- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 5b
- (X) (40) CÂY SÀLA LỚN
- Dựa trên vua núi Tuyết sơn, này
các Tỷ-kheo, các cây sàla lớn được lớn lên trên năm phương diện. Thế
nào là năm?
Chúng lớn lên về cành cây, về
lá, về toàn bộ lá cây; chúng lớn lên về đọt cây, chúng lớn lên về
vỏ cây; chúng lớn lên về giác cây; chúng lớn lên về lõi cây. Dựa
trên núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàla lớn, được lớn lên
trên năm phương diện này. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dựa trên thiên nam
tử có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên về năm phương diện.
Thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin; lớn lên về giới; lớn lên về học
hỏi; lớn lên về bố thí; lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiên nam tử
có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên từ năm sự lớn lên này.
Như hòn đá trên núi,
Trong rừng, trong núi lớn,
Các cây dựa vào đấy,
Các rừng chủ lớn lên.
Cũng vậy, người đủ giới,
Nam tử có lòng tin,
Dựa vị này chúng lớn,
Vợ, con và bà con,
Thân hữu và quyến thuộc,
Cùng các người tùy tùng.
Những ai sở hành tốt,
Với mắt đã được thấy,
Bắt chước giới vị này,
Bắt chước tâm bố thí,
Sau khi hành pháp này,
Tìm con đường cõi lành,
Trong Thiên giới hoan hỷ,
Họ được niềm hoan hỷ,
Hưởng thọ các dục lạc.
V. PHẨM VUA MUNDA
(I) (41) TRỞ THÀNH GIÀU
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika
đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:
2. - Này Gia chủ, có năm lý do này
để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ
tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn
tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự
làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha
an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người
phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy
trì sự an lạc. Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản.
3. Lại nữa, này Gia chủ, vị
Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức
mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp
pháp. Vị ấy làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy
trì sự an lạc. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.
4. Lại nữa, này Gia chủ, vị
Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức
mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mổ hôi ra, thâu được một cách hợp
pháp. Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù
hay từ các người thừa tự được chận đứng, và vị ấy giữ tài sản
được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.
5. Lại nữa, này Gia chủ, vị
Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức
mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp
pháp, có thể làm năm hiến cúng. Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho
khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến
cúng cho chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.
6. Lại nữa, này Gia chủ, vị
Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức
mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp
pháp, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào kiêu mạn, ly phóng dật, an trú
nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu
tự mình, đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy vị ấy tổ chức sự
cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị
thục, đưa đến cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.
Này Gia chủ, có năm lý do này để
gầy dựng tài sản.
7. Này Gia chủ, đối với vị Thánh
đệ tử gầy dựng tài sản với năm lý do này, khi tài sản đi đến hoại
diệt, vị ấy suy nghĩ như sau: "Các tài sản do những lý do để gầy
dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến hoại
diệt", vị ấy không có hối hận. Này Gia chủ, đối với vị Thánh
đệ gầy dựng tài sản với năm lý do này, nếu tài sản ấy đi đến
tăng trưởng, vị ấy suy nghĩ như sau : "Các tài sản do những lý do gầy
dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến tăng
trưởng". Như vậy, cả hai phương diện, vị ấy không có hối hận.
Tài sản được thọ hưởng,
Gia nhân được nuôi dưỡng,
Chính nhờ các tài sản,
Do ta tránh tai họa.
Là cúng dường tối thượng,
Làm năm loại hiến vật,
Dành cho bậc trì giới
Bậc tự điều, Phạm hạnh.
Mục đích gì bậc Trí,
Trú nhà, cầu tài sản,
Mục đích ấy ta đạt,
Được làm không hối hận.
Người nào nhớ nghĩ vậy,
An trú trên Thánh pháp,
Đời này được tán thán,
Đời sau được hoan hỉ,
Trên cảnh giới chư Thiên.
(II) (42) BẬC CHÂN NHÂN
1. - Bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo,
sinh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người;
đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho mẹ cha; đưa lại lợi ích, hạnh
phúc và an lạc cho vợ con; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho
các người hầu hạ, làm công; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc
cho bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các
Sa-môn, Bà-la-môn.
2. Này các Tỷ-kheo, ví như trận
mưa lớn đem lại các mùa gặt được nhiều chín muồi, đưa lại lợi
ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc
Chân nhân sanh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc
cho nhiều người; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho mẹ cha;
đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho vợ con; đưa lại lợi ích, hạnh
phúc và an lạc cho các người hầu hạ, làm công; đưa lại lợi ích, hạnh
phúc và an lạc cho bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an
lạc cho các Sa-môn, Bà-la-môn.
Vì hạnh phúc nhiều người,
Hãy gầy dựng tài sản,
Chư Thiên bảo vệ người
Biết bảo vệ đúng pháp,
Tiếng tốt không từ bỏ,
Người được học, nghe nhiều,
Đầy đủ các cấm giới,
An trú trên Chánh pháp.
Ai có thể chỉ trích,
Bậc trú pháp, trì giới,
Bậc nói thật, tàm quý,
Như trang sức vàng ròng ?
Chư Thiên khen người ấy,
Phạm Thiên cũng tán thán.
(III) (43) KHẢ LẠC
1. Rồi Gia chủ Anàthapindika đi đến
Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế
Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:
2. - Có năm pháp này, này Gia chủ,
khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm?
Tuổi thọ khả lạc, khả hỷ, khả
ý khó tìm được ở đời; dung sắc khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm
được ở đời; an lạc khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời;
tiếng đồn tốt khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; cõi
trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời.
Này Gia chủ, năm pháp này, khả lạc,
khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ,
khả ý khó tìm được ở đời này, Ta tuyên bố không phải do nhân cầu
xin, không phải do nhân ước vọng mà có được.
3. Này Gia chủ, nếu năm pháp khả
lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, do nhân cầu xin, do
nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại héo mòn vì một
lẽ gì? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể
do cầu xin thọ mạng hay tán thán đề làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh
đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn đến thọ
mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành
ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được
thọ mạng hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.
4. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử
muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm
nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực
hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn
đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc,
vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.
5. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử
muốn có an lạc, không có thể cầu xin an lạc hay tán thán để làm nhân
đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành
con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến
an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị
ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.
6. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử
muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu xin tiếng tốt hay tán thán để
làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt cần
phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị ấy thực hành
con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh
được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên,
hoặc loài Người
7. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử
muốn có được Thiên giới, không có do cầu xin Thiên giới hay tán thán để
làm nhân đem đến Thiên giới. Vị thánh đệ tử muốn có Thiên giới cần
phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành
con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh
được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.
Thọ mạng và dung sắc,
Tiếng tốt và danh vọng,
Thiên giới và quý tộc,
Được người đời ngày đêm,
Luôn luôn và rộng mở,
Cầu xin và cầu nguyện.
Còn bậc Hiền tán thán,
Không phóng dật phước hành,
Bậc Hiền không phóng dật,
Chứng được hai lợi ích,
Lợi ích ngay hiện tại,
Và lợi ích đời sau,
Vị nào thực hiện được,
Lợi ích và mục đích,
Vị ấy đáng được gọi,
Bậc Trí giả, Hiền giả.
(VI) (44) CHO CÁC VẬT KHẢ ÁI
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Vesàlì, rừng Đại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn,
vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga người
Vesàlì, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ
Ugga, người Vesàlì đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi
ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Ugga, người Vesàlì bạch
Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau
từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai
cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có
cháo nấu từ hoa cây sàla thật là khả ý, có thể ăn được. Mong Thế Tôn
nhận lấy cháo ấy, vì lòng từ ái!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái.
- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ
miệng Thế Tôn, con nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật
khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có thịt heo nấu
chung với trái táo, thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái (chúng con)!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái.
- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ
miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật
khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có loại rau
ống dài có dầu thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái.
- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ
miệng Thế Tôn, con nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật
khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có cháo gạo,
các hạt đen được loại bỏ dùng với các món canh, các món đồ ăn nhiều,
thật là khả ái. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái.
- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ
miệng Thế Tôn, con có nhận như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả
ái, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có các loại vải
dệt từ Kàdi thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái!
- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ
miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật
khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có ghế dài với
nệm trải giường bằng lông cừu, chăn len thuê bông, nệm bằng da con sơn
dương gọi là kadalimigapavarapaccat-tharanam, tấm thảm có lọng che phía
trên, ghế dài có hai đầu gối chân màu đỏ. Bạch Thế Tôn dầu rằng
chúng con được biết: Những vật ấy không phù hợp với Thế Tôn, nhưng
bạch Thế Tôn, tấm phản nằm bằng gỗ chiên đàn này đáng giá hơn một
trăm ngàn, mong Thế Tôn hãy nhận lấy, vì lòng từ ái!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái.
-Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ
miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật
khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có ghế dài với
nệm trải giường bằng lông cừu, chăn len thêu bông, nệm bằng da con sơn
dương gọi là kadalimigapavarapaccattharanam, tấm thảm có lọng che phía trên,
ghế dài có hai đầu gối chân màu đỏ. Bạch Thế Tôn, dầu rằng chúng
con được biết: Những vật ấy không phù hợp với Thế Tôn, nhưng bạch
Thế Tôn, tấm phản nằm bằng gỗ chiên đàn này đáng giá hơn một trăm
ngàn, mong Thế Tôn hãy nhận lấy, vì lòng từ ái!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ
ái.
Rồi Thế Tôn làm cho tùy hỷ gia chủ
Ugga người xứ Vesàlì, với bài kệ tùy hỷ này:
Ai cho vật khả ý,
Nhận được điều khả ý,
Đối với bậc Chánh trực,
Vui lòng đem bố thí,
Vải mặc và giường nằm,
Ăn uống các vật dụng.
Biết được bật La-hán,
Được ví là phước điền,
Nên các bậc Chân nhân,
Thí những vật khó thí,
Được tù bỏ, giải thoát,
Không làm tâm đắm trước,
Người thí vật khả ý,
Nhận được điều khả ý.
Rồi Thế Tôn sau khi tùy hỷ gia chủ
Ugga với bài kệ tùy hỷ này, liền đứng dậy và ra đi. Rồi gia chủ Ugga
người Vesàlì, sau một thời gian bị mệnh chung. Bị mệnh chung, gia chủ
Ugga người Vesàlì được sanh với một thân rất khả ý.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thiên tử Ugga, sau
khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana
đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
Thế Tôn nói với Thiên tử Ugga đang đứng một bên:
- Này Ugga, sự việc có đúng như
ý muốn không?
- Bạch Thế Tôn, sự việc có đúng
như ý con muốn.
Rồi Thế Tôn với bài kệ nói với
Thiên tử Ugga:
Ai cho vật khả ý,
Nhận được điều khả ý,
Bố thí vật tối thượng,
Sẽ được quả tối thượng.
Người có vật thù diệu,
Nhận được điều thù diệu,
Người có vật tối thắng,
Nhận được điều tối thắng.
Người nào đem bố thí
Vật tối thượng, thù diệu,
Và các vật tối thắng,
Người ấy thọ mạng dài,
Và được cả danh xưng,
Tại chỗ vị ấy sanh.
(V) (45) PHƯỚC ĐIỀN
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguồn
sanh phước, nguồn sanh thiện này, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới,
là quả lạc di thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ,
khả ý, hạng phúc, an lạc. Thế nào là năm?
2. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
trong khi hưởng thọ y của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định,
như vậy là nguồn sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện,
là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc di thục, dẫn đến cõi
Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạng phúc, an lạc.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng
thọ đồ ăn khất thực của ai...
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng
thọ tinh xá của ai... hưởng thọ giường ghế của ai... hưởng thọ dược
phẩm trị bệnh của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy
là nguồn sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện, là
món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục dẫn đến cõi Trời,
đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Này các Tỷ-kheo, năm nguồn sanh
phước, nguồn sanh thiện này là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, dẫn đến
cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
3. Và này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ
tử thành tựu năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ
gì nắm lấy một số lượng phước thiện, và nói rằng: "Có chừng
ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới,
là quả lạc dị thục dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ,
khả ý, hạnh phúc, an lạc". Vì rằng cả khối phước thiện lớn được
xem là vô số, vô lượng.
Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển
lớn, thật không dễ gì nắm lấy một số lượng nước và nói rằng:
"Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có
chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước."
Vì rằng cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu năm nguồn sanh
phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ gì nắm lấy một số lượng
phước thiện và nói rằng: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn
sanh thiện. món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục đem
đến cõi Trời, đưa đến khả lạc. khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc".
Vì rằng cả khối thiện lớn được xem là vô số, vô lượng.
Biển lớn không hạn lượng,
Hồ lớn nhiều sợ hãi,
Là kho tàng cất giữ,
Vô số lượng châu báu,
Cũng là chỗ trú ẩn;
Vô số các loại cá,
Là chỗ các sông lớn.
Quy tựu chảy ra biển.
Cũng vậy người bố thí,
Đồ ăn và đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Chỗ ngồi và thảm nệm,
Bậc Hiền thí như vậy,
Phước đức ùa chạy đến,
Như sông dẫn dòng nước,
Ùa chảy vào biển cả.
(VI) (46) CỤ TÚC
- Này các Tỷ-kheo, có năm cụ túc
này. Thế nào là năm? Tín cụ túc, giới cụ túc, văn cụ túc, thí cụ
túc, tuệ cụ túc.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo
là năm cụ túc.
(VII) (47) TÀI VẬT
1.- Này các Tỷ-kheo, có năm tài sản
này. Thế nào là năm? Tín tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là tín tài?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai:
"Đây là Thế Tôn, Bậc La-hán, Chánh Đẳng Giác,... Thiên Nhân Sư, Phật,
Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là giới tài?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
văn tài?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử nghe được nhiều... khéo thể nhập với tri kiến. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là văn tai. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối,
bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để
được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là thí tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ đối với sanh diệt và sự
thể nhập bậc Thánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là tuệ tài.
Các pháp này, này các Tỷ-kheo là năm
tài sản.
Ai tin tưởng Như Lai,
Bất động, khéo an trí,
Ai gìn giữ thiện giới,
Thánh ái mộ tán thán.
Ai tịnh tín chúng Tăng,
Được thấy bậc Chánh trực,
Người ấy gọi không nghèo,
Mạng sống không trống không.
Do vậy, tín và giới,
Tịnh tín thấy Chánh pháp,
Bậc trí tâm chuyên chú,
Nhớ đến lời Phật dạy.
(VIII). (48) SỰ KIỆN KHÔNG THỂ CÓ
ĐƯỢC
1.- Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện
này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi MA hay Phạm thiên,
hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?
2. Phải bị già, muốn khỏi già,
là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi
Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.
3. Với kẻ phàm phu không học, này
các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến; khi già đến, kẻ ấy không suy tư:
"Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến, nhưng đối với
loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình
đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến,
ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống
không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có
xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị
già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ
phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ
ấy tự làm mình ưu não.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với
kẻ phàm phu, không học phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và
chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu
diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư:
"Không phải chỉ một mình ta bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, nhưng
đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả
loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải
bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực,
đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở
thành xấu xí; công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè
sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu,
bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ
phàm phu không học, bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ
ấy tự làm mình ưu não.
5. Với vị Thánh đệ tử có học,
này các Tỷ-kheo. phải bị già và già đến; khi già đến, vị ấy suy tư
như sau: "Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến.
Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất
cả các loài hữu tình đều phải bị già, và già đến. Và nếu phải bị
già và già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh,
thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công
việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn:. Vị
ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không
đập ngực, không đi đến bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị
Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc
độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não.
Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình
được hoàn toàn tịch tịnh.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với
vị Thánh đệ tử có học, phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết
và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến...phải bị tiêu
diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy suy tư như sau:
"Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến.
Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất
cả các loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu
phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập
ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở
thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn
bè sẽ lo buồn". Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến. không
sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị
Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc
độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não. Không
sầu muộn, không bị bắn tên, vị Thánh đệ tử làm cho mình hoàn toàn tịch
tịnh.
Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là
năm sự kiện không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm
thiên, hay bởi một ai ở đời.
Chớ sầu, chớ than khóc,
Lợi ích được thật ít,
Biết nó sầu, nó khổ,
Kẻ địch tự vui sướng.
Do vậy, bậc Hiền trí,
Giữa các sứ bất hạnh,
Không hoảng hốt rung sợ,
Biết phân tích, lợi ích.
Kẻ địch bị khổ não,
Thấy sắc diện không đổi,
Với tụng niệm văn chú,
Với lời thật khéo nói,
Với bố thí chân chánh,
Với truyền thống khéo giữ.
Chỗ nào được lợi ích,
Chỗ ấy gắn tinh cần.
Nếu biết lợi không được,
Cả ta và người khác,
Không sầu, biết chịu đựng,
Mong vị ấy nghĩ rằng:
Nay ta phải làm gì?
Phải kiên trì thế nào?
(IX) (49) NGƯỜI KOSALA
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), khu vườn ông Anàthapindika. Rồi
vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn
rồi ngồi xuống một bên.
Lúc bấy giờ hoành hậu Mallikà mệnh
chung. Rồi một người đi đến Pasenadi nước Kosala; sau khi đến, báo tin kề
bên tai vua Pasenadi nước Kosala: "Tâu Đại vương, hoành hậu Mallikà đã
mệnh chung". Được nghe nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala khổ đau, ưu
tư, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói nên lời. Rồi Thế Tôn biết
được vua Pasenadi nước Kosala đang đau khổ, ưu tư, thụt vai, cúi đầu, sững
sờ, không nói nên lời, liền nói với vua Pasenadi nước Kosala:
2. - Thưa Đại vương, có năm sự
kiện này không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm
thiên hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?
... (Hoàn toàn giống như kinh trước
cho đến câu: "... Phải kiên trì thế nào", với những thay đổi cần
thiết nếu có...)
(X) (50) TÔN GIẢ NÀRADA
1. Một thời, Tôn giả trú ở
Pàtaliputta tại khu vườn Kukkuta (Kê Viên). Lúc bấy giờ, hoàng hậu Bhaddà
của vua Munda mệnh chung, được ái luyến thương yêu. Vì quá thương yêu
hoàng hậu Bhaddà, vua không tắm rửa, không thoa dầu, không ăn uống, không
lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân của hoàng hậu Bhaddà.
Rồi vua Munda bảo Piyaka, người giữ kho bạc:
- Này Piyaka, hãy đặt thân hoàng hậu
Bhaddà vào trong một hòm sắt đựng đầy dầu, và đậy lại với một hòm
sắt khác; nhờ vậy chúng ta có thể thấy thân hoàng hậu Bhaddà lâu hơn.
- Thưa vâng, tâu Đại vương.
Piyaka, người giữ kho bạc vâng đáp
vua Munda, đặt thân hoàng hậu Bhaddà vào trong một hòm sắt đều đầy dầu,
và đậy lại với một hòm bằng sắt khác. Rồi Piyaka, vị giữ kho bạc
cho vua nghĩ như sau: " Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda này đã mệnh
chung, được ái luyến thương yêu, vì quá thương yêu hoàng hậu Bhaddà,
vua không tắm rửa, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc,
ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân của hoàng hậu Bhaddà. Hãy để vua Munda
đến yết kiến một vị Sa-môn hay Bà-la-môn, sau khi nghe pháp từ vị ấy,
có thể bỏ được mũi tên sầu muộn". Rồi Piyaka, người giữ kho bạc
nghĩ như sau: "Có Tôn giả Nàrada này trú ở Pàtaliputta, tại khu vườn
Kukkuta. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả
Nàrada: "Bậc Hiền trí, thông minh, bậc trí giả, được nghe nhiều, khéo
nói, thiện biện tài, bậc Trưởng lão, bậc A-la-hán". Hãy để vua
Munda đến yết kiến Tôn giả Nàrada. Sau khi nghe pháp từ vị ấy, vua có
thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn". Rồi Piyaka, người giữ kho bạc đi
đến vua Munda, sau khi đến, nói với vua Munda:
-Tâu Đại vương, có Tôn giả
Nàrada nay trú ở Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta. Tiếng đồn tốt đẹp
sau đây được truyền đi về Tôn giả Nàrada: "Bậc Hiền trí, thông
minh, bậc trí giả, được nghe nhiều, khéo nói, thiện biện tài, bậc Trưởng
lão, bậc A-la-hán". Nếu Đại vương yết kiến Tôn giả Nàrada, rất
có thể, sau khi nghe pháp từ Tôn giả Nàrada, Đại vương có thể gạt bỏ
mũi tên sầu muộn.
- Vậy này Piyaka, hãy tin cho Tôn giả
Nàrada được biết.
Rồi vua nghĩ: "Làm sao ta tự
nghĩ, một người như ta, phải đến thăm như thế nào một Sa-môn hay
Bà-la-môn sống ở trong quốc độ, từ trước chưa được ai biết?"
- Thưa vâng, tâu Đại vương
Pijaka, người giữ kho bạc vâng đáp
vua Munda; đi đến Tôn giả Nàrada, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nàrasa
rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Piyaka, vị giữ kho bạc bạch
Tôn giả Nàrada:
Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda, thưa
Tôn giả, đã mệnh chung, được ái luyến, thương yêu. Vì quá thương yêu
hoàng hậu Bhaddà, nên vua không tắm, không thoa dầu, không ăn uống, không
lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân hoàng hậu Bhaddà. Lành
thay, thưa Tôn giả Nàrada thuyết pháp cho vua Munda như thế nào để vua
Mundasau khi nghe pháp từ Tôn giả Nàrada, có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn.
- Này Piyaka, nay là thời để vua
Munda làm những gì vua nghĩ là phải thời.
Rồi Piyaka, người giữ kho bạc, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ tôn giả Nàrada, thân bên hữu hướng về
ngài rồi ra đi, và đi đến vua Munda; sau khi đến, thưa với vua Munda:
- Tâu Đại vương, cơ hội đã được
sắp đặt với Tôn giả Nàrada. Này Đại vương hãy làm những gì Đại
vương nghĩ là phải thời.
- Vậy này Piyaka, hãy cho thắng các
cỗ xe tốt đẹp.
- Thưa vâng, tâu Đại vương.
Pikaka, người giữ kho bạc vâng đáp
vua Munda, cho thắng các cỗ xe tốt đạp, rồi thưa với vua Munda:
- Tâu Đại vương, các cỗ xe tốt
đẹp đã thắng xong. Nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là
phải thời.
2. Rồi vua Munda leo lên cỗ xe tốt
đẹp, cùng với các cỗ xe tốt đẹp khác đi đến khu vườn Kukkuta với
uy nghi oai lực của nhà vua để yết kiến Tôn giả Nàrada. Vua đi xe xa cho
đến đường đất xe có thể đi được, rồi xuống xe, đi bộ vào khu vườn.
Rồi vua Munda đi đến Tôn giả Nàrada, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả
Nàrada rồi ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Nàrada nói với vua đang ngồi
một bên.
- Thưa Đại vương, có năm sự kiện
này không thể có được bởi một Sa-môn, hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm
thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?
3. Bị già và muốn không già, là một
sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm
thiên, hay bởi một ai ở đời. Bị bệnh và muốn không bệnh... bị chết
và muốn không chết... bị hoại chết và muốn không hoại diệt... bị hoại
diệt và muốn không tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi
một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.
4. Với phàm phu không học, thưa Đại
vương, phải bị già và già đến; và khi già đến, kẻ ấy không suy tư:
"Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với
loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình
đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến,
ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống,
không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có
xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị
già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.
5. Lại nữa, thưa Đại vương, với
kẻ phàm phu không học, phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và
chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu
diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư:
"Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến.
Nhưng đối với các loài hữu tình có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất
cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu
phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập
ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở
thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn
bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu,
bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.
Thưa Đại vương, đây gọi là kẻ
phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, vị
ấy tự làm mình ưu não.
6. Với vị Thánh đệ tử có học,
thưa Đại vương, bị già đến; vị ấy có suy tư: "Không phải chỉ một
mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình có
đến, có đi; có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị
già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi,
than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa
thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ
thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Vị ấy phải bị già, khi già
đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngựa, không đi đến
bất tỉnh.
Thưa Đại vương, đây gọi là vị
Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc
độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não.
Không sầu muộn, không bị tên bắn trúng, vị Thánh đệ tử tự làm mình
được hoàn toàn tịch tịnh.
7. Lại nữa, thưa Đại vương, với
vị Thánh đệ tử có học phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết
và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu
diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy có suy tư: "Không
phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối
với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các
loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải
bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực,
đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở
thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn
bè sẽ lo buồn". Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến không
sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.
Thưa Đại vương, đây gọi là vị
Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc
độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không
sầu muộn, không bị bắn tên, vị Thánh đệ tử tự làm mình được hoàn
toàn tịch tịnh.
Các pháp này, thưa Đại vương, là
năm sự kiện không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm
thiên, hay bởi một ai ở đời.
Không sầu, không than khóc,
Lợi ích được thật ít,
Biết nó sầu, nó khổ,
Kẻ địch tự vui sướng.
Do vậy, bậc Hiền trí,
Giữa các sự bất hạnh,
Không hoảng hốt lo sợ,
Biết phân tích lợi ích.
Kẻ địch bị khổ não,
Thấy sắc diện không đổi,
Với tụ niệm văn chú,
Với lời thật khéo nói,
Với bố thí chơn chánh,
Với truyền thống khéo giữ,
Chỗ nào được lợi ích,
Chỗ ấy gắn tinh cần.
Nếu biết lợi không được,
Cả ta và người khác,
Không sầu, biết chịu đựng,
Mong vị ấy nghĩ rằng:
Nay ta phải làm gì?
Phải kiên trì thế nào?
8. Sau khi được nghe như vậy, vua
Munda thưa với Tôn giả Nàrada:
- Thưa Tôn giả, pháp thoại này
tên gì?
- Thưa Đại vương, pháp thoại này
tên là "Nhổ lên mũi tên sầu muộn".
- Thật vậy, thưa Tôn giả, được
nhổ lên là mũi tên sầu muộn! Khi con nghe pháp thoại này, mũi tên sầu muộn
đã được đoạn tận.
Rồi vua Munda bảo Piyaka, vị gìn giữ
kho bạc:
- Này Piyaka, hãy cho thiêu đốt thân
của hoàng hậu Bhaddà, rồi xây tháp cho hoàng hậu. Bắt đầu từ hôm sau,
chúng ta sẽ tắm rửa, sẽ thoa dầu, sẽ ăn cơm, sẽ lo làm các công việc.
VI. PHẨM TRIỀN CÁI
(I) (51) NGĂN CHẶN
1. Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn
gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Có năm chướng ngại, triền cái
này, này các Tỷ-kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm?
3. Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng
ngại triền cái boa phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo,
là chướng ngại triền cái bao phủ tâm làm yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm
thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm
yếu ớt trí tuệ. Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái
bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Nghi, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại,
triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là năm chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
4. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy
không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu
ớt trí tuệ. Không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi
ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến
thù thắng xứng đáng bậc Thánh; dự kiện này không xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một con
sông chảy, từ núi xuống, chảy thật xa, dòng chảy nhanh cuốn trôi mọi vật.
Rồi có người lấy cày mở hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
dòng sông ấy ở chặng giữa bị trở ngại, tràn rộng, bị chuyển hướng,
không còn chảy ra xa, không còn chảy nhanh, không cuốn trôi mọi vật.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu
ớt trí tuệ. Không có sức mạnh và trí tuệ yếu kém, sẽ biết được lợi
ích của mình, của cả hai, sẽ chứng ngộ pháp Thượng nhân, trí kiến
thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.
5. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy,
sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu
ớt trí tuệ. Có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của
mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích cả
hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng
bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một con
sông chảy từ núi xuống, chảy thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi
mọi vật. Có người chận đóng lại các cửa miệng hai bên bờ sông. Như
vậy, này các Tỷ-kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa không bị trở ngại,
không có chảy tràn, không bị chuyển hướng, chảy được thật xa, dòng nước
chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy
sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu
ớt trí tuệ, có sức mạnh, có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích mình
hay sẽ biết được lợi người, hay có thể biết lợi cả hai, sẽ chứng
ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù, thắng, xứng đáng bậc
Thánh; sự kiện này có xảy ra.
(II) (52) ĐỐNG
1. - Nói đến một đồng bất thiện,
này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói đến năm triền cái. Thật
vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo,
toàn bộ đống bất thiện tức là năm triền cái. Thế nào là năm?
2. Dục tham triền cái, sân triền
cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái.
Nói đến một đống bất thiện, này
các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói đến năm triền cái. Thật vậy,
này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống bất tiện này, này các Tỷ-kheo, tức là
năm triền cái.
(III) (53) CÁC CHI PHẦN
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm chi phần
tinh cần này. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Đây là Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc. Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, điều Ngự Trượng Phu, Phật, Thế Tôn. Ngài ít bệnh,
ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá,
trung bình hợp với tinh tấn. Ngài không lừa đảo, dối gạt, nêu rõ mình
như chân đối với bậc Đạo sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với
các vị đồng Phạm hạnh. Ngài sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp
bất thiện, thành tự các thiện pháp, kiên trì, nỗ lực, không tránh né
đối với các thiện pháp. Ngài có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến
sanh diệt (của các Pháp), thành tựu thánh thể nhập, đưa đến chơn chánh
đoạn diệt khổ đau."
Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là
năm chi phần tinh cần.
(IV) (54) THỜI GIAN ĐỂ TINH CẦN
1.- Có năm phi thần để tinh cần,
này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
già yếu, bị già chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ nhất
để tinh cần.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
bệnh hoạn, bị bệnh hoạn chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời
thứ hai để tinh cần.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi
có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực khó được, không dễ gì để
nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là thời gian
phi thời thứ ba để tinh cần.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có sự
sợ hãi về giặc cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe đi trốn. Này
các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ tư để tinh cần.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự
mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự kết tội lẫn
nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín, không tìm được tịnh
tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Này các Tỷ-kheo, đây
là phi thời thứ năm để tinh cần.
Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là
năm phi thời để tinh cần.
7. Này các Tỷ-kheo, có năm đúng thời
này để tinh cần. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân,
trong sơ kỳ tuổi đời. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thú nhất để
tinh cần.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không
quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời
thứ hai để tinh cần.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi
ăn uống được đấy đủ, được mùa, đồ ăn khất thực kiếm được
thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo,
đây là đúng thời thứ ba để tinh cần.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
chúng Tăng hoà hợp, cùng nhau hòa hợp, không tranh luận nhau, sống thoải
mái cùng chung một lời dạy. Này các Tỷ-kheo, giữa chúng Tăng hòa hợp,
không có mắng nhiếc lẫn nhau, không có kết tội lẫn nhau, không có sự tẩn
xuất lẫn nhau. Ở đây, những ai không có tịnh tín, tìm được tịnh tín,
những ai có tịnh tín, được tăng trưởng nhiều hơn. Này các Tỷ-kheo, đây
là đúng thời thú năm để tinh cần.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là năm đúng thời để tinh cần.
(V) (55) MẸ VÀ CON
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, tại
Sàvatthi, cả hai mẹ và con đều an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni,
họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau. Mẹ thường xuyên muốn thấy mặt
con, và con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì họ luôn luôn thấy
nhau, nên có sự liên hệ. Do có sự liên hệ, nên có sự thân mật. Do có
sự thân mật, nên có sự sa ngã. Với tâm sa ngã, buông bỏ sự học tập,
làm lộ liễu sự yếu đuối, họ rơi vào thông dâm với nhau.
2. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi
đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, tại
Sàvatthi, cả hai mẹ con cùng an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni,
họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau, mẹ thường xuyên muốn thấy mặt
con và con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì họ thường xuyên thấy
nhau, nên có sự liên hệ. Do có sự liên hệ, nên có sự thân mật. Do có
thân mật, nên có sự sa ngã. Với tâm sa ngã, buông bỏ sự học tập, làm
lộ liễu sự yếu đuối, họ rơi vào thông dâm với nhau.
3.- Sao, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si
này lại nghĩ rằng: "Mẹ không tham đắm con, hay con không tham đắm mẹ"?
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một sắc nào khác lại khả ái như vậy,
đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy,
chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức
là, này các Tỷ-kheo, sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu
tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê, sắc đẹp của
nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực nữ sắc.
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một
tiếng nào khác... một hương nào khác... một vị nào khác... một xúc nào
khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc
như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn
khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, cảm xúc của nữ nhân. Và
này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm,
say mê cảm xúc nữ nhân, chúng sẽ bị sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy
lực của nữ xúc. Nữ nhân, khi đang đi, sẽ đứng lại để chinh phục tâm
người đàn ông; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát,
khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người
đàn ông.
Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói rằng:
"Là bẩy mồi toàn diện của Màra", thời người ấy đã nói một
cách chơn chánh về nữ nhân, thật là "một bẩy mồi hoàn toàn của
Màra".
Hãy nói chuyện với người,
Có kiếm ở trong tay,
Nói chuyện với ác quỷ,
Hay ngồi thật gần kề.
Con rắn có nọc độc,
Bị cắn liền mệnh chung,
Nhưng chớ có một mình,
Nói chuyện với nữ nhân.
Thất niệm, họ trói lại,
Với nhìn, với nụ cười,
Với xiêm áo hở hang,
Với lời nói ngọt lịm,
Người ấy vẫn không thỏa,
Bất tỉnh bị mệnh chung.
Năm dục công đức ấy,
Được thấy trong nữ sắc
Sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Hấp dẫn và đẹp ý.
Bị thác nước dục vọng,
Tràn ngập và cuốn trôi,
Kẻ ngu si vô trí,
Không liễu tri các dục.
Loài người khi mạng chung,
Sanh thú hữu, phi hữu,
Họ phải bị dẫn đầu,
Trong nhiều kiếp luân hồi.
Ai liễu tri các dục,
Sở hành không sợ hãi,
Họ đến bờ bên kia,
Đạt được lậu hoặc tận.
(VI) (56) THÂN GIÁO SƯ
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến vị
giáo thọ của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ của mình như
sau:
- Bạch Thượng tọa, nay thân con cảm
thấy như bị say ngọt, con không thấy rõ phương hướng, pháp không được
con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có
hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp.
2. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một vị
Tỷ-kheo cộng trú, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi
ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nói
như sau: "Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy như bị say ngọt, mắt con
không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm
thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh.
Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp".
3.- Sự việc là vậy, này Tỷ-kheo,
khi một người sống với các căn không được bảo vệ, với ăn uống không
có tiết độ, không có chú tâm cảnh giác, không có quán nhìn các thiện
pháp, không có trước đêm và sau đêm chuyên chú tu tập các pháp giác chi.
Do vậy, thân Thầy cảm thấy như bị say ngọt, mắt Thầy không thấy rõ
phương hướng, pháp không được Thầy nhớ đến. Hôn trầm thụy miên
chinh phục tâm Thầy và an trú. Không có hoan hỷ, Thầy sống Phạm hạnh.
Thầy có những nghi ngờ đối với Chánh pháp. Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy
phải học tập như sau: "Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong
ăn uống, chú tâm cảnh giác, quản nhìn các Thiện pháp, trước đêm và
sau đêm ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy
cần phải học tập.
4. Rồi Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn
giáo giới với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ
Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy sống
một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tin cần, không bao lâu chứng
được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong
hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy hoàn
toàn liễu tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên
làm đã làm, không có trở lui trạng thái này nữa". Tỷ-kheo ấy trở
thành một vị A-la-hán.
Rồi Tỷ-kheo đã chứng đắc A-la-hán
ấy đi đến vị giáo thọ sư của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo
thọ sư của mình: 5.- Bạch Thượng tọa, nay thân con không cảm thấy như
bị say ngọt, mắt con thấy rõ các phương hướng. Pháp được con nhớ rõ.
Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh, Con không còn nghi nhờ đối với các
thiện pháp.
6. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một Tỷ-kheo
cộng trú; đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi
xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo này
nói như sau: "Bạch Thế tôn, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt,
con thấy rõ các phương hướng, pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ,
con sống Phạm hạnh. Con không còn nghi ngờ đối với các thiện
pháp".
7.- Như vậy là phải, này Tỷ-kheo,
khi một người sống với các căn được bảo vệ, với ăn uống có tiết
độ, có chú tâm cảnh giác, có quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và
sau đêm sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân không cảm
thấy như bị say ngọt, các phương hướng được hiện rõ, và pháp được
người ấy nhớ rõ. Hôn trầm thụy miên không còn chinh phục tâm của vị
ấy. Với tâm hoan hỷ, vị ấy sống Phạm hạnh. Vị ấy không còn nghi ngờ
đối với các thiện pháp. Vậy này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học
tập như sau: "Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống,
chuyên tâm cảnh giác quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm, ta
sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy
cần phải học tập;
(VII) (57) SỰ KIỆN CẦN PHẢI QUAN
SÁT
1.- Có năm sự kiện này, này các Tỷ-kheo,
cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia
hay xuất gia. Thế nào là năm?
2. "Ta phải bị già, không
thoát khỏi già" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ
nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta phải bị bệnh, không
thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi
nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta phải bị chết,
không thoát khỏi chết" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát
bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Tất cả pháp khả
ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác sẽ phải biến diệt",
là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi
tại gia hay xuất gia. "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của
nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa.
Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy"
là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi
tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo,
"Ta phải bị già, không thoát khỏi già", là sự kiện cần phải
thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất
gia.
3. Có những loài hữu tình, này
các Tỷ-kheo, đang còn trẻ, kiêu mãn trong tuổi trẻ, say đắm trong kiêu mạn
ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán
sát sự kiện này, sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn
toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo,
"Ta phải bị già, không thoát khỏi già", cần phải thường xuyên
quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do
duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị bệnh, ta
không thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát
bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
4. Có những loài hữu tình khỏe mạnh,
này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong khỏe mạnh. Do say đắm trong kiêu mạn ấy,
thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự
kiện này, sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn
tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo,
"Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" cần phải thường xuyên
quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do
duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị chết, ta
không thoát khỏi chết", là sự kiện cần phải thường xuyên quán
sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
5. Có những lời hữu tình đang sống,
này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong sự sống. Do say đắm trong kiêu mạn ấy,
thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự
kiện này, sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận
hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo,
"Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết", cần phải thường xuyên
quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do
duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Tất cả pháp khả ái,
khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt" là sự
kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại
gia hay xuất gia?
6. Có những loài hữu tình, này
các Tỷ-kheo, có lòng tham dục đối với các vật khả ái. Do say đắm với
lòng tham dục ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác Do vị ấy thường
xuyên quán sát sự kiện ấy, nên tham dục đối với các vật khả ái được
đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo,
"Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải biến diệt"
là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi
tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo,
"Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai
tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ
làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải
thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất
gia?
7. Có những loài hữu tình, này
các Tỷ-kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên
quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm
thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta là chủ nhân của
nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến
thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta
sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán
sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
8. Nếu vị Thánh đệ tử, này các
Tỷ-kheo, suy tư như sau: "Không phải chỉ một mình ta già, không thoát
khỏi già, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt,
có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị già, không thoát khỏi
già". Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được
sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị
ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn nên các kiết sử
được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. "Không phải chỉ một
mình ta bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, nhưng phàm có những loài hữu
tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải
bị bệnh, không thoát khỏi bệnh". Do vị ấy thường xuyên quán sát sự
kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy,
tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm
cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm
dứt. "Không phải chỉ một mình ta bị chết, không thoát khỏi chết,
nhưng phàm có những loài hữu tình nào, có đến, có đi, có diệt, có
sanh, tất cả các loài hữu tình ấy phải bị chết, không thoát khỏi chết..."
... "Không phải chỉ có các pháp khả ái, khả ý của riêng một mình
ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Phàm có các loài hữu tình
nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, các pháp khả ái, khả ý của tất
cả loài hữu tình ấy sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt...".
"Không phải chỉ có một mình ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự
của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm
tựa. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất
cả các loài hữu tình ấy là chủ nhân củ nghiệp, là thừa tự của nghiệp,
nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm
nghiệp nào họ sẽ làm thiện hay ác, họ sẽ thừa tự nghiệp ấy.
Do vị ấy thường xuyên quán sát dự
kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường
ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập,
làm cho sung mãn, nên các kiết sử dụng được đoạn tận, các tùy miên
được chấm dứt.
Bị bệnh và bị già,
Lại thêm phải bị chết,
Pháp yếu là như vậy,
Hữu tình là như vậy.
Phàm phu sanh nhàm chán,
Thật không hợp cho Ta,
Nếu Ta cũng nhàm chán,
Đối với các chúng sanh,
Cùng chung một số phận.
Trong khi đời sống Ta,
Không khác gì đời họ,
Ta được sống như vậy,
Kiêu mạn trong không bệnh,
Trong tuổi trẻ sinh mạng,
Tất cả Ta nhiếp phục
Phát xuất từ an ổn,
Ta thấy hạnh viễn ly,
Ta phát tâm dõng mãnh,
Thấy được cảnh Niết-bàn.
Nay Ta không có thể,
Hưởng thọ các dục vọng,
Ta sẽ không thối đọa,
Chứng cứu cánh Phạm hạnh.
(VIII) (58) THANH NIÊN LICCHAVI
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Vesàli, tại Đại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào
buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất
thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài
đi sâu vào Đại lâm, và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày.
Lúc bấy giờ, một số đông thanh
niên Licchavi cầm các cung được chuẩn bị sẵn sàng với đàn chó bao vây
xung quanh, đang đi qua đi lại ở Đại Lâm, thấy Thế Tôn ngồi dưới một
gốc cây. Thấy vậy họ liền bỏ các cung được chuẩn bị sẵn sàng xuống,
kéo đàn chó về một phía và đi đến Thế Tôn, rồi yên lặng, yên lặng
chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Lúc bấy giờ, Mahànàma người Licchavi bộ hành
đi qua đi lại trong rừng Đại Lâm, thấy các thanh niên Licchavi đang yên lặng,
yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Thấy vậy, ông đi đến gần Thế
Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Mahànàma người Licchavi nói lên lời cảm hứng ngữ:
- Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ
sẽ trở thành người Vajji!
- Này Mahànàma, sao Ông lại nói như
vậy: "Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người
Vajji"?
- Bạch Thế Tôn, những thanh niên
Licchavi này là hung bạo, thô ác, ngạo mạn. Các đồ vật được các gia
đình gửi đi như mía, trái táo, bánh ngọt, kẹo đường, họ cướp giật
và ăn; họ đánh sau hông các nữ nhân, thiếu nữ các gia đình; nhưng nay họ
đứng yên lặng, yên lặng chắp tay hầu hạ Thế Tôn.
- Đối với thiện nam tử nào, này
Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là vua Sát-đế-ly đã làm lễ
quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha,
hay là vị tướng trong quân đội hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị
tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời
được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu. Thế
nào là năm?
2. Ở đây, này Mahànàma, thiện nam
tử, với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy
được do sức mạnh cách tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng
pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được
người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi
lên lòng thương mến người ấy: "Mong rằng (con ta) được sống lâu!
Mong rằng thọ mạng được che chở lâu sài!" Và này Mahànàma, với một
thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng,
không phải là giảm tiếu.
3. Lại nữa, này Mahànàma, thiện
nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng
pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường
vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ người
làm công. Vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục
vụ, người làm công và được người ấy cung kính, tôn trọng đảnh lễ,
cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy:
"Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu
dài! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!" Và này Mahànàma, một
thiện nam tử được vợ con, người phục vụ, người làm công thương tưởng,
chờ đợi là sự tăng trưởng không phải là giảm thiểu.
4. Lại nữa, này Mahànama, vị thiện
nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, đúng
pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảng lễ, cúng dường
các người làm ruộng các chức sắc ở biên cương. Những người làm ruộng
các chức sắc ở biên cương được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh
lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu.
5. Lại nữa, này Mahànama, thiện
nam tử với những tải sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng
pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường
chư thiên nhận lãnh các vật cúng tế. Chư Thiên nhận lãnh các vật cúng
tế được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ
đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu.
6. Lại nữa, này Mahànama, thiện
nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy
được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng
pháp, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn.
Các Sa-môn, BÀ-la-môn được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng
dường với thiện ý, khởi lên trong lòng thương tưởng người ấy:
"Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu
dài." Và này Mahànama, với một thiện nam tử được các Sa-môn,
Bà-la-môn thương tưởng, được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải
là giảm thiểu.
Đối với vị thiện nam tử nào,
này Mahànama, năm pháp này được tìm thấy, dầu là Sát-đế-lỵ đã làm
lễ quán đảnh, hay là người thôn quê dống trên đất của người cha,
hay là vị tướng trong quân đội, hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là
vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc,
thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.
Mẹ cha lo phục vụ,
Vợ con thường thương tưởng,
Vì hạnh phúc nột nhân,
Cùng với kẻ từng sự,
Vì hạnh phúc cả hai,
Lời hòa nhã, giữ giới,
Vì hạnh phúc bà con,
Vì hương linh đi trước,
Vì mạng sống hiện tại,
Vì Sa-môn, Phạm chí,
Thành người ban hạnh phúc.
Sống gia đình, đúng pháp,
Vị ấy làm thiện sự,
Được cúng dường tán thán,
Đời này họ được khen,
Đời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên.
(IX) (59) KHÓ TÌM ĐƯỢC (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm
được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế
nào là năm?
2, Thật khó tìm được, này các Tỷ-kheo,
một người xuất gia tuổi lại tế nhị; thật khó tìm được một người
có uy nghi tốt đẹp; thật khó tìm được một người nghe nhiều; thật khó
tìm được một người thuyết pháp; thật khó tìm được một người trì
luật.
Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được
một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.
(X) (60) KHÓ TÌM ĐƯỢC (2)
1. Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm
được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế
nào là năm?
2. Thật khó tìm được, này các tỷ-kheo,
một người xuất gia lớn tuổi lại khéo nói; thật khó tìm được một
người có khả năng nắm giữ cái gì khéo năm giữ; thật khó tìm được
một người có cử chỉ tốt đẹp; thật khó tìm được một người thuyết
pháp; thật khó tìm được một người trì luật.
Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được
một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.
VII. PHẨM TƯỞNG
(I) (61) CÁC TƯỞNG (1)
1. - Có năm tưởng này, này các Tỷ-kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn,
thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử. Thế nào là năm?
2. Tưởng bất định, tưởng chết,
tưởng nguy hại, tưởng ghê tởm các món ăn, tưởng không có hân hoan đối
với tất cả thế giới.
Năm tưởng này, này các Tỷ-kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến kết quả lớn, lợi ích
lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử.
(II) (62) CÁC TƯỞNG (2)
1. - Có năm tưởng này, này các Tỷ-kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn lợi ích, thể
nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử. Thế nào là năm?
2. Tưởng vô thường, tưởng vô
ngã, tưởng chết, tưởng ghê tởm các món ăn, tưởng không có hân hoan đối
với tất cả thế giới.
Những pháp này là năm tưởng, này
các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn,
lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử.
(III) (63) TĂNG TRƯỞNG (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, tăng trưởng
với năm tăng trưởng, vị Thánh đệ tử tăng trưởng, đem lại kiên cố,
đem lại thù thắng cho tự thân. Thế nào là năm?
2. Tăng trưởng với lòng tin, tăng
trưởng với giới, tăng trưởng với học hỏi, tăng trưởng với bố thí,
tăng trưởng với trí tuệ.
Tăng trưởng với năm tăng trưởng
này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng trưởng,
đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân.
Tăng trưởng với tín, giới,
Với tuệ, thí, nghe nhiều,
Vị Chân nhân quán sát,
Tự thân được kiên cố.
(IV) (64) TĂNG TRƯỞNG (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, tăng trưởng
với năm tăng trưởng, vị nữ Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng
trưởng, đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân. Thế nào là năm?
2. Tăng trưởng với lòng tin, tăng
trưởng với giới, tăng trưởng với học hỏi, tăng trưởng với bố thí,
tăng trưởng với trí tuệ.
Tăng trưởng với năm tăng trưởng
này, này các Tỷ-kheo, vị nữ Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng
trưởng, đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân.
Tăng trưởng với tín, giới,
Với tuệ, thí, nghe nhiều,
Vị trì giới như vậy,
Vị nữ Thánh đệ tử,
Tự thân được kiên cố,
Ngay liền trong đời này
(V) (65) NÓI CHUYỆN
1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo đủ khả năng nói chuyện với các vị đồng Phạm hạnh. Thế nào
là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
tự mình đầy đủ giới, trả lời câu hỏi đề cập đến từ câu chuyện
về giới cụ túc, tự mình đầy đủ định, trả lời câu hỏi được đề
cập đến từ câu chuyện về định cụ túc; tự mình đầy đủ tuệ, trả
lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện về tuệ; tự mình đầy
đủ giải thoát, trả lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện
về giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, trả lời câu hỏi
được đề cập đến từ câu chuyện về giải thoát tri kiến.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo đủ khả năng nói chuyện với các vị đồng Phạm hạnh.
(VI) (66) ĐỜI SỐNG
1. - Thành tựu năm pháp này, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo với đời sống (của mình) làm gương cho các vị
đồng Phạm hạnh. Thế nào là năm?
2. Ở đây, Tỷ-kheo tự mình đầy
đủ giới, trả lời câu hỏi được nói đến từ câu chuyện về giới cụ
túc... (như trên)... từ câu chuyện về giải thoát tri kiến.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo đủ khả năng, với đời sống của mình, làm gương cho các vị
đồng Phạm hạnh.