- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 10
- Hành động theo Phật pháp
Mang thân nghiệp bước vào đời tạo
dựng cuộc sống, chúng ta đã nhờ vã rất nhiều nhân duyên. Chúng ta
không thể ngẫu nhiên mà có thân mạng, không ngẫu nhiên mà có kiến thức,
và lại càng không ngẫu nhiên ý thức được việc này. Thử nhìn lại một
vài tiến trình nhân duyên đã tạo cho ta nên người.
Điều đầu tiên là do cha mẹ sanh
ra, cha mẹ sanh ra rồi nuôi nấng; trong việc nuôi lớn bằng thức ăn vật
chất, cha mẹ còn cho ta món ăn tình thương luân lý. Khi lớn lên được gởi
vào nhà trường, bấy giờ thầy cô là người nuôi lớn ta bằng kiến thức.
Gạch nối giữa nhà trường và gia đình là xã hội, nơi đây làm ta tiêu
hóa những thức ăn ở nhà và ở trường. Và chính điểm giữa này, là nơi
quyết định tự đặt cho ta một viễn cảnh: đẹp xấu, vui buồn, thiện
ác...
Theo giáo pháp của Phật, thì hình
ảnh thể sắc con người và hoàn cảnh sống của ta đời nay, phản ảnh
việc làm của ta đời quá khứ, và đời sống tương lai của ta thế nào
là do đời nay ta hành động.
Vậy ra ta có được như ngày nay tất
cả là do ta đã hành động trong quá khứ kiếp. Việc mang nghiệp thân vào
đời là lực tác động phản lại của nghiệp. Chẳng hạn ngày trước ta
có thể là một thương gia, nên đời này ta mới chạy đua vào thương trường.
Ngày trước ta làm tu sĩ dỡ dang nên kiếp này ta hay trầm tư suy nghĩ, và
thường tránh nơi ồn ào náo nhiệt. Hoặc ngày trước ta có thể là kẻ
lãng du sống bất cần đời, nên kiếp này ta không hài lòng một nơi nào
cả, và thù ghét triết lý viễn vông...v.v và v.v...
Ngày nay ta tiếp tục hành động, và
những hành động này có khuynh hướng mạnh về đời trước của ta.
Tất nhiên ta vừa hiểu nghiệp quá
khứ đã cho ta cảnh sống ngày nay, nhưng nghiệp quá khứ không thể gây
ảnh hưởng cả một đời của một người có nghị lực muốn vươn lên.
Nếu quả thật ta bất lực thay đổi vì nghiệp báo, thì cuộc đời sẽ
không có được đến một người tu. Và mọi người đều phó thác cho định
nghiệp để gọi là định mệnh an bài; từ đây dẫn đến việc không tin
nhân quả, rồi tự do hành động xuôi theo dục vọng sai khiến. Cuối cùng
kết quả đau khổ càng chồng chất thêm.
Hành động theo Phật pháp là hành
động tích cực tạo thiện tránh ác, và khi ý thức so sánh hơn thua dẫn
đến tạo nghiệp, thì người hành động theo pháp giải thoát hẳn nhiên
phải chọn con đường thiện nghiệp mà đi, do đó nếu hơn người mà tạo
ác nghiệp thì người hiểu chánh pháp sẽ không tham gia. Tuy vậy hành động
tạo nghiệp thiện ác không tuyệt đối cứng nhắc, mà còn tùy tình huống
hoàn cảnh của vấn đề. Chẳng hạn, vì phải làm việc ác mà tạo được
nhiều việc thiện giúp người, thì ác đây hóa thành phương tiện phải làm.
Trở lại vấn đề, giả như ta là
thương gia tất nhiên việc làm của ta sẽ tiến triển theo đường hướng
lương thiện, biết vừa phải trong cách làm việc của một người bán
hàng. Nếu ta là người hay trầm tư suy tưởng, thì cố hoán chuyển những
suy tưởng đó thành cụ thể vấn đề. Nếu ta là người thực tế, chẳng
cần muốn tìm hiểu đến tương lai xa xăm, nhất là việc trừu tượng viễn
vông, thì ta nên thực tế nghĩ ngay chuyện bây giờ, chuyện ta đang làm,
đang ở, đang sinh hoạt trong xã hội này có ảnh hưởng thực tế gì đến
người khác không.
Như thế hành động theo Phật pháp,
chỉ là biết cách hưởng thụ món ăn mà ta thừa hưởng, để được tiêu
hóa đời này đến cả đời sau. Và có khi còn ảnh hưởng nhiều đời nữa.
Nghĩ vậy mà cẫn thận chọn lựa món ăn nào dễ tiêu, có ảnh hưởng nuôi
được thân mạng cũng như huệ mạng. Huệ mạng là chất liệu trong sáng
đi sâu vào tâm thức giúp ta sáng suốt đi dần đến con đường vượt khổ.