- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 17
- Thương yêu
Đời sống mưu sinh, ngoài vấn đề
tìm miếng ăn chốn ở, chúng ta còn tìm một việc cũng quan trọng không
kém đó là thương yêu. Thương yêu của người này có thể căn nhẹ hơn
người kia, có thể không mãnh liệt hơn người khác, tuy nhiên dù khác thế
nào ai cũng cần có. Hay nói đúng hơn sống thiếu thương yêu thì mất ý
nghĩa. Người ta có thể sống nhờ vật chất nhưng lại khó tồn tại nếu
thiếu thương yêu. Thương yêu làm con người sống gần lại nhau, thương yêu
làm môi trường, cảnh vật tươi đẹp ra.
Nhìn xem lịch sử thế giới, bao cuộc
giết chóc xảy ra từ xưa đến nay, tất cả cũng vì mất thương yêu. Nếu
con người khai thác tạo dựng thương yêu dồi dào đúng ý nghĩa hơn, thì
lòng tham muốn thắng người, hơn người sẽ yếu hẳn đi.
Là người học Phật, chúng ta hẳn
hiểu thương yêu mang lại hạnh phúc cho mình cho người, cho tất cả sự sống
chung quanh ta - tuy nhiên niềm thương yêu rốt ráo của người mong cầu giải
thoát, phải là thương yêu với tinh thần từ bi trí huệ. Thương yêu theo
tình cảm trí giác thường tình thường hay lo lắng, phập phòng. Nói cách
khác sẽ khó được trọn vẹn, điều này người hiểu Phật pháp thấy
rõ như thế. Tất nhiên hiểu như thế không phải mất đi hạnh phúc, ngược
lại chúng ta càng phát triển được yêu thương chân thật hơn.
Sự thật vấn đề này, khi nghe đến
những vị đắc đạo, trước kia quý vị đó cũng không khác chúng ta; cũng
bân khuân nên thương yêu thế nào để khỏi kẹt vào phiền não mà phát
sanh được trí huệ. Lại nữa, các vị hơn ai hết là người hành động
thương yêu trọn vẹn. Chắc chắn một điều ta biết, người đắc đạo
không thể là người có tình thương ích kỷ!
Người sống nhỏ nhoi với hạnh phúc
hạn hẹp riêng mình, qua đó tình thương yêu của họ cũng hạn hẹp
tương xứng, và những phiền não cũng nẩy mầm. Thương yêu không trí huệ,
là thương theo sự sai sử của bản ngã đặt vào một vị trí cố định
của vọng tưởng. Thương mà chẳng hiểu người mình thương sẽ được gì,
thương mà chẳng biết kết cuộc tình thương chấm dứt ra sao. Hiểu Phật
pháp chúng ta thấy, đời sống một chúng sanh không đơn thuần chấm dứt
ở vài chục năm, không thể dứt khoát yêu thương trong một đời sống ngắn
ngủi. Do đó theo luật nhân quả, yêu thương không trí huệ sẽ là những
mắc xích đeo mang vào mình đến muôn kiếp...Trong kinh Niết Bàn, khi Phật
sắp vào Niết Bàn, cư sĩ Thuần Đà than khóc van nài xin Phật hãy thương
xót chúng đệ tử mà ở luôn nơi đời đừng nhập Niếp Bàn. Và Phật dạy
như sau: ‘®g chẳng nên nói rằng thương xót các ông mà ở luôn nơi đời.
Chính vì thuơng xót ông và các chúng sanh mà hôm nay Phật mới muốn nhập
Niết Bàn. Vì sao thế? Chư Phật pháp nhĩ như vậy. Pháp hữu vi cũng thế.
Nên chư Phật nói kệ rằng:
Các pháp hữu vi
Tánh nó vô thường
Sanh rồi chẳng trụ
Tịch diệt là vui.
Đó là lời dạy về tình thương
đầy trí huệ của đấng Giác Ngộ mà phàm phu chúng ta nào ngờ được.
