- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 5a
- CHƯƠNG NĂM
- NĂM PHÁP
I. PHẨM SỨC MẠNH HỮU
HỌC
(I) (1) TÓM LƯỢC
1. Như vậy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các
Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp
Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Này các Tỷ-kheo, có năm
sức mạnh này, các bậc Hữu học. Thế nào là năm ? Tín lực, tàm lực,
quý lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc hữu
học.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần
phải học tập như sau:
3. "Tôi sẽ thành tựu
tín lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tàm lực, được
gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực, được gọi là hữu học
lực. Tôi sẽ thành tựu tinh tấn lực, được gọi là hữu học lực. Tôi
sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực". Như vậy, này
các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
(II) (2) RỘNG RÃI
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm
sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực,
quý lực, tinh tấn, tuệ lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tín lực?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai:
"Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,
Phật Thế Tôn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tàm lực?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói
ác, ý nghĩ ác, hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực
hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tàm lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là quý lực?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng
nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực
hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tinh tấn lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện,
thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh
nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là
tinh tấn lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tuệ lực?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự
thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là tuệ lực.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là năm sức mạnh của bậc Hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải
học tập như sau:
7. "Ta sẽ thành tựu
tín lực, được gọi là hữu học lực... tàm lực... quý lực... tinh tấn
lực... ta sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực". Như
vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
(III) (3) KHỔ
1. - Thành tựu năm pháp
này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn
não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ
đợi là ác thú. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng
nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện
tại sống đau khổ, với tổn hại, với ưu não, với nhiệt não; sau khi
thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
2. Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn
não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được
chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí
tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại
sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau
khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành.
(IV) (4) TƯƠNG XỨNG
1. - Thành tựu năm pháp
này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng
nhác, có ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương
xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
2. Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, được sanh vào cõi Trời.
Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí
tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy
được sanh vào cõi Trời.
(V) (5) HỌC PHÁP
1. - Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni
nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục,
năm vấn đề hợp pháp để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy
ngay trong hiện tại. Thế nào là năm?
2. "Trong Thầy (vị ấy
nghĩ) không có lòng tín đối với các thiện pháp; trong Thầy không có
lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp; trong Thầy không có lòng sợ hãi
đối với các thiện pháp; trong Thầy không có tinh tấn đối với các thiện
pháp; trong Thầy không có trí tuệ đối với các thiện pháp. "Tỷ-kheo
hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống
thế tục, năm vấn đề hợp pháp này để tự trách và chỉ trích đến với
vị ấy ngay trong hiện tại.
3. Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào,
này các Tỷ-kheo, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt,
than khóc, vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn
đề hợp pháp để tự tán thán đế với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế
nào là năm ? "Trong Thầy (vị ấy nghĩ) có lòng tin đối với các thiện
pháp; trong Thầy có lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp; trong Thầy
có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng tinh tấn đối
với các thiện pháp; trong Thầy có trí tuệ đối với các thiện pháp, dầu
với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, khóc than vẫn sống
đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự
tán thán này đến với vị ấy ngay trong hiện tại.
(VI) (6) ƯỚC VÀO
1. - Không có sự bước vào
bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng tin an trú vào các
thiện pháp. Khi nào lòng tin biến mất, này các Tỷ-kheo, lòng không tin khởi
lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện.
2-5. Không có sự bước vào
bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng hổ thẹn... lòng sợ
hãi... tinh tấn... trí tuệ an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng hổ thẹn...
lòng sợ hãi... tinh tấn... trí tuệ biến mất, này các Tỷ-kheo, không xấu
hổ... không sợ hãi... biếng nhác... ác tuệ khởi lên và tồn tại, thời
có sự bước vào bất tiện.
(VII) (7) DỤC VỌNG
1. - Phần lớn, này các Tỷ-kheo,
các loại hữu tình tìm được lạc thú trong các dục. Với thiện nam tử,
này các Tỷ-kheo, đã bỏ một bên lưỡi liềm và đòn gánh, xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy vừa đủ để được gọi:
"Vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia". Vì cớ sao?
2. Các dục, này các Tỷ-kheo,
được tìm thấy với tuổi trẻ, các dục này hay các dục khác. Và này
các Tỷ-kheo, các dục hạ liệt, các dục trung đẳng, và các dục tối thắng,
tất cả dục đều được chấp nhận là các dục.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo,
có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý,
đức nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng. Người vú hầu ấy
phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu
không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái mắn đầu nó lại,
với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải
chảy máu. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ.
Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, người vú hầu phải làm như vậy, vì muốn lợi
ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ).
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi đức trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí
khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: "Nay đứa
trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa".
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
cho đến khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được lòng tin đối với các thiện
pháp, chưa gây được lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp, chưa gây
được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, chưa gây được tinh tấn
đối với các thiện pháp; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta cần phải
phòng hộ Tỷ-kheo ấy. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gây được lòng
tin đối với các thiện pháp, gây được lòng hổ thẹn đối với thiện
pháp, gây được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp; gây được trí
tuệ đối với các thiện pháp, thời khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không
còn săn sóc Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: "Nay Tỷ-kheo ấy đã biết tự bảo
vệ mình, không còn phóng dật nữa".
(VIII) (8) TỪ BỎ
1.- Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế
nào là năm?
2. Không có lòng tin, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ
thẹn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ không an trú trong diệu pháp. Không
có lòng sợ hãi, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong
diệu pháp. Biếng nhác, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú
trong diệu pháp. Không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ,
không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
từ bỏ, không an trú trong diệu pháp.
3. Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào
là năm? Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu
pháp. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... có tinh tấn... có trí tuệ,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu
năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu
pháp.
(IX) (9) KHÔNG TÔN KÍNH (1)
1. - Thành tựu năm pháp
này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ,
không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?
2. Không có lòng tin, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an
trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn... không có lòng sợ hãi... biếng
nhác... không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không
tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không
an trú trong diệu pháp.
3. Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú
trong diệu pháp. Thế nào là năm?
4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.
Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... có tinh tấn... có trí tuệ, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú
trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung
kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.
(X) (10) KHÔNG TÔN KÍNH (2)
1. - Thành tựu năm pháp
này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể
lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm?
2. Không có lòng tin, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn
lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Không có lòng hổ thẹn...
không có lòng sợ hãi... biếng nhác... có ác trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn
mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn
mạnh trong Pháp và Luật này.
3. Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng,
lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm?
4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh
trong Pháp và Luật này. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... tinh tấn...
có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể
lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm
pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn
lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.
II. PHẨM SỨC MẠNH
(I) (11) CHƯA ĐƯỢC NGHE
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta tự
cho là đã đạt được sự cứu cánh với thắng trí đối với các pháp từ
trước Ta chưa từng được nghe. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của
Như Lai. Thành tựu các đã đạt được vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống
con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển bánh xe Phạm thiên. Thế
nào là năm?
2. Tín lực, tàm lực, quý lực,
tinh tấn lực, tuệ lực. Có năm Như Lai lực này của Như Lai, này các Tỷ-kheo.
Thành tựu các sức mạnh ấy, Như Lai tự xem đã được vị trí Ngưu
vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển
bánh xe Phạm thiên.
(II) (12) NÓC NHỌN
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm
sức mạnh này của bậc hữu học. Thế nào là năm?
2. Tín lực, tàm lực, quý lực,
tinh tấn lực, tuệ lực. này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc
Hữu học. Trong năm sức mạnh của bậc Hữu học này, này các Tỷ-kheo,
cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu
tóm, tức là tuệ lực.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo,
với ngôi nhà có nóc nhọn, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp,
cái này là tổng thâu tóm, tức là cái nóc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
trong năm sức mạnh này của bậc hữu học, cái này là tối thượng, cái
này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là tuệ lực. Do vậy,
này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:
4. "Tôi sẽ thành tựu
tín lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tàm lực, được gọi
là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực... tinh tấn lực... tuệ lực,
được gọi là hữu học lực." Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần
phải học tập.
(III) (13) CÁC SỨC MẠNH TÓM
LƯỢC
- Này các Tỷ-kheo, có năm sức
mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ
lực. Này các Tỷ-kheo, có năm lực này.
(IV) (14) CÁC SỨC MẠNH RỘNG
THUYẾT
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm
sức mạnh này. Thế nào là năm?
2. Tín lực, tấn lực, niệm
lực, định lực, tuệ lực.
Này các Tỷ-kheo, thế nào
là tín lực?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai:
"Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,
Phật, Thế Tôn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tấn lực?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện,
thành tựu các thiện pháp, nỗ lực kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh
nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tấn
lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là niệm lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có chánh niệm, thành tựu tối thắng niệm và tuệ. Vị
ấy nhớ và gợi lại trong trí nhớ những điều đã nói và đã làm lâu
ngày về trước. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là niệm lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là định lực?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử ly các dục, ly các bất thiện pháp, chứng đạt và an
trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có
tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai,
một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất
tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, được các
bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ
ba. Đoạn lạc đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng
đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là định lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tuệ lực?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự
thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là tuệ lực.
Này các Tỷ-kheo, các pháp
này là năm lực.
(V) (15) CẦN PHẢI THẤY
- Này các Tỷ-kheo, có năm sức
mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ
lực.
Và này các Tỷ-kheo, tín lực
cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Dự lưu chi phần; ở đấy, tín lực cần
phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, tấn lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn
chánh cần; ở đấy, lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, niệm lực
cần phải thấy ở đâu? Trong Bốn niệm xứ; ở đấy, niệm lực cần phải
thấy. Và này các Tỷ-kheo, định lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo,
định lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thiền; ở đấy, định
lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, tuệ lực cần phải thấy ở đâu?
Ở trong bốn Thánh đế; ở đấy, tuệ lực cần phải thấy. Này các Tỷ-kheo,
có năm sức mạnh này.
(VI) (16) LẠI NÓC NHỌN
(Xin xem kinh #12)
(VII) (17) HẠNH PHÚC CHO AI
(1)
-Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh
phúc cho người khác. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Ty-kheo, Tỷ-kheo
tự mình đầy đủ giới hạnh, không có khuyến khích người khác đầy đủ
giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định, không có khuyến khích người
khác đầy đủ Thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ, không có khuyến
khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát; tự
mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không có khuyến khích người khác đầu
đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác.
(VIII) (18) HẠNH PHÚC CHO AI
(2)
- Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho người khác, không đem lại
hạnh phúc cho mình. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không tự mình đầy đủ giới hạnh, khuyến khích người khác đầy đủ
giới hạnh; không tự mình đầy đủ Thiền định... không tự mình đầy
đủ trí tuệ... không tự mình đầy đủ giải thoát... không tự mình đầy
đủ giải thoát tri kiến, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát
tri kiến. Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh
phúc cho người khác, không đem lại hạnh phúc cho mình.
(IX) (19) HẠNH PHÚC CHO AI (3)
- Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại
hạnh phúc cho người. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không tự mình đầy đủ giới hạnh, không khuyến khích người khác đầy
đủ giới hạnh; không tự mình đầy đủ Thiền định... không tự mình
đầy đủ trí tuệ... không tự mình đầy đủ giải thoát... không tự
mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không khuyến khích người khác đầy
đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
không đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người.
(X) (20) HẠNH PHÚC CHO AI (4)
- Thành tựu năm pháp này,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc
cho người. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới
hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định... tự mình đầy đủ trí tuệ... tự
mình đầy đủ giải thoát... tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, và
khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp
này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh
phúc cho người.
III. PHẨM NĂM PHẦN
(I) (21) KHÔNG CÓ CUNG KÍNH
(1)
1- Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo,
không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng
Phạm hạnh, sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy
ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên
mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn hữu
học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này
không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ
làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không
làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định,
sự kiện này không xảy ra.
2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo,
có cung kính có thận trọng, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh
sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm
cho viên mãn thắng hạnh, pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học
pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn hữu học pháp, vị
ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này có xảy ra. Sau khi
làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến,
sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ
làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này có xảy ra.
(II) (22) KHÔNG CÓ CUNG KÍNH
(2)
1. - Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo,
không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng
Phạm hạnh, sẽ làm viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy
ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm viên
mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên
mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này
không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho
viên mãn định uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên
mãn định, vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này không xảy
ra.
2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo,
có cung kính, có thận trong, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh,
vị ấy sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra.
Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu
học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm viên mãn hữu học pháp, vị
ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm
cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện
này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn định uẩn, vị ấy sẽ làm cho
viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này có xảy ra.
(III) (23) CÁC UẾ NHIỄM
1. - Có năm uế nhiễm này của
vàng, này các Tỷ-kheo, do các uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được
nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sánh chói, bị bể vụn và
không chơn chánh chịu sự tác thành. Thế nào là năm?
2. Sắt, đồng, thiếc, chì
và bạc. Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do uế nhiễm
ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng,
không sáng chói bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành.
3. Và khi nào, này các Tỷ-kheo,
vàng được giải thoát khỏi năm uế nhiễm này, khi ấy vàng ấy được
nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bị bể vụn, và chơn chánh chịu
sự tác thành. Và các đồ trang sức nào người ta muốn như nhẫn, như bông
tai, như vòng cổ, như dây chuyền vàng, vàng ấy có thể dùng tùy theo ước
muốn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
có năm uế nhiễm này của tâm, do các uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm,
không nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không
chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?
4. Tham dục, sân, hôn trầm
thụy miên, trạo hối, nghi. Có năm uế nhiễm này của tâm, này các Tỷ-kheo,
do năm uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không dễ
sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh, định tĩnh để
đoạn diệt các lậu hoặc.
5. Và khi nào, này các Tỷ-kheo,
tâm được giải thoát khỏi năm uế nhiễm ấy; khi ấy được nhu nhuyến,
dễ sử dụng, sáng chói, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn
diệt các lậu hoặc. Tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với
thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng
trí. Tại đây, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lục đạt đến
pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
6. Nếu vị ấy ước muốn,
"Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều
thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách,
qua tường, qua núi như đi qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất
liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm, như trên đất liền;
ngồi kiết-già hay đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và sờ
mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như
vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên." Tại đấy, tại đấy,
vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc
loại xứ nào.
7. Nếu vị ấy muốn:
"Với thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư
thiên và loài Người, xa và gần". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có
khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ
nào.
8. Nếu vị ấy ước muốn:
"Mong rằng với tâm của mình có thể biết được tâm của các loại
chúng sanh khác, tâm của loài Người khác nhau như sau: "Tâm có tham, biết
là tâm có tham. Tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là
tâm có sân. Tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm
có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm
chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Đại hành tâm biết là
đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành
tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết
là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm thiền định. Tâm không
thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm
giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát"".
Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng
thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
9. Nếu vị ấy ước muốn:
"Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời,
ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời,
bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp,
nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp." Vị ấy nhớ rằng:
"Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp
như thế này, đồ ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ
đến mức thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ.
Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như
thế này, đồ ăn như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi
chết tại chỗ nọ, ta được sanh ở đây." Tại chỗ, tại đấy, vị
ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại
xứ nào.
10. Nếu vị ấy ước muốn:
"Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự từ bỏ và sanh khởi
của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người
đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp
của họ. Các vị chúng sanh ấy làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về
lời, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp
theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào
cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các vị chúng sanh nào làm những
thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh
kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này sau khi thân hoại mạng
chung, được sanh lên các cõi lành, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, với
thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống chết của
chúng sanh. ta có thể rõ biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao
sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều
do hạnh nghiệp của họ". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng,
có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
11. Nếu vị ấy ước muốn:
"Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta
chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát." Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt
đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
(IV) (24) ÁC GIỚI
1. - Với người ác giới,
này các Tỷ-kheo, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại.
Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như
thật tri kiến do vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt,
với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị
phá hoại. Khi nhàm chán ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham
bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một cây, với cành và lá bị phá hoại, thời đọt cây ấy không đi đến
viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên
mãn, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người
ác giới, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi
chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật
tri kiến nhân vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với
người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá
hoại. Khi nhàm chán, ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị
phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.
3. Với người có giới,
này các Tỷ-kheo, với người gìn giữ giới, chánh định do vậy được đầy
đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu,
như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt,
với người như thật tri kiến có mặt, nhàm chán, ly tham do vậy được thành
tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán ly tham được thành
tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu.
4. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một cây, với cành và lá được đầy đủ, thời đọt cây ấy đi đến
viên mãn vỏ cây đi đến viên mãn, giác cây đi đến viên mãn lõi cây đi
đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người có giới, với người
giữ gìn giới, chánh định nhân vậy được đầy đủ. Do chánh định có
mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy
được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri
kiến được thành tựu, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do
nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán, ly tham được thành tựu,
giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu.
(V) (25) NHIẾP THỌ
1. - Do nhiếp thọ năm chi phần,
này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành thục với tâm giải thoát quả
và với các lợi ích của tâm giải thoát quả và với các lợi ích của
tâm giải thoát quả với tuệ giải thoát quả và với các lợi ích của
tuệ giải thoát quả.
2. Với năm pháp gì? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được giới pháp nhiếp thọ, được văn
nhiếp thọ, được luận nghị nhiếp thọ, được chỉ nhiếp thọ, được
quán nhiếp thọ. Do được năm chi phần này nhiếp thọ, này các Tỷ-kheo,
chánh tri kiến được thành tựu với tâm giải thoát quả và các lợi ích
của tâm giải thoát quả, với tâm giải thoát quả, với tuệ giải thoát
quả và các lợi ích của tuệ giải thoát quả.
(VI) (26) GIẢI THOÁT XỨ
1. - Có năm giải thoát cứ
này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt
tâm, tinh tấn, thời tâm chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn
diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được
đạt đến.
2. Thế nào là năm? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, bậc Đạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò
vị Đạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Đạo Sư, hay một vị
đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như
thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và
tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về
pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được
khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ,
tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát cứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo
sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được
giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến
đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt,
được đạt tới.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
bậc Đạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo Sư không
thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Và vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho
các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị
Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe,
như đã được học thuộc lòng, như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy,
như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy.
Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân
hoan sanh nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ
hai, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt
tới.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
bậc Đạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo Sư không
thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng
rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng.
Vị ấy đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã
được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo đọc tụng pháp
như vậy, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, một cách rộng
rãi như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy vị Tỷ-kheo ấy
tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ
về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh...
tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ ba, ở đây vị Tỷ-kheo
sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
bậc Đạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo Sư, không
thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp như đã
được nghe, như đã được học thuộc lòng một cách rộng rãi cho người
khác. Vị ấy không đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã nghe, như
đã được học thuộc lòng. Nhưng vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tự, với
ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng. Vị Tỷ-kheo
ấy, này các Tỷ-kheo, do với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp
như đã được nghe, như đã được đọc tụng như thế nào, như thế nào,
tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về
pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên
hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Đây là giải
thoát xứ thứ tư, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt
tâm... được đạt tới.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
bậc Đạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai vị Đạo Sư không
thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng
rãi cho các người khác, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng.
Vị ấy không đọc tụng pháp ấy một cách rộng rãi, như đã được
nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không với tâm tùy tầm, tùy
tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Vị
ấy pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Nhưng vị ấy khéo
nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với
trí tuệ như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín
thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về
nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được
định tĩnh. Đây là giải thoát cứ thứ năm, ở đây, vị Tỷ-kheo sống
không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.
7. Có năm giải thoát xứ
này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt
tâm, tính cần, thời tâm chưa giải thoát, hay các lậu hoặc chưa đoạn diệt
hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các
khổ ách chưa đạt, được đạt đến.
(VII) (27) ĐỊNH
1. - Này các Tỷ-kheo, thông
minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh thường
niệm, tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy khởi lên năm trí. Thế
nào là năm?
2. Định này hiện tại lạc
và tương lai có quả dị thục lạc, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi
lên. Định này thuộc bậc Thánh, không thuộc vật chất, trong mỗi người,
trí (như vậy) khởi lên. Định này không do người ác thực hiện, trong mỗi
người, trí (như vậy) khởi lên. Định này an tịnh, thù diệu đem đến
khinh an, đạt được nhất tâm, không phải là sự chế ngự gò ép thường
xuyên, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên: "An tịnh, ta nhập định
này. An tịnh, ta xuất khỏi định này", trong mỗi người trí (như vậy)
khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, thông minh,
thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh, thường niệm,
hãy tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy, khởi lên năm trí này.
(VIII) (28) NĂM CHI PHẦN
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ
thuyết giảng sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần. Hãy lắng
nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp
Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, như thế
nào là sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ.
Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với
hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ
lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo,
như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm
trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy
được thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành
giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm
cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ
nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Đây là sự tu tập thứ hai
về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền
thứ hai. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân
này với hỷ lạc do tịnh định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân
không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
5. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một hồ nước, nước tự dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy
ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước
chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại
mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nuớc ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt,
làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một
chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm này với hỷ lạc do định sanh, không
một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm
nhuần.
Đây là sự tu tập thứ hai
về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ
mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ
ba. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần với lạc thọ không có hỷ ấy, không một
chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
7. Ví như, này các Tỷ-kheo,
trong hồ sen xanh, hồ sen hồng ha sen trắng, những bông hoa ấy sanh trong nước,
lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ
đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu
suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh,
sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn
tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào
trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự
tu tập thứ ba về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và
trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Tỷ-kheo
ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không
một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm
nhuần.
9. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một người dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn
thân không được vải trắng ấy che phủ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
ngồi thấm nhuần toàn thân này với tâm thuần tịnh trong sáng, không một
chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm
nhuần.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự
tu tập thứ tư về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ
trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
11. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi,
hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán
sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo
thế nhập với trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự
tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo với Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung
mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng
trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại
đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy dầu
thuộc loại xứ nào.
12. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một cái ghè nước đặt trên một cái giá, ghè ấy đựng đầy nước, tràn
đầy đến nỗi con quạ có thể uống được. Và một người có sức mạnh
đến lắc qua lắc lại cái ghè ấy, như vậy nước có đổ ra chăng?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được
làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ
với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng
trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến
pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
13. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một hồ nước trên một khoảnh đất bằng, bốn góc có bờ đê đắp cao
đầu tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi một người
có sức mạnh đến tháo bờ đê chỗ này chỗ kia, như vậy nước có đổ
ra chăng?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo tu tập như vậy... dầu thuộc loại xứ nào.
14. Ví như, này các Tỷ-kheo,
trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có một chiếc xe đang đậu, thắng với
ngựa thuần chủng, có gậy thúc ngực đặt ngang sẵn sàng. Có người huấn
luyện ngựa thiện xảo, người đáng xe điều ngự các con ngựa đáng được
điều ngựa, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương tay mặt cầm lấy
gậy thúc ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui tại chỗ nào và
như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập
như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như
vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí,
tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy,
tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu
thuộc loại xứ nào.
15. Nếu vị ấy ước muốn:
"Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều
thân... " (xem trước, số 23, mục 6)... dầu thuộc loại xứ nào.
16. Nếu vị ấy ước muốn:
"Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân... " (xem trước, số 23, mục 7)
17. Nếu vị ấy ước muốn:
"Mong rằng với tâm của mình có thể hiểu biết được tâm của các
loại chúng sanh khác... " (xem trước, số 23, mục 8)...
18. Nếu vị ấy ước muốn:
"Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời... "
(xem trước, số 23, mục 9)...
19. Nếu vị ấy ước muốn:
"Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống chết của
chúng sanh... " (xem trước, số 23, mục 10)
20. Nếu vị ấy ước muốn:
"Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta
chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt
đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
(IX) (29) KINH HÀNH
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm
lợi ích này của kinh hành. Thế nào là năm?
2. Kham nhẫn được đường
trường; kham nhẫn được tinh cần; ít bệnh tật; đưa đến tiêu hóa tốt
đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm; định chứng
được trong khi kinh hành được tồn tại lâu dài. Những pháp này, này
các Tỷ-kheo là năm lợi ích của kinh hành.
(X) (30) TÔN GIẢ NÀCITA
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn bộ
hành giữa các người Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng
Bà-la-môn tên là Icchànangalam. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangalam,
trong khóm rừng Icchànangalam.
Các Bà-la-môn gia chủ ở
Icchànangalam được nghe: "Sa-môn Tôn giả Gotama là Thích tử xuất gia từ
gia đình họ Thích, đã đến Icchànangalam, trú ở Icchànanagalam trong khóm rừng
Icchànangalam. Về Tôn giả Gotama ấy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được
truyền đi: "Đây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với
thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới,
Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn các loài Trời và Người.
Sau khi đã chứng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài
thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ngài truyền
dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay, sự chiêm
ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!""
Rồi các Bà-la-môn gia chủ
ở Icchànangalam, sau khi đêm ấy đã màn, cầm theo rất nhiều đồ ăn loại
cứng và loại mềm, đi đến khóm rừng Icchànangalam, sau khi đến, đứng
ở ngoài cổng vào, và lớn tiếng làm huyên náo.
2. Lúc bấy giờ, Tôn giả
Nàgita là thị giả của Thế Tôn. rồi Thế Tôn bảo Tôn già Nàgita:
- Này Nàgita, những ai đã
đến, và làm ồn ào như những hàng cá với đống cá lớn?
- Các người ấy, bạch Thế
Tôn, là các Ba-la-môn gia chủ ở Icchànangalam, đang đứng ở ngoài cổng
vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và
chúng Tăng.
- Này Nàgita, Ta không có
liên hệ gì với danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những
ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được
không có phí sức, tìm được an ổn, lạc viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh
giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt
nhọc, tìm được không có phí sức. Hãy để học thọ hưởng lạc như phân
ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.
3. - Bạch Thế Tôn, nay Thế
Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận! Nay Thế Tôn sẽ đi đến
chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ
cũng sẽ đi đến với tâm hướng về cúng dường. Ví như trời mưa nặng
hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế
Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Ba-la-môn gia chủ
ở thị trấn và ở quốc độ họ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về
cúng đường. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của
Thế Tôn
4. - Này Nagita, Ta không có
liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không vó liên hệ gì với Ta. Này
Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc,
tìm được không có phí sức, tìm được an ổn, viễn ly lạc, an tịnh lạc,
chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không
phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi
dưỡng, cung kính, danh văn lạc. Này Nàgita, với ai ăn, uống, nhai, nếm, thời
đại tiện, tiểu tiện, là kết quả tất nhiên cho người ấy. Với những
ai nặng nề về ái lạc, này Nàgita, sự biến hoại, đổi khác, sầu bi khổ
ưu não khởi lên. Đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Những ai
chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối
với tịnh tướng được an trú. Đấy là kết quả tất nhiên cho người
ấy. Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nàgita, thời sự
nhàm chán đối với xúc được an trú. Đấy là kết quả tất nhiên cho người
ấy. Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nàgita, thời
sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Đấy là kết quả tất
nhiên cho người ấy.
VI. PHẨM SUMANÀ
(I) (31) SUMANÀ, CON GÁI VUA
1. Một thời, Thế Tôn trú
ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái
vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cổ xe, đi đến Thế
Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Sumanà, con gái vua bạch Thế Tôn:
2. - Ở đây, bạch Thế
Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về
tín, đồng đẳng về giới,
đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại
mạng chung, cả hai được sanh lên cõi lành Thiên giới. Giữa hai vị thiên
ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì ?
Thế Tôn đáp:
- Có sự sai biệt, này
Sumanà.
3. Người có bố thí, khi
được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện.
Về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về
thiên tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị
Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện này.
4. - Bạch Thế Tôn, nếu họ
từ đây mạng chung, trở lại trạng thái này, khi họ trở lại làm người,
bạch Thế Tôn, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?
Thế Tôn đáp:
- Có sự sai biệt, này
Sumanà.
5. Người có bố thí, khi
được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm
phương diện: Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân
danh xưng, về nhân tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được
làm người, vượt qua vị làm người không bố trên năm phương diện này
6. - Bạch Thế Tôn, nếu cả
hai đều xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Giữa hai người
xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai
khác gì?
Thế Tôn đáp:
- Có sự sai biệt, này
Sumanà.
7. Người có bố thí, khi
được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương
diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường
hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu;
thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu;
thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được
yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này
đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân
nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp
không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả
ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả
ái. Này Sumanà, người có bố thí không có bố thí trên năm phương diện
này.
8. - Nhưng bạch Thế Tôn, nếu
cả hai đều chứng quả A-la-hán. Với hai vị chứng đạt A-la-hán ấy, bạch
Thế Tôn có sự đặc thù nào, có sự sai khác nào?
9. - Ở đây, này Sumanà, Ta
nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát.
10. - Thật vi diệu thay, bạch
Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Xa cho đến như vậy là vừa đủ
để bố thí, là vừa đủ để làm cho các công đức. Vì rằng chúng là
những giúp đỡ, những công đức cho chư Thiên, chúng là những giúp đỡ,
những công đức cho loài Người, chúng là những giúp đỡ, những công đức
cho các người xuất gia.
- Sự việc là như vậy, này
Sumanà, là vừa đủ, này Sumanà, để bố thí, là vừa đủ để làm các
công đức. Chúng là những giúp ích, những công đức cho chư Thiên. Chúng
là những giúp ích, những công đức cho loài Người. Chúng là những giúp
ích, những công đức cho những người xuất gia.
11. Thế Tôn thuyết như vậy.
Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm:
Như mặt trăng không uế,
Đi giữa hư không giới,
với ánh sáng bừng chói,
Giữa quần sao ở đời.
Cũng vậy, người đủ giới,
Hạng người có lòng tin,
Với bố thí, bừng chói,
Giữa xan tham ở đời.
Như mây mưa sấm sét,
Vòng hoa chóp trăm đầu,
Tràn đầy cả thung lũng,
Lan tràn cả đất bằng.
Cũng vậy, đầy tri kiến,
Đệ tử bậc Chánh Giác,
Bậc trí vượt xan tham,
Trên cả năm phương diện,
Thọ mạng và danh xưng,
Dung sắc và an lạc,
Với tài sản sung mãn,
Chết hưởng hỷ lạc thiên.
(II) (32) CUNDÌ, CON GÁI VUA
1. Một thời, Thế Tôn ở
Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi
Cundì, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cỗ xe
đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Cundì, con gái vua bạch Thế Tôn:
2. - Anh của chúng con, bạch
Thế Tôn, hoàng tử Cunda nói như sau: "Nếu có người đàn bà hay người
đàn ông quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy
của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ
say đắm rượu men, rượu nấu, người ấy, sau khi thân hoại mạng chung,
nhất định sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ". Nhưng bạch Thế Tôn,
con xin hỏi Thế Tôn: Với lòng tin bậc Đạo Sư như thế nào, bạch Thế
Tôn sau khi thân hoại mạng chung: nhất định được sanh lên cõi lành,
không vào cõi dữ? Với lòng tin Pháp như thế nào, sau khi thân hoại mạng
chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Với lòng
tin chúng Tăng như thế nào, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định được
sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Làm cho đầy đủ các giới như thế
nào, sau khi thân loại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành,
không vào cõi dữ?
3. - Dầu cho các loại hữu
tình nào, này Cundì, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc
hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được xem là tối thượng. Những ai
đặt lòng tin vào đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng, họ được
quả dị thục tối thượng.
4. Dầu cho loại pháp nào,
này Cundì, hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng trong tất cả
pháp, (tức là) sự chiếc phục kiêu mạn, dự nhiếp phục khao khát, sự
nhổ lên dục ái, sự chặt đứt tái sanh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly
tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Những ai đặt lòng tin vào tối thượng. Với
những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối
thượng.
5. Dầu cho loại chúng Tăng
hay Hội chúng nào, này Cundì, chúng Tăng đệ tử của Như Lai, được xem là
tối thượng trong tất cả hội chúng ấy, tức là bốn đôi tám vị.
Chúng Tăng đệ tử của Như Lai đáng được cung kính, đáng được tôn trọng,
đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước
điền ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng, này Cundì, họ đặt
lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ
được quả dị thục tối thượng.
6. Dầu cho loại giới nào,
này Cundì, các giới được bậc Thánh ái kính được gọi là tối thượng
trong các giới ấy, tức là giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ,
không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được bậc
trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến chánh định. Với những ai làm
cho đầy đủ trong các giới luật được các bậc Thánh ái kính, họ làm
cho đầy đủ những gì tối thượng. Với những ai đặt lòng tin tối thượng,
họ được quả dị thục tối thượng.
Tin tưởng vào tối thượng,
Biết được pháp tối thượng,
Tin tưởng Phật tối thượng,
Đáng tôn trọng, vô thượng.
Tin tưởng Pháp tối thượng,
Ly tham, an tịnh lạc,
Tin tưởng Tăng tối thượng,
Là ruộng phước vô thượng,
Bố thí bậc tối thượng,
Phước tối thượng tăng
trưởng,
Tối thượng về thọ mạng,
Dung sắc và danh văn,
Tối thượng về sức mạnh.
Bậc trí thí tối thượng,
Pháp tối thượng chánh định,
Chư Thiên hay loài Người
Đạt được hỷ tối thượng.
(III) (33) UGGAHA, NGƯỜI GIA
CHỦ
1. Một thời, Thế Tôn trú
ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka đi đến Thế
Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, Thế
Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai đến dùng bữa ăn, với Thế Tôn
là người thứ tư.
Thế Tôn im lặng nhận lời.
Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài
rồi ra đi.
3. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm
ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của
Uggaha, cháu trai của Mendaka; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, với tay của mình thân mời và làm cho thỏa
mãn Thế Tôn với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Rồi
Uggaha, cháu trai của Mendaka, sau khi Thế Tôn dùng bữa ăn xong, tay rời khỏi
bát, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của
Mendaka bạch Thế Tôn:
- Những đứa con gái này của
con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy
giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng
được hạnh phúc an lạc lâu dài.
4. Rồi Thế Tôn nói với
các người con gái ấy:
- Này các thiếu nữ, các
Con hãy học tập như sau: "Đối với những người chồng nào, mẹ cha
cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì
lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước,
chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp
lòng, lời nói dễ thương." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần
phải học tập.
5. Do vậy, này các Thiếu nữ,
các Con cần phải học tập như sau: "Những ai, chồng ta kính trọng, như
mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường
và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước." Như
vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
6. Do vậy, này các Thiếu nữ,
các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có những công nghiệp trong
nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải
thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa
đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm." Như vậy,
này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
7. Do vậy, này các Thiếu nữ,
các con cần phải học tập như sau: "Trong nhà người chồng, phàm có
nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết
công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự
thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh
hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ
ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình". Như
vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
8. Do vậy, này các Thiếu nữ,
các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc
và vàng người chống đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ
chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ
phá hoại". Như vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập.
Thành tựu năm pháp này, này các Thiếu nữ, người đàn bà, sau khi thân hoại
mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên có thân khả ái.
Hãy thường thương yêu
chồng,
Luôn nỗ lực cố gắng,
Người đem lại lạc thú,
Chớ khinh thường người chồng,
Chớ làm chồng không vui,
Chớ làm chồng tức tối,
Với những lời ganh tị.
Chồng cung kính những ai,
Hãy đảnh lễ tất cả,
Vì nàng, người có trí.
Hoạt động thật nhanh nhẹn,
Giữa các người làm việc,
Xử sự thật khả ái,
Biết giữ tài sản chồng.
Người vợ xử như vậy,
Làm thỏa mãn ước vọng,
Ưa thích của người chồng,
Sẽ được sanh tại chỗ,
Các chư thiên khả ái.
(IV) (34) ĐẠI TƯỚNG SÌHA
1. Một thời, Thế Tôn ở
Vesàlì, tại Đại Lâm ở giảng đường có nóc nhọn. Rồi tướng quân
Sìha đi đến thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống
một bên. Ngồi xuống một bên, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn
có thể trình bày cho con về quả thiết thực hiện tại của bố thí?
Thế Tôn đáp:
2. - Có thể được, này
Sìha! Người bố thí, này Sìha, người thí chủ được quần chúng ái mộ
và ưa thích. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được quần chúng
ái mộ và ưa thích, đây quả bố thí thiết thực hiện tại
3. Lại nữa, này Sìha! Bậc
thiện, bậc Chân nhân thân cận người bố thí, người thí chủ. Này
Sìha, bậc Thiện, bậc Chân nhân, thân cận người bố thí, người bố thí,
người thí chủ. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.
4. Lại nữa, này Sìha! Người
bố thí, người thí chủ được đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, người
bố thí, người thí chủ được tiếng đồn tốt đẹp truyền đi. Này
Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.
5. Lại nữa, này Sìha, người
bố thí, người thí chủ đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly,
hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng gia chủ, hoặc hội chúng
Sa-môn. Vị ấy đi đến với tự tín, không có do dự hoang mang. Này Sìha,
người bố thí, người thí đi đến hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng
gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn; vị ấy đi đến với tự tin, không có do
dự hoang mang. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.
6. Lại nữa, Sìha! Người bố
thì, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi
lành, Thiên giới. Người bố thí, người thí chủ, này Sìha, sau khi thân
hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Này Sìha, đây là
quả bố thí thiết thực hiện đại.
7. Được nói vậy, tướng
quân Sìha bạch Thế Tôn:
- Bốn quả bố thí thiết
thực hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không
nhờ chúng đi đến lòng tin Thế Tôn. Con biết được chúng. Bạch Thế
Tôn, con là người bố thì, là thí chủ được quần chúng ái mộ ưa thích.
Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, người thí chủ được bậc thiện,
bậc Chân nhân thân cận với con. Bạch Thế Tôn, con là người bồ thì, người
thì chủ. Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi về con:" Tướng quân
Sìha là người bố thí, là người làm việc, là người hộ trì chúng Tăng."
Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, là người thí chủ. Con đi đến hội
chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội
chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Con đi đến với lòng tự tín,
không do dự hoang mang. Bốn quả bố thí hiện tại này, bạch Thế Tôn,
được Thế Tôn nói đến, con không nhớ chúng đi lòng tin Thế Tôn. con biết
được chúng. Nhưng bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn nói với con: "Người bố
thí, này Sìha, người thí chủ sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên
cõi lành, Thiên giới." Điều này con không được biết, ở đây con
đi đến lòng tin Thế Tôn.
- Sự kiện là vậy, này
Sìha! Sự kiện là vậy, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ, sau khi
thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới.
Người cho được ái mộ,
Được nhiều người thân cận,
Được tiếng đồn tốt đẹp,
Danh xưng được tăng trưởng.
Không hoang mang do dự,
Đi vào giữa hội chúng,
Với tâm đầy tự tín,
Là người không xan tham.
Do vậy người có trí,
Thường thường làm bố
thí,
Nhiếp phục uế, xan tham,
Tìm cầu chơn an lạc.
Được an trú lâu ngày,
Trên cõi trời Thập Tam
Họ sống vui hoan hỷ,
Đồng bạn với chư Thiên.
Sanh duyên đã làm xong
Thiện hạnh đã làm xong,
Mệnh chung sanh chư Thiên,
Được sống và thọ hưởng,
Tại rừng Nan-da-na
Tại đấy họ hoan hỷ,
Họ vui thích, thoải mái,
Thọ hưởng năm dục lạc,
Đối với lời thuyết giảng
Bậc Vô trước Thế Tôn,
Các đệ tử Thiện Thệ,
Sống hoan hỷ Thiên giới
(V) (35) LỢI ÍCH VÀ BỐ THÍ
- Này các Tỷ-kheo, có năm lợi
ích này của bố thí. Thế nào là năm? Được nhiều người ái mộ, ưa thích;
được bậc Thiện nhân, Châu nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được
truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng
chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là lợi ích của bố thí.
Người cho được ái
kính,
Sở hành là hiền thiện,
Bậc Hiền thường thân cận,
Sống Phạm hạnh chế ngự.
Thuyết pháp người bố thí,
Đưa đến khổ đoạn diệt,
Vị ấy biết được pháp,
Lậu hoặc được tịch tịnh.
(VI) (36) CHO ĐÚNG THỜI
- Này các Tỷ-kheo, có năm bố
thí đúng thời này. Thế nào là năm?
Bố thí cho người đến, bố
thí cho người đi, bố thí cho người đau bệnh, bố thí trong thời đói,
phàm có những hoa quả gì mới gặt hái được, dành chúng đầu tiên để
cúng dường các bậc giữ giới. Này các Tỷ-kheo, năm pháp này là năm bố
thí đúng thời Tỷ-kheo, năm pháp này là năm bố thí đúng thời.
Có trí, thí đúng thời,
Lời từ ái, không tham,
Đúng thời, thí bậc thánh,
Bậc Chánh trực, Thế Tôn.
Cúng dường vậy to lớn,
Đưa đến lòng tịnh tín,
Ở đây người tùy hỷ,
Cùng người làm nghiệp vụ.
Không ai thiếu cúng dường,
Họ san sẻ công đức,
Do vậy hãy bố thí,
Với tâm không hạn chế.
Chỗ nào với bố thí,
Đưa đến kết quả lớn,
Đối với các hữu hình,
Công đức được an lập,
Cho đến trong đời sau.
(VII) (37) BỐ THÍ BỮA ĂN
- Người bố thí bữa ăn, này
các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều. Thế
nào là năm?
Cho thọ mạng, cho dung sắc,
cho an lạc, cho sức mạnh, cho biện tài. Cho thọ mạng, vị ấy được chia
thọ mạng chư Thiên hay loài Người. Cho dung sắc, vị ấy được chia dung
sắc chư Thiên hay loài Người. Cho an lạc, vị ấy được chia an lạc chư
Thiên hay loài Người. Cho sức mạnh, vị ấy được chia sức mạnh chư Thiên
hay loài Người. Cho biện tài, vị ấy được chia biện tài chư Thiên hay
loài Người. Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ
đem lại cho người thọ lãnh năm điều này.
- Bậc Hiền cho thọ mạng,
- Sức mạnh, sắc, biện tài,
- Bậc trí cho an lạc,
- Được chia phần an lạc.
- Cho thọ mạng, sức mạnh,
- Sắc, thọ mạng, sức mạnh,
- Sắc, an lạc, biện tài,
- Được sống lâu, danh xưng,
- Tại chỗ được tái sanh.
(VIII) (38) SỰ LỢI ÍCH LÒNG
TIN
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm
lợi ích này cho thiên nam tử có lòng tin. Thế nào là năm?
Các Thiện nhân, các Chân
nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến vị có lòng tin, không có như
vậy đối với vị không có lòng tin; khi đến thăm, trước hết họ đến
thăm vị có lòng tin, không có như vậy đối với vị không có lòng tin;
khi chấp nhận, họ chấp nhận (các món ăn) trước hết từ những người
có lòng tin, không từ những người không có lòng tin; họ thuyết pháp trước
hết cho những có lòng tin, không cho những người không có lòng tin; người
có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lợi ích cho thiên nam tử có lòng
tin.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo,
trên khoảnh đất tốt, tại ngã tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương
tựa cho các loài chim chung quanh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử
có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni,
cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ.
- Như cây bàng to lớn,
- Với cành, lá, trái cây,
- Với thân, rễ, đầy trái,
- Làm chỗ trú loài chim.
- Tại trú xứ thoải mái,
- Các con chim làm tổ,
- Cần bóng mát, hứng mát,
- Cần trái cây, ăn trái.
- Cũng vậy, vị trì giới,
- Người có lòng tịnh tín,
- Khiêm nhường và nhu thuận,
- Hiền hòa, lời từ tốn,
- Tánh tình thật dịu hiền,
- Vị đoạn tham, đoạn sân,
- Đoạn si, không lạc hoặc,
- Là ruộng phước ở đời.
- Họ đến người như vậy,
- Họ thuyết pháp, người ấy
- Đoạn trừ mọi khổ đau,
- Vị ấy ở tại đây,
- Hiểu biết Chánh pháp ấy,
- Viên bản nhập Niết-bàn,
- Hoàn toàn không lậu hoặc.
(IX) (39) CON TRAI
- Thấy năm điều này, này
các Tỷ-kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình. Thế nào là năm? Được
giúp đỡ, sẽ giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta; sẽ
duy trì lâu dài truyền thống gia đình; sẽ tiếp tục di sản thừa hưởng;
sẽ cúng dường hiến vật cho các hương linh bị mệnh chung.
Do thấy năm điểm này, này
các Tỷ-kheo, mẹ cha muốn con sanh trong gia đình.
- Do thấy năm sự việc,
- Bậc trí muốn con trai:
- Được giúp, giúp ta lại,
- Sẽ làm việc cho ta,
- Sẽ duy trì lâu dài
- Truyền thống của gia đình,
- Sẽ tiếp tục gìn giữ,
- Gia sản được thừa hưởng,
- Hay đối với hương linh,
- Hiến dâng các vật cúng.
- Do thấy sự việc ấy,
- Bậc trí muốn con trai,
- Bậc Hiền thiện, Chân nhân,
- Nhớ ơn, biết trả ơn,
- Nhớ đến việc làm xưa,
- Họ hiếu dưỡng mẹ cha,
- Họ làm mọi công việc,
- Như trước làm cho họ.
- Thực hiện lời giảng dạy,
- Được giúp, hiếu dưỡng lại,
- Với truyền thống gia đình,
- Duy trì được lâu dài,
- Đầy đủ tín và giới,
- Con trai được tán thán