Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

Mục lục


Lời giới thiệu

Đạo Phật chú trọng ở điểm: thấy - nghe - suy nghĩ và hành trì. Thấy có chính xác mới hiểu đúng không lệch lạc, thiên kiến. Nghe có đúng thật mới không truyền đạt sai sự thật. Suy nghĩ có chín chắn có cân nhắc kỹ càng, phát ngôn mới đúng. Hành trì chỉ là việc cộng lại những gì đã nghe, thấy, hiểu và suy niệm một cách cẩn thận.

Ba vị đại Bồ Tát thường được xưng tán lễ lạy là Văn Thù, Quán Thế Âm và Phổ Hiền qua quá trình quán chiếu: nhãn căn thanh tịnh, nhỉ căn viên thông và ý căn thuần thục vô ngại. Bồ Tát Văn Thù với đôi mắt thương nhìn cuộc đời. Ngài biết dừng lại để quán chiếu sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Đức Bồ Tát nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn; không thành kiến, không cố chấp; và vì vậy Ngài đã thấy và hiểu được tận gốc rễ của mọi khổ đau, rõ được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật. Vì thế, chúng ta xưng tụng Ngài là bậc đại trí. Ngài dùng thanh gươm trí tuệ đoạn dứt phiền não, giải thoát mọi khổ đau cho chúng sanh. Bồ Tát Quán Thế Âm đạt được nhỉ căn viên thông. Ngài biết lắng nghe những tiếng kêu cầu thống thiết của chúng sanh để lân mẫn cứu giúp cho cuộc đời bớt khổ. Đức Bồ Tát chính là bà mẹ hiền lắng nghe và tin hiểu bằng trái tim cảm thông trong sự thương yêu tha thứ; không thành kiến, không phân biệt; không phán xét để làm vơi nỗi khổ đau của mọi người và của mọi loài. Ngài chỉ chăm chú lắng nghe thôi cũng đủ hiểu được những điều chúng sanh muốn nói để lòng thương yêu ban rãi đến khắp mọi cõi lòng. Bồ Tát Phổ Hiền với ý căn thuần thục vô ngại qua hạnh nguyện cao cả của Ngài để tâm thức đi vào cuộc sống, ban cho người niềm vui và giúp cho người bớt khổ. Dáng vẽ ung dung tự tại của Bồ Tát xông xáo vào đời mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người. Đó là tất cả những gì hành giả cố gắng lần dò dõi bước theo để đem nguồn an lạc tuyệt vời đến cho mình và cho cả muôn loại .

Học và hành trì hạnh xuất thế cần phải trải qua quá trình tinh luyện đãi lọc thân tâm mà sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chưa thu nhiếp, điều phục là trên đường tu còn gặp phải thiên nan vạn nan và đích dừng chân hãy còn xa vời vợi. Dù vậy, những gương tu chứng của các bậc Bồ Tát, Tổ sư, hành nhân liễu đạo vẫn là thước đo chuẩn xác cho hành giả đang tập tểnh dò tìm. Đại Đức Thích Phổ Huân là đệ tử của Pháp Bảo, đã cố gắng trình bày những kinh nghiệm hành đạo, sống đạo, hiểu đạo qua tác phẩm: "Nhân duyên vào Đạo Phật" mà quý vị đang có trên tay. Đây là một sự cố gắng đáng khích lệ, vì soạn giả phải đóng khung trong căn nhà nhỏ tại thành phố chật hẹp Luân Đôn để hoàn thành chỉ trong thời gian vài tháng, tác phẩm dày trên 200 trang thế này!

Qua tác phẩm, những chủ đề quen thuộc được diễn tả bằng cái nhìn có chánh niệm của người xuất gia trong môi trường hải ngoại giữa thời đại văn minh khoa học tân tiến ngày nay, đủ nói lên chí nguyện và sự gia tâm tu trì của tác giả.

Với tư cách là thầy giáo thọ và cũng là người lãnh đạo, tôi xin hân hạnh viết mấy lời giới thiệu ngắn gọn này như là món tặng phẩm thanh quí gởi đến quý độc giả bốn phương. Và bây giờ nào mời quý vị hãy thử giở từng trang để đọc kỹ. Phần nhận xét tác phẩm hẳn xin nhường lại cho quý vị.