Với chúng ta càng thương càng khổ,
mình khổ đã đành kẻ được thương cũng khổ theo. Bởi vì lấy dục ái
mà thương nên người được thương cũng nhiễm ái; dục ái thương yêu
là tham muốn yêu thương xác thân máu mủ, là hình ảnh tiếp xúc với căn
thân ái dục, nên sinh ra vọng thức dục tình trở thành tình thương thô kệch.
Vọng thức nhiễm dục quá nặng,
nên tình thương sâu đậm đến nỗi thân xác không còn ái dục được nữa,
mà tư tưởng vẫn nuôi mãi dục ái kia, nên đeo đuổi nhau hoài trong luân
hồi lục đạo. Thương yêu bằng trí huệ là thương bằng chân thức bằng
giác niệm, và chân thức giác niệm đó phải lìa khỏi vọng tình của dục
ái.
Nhìn lại con người chúng ta, chúng
ta có thực hành được thương yêu không dục ái? Tất nhiên là không, vì
giản dị rằng thế giới chúng ta đang sống là thế giới của dục ái
(cõi dục). Thế giới mà con người tranh đấu không ngoài tham muốn thương
yêu ái dục mà ra. Lẽ vậy thế giới có bao nhiêu người thì bấy nhiêu
người nhiễm dục; và trong muôn người lớp lớp sinh sinh tử tử ấy, nếu
có vị nào không nhiễm ái dục, thì vị đó đúng là Thánh nhân. Đức Phật
là vị Đại Thánh tiêu biểu cho hình ảnh vô nhiễm dục ái mà chúng ta biết
được. Tiếp nối sau là hình ảnh đệ tử đắc đạo của Ngài, đã thật
sự thực hành thương yêu không dục ái. Vậy chúng ta là người học Phật
nghĩa là đệ tử Phật, tất nhiên phải ý thức việc này, và sớm muộn
gì phải yêu thương thuần theo trí huệ.
Thực hành ban đầu tình thương không
ái dục là giảm bớt phân biệt; muốn giảm bớt phân biệt trước phải
giảm cường độ yêu thương của người mình thương yêu nhất. Tùy vào
hoàn cảnh của mỗi người mà người mình thương yêu nhất có thể là
cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh chị em...
Người sống với tình thương trí
huệ, thấy được người mình thương nhất không phải là một người, mà
là hai người, rồi cố gắng tìm thêm ba người, bốn người, năm người
cho đến được mười người thương nhất. Tìm được mười người
thương nhất, tự nhiên nhìn lại người mình thương nhất ban đầu bây giờ
đã không còn cường độ thương mãnh liệt nữa. Tìm được tình thương
hài hòa bình đẳng trong gia đình thân tộc rồi, lại hóa rộng tình thương
ra. Trước kia ta chỉ có một vài người bạn thân, giờ hãy làm sao có
được nhiều bạn thân nữa. Nếu không thể tìm được nhiều bạn thân,
thì ta hãy đối xử với người không phải là bạn như là đối xử với
một người bạn, nghĩa là ta sẽ không còn ai là bạn thân như ngày xưa, mà
chỉ là những người bạn bình thường. Điều này giúp ta có thể làm bạn
bất cứ một ai.
Đây là bước thực hành căn bản,
nhưng không phải dễ, vì con người chúng ta vốn tham ái chấp ngã nay phải
san sẻ thương yêu tất cả, tức phá lòng tham si, ái ngã của mình, thành
ra khi hành được như vậy bản ngã sẽ giảm đi nhiều, tức tham ái cá
nhân không còn nữa. Tham ái bản ngã không còn nhiều, thì tình thương sẽ
chan hòa ra, cho nên không cần phải thương yêu quá một ai để thành bi lụy.
Thương yêu sáng suốt trí tuệ như
thế, ngẫu nhiên không còn ai là thù là ghét, vì chính sự thương yêu là
điều dễ chịu mà ta còn khéo léo dè dặt không để mắc kẹt gây ra phiền
não thì thù ghét để làm gì! Nhưng nói thật ra khi đạt được trí huệ
giác ngộ rồi, thì cả đến ý niệm thương yêu để làm gì đó, cũng không
còn vướng bận đến hành giả thật tu trên con đường giải thoát.