Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

16
Chết yên vui !

Nếu bệnh là cơ hội cho ta bài học quán sát về cái khổ của thân để nhìn rõ con đường giải thoát, thì Chết là kết quả vạch rõ thế nào về cơ hội đó. Nhưng người đời đa số không muốn nhắc việc này, nói chi bàn sâu đến. Có người kiêng cử không dám mở miệng nhiều lần phát ra tiếng chết, vì nghe cái âm thanh nó ghê rợn đâu đó. Nhất là bàn chuyện chết ở trong nhà đang lúc sum họp vui vẻ; tối kyơn nữa là đang trong ba ngày xuân. Nếu ai lỡ lời đề cập đến, tức thì có người đằng hắng lên tiếng cho người kia ngưng ngay, và cứ như thế mà quen dần thành sợ chết. Nhưng đâu vì thế mà chết không đến viếng thăm gia đình đó. Ngày còn Phật tại thế, có một người đàn bà ẵm đứa con đã chết trên tay khóc la não nuột, vì đứa bé này dễ thương, dễ mến, quý nhất, duy nhất của y thị. Chị đau khổ đến cùng tận, không thể nào tả được nỗi đau đớn này - có lẽ chị sẽ tự sát mà chết nếu không có ai cứu được con chị! Người ta thấy vậy, động lòng trắc ẩn tình cảnh của chị bèn cho biết, hiện gần đây có Đấng Giác Ngộ; khuyên chị nên ẵm con mau đến gặp Ngài xin cứu sống. Vì nghe nói Ngài là bậc Đại Y Vương bệnh nào mà chẳng chữa được. Ẵm đứa con đã chết trên tay, quỳ xuống trước Đấng Giác Ngộ, người đàn bà phân trần xin cứu sống con yêu, nếu được bà ta sẽ đánh đổi tất cả những gì có thể. Đức Phật không ngần ngại bảo rằng, việc này không khó, nếu có thể xin được một ít tro từ trong nhà nào mà chưa bao giờ có người thân quyến chết, mang lại cho Ngài. Thật là việc dễ dàng cho chị để xin được một ít tro, nhưng đi gần cả ngày, nào có nhà ai mà không có người đã qua đời.! Trong lúc đuối sức, cùng tột đau đớn đó chị chợt bừng tỉnh giác ngộ, rằng đây là món thuốc vi diệu mà Đấng Đại Y Vương đã phương tiện từ bi chỉ dạy cho - bởi Chết là một sự thật của chúng sanh hiện hữu trên cõi đời này. Và vì sự kiện thường tình như vậy mà ta phải đau khổ muốn quyên sinh. Nhưng biến cố thường tình đó, nếu không phải là Đấng Giác Ngộ nói ra, nó sẽ là biến cố phá hại đời ta, đến muôn kiếp tử sanh cũng chẳng bao giờ ta ý thức được.

 

Tình cảnh tương tự như vị tín nữ kia thời bây giờ nhiều lắm, và ý thức giác ngộ việc quan trọng mà thường tình này lại có mấy người. Chúng ta chưa thể gọi là ý thức, khi sẽ nguôi ngoai đau khổ trong một vài tuần mất đi người thân; ta chỉ ý thức là khi chuẩn bị cho chính sự ra đi của ta. Chuẩn bị ra sao, thì nên xem người ra đi trước đó, đã ra đi thế nào và để lại những gì?

Đức Phật vắng bóng hơn hai ngàn năm trăm năm, đã để lại lời dạy như vật kim cương không gì phá vỡ được; đệ tử của Ngài cũng để lại bao nhiêu là gương sáng cho người sau này noi theo mà học. Hẳn nhiên chúng ta là người Phật tử không còn nghi ngờ về việc tái sanh đọa lạc; nhưng nếu cố chấp hoài nghi, muốn tìm nhiều chứng cớ, có lẽ tạo thêm cho mình sự nghi ngờ mất đi chuẩn bị cho sự chết sắp tới. Hình ảnh tái sanh rõ ràng nhất là Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, Ngài đã tự tại ra đi trong đời thứ mười ba - để nguyện rằng trở lại hành đạo trong tâm nguyện của Ngài, và sự thật là việc truy tìm hết sức khoa học; với bao trắc nghiệm để đón nhận một đứa bé trong hàng vạn đứa bé ở Tây Tạng. Việc quá khó trở thành dễ, chỉ vì có Tái Sanh. Hay nói đúng hơn, chết đó nào phải mất đi như một số người đã và đang lầm tưởng.

Chúng ta hãy quan sát, tư duy những ảnh tượng cuộc sống qua vô số sai biệt đang gần gũi ta - thấy rằng hiện thực sinh hoạt này giữa ta và người đâu đó nói lên một duyên nghiệp trong quá khứ. Cái thấy trước tiên là trong một gia đình, ở đó vài người sống chung với nhau qua một tình thương gọi là máu mủ huyết thống, họ thương yêu nhau kính mến nhau; và có thể hy sinh để nhìn người thân được hạnh phúc. Nhìn vào điểm này chúng ta thấy là phải, vì họ đã cùng lớn lên, cùng gọi chung nhau một người là Mẹ là Cha; nhưng tưởng rằng ý tưởng sống như thế là vĩnh viễn một đời! Và rồi lớn lên bước vào cuộc sống phức tạp, họ lại tìm thấy những con người khác, trong số đó họ chọn lọc lựa ra một người để thương để nhớ, thương nhớ còn sâu đậm hơn cả người mà họ tưởng là không ai có thể so sánh được như là Cha mẹ. Tình thương bên ngoài đó, là tình chấp nối chồng vợ, tình thương này có định nghĩa so sánh với tình thương kính cha mẹ thế nào, thì nó vẫn đủ sức khiến người kia không thể nào bỏ được.

Riêng nhìn lại tình thương mến anh chị em với nhau, tình thương này lại nhẹ quá so với tình thương đi tìm một người khác phái bên ngoài, để cùng nhau sống hết cuộc đời.

Tình anh chị em đã không nặng thương mến, như những ngày còn thơ ấu cùng sống chung, họ lại xung khắc gây gổ, có khi đau đớn phải thề thốt không nhận anh chị em với nhau; trong khi nhìn nhận mình đã có nhiều bạn bè thân tín. Trường hợp không thể tưởng nữa, là sự rạn nứt giữa con cái và cha mẹ. Rồi có những tình thương oái oăm, bất công tạo ra đau khổ như cha mẹ lại thương đứa con phá sản hư hỏng, ghét đứa con hiền lành hiếu thuận. Và còn nhiều vấn đề liên hệ khúc mắc đã đang diễn tiến trong dòng sống sinh hoạt của chúng ta, ở đây chỉ vạch ra một trong phần ngàn mà thôi. Thế thì ta nghĩ thế nào về những việc xem rất thường nhưng không giải thích nỗi! Chúng ta nào phải đứng ngoài khách quan mà nhìn! Chúng ta là người trong cuộc, là người đã đang kinh nghiệm qua cuộc sống đây. Bây giờ ta có thể suy nghĩ cái gì đó đã xảy ra trong quá khứ, để hiện thời kết quả như vậy chăng! Thật đúng như vậy, tất cả là những gì ta đã hành động trong quá khứ, nên phải đi tìm ân oán sanh vào làm con, làm em, làm chồng vợ ...để phải tiếp tục, tiếp tục gây tạo ân oán kiếp kiếp nữa. Và bao giờ ta còn ân oán thì sanh tử vẫn mãi mãi theo ta không rời. Chính đây, các vị Bồ Tát chứng đạo nhìn thấy mà sợ nên người học Phật hay nghe ‘Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả’. Bồ Tát biết rằng việc đó phải được ngăn chặn lúc chưa chớm nở thì mới tránh được quả; riêng ta chỉ thấy việc trước mắt là trên hết, là thực tại là cụ thể nên chẳng nghĩ gì đến hậu quả, chừng khi nhân tạo chín muồi, thì mới tiếc nuối tại sao lại có quả như vậy.

Như thế cuộc sống chúng ta thật rối nùi, không biết bao nhiêu là gút mắc! Và việc chết rồi tưởng là hết lại hóa ra như đóng tuồng thay áo đổi vai. Chúng ta đã không khéo diễn hay, nên phải đóng hoài vai nô lệ; riêng người được chọn vai trưởng giả, công tước phải đóng sao cho hay nếu không rớt xuống vai lính hầu, hay tệ hơn là không cho đóng nữa phải khổ sở không nghề nghiệp mà thành xin ăn như súc sanh vậy.

Cuộc đời là vở kịch lớn, sống chết là chuyện thường tình nhưng lại quay chúng ta vào khổ đau bất tận. Mặc kệ kẻ đóng vai gì, cũng phải khổ vì vai đó, không thôi phải bị trục xuất!(địa ngục)

Chúng ta, những phàm nhân còn đầy phiền não vô minh, tuệ giác chưa có nên không thể nhìn rõ được mà cho là chuyện ngẫu nhiên, chết rồi là hết; ai sinh vào nhà nào là chuyện may của người đó, còn mình sinh vào dòng dõi bình dân là chuyện không được may thôi! May hay rủi là cách nói để tự an ủi lấy mình, để tự quên đi quá khứ, nhất là không dám thú nhận việc nhân nào quả đó. Hai người cùng cầm hai hòn đá có trọng lượng bằng nhau, họ cùng ném đi về một hướng; kết quả người nào mạnh hòn đá sẽ văng xa hơn. Nghiệp lực là sức mạnh, quyết định dẫn dắt vào dòng tái sanh trong mọi hoàn cảnh mà ta đã tạo. Cũng như duyên nợ thương yêu, ghen ghét hận thù chỉ là nghiệp nhân đã từng thương yêu ghen ghét hận thù trong quá khứ kiếp. Sống, tâm tưởng trong lành mát dịu, khi chết đi tức khắc nghiệp lực sẽ hướng về cảnh sống yên hòa trong sáng. Thương người thương vật, xem nhẹ hạnh phúc riêng mình để hướng về người khác, khi chết nghiệp lực thanh cao rộng lượng chiêu cảm về một thế giới, sống chung với những người có thân hình tươi đẹp và hạnh phúc tràn trề. Ngược lại cách sống đây, nghiệp lực chiêu cảm về thế giới đen tối của súc sinh địa ngục hay cảnh người cùng khổ. Đó là những cảnh tượng hiện ra rõ ràng mà chư vị Bồ Tát đã thấy tường tận, giống như chúng ta nhìn thấy sự vật trước mặt; và nếu để ý, ta cũng thấy được việc đang xảy ra chính là sự sống chênh lệch của con người hôm nay. Vậy việc chết chỉ là một giai đoạn, một tiến trình xảy ra trên lộ trình của một chúng sinh đang hướng đi bằng sự dẫn dắt của Nghiệp lực. Từ nghiệp lực đó mà sự giong ruổi của một kiếp người có dài ra hay ngắn lại. Bậc giác ngộ ý thức được sự sống chết, nên chẳng bao giờ tạo cho mình con đường dài ra, dù con đường đó là hạnh phúc nhất của thế gian, chẳng hạn luôn luôn tái sanh làm vua thiên hạ. Bậc Thánh lại ý thức được sống chết, liền triệt để hoán chuyển đời mình trong sự sống thánh thiện để được đi vào sự chết giải thoát. Trong quyển Tạng Thư Sống Chết có nói: ‘Cuộc đời này là thời gian và nơi chốn duy nhất cho ta chuẩn bị, và ta chỉ có thể thực sự nhờ tu tập tâm linh. Đây là thông điệp không thể tránh của đời này, một giai đoạn trung gian tự nhiên.’*

Chúng ta là người học Phật, hẳn phải ý thức việc sống chết hơn ai hết, phải thật thấy, sự sống của ta đây là sự chuẩn bị để đi vào sự chết. Nếu chúng ta sợ chết nghĩa là chúng ta cũng sợ sống, sợ sống là sống sai, sống khổ, sống không tạo thiện, sống không thương người, như thế đồng nghĩa với sợ chết trong hối hận chưa sám hối, sợ chết trong đau khổ vì làm người đau khổ, và trong cô đơn, vì không có người khác thương yêu. Chỉ cần ta ý thức ngay bây giờ tức thì ta không còn sợ sống chết nữa, Phật pháp nhiệm mầu là ở chỗ đây, trong văn Sám Hối có câu ‘Tội từ tâm khởi, đem tâm sám, Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu...’

Tóm lại, ý thức cụ thể việc Chết để nhìn lại cái Sống của mình mà trân quý, thì chẳng còn xem cái chết là ghê gớm, mà chỉ là vấn đề cho ta quý trọng cơ hội ngàn vàng, khi đang trong kiếp mang thân người hiểu được pháp tu giải thoát. Xin trích ra một đoạn trong tác phẩm ‘Giải thoát trong lòng tay’ để thấy chúng ta nên quý trọng thân người và nếu không chúng ta sẽ trở thành sợ chết như đề cập ở trên.

...Từ thời gian vô thủy, chúng ta đã mang không biết bao nhiêu thân xác cho đến ngày nay, nhưng ta đã không rút tỉa được một tinh túy nào từ thân xác ấy. Không có một kiểu đau nào mà ta chưa từng nếm trải, cũng không có một kiểu hạnh phúc nào mà ta chưa từng thưỏng thức. Nhưng dù ta có bao nhiêu xác thân đi nữa, ta cũng đã không rút tỉa được chút tinh hoa nào từ nơi chúng. Bây giờ khi ta đã có được may mắn mang thân người hôm nay, thì ta nên làm cái gì để rút tỉa ít tinh hoa từ đó. Nếu không suy nghĩ chín chắn, thì ta không cho thân người quý báu này có tầm quan trọng chút nào, ta cũng không tiếc nuối gì khi lãng quên cơ may được sinh làm người. Có lẽ nếu bị mất tiền, chúng ta sẽ nuối tiếc nhiều hơn. Thế mà cái thân người ta đang có lại không vô vàn quý báu hơn bất cứ viên ngọc như ý nào cả.

Nếu bạn phải lau chùi một viên bảo châu như ý bằng cách mỗi ngày rửa ba lần, đánh bóng ba lần, rồi đặt trên đỉnh một cái tràng phan của sự chiến thắng, bạn sẽ có được dễ dàng tất cả những sự tốt đẹp của thế gian như đồ ăn mặc ở; vân vân. Bạn có thể có được hàng trăm hàng ngàn, hàng trăm ngàn viên ngọc như thế, nhưng chúng không thể đem lại cho bạn dù chỉ một điều nhỏ nhất trong những điều mà bạn có thể thành tựu được nhờ mang thân người trong đời này, bởi vì bạn không thể xử dụng những bảo châu ấy để che chở mình khỏi tái sanh vào các đọa xứ trong đời sau. Nhưng với thân người hiện tại của bạn, bạn có thể đề phòng cho khỏi sa đọa vào các cõi xấu ác. Hơn nữa, nếu bạn muốn tái sanh làm Phạn vương, Đế Thích v.v. bạn có thể làm điều ấy nhờ thân người hiện tại. Nếu bạn muốn đi đến những cõi tịnh như cõi trời Thắng Lạc cõi Cực Lạc, cõi Đâu Xuất, bạn cũng có thể làm được, nhờ cái thân người hiện tại của bạn. Nhưng chưa hết đâu, bởi vì bạn còn có thể đạt đến những trạng thái giải thoát’ giác ngộ nhờ thân này. Điều bạn cần làm là, hãy tóm lấy cơ hội. Điều quan trọng hơn cả là nhờ thân tái sanh hiện tại mà bạn có thể đạt tới địa vị kim cương trí (hợp nhất giữa thân như huyễn với đại lạc) trong vòng một đời ngắn ngủi, ngay trong thời đại suy đồi này; một kết quả mà thông thường phải mất tới ba a Tăng kỳ kiếp mới thành tựu được. Như vậy được tái sinh làm người còn giá trị hơn cả ngàn viên ngọc quý.

Nếu bạn lãng phí cuộc đời này mà bạn đã có được, thì điều ấy còn đáng tiếc hơn là bạn mất đi ngàn tỷ viên ngọc báu. Không có sự mất mát nào lớn hơn sự mất mát này; không có sự mù quáng nào hơn sự mù quáng này, không có sự lầm lạc nào hơn sự lầm lạc này. Shantideva có nói: Không có sự mê lầm nào tệ hơn. Nếu không xử dụng thân này để tu tập. Sau khi được thân người như một cơ may hiếm có. Không có sự mù quáng nào lớn hơn thế nữa! Bởi thế bạn phải nỗ lực rút tỉa một ít tinh túy từ cuộc đời này ngay bây giờ. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn bạn sẽ phải chết, và bạn không biết được lúc nào thì cái chết đến với mình...’ *

___________

*Tạng Thư Sống Chết, của Sogyal Rinpoche-Trí Hải dịch.

Thanh Văn (Hoa Kỳ) tái bản lần thứ I.

Giải Thoát Trong Vòng Tay, của Pabongka Rinpoche, Ni sư Trí Hải dịch. Nxb Xuân Thu, 1998 tại Hoa Kỳ .


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang