Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

2
Nhân duyên vào đạo Phật

Mỗi người mỗi nhân duyên làm quen Phật pháp, từ việc làm quen trở thành gắn bó và từ gắn bó tới thể nhập lần về giác ngộ giải thoát. Qua nhiều nhân duyên đến với Phật pháp khiến chúng ta phải suy tư, trân quý, gìn giữ mãi buổi đầu phát tâm vào đạo.

Có nhiều duyên ngộ dẫn ta đến cửa đạo, ở đây xin được gợi lên một vài hình ảnh nhân duyên quen thuộc dắt ta làm quen với đạo giải thoát, để từ đó vui mừng thấy rằng đó là một thiện duyên.

Nhân duyên qua âm thanh

Như một nghệ thuật âm nhạc, đạo Phật có những pháp cụ: chuông, mõ, khánh, tang...những thứ này tạo nên âm thanh nhạc điệu, giữ được cách hòa tụng đều đặn nhịp nhàng, phụ họa cho lời kinh trầm bỗng, khiến người tụng, người nghe đi sâu vào thế giới âm điệu cao siêu, sâu thẩm giải thoát. Âm điệu chuông mõ hòa theo âm điệu lời kinh, có tác động sâu kín vào tâm hồn người nghe. Tác động này làm bừng dậy tâm thức, vơi nhẹ đi phiền não trong tâm. Qua đó khiến một số người cảm nhận niềm rung cảm, lắng đọng mà cho rằng chưa bao giờ tìm được một sự rung cảm lạ lùng như thế. Một sự rung cảm gần như xúc động, cơ hồ kéo lôi ta về một thế giới thanh tịnh sâu kín của âm thanh siêu thoát. Cho dù ta không hiểu trọn âm nghĩa của kinh, nhưng âm thanh đã chuyên chở hết những rung động và vượt lên trở ngại ngôn ngữ. Điều này đã làm chúng ta an tịnh, không cần thắc mắc nghi vấn cũng không cần tìm cầu giải thích; duy chỉ có nghe và thanh tịnh nghe, để được an lạc, để được trút bỏ tất cả âm thanh thô kệch lộc cốc, phiền hà trong đời sống. Nghe như vậy ta đã cảm được cái nghe huyền diệu, vượt lên...Cái nghe như Ngài Đơn Hà Thiền sư giải thích: ‘Chấm dứt được vọng động phân biệt của nội tâm, tánh nghe (chơn tâm) mới hiễn bày, trạng thái tâm lý này gọi là ‘Nhập lưu văn tánh’ (Tánh nghe đã nhập vào thực tánh). Bấy giờ công năng tri giác của tâm đối ngoại thì không còn ràng buộc bởi thanh trần (ngũ trần), đối nội thì không trú trước vào không tuệ. Đó là điểm đạt đạo của sơ tâm, và là cứu cánh của viên ngộ.*

Việc nghe Pháp do các vị giảng sư, giúp người nghe tìm vào đạo dễ hơn, vì lời pháp rõ ràng cụ thể, giảng dạy ngay vào chân lý đánh thức tánh giác đang say ngủ và hiển bày pháp lý vi diệu bằng cách nhắc lại lời dạy của kinh điển. Người nghe pháp vào đạo không hoàn toàn là do nghe từ vị tu sĩ, mà có khi từ một người bạn, hay một người không quen biết, thậm chí từ một đứa nhỏ tình cờ lập lại, nhái lại một vài tiếng trong kinh, hoặc một bài hát một vở kịch diễn về Phật pháp v.v...

Những nhân duyên kỳ lạ ngẫu nhiên ấy chỉ là một cớ duyên, đã hội đủ tàng chứa trong tâm thức được thời duyên xuất phát để lãnh hội. Do đó có người khi chưa trọn duyên trọn quả, tâm thức không thể đón nhận được những thanh âm Phật pháp, và vậy âm thanh kinh kệ, thuyết giảng chẳng gợi một cảm xúc gì. Tuy nhiên âm thanh kia vẫn không mất đi đối với người không duyên đón nhận; nó sẽ là một thứ duyên xa, tàng trữ vào tâm thức (thức thứ tám) một chỗ sâu sắc, vi tế chứa đựng làm mầm mống chủng tử cho kiếp vị lai xa xôi; và chắc chắn sẽ nẩy mầm khi đủ duyên hội tụ. Vậy thì chung quy cả hai âm thanh lời kinh tiếng mõ, những pháp ngữ đều khởi lên nhân duyên vào đạo trong sứ mạng tác động và khơi dậy tánh giác.

Qua hình sắc:

Hình ảnh gợi nên cảm xúc cho ta rất nhiều, có thể nói hình ảnh tác động rất mạnh vào tâm thức. Hình ảnh dẫn duyên vào đạo, đại lược là phong cảnh thanh nhàn yên tịnh, tượng hình Phật Thánh, và cảnh sống sinh hoạt của các vị tu sĩ nơi chốn già lam.

Với người đang bị vây bủa bởi lo toan, khích động tinh thần trong môi trường vật chất hỗn độn, họ sẽ dễ dàng tìm được cảm giác dễ chịu trong cảnh thanh tịnh. Nhưng không chỉ những người này mới cần đến cảnh yên bình như vậy, mà chính người đã sống nơi thôn quê vốn đã yên tịnh, vẫn thấy được cảm giác yên tịnh lạ lùng trong cảnh yên tịnh của đạo. Phong cảnh chùa có một sự yên lạ như thế, một sự yên lạ thoảng niềm vui, một sự yên lạ như vỗ về an ủi, thì thầm trong tâm, một sự yên lạ giữ được dung hòa giửa tâm và cảnh... Sự yên lạ này hẳn khác biệt sự yên lạ cô liêu, u tịch bên ngoài của thế gian, chỉ tìm thấy được bằng nhỉ căn, nhãn căn (tai, mắt) là giác quan thô kệch. Và thường thì cảnh yên lạ đó phải tọa lạc không gần quá thị tứ, mới tạo được cái yên tịnh thường tình để biến thành cái yên tịnh đạo.

Có người sau khi viếng chùa họ bỗng phát tâm. Sự phát tâm của họ càng bộc phát mạnh hơn, khi đối trước Phật đài. Hình tượng Phật với nụ cười từ bi, trí tuệ với tư thế hoa sen (kiết già) thiền tọa tự tại xuất trần. Chỉ cần nhìn thấy vậy thôi, đã đủ nhân duyên vào đạo. Lại có người tìm vào đạo khi chiêm ngưỡng phong cách các vị tu sĩ qua chiếc y vàng, nhất là chiếc y của phái nguyên thủy; hình ảnh này gần gũi với ảnh tượng đức Phật khi Ngài còn tại thế.

Khơi dậy lòng ước vọng, ngưỡng mộ hơn nữa, khi đối trước cảnh tụ hội của chư tăng trong mùa an cư kiết hạ, cảnh tượng này chẳng những rực rỡ màu y vàng giải thoát, lại làm sống dậy trong mắt người xem, một thế giới của những con người sống đời thanh tịnh.

Duyên vào đạo bằng hình ảnh có thể còn nhiều, tùy vào sự cảm nhận của mỗi người, nhưng tất cả hình ảnh như vậy đều có một tác động đưa họ về nguồn tâm Phật tánh.

Qua biến cố

Vào đạo bằng con đường thuận duyên, thiện lành là điều dễ thấy, ngược lại do từ nghịch duyên trong cuộc sống khiến người ta quay về tìm đạo cũng không phải chuyện lạ. Thời Phật tại thế, có câu chuyện thương tâm của vị tín nữ con Trưởng giả dòng Phạm Chí, đã trải qua cực cùng đau khổ; cảnh chết chồng, chết con xảy ra ngay trong một ngày đêm, rồi tiếp theo là hung tin, nhà bị cháy, cha mẹ cô và người trong nhà tất cả đều chết...Cô như điên dại, nhưng không bao lâu chưa được nguôi ngoai lại sa vào sự thương yêu chết chóc với những đời chồng khác. Đau đớn ghê rợn hơn, cô bị người chồng điên loạn buộc phải ăn thịt con mình...Trong khổ đau như vậy, cô bỗng nhớ về đấng Giác Ngộ rồi lần tìm đến... Không bao lâu cô trở thành vị Tỳ kheo ni đầy đủ phẩm hạnh và chứng Thánh quả Vô sanh (A La Hán).* Ngày nay trường hợp đau buồn, phát tâm vào đạo cũng khá nhiều. Tuy nhiên những đau thương biến cố cùng cách ấy khi đã nguội dần, sau thời gian về với đạo người ta lại hay quên đi, và những gì tàn tích xưa lại được khơi dậy, rồi từ đó nhen nhúm bộc phát hồi nào không hay biết, để rồi đánh mất đi nhân duyên ban đầu. Nguyên nhân này cũng có thể là bước vào đạo qua con đường mong được xoa dịu cứu vớt khó cảm được cái cảm vị của mùi hương giải thoát, để từ đó khó giữ được bước đi lâu dài hơn. Tuy vậy cũng có người từ sự đau thương đưa họ vào đạo một cách nhiệt thành, tinh tấn đến cuối cuộc đời.

Xét cho cùng, trong đời người ai cũng ít nhiều trải qua những biến cố khổ đau. Từ biến cố như thế làm nên những suy tư cho cuộc sống, và do đây tìm hiểu vấn đề nhân sinh đạo lý; mà Phật pháp là con đường diệt khổ cho nên thấy rằng, qua biến cố khổ đau người ta có cơ hội nhận ra con đường giải thoát hơn.

Qua những tìm tòi nghiên cứu

Nhân duyên vào đạo qua con đường sách vở, chữ nghĩa, số người này có thể khá nhiều so với thời gian cách đây khoảng hơn 1000 năm, hay gọi là thời tượng pháp. Lý do xã hội bây giờ là xã hội văn minh cơ khí, điện tử. Người ta làm việc gì cũng cần có kiểm chứng, thực nghiệm. Vấn đề nào thiếu luận cứ, biện chứng khoa học xem như mê tín, vô bổ. Do vậy tìm về đạo người ta thật cẩn trọng, mà cẩn trọng bằng cách nào nếu không phải là bằng sự uy tín qua sách vở, nghiên cứu có tính cách triết học, khoa học do những tác giả bác học, học giả, sử gia viết ra.

Trong các đại đệ tử của Phật, Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trước kia là hai nhà du sĩ trí thức, khao khát tìm cầu chân lý. Khi chưa gặp Phật các Ngài đã tự tìm đạo qua kiến thức hiểu biết của chính mình, do sức hiểu biết cao rộng như thế khiến không một danh sư nào trong thời đó lôi cuốn hai Ngài được. Cuối cùng, nhân duyên gặp vị tu sĩ trong dáng điệu xuất trần, đệ tử của đấng Thiên nhân sư (Đức Phật), rồi chỉ thưa thỉnh vài câu đã đưa hai vị trí thức tìm đến đạo giải thoát. Khi đã nhận hiểu chân lý giải thoát, các Ngài mới thấy sự hiểu biết của hai Ngài chỉ là những hạt bụi lăn tăn trong vũ trụ, khi so với vô số mây bụi là những giáo pháp mà đức Thế Tôn giảng dạy. Từ đó hai Ngài bừng sáng niềm tin, bắt đầu dấn thân vào đạo, rồi không bao lâu đắc quả Thánh.

Ngày nay việc nghiên tầm giáo điển trước khi vào đạo cũng là một phương tiện phổ thông. Do vậy một số người đến với đạo bằng con đường này đã giúp họ có lòng tin sâu sắc, vì đơn giản rằng Phật pháp đã vượt cao hơn những gì họ tưởng. Nếu nói về khoa học thì giáo lý đạo Phật được diễn bày thật khoa học qua cái nhìn về vũ trụ, nhân sinh. Điều này được thấy, qua nhận định của nhà học giả Âu Châu, Henri Percheron mà Giáo sư Nghiêm Xuân Hồng đã viết trong sách "Lăng Kính Đại Thừa": Giáo lý Phật hiện nay đương lan tràn sang cõi trời Tây, và lạ thay, kẻ đồng minh lớn nhất của giáo lý đó lại chính là khoa học ..."

Nếu nói về triết học, thì nền triết học Phật pháp chẳng những rõ ràng khúc chiết mang lại cái nhìn thiết thực trong đời sống, trả lời nhiều nghi vấn về nhân sinh, vũ trụ và nhất là giúp người giải thoát khỏi khổ đau, chứ không là nền triết học chỉ làm thỏa mãn đầu óc phiêu lưu văn chương chữ nghĩa, khó phổ cập vào mọi tầng lớp quần chúng. Trong quyển Sử Cương Triết Học Ấn Độ đã tóm tắc nêu rõ mục đích triết học Phật giáo như sau:

-Triết học Phật Giáo trong thực tế cải tạo đời sống hiện hữu.

-Triết học Phật Giáo phải đi đôi với thực hành không phải lý thuyết suông.

-Nhờ sự uyển chuyển và khai phóng của Triết học Phật giáo mà thích hợp căn cơ của chúng sanh.

-Mục đích của Phật giáo là để đi đến chỗ cứu cánh giải thoát hoàn toàn, không phải món đồ thẩm mỹ ngoạn mục.*

Đó là phương diện đến với đạo giác ngộ bằng đường hướng trí thức, tuy nhiên dù sao số người vì hiếu kỳ, tìm hiểu, so sánh tôn giáo đã mặc nhiên tạo duyên đi vào con đường giải thoát.

_____________

*Kinh Thủ Lăng Nghiêm trực chỉ, (quyển 2 trang 685) Viện Triết lý Việt nam & Triết học thế giới xuất bản 1995

____________________

*Xem ‘Kinh Hiền Ngu’, Phẩm thứ 32, Tỷ khưu ni Vi Diệu, HT Thích Trung Quán dịch.

*A La Hán là quả chứng cao nhất trong bốn Thánh quả như: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, tuy nhiên quả vị (A La Hán) này chỉ là giai đoạn chính thức là vị Thánh trọn vẹn đi vào giải thoát, chứ chưa thể giải thoát rốt ráo như là quả Viên Giác Niết Bàn, cho nên các vị A La Hán còn phải tiếp tục đi nữa cho đến quả vị Phật.

_______________

*Sử Cương Triết Học Ấn Độ, TT.Thích Quảng Liên, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang