An tâm cho cuộc khởi hành là tu
tâm, tu được tâm thì tu được tất cả. Hay nói ngược lại, hễ ai tu
được tất cả là người đó đã tu được tâm, lối nói khác hơn là
làm chủ được tâm. Thật tình mà nói, chúng ta loay hoay chọn lựa đủ
phương tiện pháp môn tu niệm, cũng chỉ đơn giản tu cho được cái Tâm.
Nhưng lại thật tình mà nói, khi đã có mặt dạo chơi ở cõi Ta Bà này,
đã nói lên cái tâm mềm nhũn lung lay rồi. Nếu không, ta đâu có nghe lời
dụ dỗ của tâm (vọng tâm) mà sanh đi sanh lại để khổ đau hoài. Ấy vậy
trong thiên hạ cũng có một ít tâm cứng cỏi, kiên cường. Một số người
thế gian không tu theo Phật mà cũng có những tâm kiên cố đáng khâm phục.
Họ chỉ nương theo lý tưởng, gắn bó hoài niệm vào một ý thức hệ
nào đó, theo đường hướng đã chọn để vững Tâm quên mình hy sinh cho
đại sự; sức mạnh của ý thức vậy cũng là luyện tâm, tu tâm. Từ đó
mà thấy có người mất đi rồi mà tên tuổi vẫn còn lưu danh qua hàng thế
kỷ.
Thiết nghĩ tu Tâm không phải dễ, nhưng nghĩ rằng người
thế gian vì một ý thức tục đế mà còn tu được tâm, thì người con Phật
phải tinh tấn hơn. Vì pháp mà chúng ta gắng tu đây là chân đế, không phải
pháp sanh diệt như thế gian. Người thế tục tu Tâm để hoàn chỉnh cách
sống theo đạo lý luân thường, theo tập tục luân lý, theo tập quán tín
ngưỡng v.v...Người tu Phật cũng tu như vậy nhưng hoán chuyển cách sống
đó hài hòa theo đạo giải thoát.
Vậy tâm của người tu Phật là tâm giác ngộ, tâm giải
thoát, tâm đó gọi đúng là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề thì không bị trần
cảnh sai khiến dụ dỗ nên tự tại sáng suốt. Điều để làm tâm Bồ Đề
sinh khởi, là phải quán xét phát nguyện tu tập pháp giải thoát của chư
Phật, mà việc tu Phật không gì hơn là tu Giới như chúng ta đã nghĩ qua.
Giới được ví là viên ngọc quý nhất trong hàng tỉ triệu
viên ngọc, vì viên ngọc Giới đưa người đến giải thoát, thử hỏi có
gì hạnh phúc an lạc khi mang được tâm tự tại thong dong chu du khắp pháp
giới. Vậy thì để giữ được viên ngọc giải thoát kia, người học phải
làm cho tâm mình biến thành tâm Bồ Đề hay nói đúng theo tâm hạnh tu Phật
là phải phát Bồ Đề Tâm. Không phát Bồ Đề Tâm thì không thể gìn giữ
được viên kim cương giải thoát, nghĩa là không thể thành Phật (giác ngộ),
nghĩa là vẫn còn chần chờ lưỡng lự bước lên con thuyền Bát Nhã. Nói
cho đúng hơn, là chưa hiểu được Phật pháp! Vì hiểu Phật pháp mà
không khơi dậy tâm Bồ Đề thì cái hiểu ấy chỉ là cái hiểu thường
thức phổ thông như thế tục mà thôi. Và cái hiểu ấy dù có phước báo
đời sau cũng chỉ là phúc lạc đi kèm với biết bao chông gai của tác
nghiệp; nguyên nhân vì được phúc lành dễ sanh ra dục lạc, khi chủng tử
phát Bồ Đề Tâm không có.
Có phát Bồ Đề Tâm mới thật sự hiểu Phật pháp, vì đạo
giải thoát ở ngay tâm Bồ Đề. Và người phát Bồ Đề Tâm như vậy mới
chống chọi nỗi thế lực của vô minh, và mới sinh ra lòng tin Phật kiên
cố.
