Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

28
Cao siêu của sự cung kính lễ lạy

Vào Phật đạo bằng tâm cầu giải thoát, không gì hơn sự cung kính lễ lạy, sự lễ lạy kính thành ươm lên nét đẹp của một con người chân thiện. Sự lễ lạy chân thiện, làm sống dậy giáo lý giải thoát của một nhân cách sáng ngời hướng về tánh thể vô ngã vô phân biệt. Càng dâng tâm cung kính càng tô đẹp tư chất của mình, càng khiến mình hòa vào dòng nước thanh lương, chân vị, vô úy (không sợ hãi). Lý sự của hành động cung kính lễ lạy thật quá cao siêu, và công đức không thể lường được. Ngày nay những người học Phật chúng ta hình như đã xem nhẹ việc này, nhất là khi kiến thức Phật học được tô bồi khá cao. Tiếc thay kiến thức đó chẳng là cứu cánh đi vào giải thoát, có chăng chỉ giúp ta hiểu được giáo pháp bên ngoài, mà bên ngoài đó là cái vỏ bản ngã to lớn ngăn chặn cái tâm bên trong; nhưng cái tâm bên trong cũng chẳng phải là cứu cánh giải thoát, phải đạp phá cái tâm đó luôn vì nó cũng là cái để biện hộ cho cái ngã vi tế.

Phải bỏ, bỏ tất cả, bỏ luôn cái bỏ tất cả mới hòa vào được an lạc giải thoát. Kiến thức Phật học là điều quan trọng đó, thật phải chấp nhận cho bước đầu, nhưng bước giữa bước cuối nên cẩn thận, không thôi sẽ là cái kẹt, tiêu phá mất đi bước đầu của chúng ta.

Lẽ nên vào Phật đạo ban đầu thế nào, đến bước cuối cuộc đời phải như thế đó hoặc phải hơn là khác. Người vào đạo giải thoát nào, có được kiến thức Phật học cao mà chí tâm cung kính lễ lạy, người đó gặt hái phước đức càng cao thêm. Tất nhiên là vậy, vì như trên đã nói, rất dễ bị kiến thức bảo đừng: đừng hình thức nhiều nữa, hãy lạy bên trong, hãy phá chấp hãy đạp tất cả những chướng ngại bên ngoài, nên quay về mình vì tất cả chỉ là, chỉ là phương tiện khơi dậy Phật tại tâm mà thôi! Có lẽ chúng ta ít nhiều trong giai đoạn tu học đã bị rơi vào kiến thủ chấp này.

Đạo giải thoát là đạo sống, thể hiện ra bên ngoài qua cách sống, cách đối xử - và lễ lạy cung kính là căn gốc nền tảng nói lên bên trong đã thuần thục. Chấp tay xá chào là sự kính nhường lễ lạy, mở miệng kính bạch kính thưa là sự chân thành lễ kính, hình ảnh như thế chẳng những tác động vào tâm người mà chính mình cũng dội lại sự an bình hòa ái. Người đứng ngoài cửa đạo giải thoát, còn có thể xử sự cung kính tay bắt mặt mừng, huống gì người học đạo giải thoát không vượt siêu hơn sao! Nói đúng ra, sự cung kính lễ lạy, nào có phân biệt người tu hay kẻ không tu, chỉ có khác là người tu hướng đến sự lễ lạy để được giải thoát. Sự lễ lạy hóa thành hình thức khi thân lễ mà tâm chẳng lễ, nghĩa là chẳng có cung kính nên phóng tâm đâu đâu.

Cao hơn nữa, nếu ta không thể lễ như ‘năng lễ sở lễ tánh không tịch’ là không còn phân biệt người lễ hay đối tượng được lễ, thì ta phải nhất định xem ảnh tượng đó phải là thật, đây giúp ta nhiếp vào sự kính mộ hướng về. Tất nhiên chúng ta đã hiểu, đức Phật không phải thần linh ban ơn giáng họa, cho nên sự lễ lạy phải tự tại vô úy, nghĩa là không sợ gì cả, mà chỉ sợ ma lực của vô minh đánh mất bản thể giác ngộ của ta thôi. Ma lực vô minh đó cũng từ trong ta, chớ chẳng phải bên ngoài, thế nên lễ lạy để hướng về tự tánh giác ngộ, NHƯNG không thể tìm được tự tánh đó nếu không hướng về hình ảnh tuyệt vời giải thoát của Phật Đà. Do vậy lễ lạy, chỉ là chân thành biểu lộ niềm tri ân sâu kín nhất đối với bậc Đạo sư đã chỉ bày giáo pháp giải thoát. Thế là ngay lúc lễ lạy ta tức khắc vừa tìm được lại mình, là tự tánh Giác, tự tánh Chánh, tự tánh Tịnh mà còn dâng lên được sự cúng dường tri ân đức Phật. Nếu nói phước báo sẽ thế nào? Câu trả lời sẽ là vô lượng phước báo không thể tưởng được. Phước báo vô lượng là ta sẽ thành Phật trong tương lai, bởi ta đã tìm được tự tánh không tịch của mình. Trong kinh ‘Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật’, Phật có kể công đức tạo tượng, nói về Ông Kiều Phạm Ba Đề như sau: ‘®g Kiều Phạm Ba Đề xưa là thân trâu, nhơn tìm cỏ nước đi quanh tịnh xá, ăn cỏ trong những bụi tre, do thấy tôn dung của Phật, phát tâm vui mừng, nhờ phước đó mà nay được giải thoát’

 

Ngay loài vật, chỉ thấy thân Phật, tỏ sự vui mừng mà được phước báo giải thoát, thì chúng ta là loài hiếm quý, tức loài người lại còn được quy y, nay thành kính chí tâm lễ lạy lại không được giải thoát sao! Điều này phải thật tin như vậy.

Nhưng thực tế của lễ lạy còn tạo cho ta sự an tâm thanh thản, ta có thể nhẹ nhàng dẹp đi tánh tự kiêu ngã mạn, tánh bảo thủ tự tôn, tánh nhìn người bằng con mắt dò xét khinh thị...Nếu không được vậy, thì làm sao ta có thể nào mang tâm niệm bất kính đó trong khi phủ phục kính lễ dưới chân tượng Đấng Thế Tôn! Ta phải tàm quý lắm! Đấng Điều Ngự chắc chắn soi rõ tâm ta như vậy, và Ngài sẽ trải tâm Ngài vào tâm ta, bấy giờ bao nhiêu tâm xấu hèn đó trở nên rơi rụng, ta bỗng thấy mình lắng tĩnh thật sâu vào bên trong và hòa thành tâm từ bi vô ngã. Ngay đây có một số người cảm nhận được niềm chân cảm vô biên của tự tâm mà xúc động đến rơi lệ. Có lẽ họ nghĩ Phật từ bi quá! Phật cao siêu quá! Và Phật, Ngài đã bình thường quá đến nổi tội lỗi vô minh như con mà Ngài vẫn hòa vào một điệu...

Hiện thời chúng ta hãy tự nghĩ, xem mình đã thực hành đúng nghĩa lễ lạy chưa! Riêng vấn đề lễ lạy vái chào các vị tôn đức thì thế nào? Tùy theo chức phẩm đạo vị các Ngài mà đảnh lễ, và thế nào chăng nữa ta cũng nên cung kính đảnh lễ là hơn, vì phước báo lợi ích đó tự dội ngược về ta chẳng mất đâu cả. Trường hợp so sánh lễ lạy này cũng đáng lưu ý, đôi khi ta chỉ cung kính lễ lạy ảnh tượng Phật, nhưng đối với các bậc tôn túc có khi ta không đảnh lễ lại còn có tâm niệm thất kính. Chỉ nghĩ có Phật mới đáng lễ lạy! Ý tưởng này đã tự làm ta rơi ngay vào tánh ngã mạn; ta đã quên rằng các vị tôn túc trưởng lão là hình ảnh truyền thừa sanh ra hàng tăng trẻ. Và nếu ta cung kính đảnh lễ, thì hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp tiếp nối mãi, duy trì mãi cho những người đi sau. Truyền thống Phật giáo ở Nhật, họ hành lễ hướng về chư Tổ còn lớn hơn là Phật, vì họ quan niệm không có các Tổ đem đạo Phật đến cho họ, thì làm sao họ hiểu được Phật pháp! Thế đó, nếu vì lý do gì ta không thể đảnh lễ được các vị tôn túc trưởng lão nào đó, thì thôi chớ không nên thất kính. Trường hợp nữa, đôi khi ta chỉ quá kính lễ một vài bậc tôn túc, thể hiện qua việc đảnh lễ cúng dường, nhưng lại xem nhẹ phần lễ Phật; để thành lạy Phật qua loa cho có, chẳng bằng vui mừng hơn, lễ lạy các vị Tôn túc mình kính trọng. Điều này lại phải coi chừng ta mất hết công đức, vì ta quên rằng các vị tôn túc mà ta kính trọng đó, cũng phải thành kính đảnh lễ ảnh tượng kia! Lại không chừng các Ngài còn thành kính đảnh lễ hơn cả ta nữa. Ấn Quang đại sư, bậc cao Tăng chứng đạo ở Trung Hoa thường dạy người học Phật chớ nên xem thường sự kính lễ hình tượng Phật, Bồ Tát vì bao nhiêu phần kính lễ thì sanh công đức bấy nhiêu.

Vậy thì lễ lạy rõ ràng đưa ta quay về lại bản tâm thanh tịnh, giác ngộ tự tánh của mình, cho nên xưa nay không biết bao nhiêu các vị cao tăng hành đạo đều nương vào việc cung kính lễ bái này. Và hình ảnh một hành giả trong tư thế nhiếp cả thân tâm hạ người cung kính đầu chấm sát đất trước tôn tượng Thế Tôn, là một hình ảnh tuyệt đẹp, mà cả chính người nhìn xem cũng phát tâm hoan hỷ, hà huống tự mình dâng thân đảnh lễ thì sự an lạc chắc phải là hơn...

____________

*Kinh Công Đức Tạo Tượng Phật, T.T Thiện Thông dịch, 1995.


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang