- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 36
- Xả bỏ
Chúng ta hiểu đạo Phật qua ý niệm
thoát ly, giải thoát. Thoát ly căn bản trước tiên, là những gì
thô kệch có thể thấy được, rồi tiến cao hơn là điều không
thấy được như là tư tưởng, nhận thức v.v.. Người học Phật sơ
cơ như chúng ta, thấy rõ vấn đề này khi nhìn vào các vị tu sĩ. Họ
thật có thoát ly, xả bỏ đó. Họ thoát ly gia đình, xả bỏ nhà
cửa thế gian, để vào nơi chốn không gia đình vợ chồng con cái,
không cảnh vật chất điểm tô trang trí như cảnh thế gian; nơi họ
sống gọi là chùa, am, tự viện và chùa am tự viện đó có điểm
tô đi nữa cũng là nơi mà mọi người có thể viếng thăm, không
ngại ngùng như chỗ riêng rẽ một ngôi nhà thế tục. Người cư sĩ
tu Phật còn ngoài thế gian cũng đã thoát ly, xả bỏ. Thoát ly nơi
ồn ào kích động, có tánh cách kích thích khơi dục vọng tâm, nếu
họ quyết giữ năm giới, mười điều thiện. Họ xả bỏ những gì
đấu tranh, nếu không là chánh nghĩa mang yêu thương hòa bình đến cho
nhân loại v.v...Vậy người tu sĩ và cư sĩ về việc thoát ly và xả
bỏ căn cứ vào lý giải thoát hướng đến quả giác ngộ (Phật)
không khác biệt, tuy nhiên về sự giải thoát thì có khác biệt rõ
ràng như trên đã nói.
Tuy vậy để được giải thoát rốt
ráo, chúng ta phải thoát ly cả hai mặt lý sự.
Với người sơ cơ học Phật, việc
xả bỏ nào cũng quan trọng. Và hẳn nhiên tuần tự thoát ly xả bỏ
trước tiên là những gì thô kệch, những gì có thể thấy được
đụng chạm được mà có thể trói buộc ta vào sự tham đắm, si mê
thì ta phải từ bỏ. Chẳng hạn xả bỏ sát sanh không hại vật, xả
bỏ nói dối v.v...Chúng ta vẫn băn khuăn rằng, vì phương tiện đời
sống nên việc thoát ly xả bỏ không thể như ý; cũng như nếu xả
bỏ như ý thì ảnh hưởng đến hoàn cảnh chung quanh. Chẳng hạn vai
trò của một người chồng đang còn gánh vác việc sinh sống nuôi gia
đình, thì người chồng đó không thể xả bỏ hoàn cảnh và trách
nhiệm mình. Vai trò người vợ đang còn đảm đương việc chăm sóc
dạy dỗ con cái, lại không thể xả bỏ được bổn phận, và vai trò
của người con đang phụng dưởng cha mẹ già, hay đàn em nhỏ dại
cũng không thể xả bỏ trọng trách đó.
Tất nhiên trong tình huống nào, mà ta
cảm thấy sự xả bỏ có thể tạo ra một thực cảnh đau buồn dằn
vặt lương tâm, thì điều xả bỏ đó chưa phải là hợp lý. Tuy vậy
việc học Phật để đạt được an định tâm hồn, chúng ta phải tập
dần việc xả bỏ. Trong những tiền thân đức Phật, Ngài dạy rằng,
để đạt được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã từng xả
bỏ, bố thí không biết bao nhiêu là thân mạng. Dù trong những kiếp
làm súc sanh, Ngài vẫn là những con vật chấp nhận hy sinh xả bỏ,
để có thể cứu nguy, đem lại an ổn cho các loài khác. Nay đến
đời sống cuối trong cảnh đế vương, Ngài cũng xả bỏ tất cả
trước khi thành đạo. Và sự xả bỏ như vậy cho thấy, là việc
tự nhiên của vấn đề, bởi không thể vừa còn ôm giữ vật
chất mà an định được tinh thần. Ta có thể thấy rõ hơn, khi còn
vương vấn việc gì, tất nhiên tinh thần phải do dự lo lắng.
Việc xả bỏ hướng đến giải thoát
là vấn đề siêu xuất thế gian, nên không thể đặt ra một tiêu
chuẩn nào. Và ngược lại, thế gian là đối tượng của vấn đề
giải thoát, cho nên ta vẫn xả bỏ theo cái nhìn của mỗi hoàn cảnh
chứ không chấp chặt một quy luật nào, nhưng được vậy phải có
trí huệ, nghĩa là phải học hiểu Phật pháp mới thực hành được
hạnh xả ly.
Giản dị mà hiểu, nếu ta muốn xả
bỏ tham, cụ thể chúng ta phải sống giản dị vừa đủ, ít ham muốn;
muốn xả bỏ sân giận phải tập tánh vui vẻ, yêu thương hài hòa
tôn trọng tất cả, và muốn xả bỏ si mê phải thường chăm đọc
kinh sách hay nghe pháp, niệm Phật tọa thiền...nói chung tập gần gũi
phương tiện gì mang khuynh hướng giải thoát.
Như thế, nếu không xả bỏ thì không
giải thoát. Do đó dù học Phật cách nào, việc xả ly những gì có
thể làm trói buộc tạo ra phiền não sinh tử, là việc đứng đầu.
Khi xả bỏ được những hình ảnh,
hành động thô kệch, bây giờ chúng ta mới tập xả bỏ những cái
vi tế. Vấn đề vi tế cũng vẫn là tham, sân, si nhưng bây giờ cái
tham có phần tinh tế hơn. Theo giáo lý nhà Phật, thì phần tham vi tế
này thường được đề cập đến hàng nhị thừa, tức các vị Thanh
Văn, Duyên Giác; các vị xả bỏ cảnh ô trược phiền não để tìm
an lạc trong cảnh an tịch của các cảnh trời vô sắc, hay những cảnh
giới mà các vị chiêu cảm ra. Điều này đức Phật đã thường
nhắc nhở, và cho đó chỉ là giai đoạn đi đến giải thoát, chứ
chưa thể coi là đạt đến cứu cánh giải thoát; và nếu ngừng tại
đây thì cảnh giới Phật vẫn còn xa. Chúng ta, hàng sơ cơ học Phật
căn tánh còn quá đổi u mê không thể so sánh với các vị Thanh
Văn, có đâu lại dám nói là xả bỏ được cái tham sân si vi tế.
Tuy nhiên một điều thành thật thấy rằng, khi ta móng tâm lên hay
vọng tưởng một điều gì bất thiện, thì đó là những tham sân vi
tế. Nhận được sự động tâm như vậy, rồi ngăn chặn, tức thực
hành được việc xả bỏ phiền não vi tế. Nhưng không chỉ điều bất
thiện nhỏ là vi tế mà cả chính điều thiện cũng có thể sinh ra
phiền não vi tế, tức là sự cố chấp việc thiện, tự thị cho mình
đã làm việc thiện rồi phân biệt nhân ngã, bỉ thử (có người,
có ta, có đây có kia). Trong tứ Thánh Quả, quả Dự lưu là quả Tu
Đà Hoàn, quả này chỉ mới bước vào dòng Thánh lấy đà tiến
đến quả vô sanh là A La Hán. Muốn đạt quả này hành giả phải
đạt được pháp vô chấp về nhân ngã. Đây thấy rằng tầm mức
xả bỏ ở phần vi tế khó khăn hơn, do đó hành giả nào thực
hiện được việc xả ly vi tế tức đã đi gần đến quả Thánh.
Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo có
pháp Tứ Chánh Cần, thiết nghĩ đây là phương cách giúp chúng ta
xả bỏ những vi tế trói buộc. Tứ Chánh Cần là bốn điều chuyên
cần hướng về chánh pháp: thứ nhất là chuyên cần ngăn chặn
những điều bất thiện chưa phát sanh. Thứ hai chuyên cần dứt trừ
sự việc bất thiện nào ta đã lỡ phạm, tức sẽ không tái phạm
nữa. Thứ ba chuyên cần phát huy, khai thác những điều tốt đẹp
thiện lành nào chưa phát sanh trong tâm. Và thứ tư, nếu ta đang sống
hành động việc thiện, thì cố gắng chuyên cần tiếp tục duy trì
phát huy điều hay đẹp đó. Bốn điều này nhắc ta có đủ thời gian
suy niệm để đối phó vấn đề thiện ác, khi chưa biến thành hành
động.
Khi tư tưởng dằn co với vấn đề,
đây là lúc ta đương đầu với sự buông bỏ và trói buộc. Tư
tưởng nắm giữ điều thiện để thực hành không trái với điều
xả ly, chỉ khi nào tâm tư ta hướng đến điều thiện theo chánh pháp
giải thoát. Nghĩa là nương vào thiện để thoát ly ác, nương vào
thiện để thấy chánh thiện là xả ly. Chính ngay điểm này ta lại
thấy vấn đề học Phật là quan trọng cho việc giải thoát. Tuy nhiên
việc đầu tiên của người sơ cơ là xả bỏ những gì có thể làm
động tâm ta. Và vì sự sống của ta còn lệ thuộc nhiều vấn đề
vật chất, nên tâm chúng ta phải ảnh hưởng theo, lại thấy rằng
còn vây kết với hình ảnh bên ngoài nhiều chừng nào thì tâm
càng dao động chừng đó. Do đó không thể xả bỏ bên trong được,
khi bên ngoài còn quá nhiều vương vấn. Tóm lại chúng ta phải giảm
thiểu tối đa bên ngoài để bên trong nhẹ vấn vương đi, từ đây ta
có thể từng bước phối hợp trong và ngoài, nghĩa là ngăn chặn
tham muốn bằng cách sống trong hoàn cảnh không khiêu gợi sự tham
muốn. Đến khi bên trong đã an ổn chừng ấy ta sẽ khắc phục được
bên ngoài nhiều hơn. Bậc Thánh giả cũng từ bước xả bỏ theo
cách sơ cơ này, và khi đến mức độ điều tâm thuần thục, các vị
xả bỏ luôn cả ý niệm muốn xả bỏ, bấy giờ các vị có thể tự
tại đi đâu cũng được, làm gì cũng xong mà nhà Thiền gọi là
phỏng tay vào chợ!
________________
*Thanh Văn: Tu theo pháp Tứ Diệu Đế,
đắc quả A La Hán. Duyên Giác: Tu theo Thập nhị nhơn duyên, đắc quả
Độc giác.