- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 23
- Chỉ có Phật thừa
Hai chàng tu sĩ trẻ vái chào nhau, mỗi
người mỗi ngã hứa sẽ vượt sông băng núi sao đến được đỉnh Bảo
sơn; nơi ấy sẽ là điểm cuối cùng của đạo giải thoát. Dù hiện thời
hai chàng đã luôn hành xử đúng tâm nguyện giúp người hiểu đạo, nhưng
hoài bão của hai chàng vẫn là chinh phục đỉnh núi Bảo sơn - để làm gương
cho mọi người cũng như dẫn dắt mọi người chóng đạt được quả giải
thoát.
Phân ra hai ngã Bắc, Nam, vị đi hướng
Bắc vì phải hợp với khí hậu thời tiết ở đây, nên thay đổi cách
ăn mặc và tập quán sống nhằm đối xử đúng với dân cư vùng này. Vị
đi hướng Nam cũng thuận theo hoàn cảnh mới mà làm cho phù hợp; cuối
cùng sau bao năm xa cách, hai vị trở thành hai lão tu sĩ già nua gặp nhau
trên đỉnh núi. Vì quan điểm mục đích như nhau, nên hai vị giờ có già
hơn trước nhưng vẫn vui mừng nhận ngay hai người là huynh đệ mặc dù
trên người hai vị, Tăng phục bấy giờ đã khác biệt. Nhưng khi hai vị
xuống núi thăm lại các đệ tử của mình, vấn đề trở nên rắc rối;
số là đồ đệ của hai vị đã không nhìn nhận hai Ngài là huynh đệ với
nhau. Không chấp nhận hai trưởng lão là huynh đệ thì làm sao chính họ
có thể thấy được hai bên Bắc Nam là đệ huynh! Hai bên chỉ công nhận
vị thầy riêng của họ vạch ra đường hướng duy nhất đến núi Bảo sơn,
và hướng nào khác không thể đi được.
Hai vị trưởng lão cố gắng giải
thích cho họ, nhưng chỉ được một số ít nghe theo. Hai Ngài đành trở lại
núi, cuối cùng một số ít đồ đệ tin nhận theo hai Ngài lên được đỉnh
núi, sự kiện đó đã làm số người cố chấp phân biệt trước kia thay
đổi quan điểm của mình, rồi biết rằng cứu cánh là núi Bảo sơn và
phương hướng đi lên chỉ là phương tiện.
Người sơ cơ học Phật như chúng
ta ngày nay cũng thường rơi vào sự phân biệt này, chúng ta quên rằng con
đường thế nào cũng là phương hướng lên đỉnh Bảo sơn. Sự tranh chấp
phân biệt chỉ làm cho ta chậm bước đi, nếu không nói ta rơi ngay vào vực
thẳm khi chưa đến một phần ba chặng đường. Đừng nói gì sự phân biệt
huynh đệ có cùng đấng từ phụ với nhau đã thành trở ngại, mà cả đến
có tâm phân biệt người không phải huynh đệ với ta cũng đã bế tắc lộ
trình giải thoát rồi.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện,
Phật dạy: ...Như thế, Xá Lợi Phất, lúc kiếp loạn trược chúng sinh
nhơ nặng, bỏn sẻn, tham lam, ghét ganh, trọn nên các căn chẳng lành, cho
nên các dức Phật dùng sức phương tiện, nơi một Phật thừa, phân biệt
nói thành ba (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát).
Lại đoạn Phật nhắc thêm, Xá
Lợi Phất! Các ông nên một lòng tin hiểu thọ trì lời Phật dạy. Lời
các đức Như Lai nói không hư vọng, không có thừa nào khác, chỉ có một
Phật thừa thôi.
Vậy thì quả vị Thanh Văn, Duyên
Giác, Bồ Tát chỉ là từng giai đoạn tu chứng tiến lên quả vị Phật.
Như thế nếu chúng ta có làm được một ít Phật sự, được một vài uy
tín đức hạnh trên đường tu rồi nhìn lại mọi người móng tâm cho rằng
mình đây hành đúng đường tu Bồ Tát, hành đúng giáo pháp tư tưởng đại
thừa, thì vậy đã đi ngược xa lý tánh Phật thừa mà phương diện hành
đạo về sự cũng sai, bởi sự thành tựu tu đạo như thế do ai mà ra, có
phải do số tín đồ thuần thành hộ giúp cho vị đó. Mà số tín đồ kia
có phải đa số là muốn cầu phước báo cho chính mình, và vì muốn cầu
cho mình như thế, chắc ta đã cho họ mang tư tưởng tiểu thừa, nhưng thật
ra đây cũng là việc tự nhiên của giai đoạn đầu vào đạo, vậy thì phần
đông tư tưởng tiểu thừa phò giúp cúng dường nuôi dưỡng vị tu sĩ đại
thừa kia, thì vị ấy có phải đã nhờ duyên của tiểu thừa không? Và vậy
vị tu sĩ đó là Đại hay Tiểu trên phương diện hành đạo và lý tánh
thành đạo!
Ngày Phật còn tại thế, các đệ
tử của Ngài tuy đồng hướng về hình ảnh giải thoát của đức Phật mà
tu, nhưng một số vị có những cách sống tu niệm tương đối thuận theo
tâm của mình, tất nhiên tâm đó chỉ quy về một hướng giải thoát. Chẳng
hạn Ngài Đại Ca Diếp khi đi khất thực, chỉ muốn hóa duyên độ cho
người nghèo, trong khi Ngài Tu Bồ Đề lại hướng đến người giàu. Điều
này có lẽ cho rằng Ngài Ca Diếp mặc cảm phân biệt người giàu vì nhắm
vào việc khổ hạnh để tu (tu hạnh đầu đà). Do tinh thần không phóng
khoáng như vậy hóa thành nhỏ, tạm gọi là Tiểu Thừa. Ngài Tu Bồ Đề
nhắm vào thực tế là người giàu đáng độ hơn, nếu không họ sẽ chẳng
còn phước hưởng về đời sau. Tinh thần cởi mở hướng cao như vậy phải
là tư tưởng lớn tạm gọi Đại Thừa.
Nhưng rốt cuộc Phật quở rầy cả
hai, rằng vị nào cũng sai. Chúng ta nhớ rằng hai Ngài đều đã chứng quả
Vô Sanh, vậy mà vẫn để Phật dạy như thế. Cũng xin nói lại là Ngài Ca
Diếp không bao giờ còn tâm mặc cảm phân biệt vì Ngài là bậc kiến đạo
sâu rộng, mà Phật đề cao khen ngợi nhất trong hàng đệ tử của Ngài.
Như là, Nếu Đại Ca Diếp sanh ra không gặp Phật cũng có thể tự mình tu
đạt được Thánh quả cao. Riêng Ngài Tu Bồ Đề thì cũng là Thánh tăng
thanh tịnh không thể nào còn có ngã chấp nói gì móng tâm.
Thế ra việc hai Ngài hành đạo
như vậy, chúng ta không thể dùng trí lực phàm tình bình phẩm được, và
như thế ta chỉ tạo ra chướng ngại cho việc tu mà thôi. Phật dạy chỉ
có trung đạo là con đường đến gần giải thoát nhất, nhưng cuối cùng
con đường đó cũng phải quên đi mới là rốt ráo.
Nếu chúng ta có thể hiểu được
Tiểu thừa, Đại thừa, thì Tiểu, Đại đó phải là ngay tâm hành giả,
và chỉ có vị đó biết thôi.
Tiểu Đại không thể xuất hiện
qua lớp y áo, vì một vị tu sĩ tu theo truyền thống mà mình gọi là Đại
thừa, nhưng tâm tư vẫn có thể đầy ắp tâm nhỏ nhặt gọi là Tiểu thừa.
Ngược lại cũng vậy, gọi người Tiểu thừa mà không thấy được tâm tư
tràn ngập từ bi độ sanh của người đó.
Như thế tương đối, dù phân biệt
hình thức danh xưng hiện nay như là: Nguyên Thủy, Khai Hiển (cấp tiến),
Tiểu Thừa, Đại Thừa, Nam Tông, Bắc Tông, thì tất cả cũng phải lấy
Trung Đạo mà tu; phải lấy giới làm thầy, phải nhận tất cả là những
người con chung của Đấng Toàn Giác.
Nếu phải thường nghe danh từ Đại
Thừa là pháp học mà chúng ta đang học, thì đúng tư tưởng đại thừa
phải là hướng tới sự giải thoát rốt ráo, kể cả giải thoát luôn ý
niệm mà chúng ta đang hướng tới.
Trời đất lúc nào cũng mở rộng,
đường đi tới núi Bảo sơn vẫn là trước mắt; hai bên đường lại hiện
đủ mọi cỏ hoa, tất cả chỉ là tô điểm chấm phá làm con đường rõ
rệt hơn. Nhưng người tìm đường giải thoát không cần phải quan tâm mà
chỉ hướng về tâm điểm để đạt thành ý nguyện.