Người tu Phật nào đã đọc kinh chắc nghe qua bốn lời
nguyện sau đây:
- Chúng sanh vô biên thề nguyện độ,
- Phiền não vô tận thề nguyện đoạn
- Pháp môn vô lượng thề nguyện học
- Phật đạo vô thượng thề nguyện thành
Đó là phát Bồ Đề Tâm, nguyện cho được đầy đủ
công đức bằng cách nguyện độ chúng sanh, khi nguyện độ chúng sanh tức
là tự nguyện độ chính mình, bởi chúng sanh và mình đồng bản thể
thanh tịnh giác ngộ. Trong các Thánh Tăng Trung Hoa, Ngài Thật Hiền là vị
Bồ Tát lớn đã chỉ cho ta tìm thấy được viên ngọc quý, đó là để lại
cho hậu thế lời Phát Bồ Đề tâm thống thiết mà người học Phật sơ
cơ như chúng ta phải trân quý, suy tư hành theo để bồi dưỡng công đức.
Trong lời giới thiệu bài văn ‘Phát Bồ Đề Tâm’ Hòa Thượng Trí
Quang, dịch giả có ghi: ‘‘Về bài văn khuyến phát Bồ đề tâm, và
tác giả của nó là ngài Thật Hiền, Bành Tế Thanh đã viết, đọc bài văn
ấy không lúc nào tôi khỏi đổ mồ hôi, khỏi rơi nước mắt...’’
Nội dung bài văn Phát Bồ Đề Tâm, Ngài Thật Hiền nhấn
mạnh sách tấn hàng tu sĩ xuất gia, tuy nhiên niềm tín tâm và khơi lòng Bồ
Đề hướng đến việc tu niệm giải thoát thì không có sự phân biệt.
Phát Bồ Đề tâm nói một cách dễ hiểu, là làm sanh khởi
tâm tỉnh giác, tâm giác ngộ của bậc Bồ Tát để cầu đạo Vô Thượng.
Chúng ta mỗi người mỗi căn cơ trình độ thì tùy vào mức độ đó mà
phát tâm. Hiện giờ ta không thể phát khởi làm những việc phi thường
như các vị Bồ Tát, bởi vì do hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Nhưng
chúng ta có thể phát nguyện âm thầm làm những gì mà Bồ Tát đã làm.
Chúng ta có thể khơi dậy Bồ Đề Tâm bằng cái nhìn từ bi quán xét sự
đau khổ của loài súc sanh. Nhìn bằng con mắt Bồ Đề Tâm thấy rõ hoàn
cảnh, tâm cảnh của loài súc sanh luôn sống trong vô minh tăm tối, nghĩa là
chúng chẳng biết ngoài thế giới của chúng có thế giới loài người đầy
thụ hưởng vật chất ấm no, con người sống với bao tiện nghi, khắc phục
được bao ách nạn thiên nhiên đe dọa ...Hơn nữa con người còn hưởng
thụ được những lạc dưỡng về tinh thần tâm linh mà loài súc sanh
không thể có được. Rồi trong niềm lạc dưỡng đó, con người còn may mắn
đạt đến một thứ an lạc tuyệt đối của giải thoát, mà loài vật
càng không thể hiểu được, đó là an lạc của Đạo Giải Thoát. Quan
sát và tư duy như vậy, chúng ta khơi dậy được Bồ Đề Tâm, thương tưởng
đến các loài chúng sanh lớn nhỏ, rồi có thể phát nguyện thay đổi phần
nào việc ăn uống chay lạc, để giữ được giới sát sanh của một người
đang đi trên con đường giải thoát.
Cao hơn bước nữa, là nhìn mọi người bằng cái nhìn từ
bi thương kính. Chúng ta thấy rằng tất cả mọi người trên thế giới đều
không khác về sự mong muốn thương yêu, đều ghét sự chia rẽ thù hằn.
Cho dù một người hung ác đến đâu cũng cần sự thương yêu của một người
nào đó bên cạnh; người hung ác đó có thông minh và sức mạnh phi thường
thế nào cũng không dám tự tách ly sống đời đơn độc, vì người đó
không còn sức mạnh nữa nếu không có sự giúp đỡ của nhiều người.
‘Đoàn kết thì sống chia rẽ thì chết’. Và kẻ thù làm người hung ác
kia khiếp sợ nhứt, là kẻ thù thiếu tình thương. Vậy thì ai cũng cần tình
thương cả, và người phát Bồ Đề Tâm phải khai thác tình thương này để
bồi đắp cho mình trọn đầy tâm giác ngộ. Chúng ta nên thiết lập sự
liên hệ giữa ta và người qua tình thương của loài người cùng sống
trên hành tinh xanh này; cùng hưởng và chịu đựng bất cứ những gì xảy
đến nguy hiểm cho hành tinh chúng ta. Thiết lập được như thế thấy rằng,
chúng ta đều là anh chị em với nhau, và tùy vào hạng tuổi nào thì cha mẹ
người đó cũng là cha mẹ mình, ông bà người đó cũng là ông bà mình.
Và lỡ có xâu xé nhau, đánh giết nhau, thì đó là tự hại người trong nhà
mình mà thôi. Từ việc ấu đả nhỏ, thì thiệt thòi nhỏ, nhưng nếu một
cuộc ấu đả lớn (chiến tranh nguyên tử), bấy giờ mới thấy sự thương
yêu đã muộn màng, và khổ đau sẽ lan tràn phủ lên bề mặt hành tinh
này. Lúc đó sẽ thấy ‘nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ’ như lời
Phật dạy.
Phát Bồ Đề Tâm hướng đến mọi loài hữu tình* khiến
ta đi gần đến đạo giải thoát, để rồi quay lại hóa hiện cứu độ
chúng sanh. Chúng ta biết rằng Phát Bồ Đề Tâm là nguyện thành Phật,
nguyện thành Phật là trên bước đường tu phải hướng đến sự lợi lạc
chúng sanh. Muốn hành pháp độ sanh như vậy, ta phải nhìn và hành động
như Bồ Tát. Phải giữ giới đã thọ, phải gia công tinh tấn thực hành
tu niệm, phải lập nguyện đi trọn con đường Bồ Tát Đạo.
Để rõ thêm việc phát Bồ Đề Tâm xin trích ra đoạn văn
của Ngài Thật Hiền ‘...Sắc thái tâm nguyện có tám, là tà chánh,
chân ngụy, đại tiểu, thiên viên. Tà chánh, chân ngụy, đại tiểu,
thiên viên là thế nào?
-Đời có kẻ tu hành mà chỉ tu hành một chiều, không cứu
xét tự tâm, chỉ lo những việc ở ngoài, hoặc vụ lợi, hoặc háo danh,
hoặc ham cái thú hiện tại, hoặc cầu cái vui mai sau: phát tâm như vậy gọi
là tà.
-Danh lợi không ham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sinh tử,
vì chứng bồ đề: phát tâm như vậy gọi là chánh.
-Ý niệm này nối tiếp ý niệm khác, ngước lên mà mong cầu
Phật đạo, tư tưởng trước liên tục tư tưởng sau, nhìn xuống mà hóa
độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa cũng không thoái chí khiếp sợ, xét
chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như trèo núi cao cả vạn
trượng cũng quyết tận đỉnh, như lên tháp lớn đến chín tầng cũng cố
tột nóc: phát tâm như vậy gọi là chân.
-Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong bẩn
ngoài sạch, trước siêng sau nhác, tâm tốt dẫu có cũng phần lớn bị
danh lợi xen lấn, thiện pháp dẫu tu cũng phần nhiều bị vọng nghiệp nhuốm
bẩn: phát tâm như vậy gọi là ngụy.
-Chúng sanh giới hết nguyện ta mới hết, bồ đề đạo thành
nguyện ta mới thành: phát tâm như vậy gọi là đại.
-Coi ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong
tự độ, không dám độ người: phát tâm như vậy gọi là tiểu.
-Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh, có Phật đạo, rồi
nguyện độ, nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tan: phát
tâm như vậy gọi là thiên.
-Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự
tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một pháp nào ngoài
tâm mà có, đem cái tâm vô tướng phát cái nguyện vô tướng, làm cái hạnh
vô tướng, chứng cái quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thấy
có được: phát tâm như vậy gọi là viên.
Biết tám sắc thái khác nhau trên đây là biết cứu xét,
biết cứu xét thì biết lấy bỏ, biết lấy bỏ là có thể phát tâm. Cứu
xét như thế nào? Là coi cái tâm của ta phát ra, trong tám sắc thái trên đây,
nó là tà hay chánh, chân hay ngụy, đại hay tiểu, thiên hay viên. Lấy bỏ
như thế nào ? Là bỏ tà, ngụy, tiểu, thiên, lấy chánh, chân, đại, viên.
Phát tâm như vậy mới được gọi là chân chánh phát bồ đề tâm...*
_____________________________________
*Hữu tình: loài có tình thức hay có tình ái, là tiếng
kêu chung các loài động vật trong Ba cõi (tam giới). PHTĐ- Đoàn Trung Còn
*Phát Bồ Đề Tâm, của Ngài Thật Hiền, HT Thích Trí Quang
dịch.