động theo chúng, tuân theo chúng; như thế là tự quy y
Pháp.
3.Tự quy y Tăng : Tự quy y Tăng
là vâng theo thầy trong tâm mình. Thầy trong tâm mình là đức tánh thanh tịnh
hòa hợp của mình, như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh
bên ngoài. Bấy lâu vì mê muội, không nhận thấy được ông thầy trong
tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, mình nhận thấy được ông thầy thanh tịnh
ấy, thì mình phải quy y thầy của mình trước đã chứ !
Nói tóm lại, mình phải nương tựa,
quay về với Phật trong tâm mình là tánh sáng suốt; với Pháp của mình
là các đức tánh Từ bi, Hỷ xả v.v...;với Tăng của mình là sự hòa hợp,
thanh tịnh của bản tâm. Như thế là Lý quy y Tam bảo.*
Thật sự bấy lâu nay chúng ta học
Phật, thường hay quay về nương tựa với bóng dáng của hình sắc tướng
trạng, nghĩa là quy y về Sự. Nhưng trên căn bản, bản thể giải thoát
là ngay tự tánh ở chính ta, mà phần trình bày lý quy y đã cho ta thấy
rõ. Quy y Phật Pháp Tăng còn nghĩa là quay về tự tánh Giác, tự tánh
Chánh, tự tánh Tịnh.
Chánh Giác Tịnh là đối trị với
sự mê muội, tà kiến, và ô nhiễm - điều đó gạn lọc bản thể của
ta trở thành sáng suốt để không kẹt vào những hình thức mà tưởng là
cứu cánh của con đường. Chúng ta khi đã nương về bằng Sự quy y, để
thiết lập cho mình một nơi đứng vững vàng, rồi quay về tự tánh mà
đi, đó là pháp học chắc chắn giải thoát an lạc. Không nhận hiểu điều
này người học Phật thường rơi vào Sự quy y, rồi sanh tâm phân biệt với
người chưa quy y hay với người vừa mới quy y. Cũng như phán đoán bình
phẩm so sánh hàng Tăng già, hoặc nhìn thầy bổn sư thọ giới cho mình
khác hơn vị thầy mới quen biết.
Cần hiểu được lý tánh, để thấy
thầy bổn sư của ta cũng chính là ta, vì ta phải tự quay về với chính
mình, hoặc do Sự mà nói thì Thầy truyền giới ta, dạy đạo ta, đặt pháp
danh cho ta chỉ là đại diện hình ảnh mang giáo pháp tưới vào tâm ta, và
nếu thật có bổn sư thì Đấng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mới là thật
Bổn sư. Nhưng rồi Ngài cũng chẳng làm im mà răn nhắc chúng ta hãy lấy
giáo pháp làm thầy và làm nơi nương tựa.
_____________________________
*Trích trong ‘Phật Học Tinh Hoa’
của Nguyễn Duy Cần.
________________
*Trích trong ‘Phật Học Phổ Thông’,
của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Khóa thứ nhất, bài thứ tư ‘Quy y Tam Bảo’.