Sydney quý đông năm Canh Thìn
Ngày 18 tháng 8 năm 2000
T.T. Thích Bảo Lạc

Lời nói đầu

Làm quen đạo Phật là một duyên lành, hiểu đạo Phật là duyên lành lớn, và thực hành được đạo Phật ngay đời sống này là tận hưởng duyên lành đó. Chúng tôi may mắn làm quen duyên lành này, nhưng chỉ hiểu cạn cợt, do đó thực hành đang là từng bước. Nhưng đạo Phật lại quá nhiệm mầu huyền diệu, không như các môn học thế gian mà người tìm học chỉ thường được đền bù kết quả ở một đời này. Đạo Phật chẳng những đem lại kết quả đời này, lại còn đưa người đến những cõi miền xa nữa, nơi ấy là những biển trời tâm thức, không còn đối đãi bằng những dục tình phàm tục thế nhân. Và thế tất nhiên không còn hệ lụy của ý thức khổ vui.

Chính sự huyền diệu này, mà chúng tôi đã cảm nhận không phải lo lắng cố tạo cho mình sự thông hiểu như là môn học thế gian, bởi vì dù có hiểu thế nào cũng chỉ là nếm từng vị ngọt tươi mát của pháp vị, mà pháp vị đó nhiều như nước biển. Cho nên cố gắng cũng không sao nếm hết, tuy nhiên vị ngọt kia cũng chỉ là một vị mà thôi.

Trình bày đôi điều thô thiển trong quyển sách này, chúng tôi chỉ muốn chia xẻ một niềm vui, một niềm vui mà chúng tôi cảm được. Quan trọng hơn là những lời tự răn nhắc cho chính chúng tôi, để thầm nhớ duyên lành mà mình hiện đang tập tành từng bước. Và nếu trong một sát na duyên khởi nào, người đọc bất chợt thấy được tiếng vang đồng điệu ở một vài câu, ở trong đôi chữ thì đó cũng chỉ là những nhân duyên mà người đọc và người viết đã bỏ rơi đâu đó nay chợt tìm thấy lại.

Chúng tôi rõ biết khả năng và căn cơ của mình nên không dám móng tâm khuyên bày, lý giải cho ai đó, vì biển pháp mênh mông mà con thuyền quá nhỏ lại đơn độc một mình dám đâu không mong người chỉ dạy.

*

Khởi viết vào cuối năm 1999, và hoàn tất tại Luân Đôn vào giữa năm 2000. Tưởng không quên nhắc đến nhân duyên trợ giúp cho việc hoàn thành tác phẩm này; chúng tôi xin tri ân đến Anh Nguyễn Tiến Dõng đã hỷ tặng máy computer kèm theo phần nhu liệu tiếng Việt để chúng tôi có thể trực tiếp đánh thẳng vào máy. Anh chị Minh Đàn (Nguyễn Ngọc Điệp) hỷ tặng phần hình Monitor và máy in (hiệu BJC-2000). Đặc biệt gia đình Điệp Hương, đã tạo duyên cho chúng tôi có được tịnh thất yên tịnh để hoàn thành tác phẩm. Và cùng quý vị đạo hữu góp phần tịnh tài ấn tống.

Chúng tôi cũng xin tri ân quý vị Tác giả, dịch giả mà chúng tôi mạn phép trích dẫn trong sách này.

Cuối cùng không quên ân nghĩa dưỡng dạy của Thầy Bổn sư, là thượng Bảo hạ Lạc đã tạo nên những phương tiện nhân duyên tích tụ thành những ý tưởng như ngày hôm nay.

Vì là kẻ đang tập tành từng bước nên ý tưởng chắc phải sơ sót, vậy kính mong chư vị Thiền đức, tri thức học giả niệm tình chỉ dạy.

Nguyện đem công đức nếu có được này, xin cầu nguyện cho tất cả quý vị nói trên, thân tâm luôn sống trong ánh từ quang của chư Phật, và nhất nguyện cho thế giới hòa bình, hết thảy chúng sanh kẻ mất được siêu người sống an lạc cuối cùng sẽ hòa vào biển giác.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Luân Đôn, Vùng Woolwich - Greenwich 21 /7 /2000
Thích Phổ Huân

Chân thành cảm ơn đại đức Nguyên Tạng đã tặng bản điện tử. ĐPNN, 1-12-2000


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang