- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 1
- CHƯƠNG MỘT
- MỘT PHÁP
I. PHẨM SẮC
1-10. NỮ SẮC v.v...
1. Tôi nghe như vậy. :
Một thời Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn
bảo các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo !
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn !
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau :
- Ta không thấy một sắc nào khác,
này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người
đàn bà. Này các Tỷ-kheo sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm
người đàn ông.
2. Ta không thấy một tiếng nào
khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng
người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự
trị tâm người đàn ông.
3-5.Ta không thấy một hương...một
vị...một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người
đàn ông, như hương...vị.. xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người
đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
6. Ta không thấy một sắc nào
khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc
người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông chiếm và ngự trị
tâm người đàn bà.
7-10. Ta không thấy một tiếng... một
hương...một vị...một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự
trị tâm người đàn bà, như tiếng... hương... vị... xúc người đàn
ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người
đàn bà.
II. PHẨM ĐOẠN TRIỀN CÁI
Những pháp đoạn trừ và nuôi dưỡng
năm triền cái.
1-10. TỊNH TƯỚNG v.v...
1.- Ta không thấy một phép nào
khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục
tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh
tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến
dục tham chưa sanh được sanh khởi, và dục tham đã sanh được tăng trưởng
quảng đại.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã
sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng.
Đối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu theo như lý tác ý, đưa đến sân,
chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng
trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán
nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỷ-kheo,
hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, và hôn trầm thụy miên đã
sanh được tăng trưởng quảng đại.
4. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay
trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như
tâm không được chỉ tịnh. Với người tâm không chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo,
trạo hối chưa sanh được sanh khởi, và trạo hối đã sanh được tăng
trưởng quảng đại.
5. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi và
nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như
không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa
sanh được sanh khởi, và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
6. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục
tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh.
Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa
sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận.
7. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã
sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát... Từ
tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không
sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận.
8. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh
khởi, và sân đã sanh được đoạn tận.
9. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đua đến trạo hối chưa sanh không sanh khởi, hay trạo
hối đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tâm tịnh chỉ. Người
có tâm tịnh chỉ, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh không sanh khởi,
và trạo hối đã sanh được đoạn tận.
10. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, và
nghi hoặc đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như lý tác ý. Nếu
như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, và nghi
hoặc đã sanh được đoạn tận.
III. PHẨM KHÓ SỬ DỤNG
1-10. TÂM KHÔNG TU TẬP
1.- Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại khó sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm không
tu tập. Tâm không tu tập, này các Tỷ-kheo, khó sử dụng.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại dễ sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm có tu
tập. Tâm có tu tập, này các Tỷ-kheo, dễ sử dụng.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như
tâm không tu tập. Tâm không tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi
lớn.
4. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như
tâm được tu tập. Tâm được tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi
ích lớn.
5. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như
tâm không tu tập, không làm cho hiển lộ. Tâm không tu tập, không làm cho
hiển lộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi.
6. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến ích lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như
tâm được tu tập, được làm cho hiển lộ. Tâm được tu tập, được làm
cho hiển lộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
7. Ta không thấy một pháp nào khác
đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo như tâm không tu tập, không làm
cho sung mãn. Tâm không tu tập, không làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đưa
đến bất lợi lớn.
8. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như
tâm được tu tập, được làm sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho
sung mãn, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
9. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ, này các Tỷ-kheo, như tâm không
được tu tập, không được làm cho sung mãn. Tâm không được tu tập, không
được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ.
10. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc, này các Tỷ-kheo, như tâm được
tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung
mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc.
IV. PHẨM KHÔNG ĐIỀU PHỤC
1-10. TÂM KHÔNG ĐIỀU PHỤC
1.- Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
không được điều phục. Tâm không được diều phục, này các Tỷ-kheo,
đưa đến bất lợi lớn.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
được điều phục. Tâm được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất
lợi lớn.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
không được hộ trì. Tâm không được hộ trì, này các Tỷ-kheo, đưa đến
bất lợi lớn.
4. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-khoe, như tâm
được hộ trì. Tâm được hộ trì, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích
lớn.
5. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
không được phòng hộ. Tâm không được phòng hộ, này các Tỷ-kheo, đưa
đến bất lợi lớn.
6. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
được phòng hộ. Tâm được phòng hộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi
ích lớn.
7. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
không được bảo vệ. Tâm không được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến
bất lợi lớn.
8. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
được bảo vệ. Tâm được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi
ích lớn.
9. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
không được điều phục, không được hộ trì, không được phòng hộ,
không được bảo vệ. Tâm không được điều phục, không được hộ trì,
không được phòng hộ, không được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến
bất lợi lớn.
10. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm
được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ. Tâm
được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, này
các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
V. PHẨM ĐẶT HƯỚNG VÀ TRONG SÁNG
1-10. TÂM ĐẶT SAI HƯỚNG v.v...
Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu
của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch đặt sai hướng, khi bị tay hay chân
đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu ; sự
tình này không xảy ra. Vì cớ sao ? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt
sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm bị đặt sai
hướng, có thể đâm thủng vô mình, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt
Niết-bàn ; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao ? Này các Tỷ-kheo, vì
tâm đặt sai hướng.
2. Này các Tỷ-kheo, ví như các sợi
râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi
bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm
cho đổ máu ; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao ? Này các Tỷ-kheo, vì sợi
râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với
tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi,
có thể chứng đạt Niết-bàn, ; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao ?
Này các Tỷ-kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm
của Ta biết tâm một người là uế nhiễm, Ta rõ biết : "Nếu trong thời
gian này, người này mệnh chung, người ấy bị rơi vào địa ngục như vậy
tương xứng". Vì cớ sao ? Này các Tỷ-kheo, vì rằng tâm người ấy uế
nhiễm.
Cũng do tâm uế nhiễm làm nhân như
vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời, sau khi thân hoại
mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, với
tâm của Ta biết tâm một người là thanh tịnh, Ta biết rõ : "Nếu
trong thời gian này, người này mênh chung, người ấy được sanh lên Thiên
giới như vậy tương xứng". Vì cớ sao ? Này các Tỷ-kheo, vì rằng
tâm người ấy thanh tịnh.
Cũng do tâm thanh tịnh làm nhân như
vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời này, sau khi thân hoại
mạng chung, sanh vào cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này.
5. Ví như, này các tỷ kheo, một hồ
nước uế nhớp, bị khuấy động, đục bùn. Tại đấy có người có mắt,
đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các
hòn sỏi, các đàn cá, qua lại, đứng yên. Ví cớ sao ? Vì nước bị khuấy
đục. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, vị Tỷ-kheo với tâm bị khuấy đục biết
được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết
được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến
thù thắng xứng đáng các bậc Thánh ; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì
cớ sao ? Vì rằng tâm bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.
6. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ
nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có
mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn,
các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao ? Vì nước không
bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết
được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng
ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh
; sự kiện như vậy có xảy ra. Ví sao ? Vì rằng tâm không bị khuấy đục,
này các Tỷ-kheo.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có
những loại cây gì, cây phandana được xem là tối thương, tức là về nhu
nhuyến và dễ sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một
pháp nào khác, lại nhu nhuyễn hơn và dễ sử dụng hơn, như một tâm được
tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung
mãn, này các Tỷ-kheo, là nhu nhuyến và dễ sử dụng.
8. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại vận chuyển nhẹ nhàng hơn tâm. Thật không dễ
gì, này các Tỷ-kheo, dùng một ví dụ để diễn tả sự vận chuyển nhẹ
nhàng của tâm.
9. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là
sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.
10. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là
sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào.
VI. PHẨM BÚNG NGÓN TAY
1-10. TÂM ĐƯỢC TU TẬP
1. (Tâm này, này các Tỷ-kheo, là
sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ
phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm
kẻ phàm phu ít nghe, không tu tập được.
Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng
chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào Bậc Thánh
đệ tử nghe nhiều, như thật rĩ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm bậc
Thánh đệ tử nghe nhiều có được tu tập.
3. Nếu chỉ trong khoảnh khắc búng
móng tay, này các Tỷ-kheo, vị Ty-kheo phát từ tâm ; vị ấy, này các Tỷ-kheo,
được gọi là vị Tỷ-kheo trú Thiền tịnh không có trống không làm theo
lời dạy bậc Đạo Sư, là người làm theo giáo giới, ăn đồ ăn khất thực
cửa xứ không có uổng phí. Còn nói gì những người làm cho sung mãn từ
tâm ấy.
4-5. Nếu chỉ trong khoảnh khắc
búng móng tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập từ tâm... tác ý từ
tâm ; vị ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Tỷ-kheo trú Thiền tịnh
không có trống không, làm theo lời dạy bậc Đạo Sư, là người làm theo
giáo giới, ăn đồ ăn khất thực của xứ không có uổng phí. Còn nói gì
những người làm cho sung mãn từ tâm ấy.
6. Phàm những pháp nào, này các Tỷ-kheo,
là bất thiện, thuộc thành phần bất thiện, đứng về phía bất thiện,
tất cả các pháp ấy đều được ý đi trước. Ý khởi trước các pháp
ấy. Các pháp bất thiện theo vì tâm đặt sai hướng.
7. Phàm những pháp nào, này các Tỷ-kheo,
là thiện, thuộc thành phần thiện, đứng về phía thiện, tất cả các
pháp ấy đều được ý đi trước. Ý khởi trước các pháp ấy. Các pháp
thiện theo sau.
8. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được
sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như
phóng dật. Với người phóng dật, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện
chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
9. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như
không phóng dật. Với người không phóng dật, này các Tỷ-kheo, các pháp
thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được
đoạn tận.
10. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được
sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như
biếng nhác. Với người biếng nhác, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện
chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
VII. PHẨM TINH TẤN
1-10. TINH CẦN TINH TẤN.
1 (Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, tinh tấn
tinh cần. Với người tinh cần tinh tấn, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện
chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh được đoạn tận.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như là dục lớn.
Với người có dục lớn, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh
được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như
ít dục. Với người có ít dục, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa
sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
4. (Như số 2 ở trên, chỉ thế
vào không biết vừa đủ)...
5. (Như số 3 ở trên, chỉ thế
vào biết vừa đủ)...
6. (Như số 2 ở trên, chỉ thế vào
không như lý tác ý)...
7. (Như số 3 ở trên, chỉ thế
vào như lý tác ý)...
8. (Như số 2 ở trên, chỉ thế
vào không tỉnh giác)...
9. (Như số 3 ở trên, chỉ thế
vào tỉnh giác)...
10. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được
sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như
làm bạn với ác. Với người làm bạn với cái ác, này các Tỷ-kheo, các
pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị
đoạn tận.
VIII. PHẨM LÀM BẠN VỚI THIỆN
1-10. LÀM BẠN VỚI THIỆN
1. (Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như làm
bạn với thiện. Với người làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, các
pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được
đoạn tận.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được
sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo,
như hệ lụy với các pháp bất thiện, và không hệ lụy với các pháp thiện.
Do hệ lụy với các pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, do không hệ lụy với
các pháp thiện, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các
pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như hệ
lụy với các pháp thiện, không hệ lụy với các pháp bất thiện. Do hệ
lụy với các pháp thiện, này các Tỷ-kheo, do không hệ lụy với các pháp
bất thiện, nên các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất
thiện đã sanh được đoạn tận.
4. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh không sanh khởi,
và các giác chi đã sanh không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỷ-kheo,
như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, các giác
chi chưa sanh không được sanh khởi, và các giác chi đã sanh không đi đến
tụ tập viên mãn.
5. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh được sanh khởi
và các giác chi đã sanh đi đến tụ tập như lý tác ý, này các Tỷ-kheo,
các giác chi chưa sanh được sanh khởi, và các giác chi đã sanh đi đến tu
tập viên mãn.
6. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo,
là những mất mát này, như mất mát bà con. Cái này là khốn cùng giữa
các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
7. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo,
là những tăng trưởng này, nh8 tăng trưởng bà con. Cái này là tối thượng
giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ.
8. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo,
là những mất mát này, như mất mát tài sản. Cái này là khốn cùng giữa
các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
9. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo,
là những tăng trưởng này, như tăng trưởng tài sản, Cái này là tối thượng
giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ. Do
vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau : "Chúng
ta sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ". Như vậy, này các
Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
10. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo,
là những mất mát này, như mất mát danh tiếng. Cái này là khốn cùng giữa
các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
IX. PHẨM PHÓNG DẬT
1-17.
1.-- Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo,
là những tăng trưởng này, tức là tăng trưởng danh vọng. Cái này là tối
thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí
tuệ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau : "Tôi sẽ
làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ". Như vậy, này các Tỷ-kheo,
các Thầy cần phải học tập.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, có thể đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo,
như là phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, có thể đưa đến ích lợi lớn, này các Tỷ-kheo,
như là không phóng dật. Không phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến ích
lợi lớn.
4. (Như số 2, chỉ thế vào như là
biếng nhác)....
5. (Như số 3, chỉ thế vào tinh
cần tinh tấn)...
6. (Như số 2, chỉ thế vào như là
nhiều dục)...
7. (Như số 3, chỉ thế vào như là
ít dục)...
8. (Như số 2, chỉ thế vào như là
không biết đủ)...
9. (Như số 3, chỉ thế vào như là
biết đủ)...
10. Như số 2, chỉ thế vào như là
không như lý tác ý)...
11. (Như số 3, chỉ thế vào như là
như lý tác ý)...
12. (Như số 2, chỉ thế vào như là
không tỉnh giác)...
13. (Như số 3, chỉ thế vào như là
tỉnh giác)...
14. Như số 2, chỉ thế vào như là
làm bạn với ác)...
15. Như số 3, chỉ thế vào như là
làm bạn với thiện)...
16. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, có thể đưa dến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo,
như là hệ lụy với các pháp bất thiện, không hệ lụy với các pháp thiện.
Hệ lụy với các pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, không hệ lụy với
các pháp thiện, đưa đến bất lợi lớn.
17. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như là hệ
lụy với các pháp thiện, không hệ lụy với các pháp bất thiện. Hệ lụy
các pháp thiện, này các Tỷ-kheo, không hệ lụy với các pháp bất thiện
đưa đến lợi ích lớn.
X. PHẨM PHI PHÁP (1)
1-32.
1. (Đứng về phương diện nội phần,
này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi lớn
như vậy, này các Tỷ-kheo, như phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo,
đưa đến bất lợi lớn.
2. Đứng về phương diện nội phần,
này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến lợi ích lớn
như vậy, này các Tỷ-kheo, như không phóng dật, này các Tỷ-kheo. Không
phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
3. (Như số 1 ở trên, chỉ thay vào
biếng nhác)...
4. (Như số 2 ở trên, chỉ thay vào
tinh cần tinh tấn)...
5-12 (Như trên, tuần tự thay vào dục
lớn, ít dục, không biết đủ, biết đủ, không như lý tác ý, như lý
tác ý, không tỉnh giác, tỉnh giác)...
13. Đứng về phương diện ngoại
phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi
lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với ác. Làm bạn với ác,
này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
14. Đứng về phương diện nội phần,
này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đua đến bất lợi lớn
như vậy, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với thiện. Làm bạn với thiện,
này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
15. Đứng về phương diện nội phần,
này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi lớn
như vậy, này các Tỷ-kheo, như hệ lụy với pháp bất thiện, không hệ lụy
với pháp thiện. Hệ lụy với pháp bất thiện, không hệ lụy với pháp
thiện, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
16. Đứng về phương diện nội phần,
này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến lợi ích lớn
như vậy, này các Tỷ-kheo, như hệ lụy với các pháp thiện, không hệ lụy
với các pháp bất thiện. Hệ lụy với pháp thiện, không hệ lụy với
pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
17. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp bị lu mờ, biến mất như vậy, này
các Tỷ-kheo, như phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu
pháp bị lu mờ và biến mất.
18. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp được an trú, không bị lu mò,
không bị biến mất như vậy, này các Tỷ-kheo, như không phóng dật. Không
phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không bị
lu mờ, không bị biến mất.
19. (Như số 17, chỉ thế vào biếng
nhác)...
20. (Như số 18, chỉ thế vào tinh
càn tinh tấn)...
21-32 (Như trên, chỉ tuần tự thế
vào các pháp như sau : dục lớn, dục ít, không biết vừa đủ, biết vừa
đủ, không như lý tác ý, như lý tác ý, không tỉnh giác, tỉnh giác, làm
bạn với ác, làm bạn với thiện, hệ lụy với pháp bất thiện, không hệ
lụy với pháp thiện, hệ lụy với pháp thiện, không hệ lụy với pháp bất
thiện).
PHẨM PHI PHÁP (2)
33-42. PHI PHÁP
33. (Những Tỷ-kheo này, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ phi pháp là pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo,
đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số,
đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiện và loài Người. Và hơn nữa,
này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo vô phước, và khiến cho diệu
pháp biến mất.
34. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ pháp là phi pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo,
đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số,
đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiện và loài Người. Và hơn nữa,
này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu
pháp biến mất.
35-42. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ phi luật là luật... nêu rõ luật là phi luật... Như Lai không nói
lên, không tuyên bố là Như Lai có nói lên, có tuyên bố... Như Lai có nói
lên, có tuyên bố là Như Lai có nói lên, không tuyên bố... Như Lai không thực
hành, là Như Lai có thực hành,... Như Lai không có chế đặt, là Như Lai có
chế đặt... Như Lai có chế đặt, là Như Lai không chế đặt... Sở hành
của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất
lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh đau khổ cho
chư Thiện và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo
ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
XI. PHẨM THỨ MƯỜI MỘT
1-10. PHI PHÁP
1. (Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như
vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số,
đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này
các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
2. (Như số 1 trên, chỉ khác : nêu
rõ pháp là pháp)...
3-10. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ phi luật là phi luật... luật là luật... Như Lai không nói lên,
không tuyên bố là Như Lai không nói lên, không tuyên bố... Như Lai có nói
lên, có tuyên bố là Như Lai có nói lên, có tuyên bố... Như Lai không thực
hành là Như Lai không thực hành.... Như Lai có thực hành là Như Lai có thực
hành.... Như Lai không chế đặt là Như Lai không chế đặt... Như Lai có chế
đặt là Như Lai có chế đặt...Các vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở
hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích
cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn
nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu
pháp này.
XII. PHẨM VÔ PHẠM
1-20. VÔ PHẠM
1. (Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ không phạm là có phạm, những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với
sở hành như vậy, đưa lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số,
không lợi ích cho đa số, đưa lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và
loài Người, và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, tạo điều
vô phước và khiến cho diệu pháp biến mất.
2. (Như số 1 trên, chỉ thế vào : nêu
rõ có phạm là không phạm)...
3-10 Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ tội nhẹ là tội nặng.... tội nặng là tội nhẹ... tội thô trọng
là tội không thô trọng... tội không thô trọng là tội thô trọng... tội
co dư tàn là tội không dư tàn... Tội không dư tàn là tội có dư tàn... tội
có thể sám hối là tội không có thể sám hối... tội không có thể sám
hối là tội có thể sám hối. Những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với sở
hành như vậy, đưa lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, bất
lợi cho đa số, đưa lại bất hạnh đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Và hơn thế nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, tạo điều vô phước
và khiến cho diệu pháp biến mất.
11. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ không phạm tội là không phạm tội. Những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo,
với sỏ hành như vậy đưa lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số,
lợi ích cho đa số, đưa lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều phước đức
và khiến cho diệu pháp được an trú.
12. (Như số 11, chỉ thế vào : nêu
rõ phạm tội là phạm tội)...
13-20. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo,
nêu rõ tội nhẹ là tội nhẹ... tội nặng là tội nặng... tội thô trọng
là tội thô trọng... tội có dư tàn là tội có dư tàn... tội không dư tàn
là tội không dư tàn... tội có thể sám hối là tội có thể sám hối...
tội không có thể sám hối là tội không có thể sám hối. Những Tỷ-kheo
ấy, này các Tỷ-kheo, với sở hành như vậy, đưa lại hạnh phúc cho đa số,
an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư
Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo
điều phước đức và khiến cho diệu pháp được an trú.
XIII. PHẨM MỘT NGƯỜI
1-7. NHƯ LAI
1. (Một người, này các Tỷ-kheo,
khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an
lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh
phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai ?
Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một người này,
này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc
cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi
ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Sự xuất hiện của một người, này
các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào Của Như Lai, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo,
khó gặp được ở đời.
3. Một người, này các Tỷ-kheo,
khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu. Một người
ấy là ai ? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một
người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một
người vi diệu.
4. Sự mệnh chung của một người,
này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc. Của một người nào ? Của
Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự mệnh chung của một người này,
này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc.
5. Một người, này các Tỷ-kheo,
khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng
bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có
người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối
thương giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất
hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không
có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có
ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thắng giữa các loài hai
chân.
6-17. Sự xuất hiện của một người,
này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của
đại-quang, là sự xuất hiện của đại-minh, là sự xuất hiện của sáu
vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của
nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ
của mình và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ
quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả
A-la-hán. Của một người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự
xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang... là sự chứng
ngộ quả A-la-hán.
18. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, có thể chơn chánh chuyển vận Vô thượng Pháp
luân do Như Lai chuyển vận, này các Tỷ-kheo, như Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất,
này các Tỷ-kheo, chơn chánh chuyển vận Vô thượng Pháp luân do Thế Tôn
chuyển vận.
XIV. PHẨM NGƯỜI TỐI THẮNG
1-10. CÁC VỊ TỶ-KHEO
1. (Trong các đệ tử Tỷ-kheo đã
lâu ngày của Ta, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Aĩĩa Kondanno (A-nhã Kiều-trần-như).
2. Trong các vị đại trí tuệ... tối
thắng là Sàriputta.
3. Trong các vị có thần thông... tối
thắng là Mahàmoggalàna.
4. Trong các vị thuyết về hạnh đấu
đà... tối thắng là Mahàkassapa.
5. Trong các vị thiên nhãn... tối
thắng là Anuruddha.
6. Trong các vị thuộc gia đình quý
tộc... tối thắng là Bhaddiva Kàligohàputta.
7. Trong các vị có âm thanh vi diệu...
tối
thắng là Lakuntaka (người lùn) Bhaddiya.
8. Trong các vị rống tiếng rống
con sư tử... tối thắng là Pindila Bhàradvàja.
9. Trong các vị thuyết pháp... tối
thắng là Punna Mantàniputta.
10. Trong các đệ tử Tỷ-kheo của
Ta, thuyết giảng rộng rãi những điều được nói lên một cách vắn tắt,
tối thắng là Mahàkaccàna.
1-11. CÁC VỊ TỶ-KHEO
1. (Trong các vị Tỷ-kheo của Ta có
thể dùng ý hóa thân, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Cullapanthaka.
2. Trong các vị thiện xảo về tâm
thắng tiến (không phải vivaddha của nguyên bản), tối thắng là
Cullapanthaka.
3. Trong các vị thiện xảo về tưởng
thắng tiến... tối thắng là Mahàpanthaka.
4. Trong các vị trú không có tranh
luận... tối thắng là Subhuti.
5. Trong các vị đáng được cúng dường...
tối thắng là Subhuti.
6. Trong các vị tu ở rừng... tối
thắng là Revata Khadiravaniya.
7. Trong các vị tu Thiền... tối thắng
là Kankha Revata.
8. Trong các vị tinh cần tinh tấn...
tối thắng là Sono Koliviso.
9. Trong các vị khéo nói... tối thắng
là Sono Kutikanna.
10. Trong các vị nhận được đồ
cúng dường... tối thắng là Sivali.
11. Trong các đệ tử Tỷ-kheo có
tín thắng giải... tối thắng là Vakkali.
1-10. CÁC VỊ TỶ-KHEO
1. (Trong các đệ tử Tỷ-kheo của
Ta, ưa thích học tập, tối thắng là Ràhula.
2. Trong các vị xuất gia vì lòng
tin, tối thắng là Ratthapàla.
3. Trong các vị đầu tiên nhận phiếu
ăn cơm, tối thắng là Kunda Dhàna.
4. Trong các vị đầy đủ biện tài,
tối thắng là Vangis衮
5. Trong các vị dễ mến toàn diện,
tối thắng là Upesena Vangantaputta.
6. Trong các vị sửa soạn chỗ ngồi,
chỗ nằm, tối thắng là Pilindavaccha.
8. Trong các vị có thắng trí mau lẹ,
tối thắng là Bàhiva Dàructriya.
9. Trong các vị thuyết giảng vi diệu,
tối thắng là Kumara Passapa.
10. Trong các đệ tử Tỷ-kheo của
Ta đạt được vô ngại giải, này các Tỷ-kheo, tối thắng là
Màhà-kotthita.
1-16. CÁC VỊ TỶ-KHEO
1. Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của
Ta, được nhẹ nhiều, này các Tỷ-kheo, tối thắng là (nanda.
2. Trong các vị... đầy đủ ức niệm,
tối thắng là nanda
3. Trong các vị... đầy đủ cử chỉ
tốt đẹp tối thắng là nanda.
4. Trong các vị... đầy đủ sự kiên
trì tối thắng là nanda.
5.Trong các vị... thị giả, tối thắng
là nanda.
6. Trong các vị... có đại hội chúng,
tối thắng là Uruvela Kassapa.
7. Trong các vị... làm cho các gia-đình
hoan hỷ, tối thắng là Kàludàyì.
8. Trong các vị... không có bệnh hoạn,
tối thắng là Bakula.
9. Trong các vị... nhớ đến các đời
sống quá khứ, tối thắng là Sobhita.
10. Trong các vị... trí Luật, tối
thắng là Upàli.
11. Trong các vị... giáo giới Tỷ-kheo-ni,
tối thắng là Nandaka.
12. Trong các vị... hộ trì các căn
môn,... tối thắng là Nanda.
13. Trong các vị... thiện xảo về
họa giới,... tối thắng là Sàgata.
14. Trong các vị... giáo giới Tỷ-kheo,...
tối thắng là Màhakappina.
15. Trong các vị... năng khởi biện
tài,... tối thắng là Ràdha.
16.Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của
Ta mang thô y, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Moghràjà.
1-13. NỮ ĐỆ TỬ TỶ-KHEO-NI
1. (Trong các vị nữ đệ tử Tỵ-kheo-ni
đã lâu ngày của Ta, tối thắng là Màhàpàjapani.
2. Trong các vị... đại trí tuệ, tối
thắng là Khemà.
3. Trong các vị... đầy đủ thần
thông, tối thắng là Uppalavannà.
4. Trong các vị... trì Luật, tối
thắng là Patàcàrà.
5. Trong các vị... thuyết pháp, tối
thắng là Dhammadinnà.
6. Trong các vị... tu Thiền, tối thắng
là Nandà.
7. Trong các vị... tinh cần tinh tấn,
tối thắng là Sakulà.
8. Trong các vị... thiên nhãn, tối
thắng là Sakulà.
9. Trong các vị... có thắng trí mau
lẹ, tối thắng là Bhaddà Kundalakesà.
10. Trong các vị... nhớ đến các
thời quá khứ, tối thắng là Bhaddà Kapilànà.
11.Trong các vị... đã chứng đạt
đại thắng trí, tối thắng là Bhaddà.
12. Trong các vị... mang thô y. tối
thắng là Kisàgotami.
13. Trong các vị nữ đệ tử Tỷ-kheo-ni
của Ta. đầy đủ tin thắng giải, này các Tỷ-kheo, tối thắng là
Sigalàmàtà.
1-10. NAM CƯ SĨ
1. (Trong các vị đệ tử nam cư sĩ
của Ta, này các Tỷ-kheo, đã quy y đầu tiên, Trong các vị các người buôn
bán Tapassu Bhallikà.
2. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ
của Ta...những vị bố thí, tối thắng là gia chủ Sudatta Anàthapinika.
3. Trong các vị đệ tử... thuyết
pháp... tối thắng là Citta Macchikassandika.
4. Trong các vị đệ tử... nhiếp
phục một hội chúng nhờ Bốn nhiếp pháp, tối thắng là Hatthaka (lavaka.
5. Trong các vị đệ tử... bố thí
các món ăn thượng vị, tối thắng là Mahànàma Sakka.
6. Trong các vị đệ tử... bố thí
các món đồ khả ý... tối thắng là gia chủ Ugga Vesàlika.
7. Trong các vị đệ tử... hộ trì
Tang chúng, tối thắng là Hatthigàmala Uggàta.
8. Trong các vị... có lòng tịnh tin
bất động, tối thắng là Sùra Ambattha.
9. Trong các vị... được dân chúng
kính mến, tối thắng là Jivaka Komàrabhacca.
10. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ
của Ta, nói chuyện một cách thân mật, này các Tỷ-kheo, tối thắng là
gia chủ Nakulapità.
1-10. NỮ CƯ SĨ
1. (Trong các vị đệ tử nữ cư
sĩ của Ta, này các Tỷ-kheo, người đi đến quy y đầu tiên là Sujàtà
Senàndìhità.
2. Trong các vị... bố thí, tối thắng
là Visàkhà Migàramàtà.
3. Trong các vị... nghe nhiều, tối
thắng là Khujjuttar.
4. Trong các vị... trú từ tâm... tối
thắng là Sàmàvati.
5. Trong các vị... tu Thiên... tối
thắng là Uttarà Nandamàtà.
6. Trong các vị... bố thí các món
ăn thượng vị... tối thắng là Suppavàsà Kolijadhita.
7. Trong các vị... săn sóc người bệnh,
tối thắng là nữ cư sĩ Suppiyà.
8. Trong các vị... có lòng tịnh
tín bất động... tối thắng là Kàtiyànì.
9. Trong các vị... nói chuyện một
cách thân mật... tối thắng là nữ gia chủ Nakulamàtà.
10. Trong các vị nữ cư sĩ đệ tử
của Ta, này các Tỷ-kheo, có lòng tịnh tín đối với lời nghe đồn tối
thắng là Kàlì, nữ cư sĩ ở Kulagharikà.
XV. PHẨM KHÔNG THỂ CÓ ĐƯỢC
1-28. CHẤP NHẬN CÁC HÀNH LÀ THƯỜNG
CÒN.
1. (Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : Một người thành tựu chánh kiến có thể
chấp nhận các hành là thường còn, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện
này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu có thể chấp nhận các hành
là thường còn, sự kiện này có xảy ra.
2. Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : Một người thành tựu chánh kiến có thể
chấp nhận các hành là lạc, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này
có xảy ra, này các Tỷ-kheo : kẻ phàm phu có thể chấp nhận các hành là
lạc, sự kiện này có xảy ra.
3. Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : Một người thành tựu chánh kiến có thể
chấp nhận các pháp là ngã, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này
có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu có thể chấp nhận các pháp là
ngã, sự kiện này có xảy ra.
4-9. Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được : Một người thành tựu chánh kiến có
thể đoạt mạng sống của mẹ... của cha... của vị A-la-hán... có thể với
ác tâm làm bậc Như Lai chảy máu...có thể hòa hợp Tăng... có thể tuyên
bố một vị Đạo Sư khác, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này
có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu... có thể tuyên bố một vị Đạo
Sư khác, Sự kiện này có xảy ra.
10. Sự kiện này không thể xảy
ra, này các Tỷ-kheo, không có được : Trong một Thế giới, hai vị A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác, không trước trong sau, xuất hiện một lần, sự kiện này
không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo : Trong một Thế
giới, chỉ có một vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện, sự kiện
này có xảy ra.
1-9. KHÔNG THỂ XẢY RA
11. (Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được : Trong một Thế giới, có hai Chuyển
Luân Vương, không trước không sau, xuất hiện một lần, Sự kiện này
không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, trong một thế
giới, chỉ có một Chuyển Luân Vương xuất hiện, sự kiện này có xảy
ra.
12. Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : Một phụ nữ có thể là bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra,
này các Tỷ-kheo : Người đàn ông có thể là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
sự kiện này có xảy ra.
13. Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : Một phụ nữ có thể là vị Chuyển Luân Vương,
sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo :
Môt người đàn ông có thể là vị Chuyển Luân Vương, sự kiện này có xảy
ra.
14-16 Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được : Một phụ nữ có thể là vị Đế Thích
(Sakka)...là Ác Ma...là Phạm Thiên, Sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện
này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, một người đàn ông có thể là Vị Đế
Thích... là Ác Ma... là Phạm Thiên, sự kiện này có xảy ra
17. Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : là quả dị thục của thân làm ác có thể
là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này
có xảy, này các Tỷ-kheo, là quả dị thục của thân làm ác có thể là
không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, sự kiện này có xảy ra.
18-19. Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được : là quả dị thục của miệng nói ác...
của ý nghĩ ác, có thể là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện này
không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra này các Tỷ-kheo, là quả dị thục
của miệng nói ác... của ý nghĩ ác, là không khả lạc, không khả hỷ,
không khả ý, sự kiện này có xảy ra.
1-9. KHÔNG THỂ XẢY RA
1. (Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : là quả dị thục của thân làm thiện có
thể là không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, sự kiện này không
xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là quà dị thực của
thân làm thiện có thể là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện nà có xảy
ra.
2-3. Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được : là quả dị thực của miệng nói thiện...
của ý nghĩ thiện có thệ là không khả lạc, không khả hỷ, không khả
ý, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo,
là quả dị thực của miệng nói thiện... của ý nghĩ thiện là khả lạc,
khả hỷ, khả ý, sự kiện này có xảy ra.
4. Sự kiện này không xảy ra, này
các Tỷ-kheo, không có được : là người đầu đủ thân làm ác, do nhân
ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi lành, cõi
Trời, cõi đời này, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra,
này các Tỷ-kheo, là người đầy đủ thân ác, do nhân ấy, do duyên ấy,
sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa
ngục, sự kiện này có xảy ra.
5-6. Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được là người đầy đủ, miệng nói ác... ý
nghĩ ác, do nhân ấy, do duyên ấy... (như số 4 trên)..., sự kiện này có xảy
ra.
7-9. Sự kiện này không xảy ra,
này các Tỷ-kheo, không có được : là người đầy đủ thân làm thiện...
miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại
mạng chung, có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, sự kiện
này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là người đầy
đủ thân làm thiện,... miệng nói thiện... ý nghĩ thiện, do nhân ấy, do
duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi lành, cõi Trời,
cõi đời này, sự kiện này có xảy ra.
XVI. PHẨM MỘT PHÁP
1-10. NIỆM PHẬT ...
1-10. - Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly
tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết -bàn. Một pháp ấy
là gì ? Chính la niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được
tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham,
đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
2-10. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đế nhứt hướng nhàm chán,
ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp
ấy là gì ? Chính là niệm Pháp... niệm Tăng... niệm Giới... niệm Thí...
niệm Thiện... niệm Hơi thỏ vô, Hơi thỏ ra... niệm Chết... niệm Thân...
niệm An tịnh. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được
làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an
tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
XVII. PHẨM CHỦNG TỬ
1-10. - TÀ KIẾN v.v...
1. - Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được
sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại,
này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo,
các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã
sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
2. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi,
và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo,
như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện
chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng,
quảng đại.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh
khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo,
như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa
sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt.
4. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh
khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo,
như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất
thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn
diệt.
5. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, tà kiến chưa sanh được sanh khởi, hay
tà kiến đã sanh đi đến tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như không như lý
tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, tà kiến chưa sanh được
sanh khởi, hay tà kiến đã sanh t9ược tăng trưởng.
6. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi,
hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như lý tác
ý. Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi,
hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng.
7. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng
chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này các Tỷ-kheo,
như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này các Tỷ-kheo, sau
khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi tử, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
8. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng
chung, bị sanh vào cõi lành, cõi Trời, cõi đời này, này các Tỷ-kheo, như
chánh kiến. Các chúng sanh có đầy đủ chánh kiến, này các Tỷ-kheo, sau
khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời, cõi đời này.
9. Đối với người có tà kiến,
này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được
chấp nhận theo tà kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn
toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm có tư tâm sở
nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có các
hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ,
không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao ? Vì tánh ác của
kiến. này các Tỷ-kheo. Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây nimba, hay
hột giống cây Kosàtaki (một loại cây leo), hay hột giống cây mướp đắng,
được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị
gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh đắng, tánh
cay, tánh không lạc của nó. Vì cớ sao ? Vì tánh ác của hột giống, này
các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có tà kiến,
này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành... Vì tánh ác của kiến, này các Tỷ-kheo.
10. Đối với người có chành kiến,
này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được
chấp nhận theo chánh kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn
toàn được thực hiện, được chấp nhận theo chánh kiến, phàm có tư tâm
sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có
các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý,
đưa đến hạnh phúc, an lạc. Vì cớ sao ? Vì tánh hiền thiện của kiến,
này các Tỷ-kheo. Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây mía, hay hột giống
cây lúa, hay hột giống cây nho được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó
lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy
đều đưa đến tánh ngọt, thích ý, tánh ngon ngọt của nó. Vì cớ sao ?
Vì tánh hiền thiện của hột giống. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với
người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành... Vì tánh hiền
thiện của kiến, này các Tỷ-kheo.
XVIII. PHẨM MAKKHALI
1-17. MỘT PHÁP.
1. - Có một người, này các Tỷ-kheo,
khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất
lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho
chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai ? Người có tà kiến, người
có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa diệu pháp, an
trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời,
sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất
lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
2. Có một người, này các Tỷ-kheo,
khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại hạnh phúc cho đa số, an
lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư
Thiên và loài Người. Một người ấy là ai ? Người có chánh kiến, người
không có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa phi pháp,
an trú diệu pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện
ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số,
lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.
3. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, lại phạm tội lớn, này các Tỷ-kheo, như tà kiến.
Tối thắng tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phạm tội lớn.
4. Ta không thấy một pháp nào
khác, này các Tỷ-kheo, được tuân theo đưa lại bất hạnh cho đa số, bất
lạc cho đa số, thất lợi cho đa số, đem đến bất hạnh, bất lạc cho
chư Thiên và loài Người, này các Tỷ-kheo, như kẻ ngu si. Ví như, này các
Tỷ-kheo, tại cửa sông có đặt một cái nom bẫy cá, đem lại bất hạnh
đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghỉ rằng như là một cái nôm bẫy
cá cho loài Người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn
thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình.
5. Ai khuyến khích chấp nhận một
pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, thời người khuyến khích
và người được khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại
nhiều vô phước. Vì cớ sao ? Vì pháp được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo.
6. Ai khuyến khích chấp nhận một
pháp luật được khéo thuyết, thời người khuyến khích và người được
khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại nhiều phước đức.
Vì cớ sao ? Vì pháp được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo.
7. Trong một pháp luật được vụng
thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người cho biết,
chớ không phải do người nhận. Vì cớ sao ? Vì pháp được vụng thuyết.
8. Trong một pháp luật được khéo
thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người nhận biết,
không phải do người cho. Vì cớ sao ? Vì pháp được khéo thuyết.
9. Trong một pháp luật được vụng
thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn sống đau khổ. Vì cớ
sao ? Vì pháp được vụng thuyết.
10. Trong một pháp luật được khéo
thuyết, này các Tỷ-kheo, người biếng nhác sống đau. Vì cớ sao ? Vì
pháp được khéo thuyết.
11. Trong một pháp luật được vụng
thuyết, này các Tỷ-kheo. ai sống biếng nhác, người ấy sống an lạc. Vì
cớ sao ? Vì pháp được vụng thuyết.
12. Trong một pháp luật được khéo
thuyết, này các Tỷ-kheo. ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc.
Vì cớ sao ? Vì pháp được khéo thuyết.
13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một
ít phân có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về
hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng móng tay.
14-17. Ví như, này các Tỷ-kheo, một
ít nước tiểu có mùi hôi thúi...một ít nước miếng có mùi hôi
thúi......một ít mủ có mùi hôi thúi......một ít máu có mùi hôi thúi. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít
thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng móng tay.
XIX. PHẨM KHÔNG PHÓNG DẬT
1-44. MỘT PHÁP
1. - Ví như trong cõi Jambudipa
(Diêm-phủ-đế) này, số ít là các khu vườn khả ái, các khu rừng khả
ái, các vùng đất khả ái, các hồ ao khả ái, còn nhiều hơn là các chỗ
đất cao thấp, các con sông khó lội qua, các khu vực râm rạp những gậy
gộc, gai góc, các núi non lởm chởm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít
là các loài hữu tình sanh trên đất liền. Và số nhiều là các loài hữu
tình sanh ở trong nước.
2....Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các loài hữu tình được tái sanh giữa loài Người. Và nhiều hơn
là các loài hữu tình được tái sanh ra ngoài loài Người. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, số ít là các loài hữu tình ấy được tái sanh ở các quốc
độ trung ương. Và nhiều hơn các loài hữu tình phải tái sanh ở quốc độ
biên địa, giữa các loài man rợ không biết nhận thức.
3.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh có trí tuệ, nhanh trí, không điếc, không câm, có khả
năng suy xét ý nghĩa của những lời khéo thuyết hay vụng thuyết, Và nhiều
hơn là các chúng sanh có ác trí tuệ, châm trí, điếc và câm. không có khả
năng suy xét ý nghĩa của những lời khéo thuyết hay vụng thuyết.
4.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh đầy đủ cặp mắt trí tuệ của bậc Thánh. Và nhiều
hơn là các chúng sanh bị chìm đắm trong vô minh si ám.
5.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh được thấy Như Lai. Và nhiều hơn là các chúng sanh
không được thấy Như Lai.
6.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh được nghe pháp luật do Như Lai thuyết giảng. Và nhiều
hơn là các chúng sanh không được nghe pháp luật do Như Lai thuyết giảng.
7.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh, sau khi nghe, thọ trì pháp. Và nhiều hơn là các chúng
sanh, sau khi nghe không thọ trì pháp.
8.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh quan sát ý nghĩa các pháp chúng học thuộc lòng. Và
nhiều hơn là các chúng sanh không quan sát ý nghĩa các pháp chúng học thuộc
lòng.
9.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh, sau khi hiểu được ý nghĩa, sau khi hiểu được pháp,
thực hành đúng theo pháp và tùy pháp. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau
khi hiểu được ý nghĩa, sau khi hiểu được pháp, không thực hành đúng
theo pháp và tùy pháp.
10.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh được khích động bởi những vấn đề đáng được
khích động, Và nhiều hơn là các chúng sanh không được khích động bởi
những vấn đề đáng được khích động.
11.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh, sau khi được khích động, như lý tinh tấn. Và nhiều
hơn các chúng sanh, sau khi được khích động, không như lý tinh tấn.
12.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được
nhất tâm. Và nhiều hơn các chúng sanh, sau khi từ bỏ pháp sở duyên,
không được định, không được nhất tâm.
13.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh được đồ ăn tối thắng, được vị ăn tối thắng.
Và nhiều hơn, là các chúng sanh không được đồ ăn tối thắng, không
được vị ăn tối thắng, chỉ nuôi sống với các áo và đồ ăn lượm lặt.
14.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số
ít là các chúng sanh đã dược vị ngọt của mục đích, vị ngọt của
pháp, vị ngọt của giải thoát. Và nhiều hơn là các chúng sanh không được
vị ngọt của mục đích, vị ngọt của pháp, vị ngọt của giải thoát,
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau : "Chúng
ta sẽ là những người được vị ngọt của mục đích, vị ngọt của
pháp, vị ngọt của giải thoát". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy
cần phải học tập.
15-17.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
trong cõi Diêm-phủ-đế này, số ít là các khu vườn khả ái, các khu rừng
khả ái, các vùng đất khả ái, các hồ ao khả ái. Và nhiều hơn là các
chỗ đất cao đất thấp, các con sông khó lội qua, các khu vực rậm rạp
những gậy gộc gai góc, các núi non lởm chởm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là chúng sanh sau khi chết từ loài Người được tái sanh trong loài
Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người, bị
tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sang... ở cõi ngạ quỷ.
18-20.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người được tái sanh giữa
chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người bị
tái sanh ở địa ngục... bị tái sanh ở loài bàng sanh... bị tái sanh ở
cõi ngạ quỷ.
21-23.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên được tái sanh giữa
chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên bị
tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.
24-26.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên được tái sanh giữa
loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên bị
tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.
27-29.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ địa ngục, được sanh giữa loài
Người. Và nhiều hơn các chúng sanh, sau khi chết từ cõi địa ngục bị tái
sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bảng sanh... ở cõi ngạ quỷ.
30-32....Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi địa ngục, được sanh lên
chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi địa ngục
bị tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.
33-35.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ loài bàng sanh bị tái sanh giữa
loài Người, Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài
bàng sanh bị tái sanh ở địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ
quỷ.
36-38.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh được tái
sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ các
loài bàng sanh được tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh...
ở cõi ngạ quỷ.
39-41.... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết ở cõi ngạ quỷ được tái sanh giữa
các loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết ở cõi ngạ
quỷ bị tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ
quỷ.
42-44. Ví như cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
số ít là các chúng sanh, sau khi chết ở cõi ngạ quỷ được tái sanh giữa
chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết, ở cõi ngạ quỷ bị
tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.
XX. PHẨM THIỀN ĐỊNH
1-192. THẬT SỰ LÀ VẬY
1.- Thật sự cái này là một trong
những điều lợi, này các Tỷ-kheo, tức là sống trong rừng … sống kth
… mang y phấn tảo … chỉ mang ba y thuyết pháp … trì luật … biết nhiều
về sự thật … đã lâu ngày là vị trưởng lão … có oai nghi nghiêm chỉnh
… có được hội chúng quy tụ … có đại hội chúng đoanh vây, con gia đình
tốt đẹp … diện mạo đoan chánh … ngôn ngữ hòa nhã … thiểu dục …
không có bệnh hoạn.
2-9. Nếu chỉ trong thời gian búng
ngón tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Thiền thứ nhất, vị này,
này các Tỷ-kheo, được gọi là một Tỷ-kheo trú Thiền không phải uống
phí, đã làm theo lời dạy vị Đạo sư, là vị chịu nghe lời giáo giới,
ăn đồ ăn quốc độ không phải vô ích, còn nói gì vị ấy làm cho sung
mãn Thiền ấy.
Nếu chỉ trong thời gian búng ngón
tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Thiền thứ hai, … Thiền thứ ba,
… Thiền thứ tư … tu tập Từ tâm giải thoát … tu tập Bi tâm giải
thoát … tu tập Hỷ tâm giải thoát … tu tập Xả tâm giải thoát …
10-13. Nếu vị ấy trú quán thân
trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời
… quán thọ trên các cảm quán thọ … quán tâm trên tâm, quán pháp trên
các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời
…
14-17. … Đối với các ác, bất
thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn,
quyết tâm, cố gắng … Đối với các ác, bất thiện đã sanh, khởi lên
ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng … Đối với
các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần,
tinh tấn, quyết tâm, cố gắng … Đối với các pháp thiện đã sanh, khởi
lên ý muốn làm an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng
đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng
…
18-21. Tu tập như ý túc câu hữu với
Dục định tinh cần hành … câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành
… câu hữu với Tâm định tinh cần hành … câu hữu với Tư duy định
tinh cần hành …
22-31. Tu tập Tín căn … tu tập Tấn
căn … tu tập Niệm căn … tu tập Định căn … tu tập Tuệ căn … Tu tập
Tín lực … tu tập Tấn lực … tu tập Niệm lực … tu tập Định lực
… tu tập Tuệ lực …
32-38. Tu tập Niệm giác chi … tu tập
Trạch pháp giác chi … tu tập Tinh tấn giác chi … tu tập Hỷ giác chi …
tu tập Khinh an giác chi … tu tập Định giác chi … tu tập Xả giác chi …
39-46. Tu tập Chánh tri kiến … tu tập
Chánh tư duy … tu tập Chánh ngữ … tu tập Chánh nghiệp … tu tập Chánh
mạng … tu tập Chánh tinh tấn … tu tập Chánh niệm … tu tập Chánh định
…
47-54. Quán tưởng nội sắc, thấy
các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng
: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy …"
Quán tưởng nội sắc, thấy các loại
ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng : "Sau khi
nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy …"
Quán tưởng vô sắc ở nội tâm,
thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức
rằng : "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy …"
Quán tưởng vô sắc ở nội tâm,
thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng
: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy …"
Quán tưởng vô sắc ở nội tâm,
thấy các loại loại ngoại sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh,
ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng : "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta
biết, ta thấy …"
Quán tưởng vô sắc ở nội tâm,
thấy các loại loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc
vàng, ánh sáng vàng. Vị ấy nhận thức rằng : "Sau khi nhiếp thắng
chúng, ta biết, ta thấy …"
Quán tưởng vô sắc ở nội tâm,
thấy các loại loại ngoại sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ,
ánh sáng đỏ. Vị ấy nhận thức rằng : "Sau khi nhiếp thắng chúng,
ta biết, ta thấy …"
Quán tưởng vô sắc ở nội tâm,
thấy các loại loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc
trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng : "Sau khi nhiếp thắng
chúng, ta biết, ta thấy …"
55-62. Tự mình có thấy sắc, thấy
các sắc. Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy ngoại sắc … quán tưởng
sắc là tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy … Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng,
diệt trừ các tưởng hữu đối, không suy tư đến các tưởng khác biệt,
với suy tư : "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ
… vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư : "Thức là vô
biên", chứng và trú Thức vô biên xứ … vượt khỏi hoàn toàn Thức
vô biên xứ, với suy tư : "Không có vậy gì", chứng và trú Vô sở
hữu xứ … vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng
phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng …
63-72. Tu tập địa biến xứ … tu
tập thủy biến xứ … tu tập hỏa biến xứ … tu tập phong biến xứ …
tu tập xanh biến xứ … tu tập vàng biến xứ … tu tập đỏ biến xứ
… tu tập trắng biến xứ … tu tập hư không biến xứ … tu tập thức
biến xứ …
73-82. Tu tập tưởng bất tịnh …
tu tập tưởng về chết … tu tập tưởng yếm ly các món ăn … tu tập
tưởng không hỷ lạc đối với tất cả thế giới … tu tập vô thường
tưởng … tu tập tưởng khổ trên vô thường … tu tập tưởng vô ngã
trên khổ … tu tập tưởng đoạn tận … tu tập tưởng ly tham … tu tập
tưởng đoạn diệt …
83-92. Tu tập tưởng vô thường …
tu tập tưởng vô ngã … tu tập tưởng về chết … tu tập tưởng ghê tởm
đối với các món ăn … tu tập tưởng không hỷ lạc đối với tất cả
thế giới … tu tập tưởng hài cốt … tu tập tưởng bị trùng bọ ăn
… tu tập tưởng bị xanh bầm … tu tập tưởng bị đầy những lỗ hổng
… tu tập tưởng bị sưng phồng lên …
93-102. Tu tập niệm Phật … tu tập
niệm Pháp … tu tập niệm Tăng … tu tập niệm Giới … tu tập niệm Thí
… tu tập niệm Thiên … tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra … tu tập
niệm Chết … tu tập thân niệm … tu tập An tịnh niệm …
103-112. Tu tập Tín căn đồng với
sơ Thiền … tu tập Tấn căn đồng với sơ Thiền … tu tập Niệm căn đồng
với sơ Thiền … tu tập Định căn đồng với sơ Thiền … tu tập Tuệ
căn đồng với sơ Thiền … tu tập Tín lực … tu tập Tấn lực … tu tập
Niệm lực … tu tập Định lực … tu tập Tuệ lực đồng với sơ Thiền.
113-122. Tu tập Tín căn đồng với
Thiền thứ hai … Tu tập Tuệ lực đồng với Thiền thứ hai …
123-132. Tu tập Tín căn đồng với
Thiền thứ ba… Tu tập Tuệ lực đồng với Thiền thứ ba …
133-142. Tu tập Tín căn đồng với
Thiền thứ tư … Tu tập Tuệ lực đồng với Thiền thứ tư …
143-152. Tu tập Tín căn câu hữu với
Từ … Tu tập Tuệ lực câu hữu với Từ …
153-162. Tu tập Tín căn câu hữu với
Bi … Tu tập Tuệ lực câu hữu với Bi …
163-172. Tu tập Tín căn câu hữu với
Hỷ… Tu tập Tuệ lực câu hữu với Hỷ …
173-182. Tu tập Tín căn câu hữu với
Xả… Tu tập Tuệ lực câu hữu với Xả …
183-192. Nếu tu tập Tín căn … nếu
tu tập Tấn căn … nếu tu tập Niệm căn … nếu tu tập Định căn … nếu
tu tập Tuệ căn … nếu tu tập Tín lực … nếu tu tập Tấn lực … nếu
tu tập Niệm lực … nếu tu tập Định lực … nếu tu tập Tuệ lực …,
vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo trú Thiền không phải trống
không, đã làm theo lời dạy vị Đạo sư, là vị chịu nghe lời giáo giới,
ăn đồ ăn quốc độ không phải vô ích, còn nói gì vị ấy làm cho sung
mãn pháp ấy.
XXI. PHẨM THIỀN ĐỊNH
1-70.
1. - Như một ai, này các Tỷ-kheo, với
tâm biến mãn cùng khắp biển lớn, có thể bao gồm tất cả các con sống
bé nhỏ đổ vào biển cả, cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai tu tập, làm cho
sung mãn thân hành niệm, cũng bao gồm tất cả thiện pháp, gồm những
pháp thuộc về minh phần.
2-8. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi
ích lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, chánh niệm tỉnh giác, đưa đến
chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ
quả minh và giải thoát. Một pháp ấy là gì ? Chính là thân hành niệm. Đây
là một pháp, này các Tỷ-kheo, tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến
cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, chánh niệm
tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú,
đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.
9-12. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được
khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần
đi đến tu tập, làm chi viên mãn. Môt pháp ấy là gì ? Chính là thân hành
niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn một pháp này, thân được khinh an, tâm
được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về
minh phần đi đến tu tập, làm chi viên mãn.
13. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp bất thiện chưa sanh
không sanh khởi, các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn tận. Môt pháp ấy
là gì ? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn một pháp
này, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, các pháp bất thiện đã
sanh bị đoạn tận.
14-15. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp thiện chưa sanh được
sanh khởi, các pháp thiện đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. Môt
pháp ấy là gì ? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn một
pháp này, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, các
pháp thiện đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.
16-21. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, vô minh được đoạn tận,
minh được sanh khởi, ngã mạn được đoạn tận, các tùy miên được nhổ
sạch, các kiết sử bị đoạn tận. Môt pháp ấy là gì ? Chính là thân
hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn, vô minh được đoạn tận, minh được
sanh khởi, ngã mạn được đoạn tận, các tùy miên được nhổ sạch, các
kiết sử bị đoạn tận.
22-23. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích của
trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ. Một pháp ấy là gì ?
Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến sự phân
tích của trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ.
24-26. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự thông đạt của
nhiều giới, sự thông đạt của nhiều giới sai biệt, sự vô ngại giải
của nhiều giới. Một pháp ấy là gì ? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập,
làm cho sung mãn, đưa đến sự thông đạt của nhiều giới, sự thông đạt
của nhiều giới sai biệt, sự vô ngại giải của nhiều giới.
27-30. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả
Dự lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất lai, đưa đến sự chứng ngộ
quả Bất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A-la-hán. Một pháp ấy là gì
? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng
ngộ quả Dự lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất lai, đưa đến sự
chứng ngộ quả Bất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A-la-hán.
31-46. Có một pháp, này các Tỷ-kheo,
không được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí
tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến quảng đại trí tuệ,
đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn
trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến
trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể
nhập. Một pháp ấy là gì ? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, làm cho
sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng
trí tuệ, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi,
đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều
trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng,
đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập.
47-48. Những vị này không hưởng
được bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị không thực hành thân hành
niệm. Những vị này hưởng được bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị
thực hành thân hành niệm.
49-50. Những vị này không chia sẻ
bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị không chia sẻ thân hành niệm. Những
vị này chia sẻ bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị chia sẻ thân
hành niệm.
51-52. Bất tử bị đoạn tận, này
các Tỷ-kheo, đối với những ai đoạn tận thân hành niệm. Bất tử
không bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không đoạn tận
thân hành niệm.
53-54. Bất tử bị khiếm khuyết,
này các Tỷ-kheo, đối với những ai khiếm khuyết thân hành niệm. Bất tử
được viên thành, này các Tỷ-kheo, đối với những ai viên thành thân
hành niệm.
55-56. Bất tử bị xao lãng bỏ phế,
này các Tỷ-kheo, đối với những ai bỏ phế thân hành niệm. Bất tử
không bị xao lãng bỏ phế, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không bỏ
phế thân hành niệm.
57-58. Bất tử bị vong thất, này
các Tỷ-kheo, đối với những ai vong thất thân hành niệm. Bất tử không
bị vong thất, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không vong thất thân
hành niệm.
59-60. Bất tử không được thực
hiện, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không thực hiện thân hành niệm.
Bất tử được thực hiện, này các Tỷ-kheo, đối với những ai thực hiện
thân hành niệm.
61-62. Bất tử không được tu tập,
này các Tỷ-kheo, đối với những ai không tu tập thân hành niệm. Bất tử
được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với những ai tu tập thân hành niệm.
63-64. Bất tử không được làm cho
sung mãn, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không làm cho sung mãn thân
hành niệm. Bất tử được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đối với những
ai làm cho sung mãn thân hành niệm.
65-66. Bất tử không được thắng
tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không thắng tri thân hành niệm. Bất
tử được thắng tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai thắng tri thân
hành niệm.
67-68. Bất tử không được liễu
tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không liễu tri thân hành niệm. Bất
tử được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai liễu tri thân
hành niệm.
69-70. Bất tử không được chứng
ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không chứng ngộ thân hành niệm.
Bất tử được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với những ai chứng ngộ
thân hành niệm.
Thế Tôn thuyết như vậy, các vị
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
http://buddhismtoday.com/viet/kinh/pali/Tang1.htm