- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 9
- Những vấn đề ...
Khi đôi vai chưa có hành lý nào, ta
cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng dù việc nhẹ nhàng này đẩy đưa ta vào
sinh ra tử. Nhưng nay ta bắt đầu gánh lên vai một hành lý, chuẩn bị cuộc
lội qua dòng sinh tử, ta lại chẳng thấy nhẹ nhàng an thân, đôi khi còn
nhiều bất ổn phiền toái. Phải chăng ta đã sống trái ngược với đời?
Phải chăng ta tự đẩy mình vào đời sống lập dị? Hay đã lý tưởng một
điều viễn vông không thực tế. Và còn nhiều việc khác nữa mà ta không
thể nào nói ra được vì nhiều lý do thầm kín...
Sự việc như thế, có lẽ người
mang hành lý giải thoát nào cũng ít nhiều trải qua. Nhưng cuối cùng, cũng
qua được bờ sanh tử rồi ngoái đầu nhìn lại bờ kia mĩm cười, rằng
may quá mình đã thắng! Thắng cái bình thường nhất mà mình quá quan trọng
nên thành phức tạp mâu thuẫn rồi tự băn khuăn than thở. Bấy giờ lại
tự muốn đi vào sanh tử mà chẳng còn có tử có sanh! Lúc này mới đúng
nghĩa của nhẹ nhàng thong dong tự tại siêu việt sinh tử.
Người học Phật sơ cơ như chúng
ta, hay vấp phải những vấn đề đối đãi, tự làm con đường vượt
sanh tử dài xa hơn sự thật của nó. Tất nhiên mọi công đức vun trồng
tạo dựng vẫn còn đó không mất đâu cả, nhưng nó lại tác tạo một quả
nghiệp khác song song với quả nghiệp lành. Quả nghiệp khác là quả nghiệp
nhận rằng mình đã làm một công đức, nhận rằng có người làm có người
không. Chính việc cố làm và phân biệt nầy đã gây cho ta những bất an
khó chịu trong đời sống. Nỗi bất an đó lâu ngày trở thành phiền não;
phiền não vì không chịu đựng được mọi người, phiền não vì mình bất
lực giúp người được thánh thiện như mình... Nhưng thật ra mình nào có
thánh thiện, vì người thánh thiện không có phiền não như vậy.
Bậc thánh trong đạo giải thoát
có làm mà không thấy việc làm để chẳng kẹt vào việc làm của mình.
Các vị làm gì thường với tâm vô cầu vô niệm, với chúng ta làm việc
thường là do tình cảm mà ra, nhưng tình cảm bi thương trắc ẩn đó
không phải từ tâm vô ngã, nên ta mới rơi vào sự xáo trộn vọng tình.
Để chỉ mong chờ kết quả và kết quả đó chỉ là nuôi thêm bản ngã
cho lớn mà thôi. Và khi ngã (cái ta) càng lớn thì phước báo của tâm an tịnh
không thể sanh ra, do đó tự quay lại thấy mình hụt ngã chơi vơi. Từ đây
bao thiện niệm biến thành ác niệm, cảm thấy mình lập dị khác thường...Hành
trang giải thoát trên vai giờ nặng nề ra; đừng nói gì mang được hành
lý bơi ngược qua bờ bên kia, mà xuôi dòng về lại con người cũ (lúc chưa
tu đạo) cũng thành bất lực.
Nhưng may mắn thay, cuối cùng chúng
ta cũng qua được bờ bên kia (bờ giác ngộ) vì gặp được thiện tri thức.
Có một điều lạ, ngay khi ta sắp rơi vào cơn cùng cực đau thương thì bậc
thiện tri thức xuất hiện. Đây là do niềm tin tha thiết cầu đạo của
ta. Thiện tri thức mang nhiều hình tướng, có khi các vị chẳng phải là
người tu, người thiện mà còn là người sống trái ngược những gì là
đức thiện. Các vị hành động bất nhân để mọi người thấy đó mà
tu nhân, các vị sống thất đức để mọi người lo tu đức, các vị chịu
lãnh quả báo ác nghiệp để mọi người sợ mà tu thiện nghiệp
v.v...Trong truyền sử Phật, Đề Bà Đạt Đa được xem là kẻ đại ác,
nhưng đối với Phật Ngài là bậc thiện trí thức. Không phải chỉ duy
vì trong quá khứ kiếp, Đề Bà Đạt Đa là vị tiên nhân mang chánh pháp
cho vị quốc vương là tiền thân của Phật như trong kinh Pháp Hoa Phật đã
kể, nhưng ngay trong đời này, Phật vẫn thấy sự ác tâm hành nghịch
trái đạo của Đề Bà Đạt Đa là pháp học, giúp Phật hóa thành pháp nhẫn
dạy lại cho hàng đệ tử. Để rồi Phật dạy rằng: ‘Qua vô lượng
kiếp về sau, ông Đề Bà Đạt Đa sẽ được thành Phật hiệu là Thiên Vương
Như Lai, -ng cúng, Chính biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải,
Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Cõi
nước đó tên là Thiên đạo, lúc Thiên Vương Phật trụ ở đời hai
mươi trung kiếp, rộng vì các chúng sinh mà nói pháp mầu, hằng hà sa
chúng sinh được quả A La Hán, vô lượng chúng sinh phát tâm Duyên Giác, hằng
hà sa chúng sinh phát tâm vô thượng đạo, được vô sinh nhẫn đến bậc
bất thối chuyển...’*
Khi chúng ta hiểu điều này, ta tự
nghĩ lại việc làm thiện của ta có xứng đáng nêu danh ca tụng không? Và
hoàn cảnh nơi ta ở, những người hằng ngày ta tiếp xúc có còn cho ta so
sánh đối đãi không? Hay ngược lại ta cám ơn hoàn cảnh đó, con người
đó! Vì họ mà ta mới thấm thía cuộc đời! Vì họ mà ta mới lãnh hội
được giáo lý giải thoát như là giáo lý Khổ Đế!
Chắc chắn trong quá trình tu học,
chúng ta đã gặp nhiều thiện tri thức, và nhờ đó chúng ta thấy được
rõ ràng con người chúng ta. Như vậy có thể nói ai cũng là thiện tri thức!
Khẳng định như vậy là cái nhìn của các vị Bồ Tát lớn. Cũng trong
kinh Pháp Hoa phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát nói lên điều thâm sâu nầy.
Kinh kể rằng có vị Bồ Tát lập nguyện, gặp ai cũng tôn kính và xác nhận
quả quyết tất cả là Phật tương lai. Nên Ngài không sợ gì người khác
mắng chửi điên khùng mà thưa chào thi lễ. Với chúng ta khó mà lập nguyện
và làm được như vậy, tuy nhiên chỉ cần khắc ghi vào tâm cầu giải
thoát, cầu vô phân biệt nhân ngã, chúng ta tức thì tìm gặp dễ dàng vô
số thiện tri thức. Điều quan trọng hơn nữa là ta phải tự biến mình
thành thiện tri thức, vì có như vậy ta mới hành xử giống cung cách người
thiện tri thức, cũng như quan sát vấn đề theo cái nhìn chánh kiến.
Chúng ta phải là thiện tri thức mới
có thể hiểu và thông cảm được nhiều người, và trọng yếu hơn là
giúp được nhiều người gần gũi với đạo giải thoát. Vậy vấn đề là
làm sao để trở thành thiện tri thức ?
Định nghĩa thiện tri thức Phật Học
Tự Điển của Đoàn Trung Còn viết như sau: Thiện tri thức cũng là người
hiền lành tin mộ Chánh pháp và có trí thức.- Phật, Bồ Tát, Duyên Giác,
La Hán là thiện tri thức của chúng sanh.-
Chúng ta hiện hẳn là người tu Phật,
luôn cầu được kiên cố tâm Bồ đề và được tâm Bồ đề phải là người
nguyện độ chúng sanh. Trong tâm tưởng mang tâm niệm cầu giải thoát cứu
độ mọi người, chúng ta đã hóa mình thành thiện tri thức. Vì không phải
là thiện tri thức thì không thể phát tâm bồ đề được. Lẽ đó bằng
tâm bồ đề tự cứu mình cũng là cứu chúng sanh và ngược lại khi phát
nguyện cứu độ chúng sanh là tự cứu chính mình.
Trở lại những vấn đề nan giải
trên đường tu học, ta cuối cùng thấy được thiện tri thức ở ngay chính
chúng ta. Thấy được chính chúng ta là thiện tri thức, là lúc ta quên
chúng ta đi. Quên chúng ta là phá bỏ bản ngã, nhận rõ tánh vô thường của
vạn vật. Lúc này đối tượng của ta chẳng còn nằm ngoài ta nữa, có
nghĩa niềm đau của kẻ khác ta cảm thông được như là của mình. Từ đó
ta lấy lại đủ sức mà bơi trọn dòng sông sanh tử qua đến bờ bên kia.
________________
*Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm ‘Đề
Bà Đạt Đa’ thứ mười hai, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch.