- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 4b
- IV. PHẨM BÁNH XE
(I) (31) BÁNH XE
1. Có bốn bánh xe này, này các Tỷ-kheo,
thành tựu với chúng, bốn bánh xe được vận chuyển giữa chư Thiên và
loài Người không bao lâu đạt đến sự lớn mạnh, tăng thịnh trong các
tài sản. Thế nào là bốn ? Trú xứ thích hợp, thân cận các bậc Chân
nhân, tự nguyện chân chánh, trước đã làm phước.
Có bốn bánh xe này, này các Tỷ-kheo,
thành tựu với chúng, bốn bánh xe được vận chuyển giữa chư Thiên và
loài Người, thành tựu với chúng, chư Thiên và loài Người không bao lâu
đạt đến sự lớn mạnh, tăng thịnh trong các tài sản.
2. Sống địa phương thích hợp,
Làm bạn với bậc Thánh,
Tự nguyện được chân chánh,
Trước đã làm phước đức
Người ấy về lúa gạo,
Tài sản và danh xưng,
Danh tiếng cùng an lạc,
Được đưa đến đầy đủ.
(II) (32) NHIẾP PHÁP
1. - Này các Tỷ-kheo, có bôn nhiếp
pháp này. Thế nào là bốn ?
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Đây là bốn nhiếp pháp.
2. Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Đối với những pháp này,
Ở đời đối xử nhau,
Chỗ này và chỗ kia,
Như vậy thật tương xứng,
Và bốn nhiếp pháp này,
Như đỉnh đầu trục xe,
Nếu thiếu nhiếp pháp này,
Thời cả mẹ lẫn cha
Không được các người con
Tôn trọng và cung kính,
Do vậy bậc Hiền trí,
Đồng đẳng nhìm nhiếp pháp
Nhờ vậy họ đạt được,
Sự cao lớn, tán thán.
(II) (33) CON SƯ TỬ
1. - Này các Tỷ-kheo, con sư tử,
vua các loài thú, vào buổi chiều đi ra khỏi hang. Sau khi ra khỏi hang, nó
duỗi thân mình và chân. Sau khi duỗi thân mình và chân, nó nhìn chung quang
bốn phương. Sau khi nhìn chung quanh bốn phương nó rống lên tiếng rống
con sư tử ba lần. Sau khi rống tiếng rống con sư tử ba lần, nó đi ra tìm
mồi. Này các Tỷ-kheo, các loài thú thuộc loại bàng sanh nghe tiếng rống
của con sư tử, vua các loài thú, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ,
khiếp đảm. Các loài ở hang tìm vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước.
Các loài ở rừng tìm vào rừng. Các loài chim bay lên hư không.
Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa
ở tại làng, thị trấn hay thành phố, bị trói bởi các dây da cứng chắc,
bứt đứt, giật đứt những sợi dây ấy, khiếp đảm cuồng chạy tung cả
phân và nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực
của con sư tử, vua các loài thú, đối với các loài bàng sanh, như vậy là
đại thế lực, như vậy là đại uy lực.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi
Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, vị ấy thuyết pháp : "Đây là thân, đây
là thân tập khởi, đây là thân đoạn diệt, đây là con đường đưa đến
thân diệt". Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên tuổi thọ dài, có dung sắc,
hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Các chư Thiên
này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ trở thành sợ hãi, run
sợ, khiếp đảm, họ nghĩ : "chúng ta là vô thường, này chư Tôn giả,
nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng,
này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta là
không thường trú, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường
trú. Này chư Tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng, không
thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại
thần thông lực của Như Lai đối với chư Thiên và thế giới chư Thiên,
như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
Thuyết giảng như vậy xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm :
3. Khi Phật với thắng trí,
Chuyển bánh xe Chánh pháp,
Cho Thiên giới, Nhân giới,
Bậc Đạo Sư vô tỷ,
Sự đoạn diệt thân uẩn,
Sự hiện hữu thân uẩn
Và đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ diệt tận,
Chư Thiên được trường thọ,
Có dung sắc danh xưng,
Sanh khiếp đảm sợ hãi,
Như thú thấy sư tử,
Vì chưa thoát thân uẩn,
Nghe chúng ta vô thường,
Khi nghe lời Ứng Cúng,
Được giải thoát như vậy.
(IV) (34) CÁC LÒNG TIN
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn lòng
tin tối thượng này. Thế nào là bốn ?
Dầu cho các loại hữu tình nào,
này các Tỷ-kheo, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc
hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được xem là tối thượng. Những ai
đặt lòng tin vào đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những
ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, dầu cho lại pháp
hữu vi nào, Thánh đạo tám ngành được xem là tối thượng, những ai đặt
lòng tin vào Thánh đạo Tám ngành, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với
những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối
thượng.
2. Dầu cho loại pháp nào, này các
Tỷ-kheo, hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng trong tất cả
pháp, tức là sự nhiếp phục kiêu mạn, sự nhiếp phục khát ái, sự nhổ
lên tham ái, sự chặt đứt tái sanh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly tham
đoạn diệt, Niết-bàn. Những ai đặt lòng tin vào pháp ly tham, này các Tỷ-kheo,
họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối
thượng, họ được quả dị thục tối thượng.
Dầu cho loại chúng Tăng hay hội chúng
nào, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng đệ tử của Như Lai được xem là tối
thượng trong tất cả hội chúng ấy. Tức là bốn đôi tám vị, chúng Tăng
đệ tử của Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng
được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền
ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng, này các Tỷ-kheo, họ đặt
lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ
được quả dị thục tối thượng. Này các Tỷ-kheo, đây là tốn tin tưởng
tối thượng.
3. Tin tưởng vào tối thượng,
Biết được pháp tối thượng,
Tin tưởng Phật tối thượng,
Đáng tôn trọng vô thượng,
Tin tưởng Pháp tối thượng,
Ly tham, an tịnh, lạc,
tin tưởng Tăng tối thượng,
Là ruộng phước vô thượng,
Bố thí bậc tối thượng,
Phước tối thượng tăng trưởng,
Tối thượng về thọ mạng,
Dung sắc và danh văn,
Tối thượng về an lạc,
Tối thượng về sức mạnh,
Bậc trí thí tối thượng,
Pháp tối thượng chánh định,
Chư Thiên hay loài người,
Đạt được hỷ tối thượng.
(V) (35) VASSAKÀRA
1. - Một thời, Thế Tôn trú ở
Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvanna (Trúc Lâm) chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, đi đến Thế Tôn, sau
khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi
xuống một bên, Bà-la-môn Vassakàra nói với Thế Tôn :
- Người nào thành tựu bốn pháp,
thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi tuyên bố là bậc Đại tuệ, là bậc Đại
nhân. Thế nào là bốn ?
2. Ở đây, này Tôn giả Gotama, người
nghe nhiều, được nghe điều gì, điều gì, vị ấy biết ý nghĩa của lời
ấy : "Đây là ý nghĩa của lời này. Đây là ý nghĩa của lời này";
có chánh niệm, ức niệm nhớ đến điều đã làm từ lâu, đã nói từ
lâu ; lại trong các công việc của gia chủ, những công việc gì cần phải
làm, vị ấy ở đây có thiện xảo, không có thụ động, thành tựu với
sự quán sát về phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức.
Thưa Tôn giả Gotama, thành tựu với bốn pháp này, chúng tôi tuyên bố là
bậc Đại tuệ, là bậc Đại nhân. Nếu Tôn giả Gotama nghĩ con đáng được
tùy hỷ, mong Tôn giả Gotama hãy tùy hỷ con ! Nếu Tôn giả Gotama nghĩ con
đáng bị bài xích, Tôn giả Gotama hãy bài xích con !
3. - Này Bà-la-môn, Ta không tùy hỷ,
Ta không bài xích Ông. Này Bà-la-môn, thành tựu với bốn pháp này, Ta
tuyên bố là bậc Đại tuệ, bậc Đại nhân. Thế nào là bốn ?
Ở đây, này Bà-la-môn, có người
thực hiện hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc
cho nhiều người. Với người này, nhiều người được an lập trên Thánh
lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Với tâm tư nào vị
ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm tư tầm tư ấy. Với tầm tư nào
vị ấy nghĩ không cần phải tầm tư, vị ấy không tầm tư tầm tư ấy.
Với tư duy nào vị ấy nghĩ cần phải tư duy, vị ấy tư duy tư duy ấy. Với
tư duy nào vị ấy nghĩ không cần phải được tư duy, vị ấy không tư
duy tư duy ấy. Như vậy, vị ấy đạt được tâm tự tại trong các đường
hướng tầm tư, đói với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc
trú, vị ấy được không khó khăn, được không mệt nhọc, được không
phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, với
thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải
thoát, tuệ giải thoát. Này Bà-la-môn, Ta không tùy hỷ, Ta không bài xích
Ông. Thành tựu với bốn pháp này, này Bà-la-môn, Ta tuyên bố là bậc Đại
tuệ, là bậc Đại nhân.
4. - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả
Gotama ! thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama ! Cho đến như vậy, Tôn giả
Gotama đã khéo nói. Chúng con thọ trì rằng Tôn giả Gotama đã thành tựu bốn
pháp này, Tôn giả Gotama đã thực hành, hướng đến hạnh phúc cho nhiều
người, hướng đến an lạc cho nhiều người, đã an lập nhiều người trên
Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Tôn giả Gotama
là vị, với tầm tư nào, vị ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm
tư tầm tư ấy; với tầm tư nào, vị ấy nghĩ không cần phải tầm tư, vị
ấy không tầm tư tầm tư ấy; với tư duy nào, vị ấy nghĩ cần phải tư
duy, vị ấy tư duy tư duy ấy; với tư duy nào, vị ấy nghĩ không cần phải
tư duy, vị ấy không tư duy tư duy ấy. Tôn giả Gotama đạt được tâm tự
tại trong các đường hướng tầm tư, Tôn giả Gotama đối với bốn Thiền,
thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có
được không mệt nhọc, có được không phí sức. Tôn giả Gotama, do đoạn
diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng
ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
5. - Thật vậy, này Bà-la-môn, lời
tuyên bố của Ông là một thách thức cho Ta và Ta sẽ trả lời cho Ông.
Này Bà-la-môn, Ta đã thực hành, hướng đến hạnh phúc cho nhiều người,
hướng đến an lạc cho nhiều người, đã an lập nhiều người trên Thánh
lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Ta là vị, với tầm tư
nào Ta nghĩ cần phải tầm tư, Ta tầm tư tầm tư ấy. Với tầm tư nào Ta
nghĩ không cần phải tầm tư, Ta không tầm tư tầm tư ấy. Với tư duy nào
Ta nghĩ cần phải tư duy, Ta tư duy tư duy ấy, Với tư duy nào Ta nghĩ không
cần phải tư duy, Ta không tư duy tư duy ấy. Này Bà-la-môn, Ta đạt được
tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư. Này Bà-la-môn đối với bốn
Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta có được không
khó khăn, Ta có được không mệt nhọc, Ta có được không phí sức. Này
Bà-la-môn, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng
trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát.
6. Ai trong mọi chúng sanh,
Hiểu rõ được giải thoát,
Khỏi cạm bẫy thần chết,
Vì hạnh phúc nhân thiên,
Tuyên bố về chánh lý,
Tuyên bố về Chánh pháp.
Quần chúng thấy nghe vậy,
Liền hoan hỷ tịnh tín,
Thiện xảo đạo, phi đạo,
Việc nên làm đã làm,
Vô lậu bậc Giác ngộ,
Với thân này thân cuối,
Ngài được gọi tôn xưng,
Bậc Đại tuệ, Đại nhân.
(VI) (36) TÙY THUỘC THẾ GIỚI
1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên
con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con
đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân
của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy
đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau :
"Thật vi diệu thay ! Thật hy hữu thay ! Những dấu chân này không phải
là của loài Người !".
2. Rồi Thế Tôn từ trên đường
bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng,
đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy
Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín,
các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục
tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ
với căn tịch tịnh, thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau
khi đến, thưa với Thế Tôn :
- Có phải thưa Tôn giả,
Ngài sẽ là vị tiên ?
- Hỡi này Bà-la-môn,
Ta sẽ không là tiên.
- Có phải thưa Tôn giả,
Ngài sẽ là Tát-bà ?
- Hỡi này Bà-la-môn
Ta sẽ không That-bà,
- Có phải thưa Tôn giả,
Ngài sẽ là Dạ-xoa ?
- Hỡi này Bà-la-môn,
Ta sẽ không Dạ-xoa.
- Có phải thưa Tôn giả,
ngài sẽ là loài Người ?
- Hỡi này Bà-la-môn,
Ta sẽ không là Người.
- Hỏi "Ngài có phải sẽ là
tiên không ?", Ngài trả lời : "Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải
là tiên". Hỏi "ngài có phải sẽ là Càn-thát-bà không ?",
Ngài trả lời : "Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là
Càn-thát-bà". Hỏi "Ngài có phải sẽ là Dạ-xoa không ?" Ngài
trả lời : "Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Dạ-xoa". hỏi
"Ngài có phải sẽ là loài Người không ?", Ngài trả lời :
"Ta sẽ không phải loài Người". Vậy sở hành của Ngài là gì và
Tôn giả sẽ là gì ?
3. - Này Bà-la-môn, đối với những
người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu
hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như
thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể
sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn
tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta
có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt
từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể
hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này
Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hông, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước,
lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước
thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời,
Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là
Phật, hãy như vậy thọ trì.
4. Với lậu hoặc chưa đoạn,
Ta có thể là tiên,
có thể Càn-thát-bà,
Có thể là loài chim
Hay đi đến Dạ-xoa,
hay vào trong thai người,
Với Ta lậu hoặc tận,
Bị phá hủy, trừ khử
Như sen trắng tươi đẹp
Không bị nước thấm ướt,
Đời không thấm ướt Ta,
Do vậy Ta được gọi,
Ta là Phật Chánh giác,
Hỡi này Bà-la-môn.
(VII) (37) KHÔNG THỂ RƠI XUỐNG
1. - Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo không có thể bị thối đọa, vị ấy gần Niết-bàn. Thế nào là
bốn ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
đầy đủ giới, hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uông, chú tâm cảnh
giác.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo đầy đủ giới ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống
chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh
hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập
trong các học pháp.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo hộ trì các căn ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo
không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên
nhân gì, làm cho nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các
ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ
trì nhãn căn, thật hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi
ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức
các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.
Những nguyên nhân gì, làm cho ý căn không được chế ngự, khiến tham ái
ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy,
hộ trì ý căn, thật hành sự hộ trì ý căn.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
hộ trì ý căn.
4. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào
là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn khất thực, không phải vui đùa,
không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm
đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng,
để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng
: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm
thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn."
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là biết
tiết độ trong ăn uống.
5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào
là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
ban ngày đi kinh hành, hay trong lúc ngồi, tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp
chướng ngại. Ban đêm, canh một, vị ấy đi kinh hành hay trong lúc ngồi tẩy
sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh giữa, vị ấy nằm
dáng nằm con sư tử bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh
niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến thức dậy lại. Ban đêm, canh cuối, vị
ấy thức dậy đi kinh hành hay trong lúc ngồi, tẩy sạch tâm tư khỏi các
pháp chướng ngại.
Thành tự với bốn pháp này, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thể thối đọa, tiến gần đến Niết-bàn.
6. Tỷ-kheo an trú giới,
Sống chế ngự các căn,
Biết tiết độ ăn uông,
Và chú tâm cảnh giác,
Sống an trú như vậy,
Ngày đêm không mệt mỏi
Tu tập các thiện pháp,
Đạt an ổn ách nạn,
Ưa thích không phóng dật,
Thấy sợ hãi phóng dật,
Không có thể thối đọa,
Tỷ-kheo gần Niết-bàn.
(VIII) (38) TRÁNH NÉ
1. - Tỷ-kheo trừ khử sự thật cá
nhân, này các Tỷ-kheo, đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu hay thân hành
được khinh an, vị ấy được gọi là vị độc hành.
Và này các Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo
đã trừ khử sự thật cá nhân ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với
các sự thật cá nhân phổ thông của các Sa-môn, Bà-la-môn nói chung, ví như
thế giới là thường còn, hay thế giới là không thường còn, hay thế giới
là có giới hạn, hay thế giới là không giới hạn, sinh mạng và thân này
là một, hay sinh mạng và thân này là khác, Như Lai sau khi chết có tồn tại,
hay Như Lai sau khi chết không tồn tại, hay Như Lai sau khi chết có tồn tại
và không tồn tại, hay Như Lai sau khi chết không có tồn tại và không
không tồn tại. Tỷ-kheo đối với tất cả các sự thật cá nhân ấy đã
trừ khử, đã xả bỏ, đã nhổ ra, đã giải thoát, đã đoạn tận, đã từ
bỏ.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
trừ khử sự thật cá nhân.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với
Tỷ-kheo, dục tầm cầu được đoạn tận, hữu tầm cầu được đoạn tận,
Phạm hạnh tầm cầu được khinh an. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
đã từ bổ hoàn toàn các tầm cầu.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo thân hành được khinh an ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
xả lạc, xả khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và
an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Như vậy này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
thân hành được khinh an.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo độc cư ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với
Tỷ-kheo ngã mạn được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được
làm như thân cây ta-la, được khiến cho không thể hiện hữu, khiến cho
không thể sanh khởi trong tương lai.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
độc cư, Tỷ-kheo trừ khử sự thật cá nhân, này các Tỷ-kheo, đã từ bỏ
hoàn toàn các tầm cầu, hay thân hành được khinh an, vị ấy được gọi
là vị độc hành.
5. Dục và hữu tầm cầu,
Cùng Phạm hạnh tầm cầu,
Chấp thủ sự thật này,
Chỗ kiến xứ chất chứa,
Ai không thích mọi tham,
Giải thoát được ái diệt,
Các tầm cầu từ bỏ,
Kiến xứ được nhổ lên,
Tỷ kheo ấy an tịnh,
Thật chánh niệm khinh an,
Không bị ai chiến bại,
Minh kiến được kiêu mạn,
Vị ấy được danh xưng,
Bậc Giác ngộ độc cư.
(IX) (39) UJJAYA
1. Rồi Bà-la-môn Ujjaya đi đến Thế
Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau
khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ujjaya bạch Thế Tôn :
- Có phải Tôn giả Gotama không tán
thán tế đàn ?
2. - Này Bà-la-môn, Ta không tán
thán tất cả loại tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán
thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị
giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến
bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đế sát sanh;
Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì cớ sao ? Tế đàn có sát sanh như
vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán, và những ai đã đi trên con đường hướng
đến A-la-hán không có đi đến. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy
không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị
giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế
đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế
đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. vì cớ sao ? Tế đàn không có sát sanh như
vậy, này Bà-la-môn các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng
đến A-la-hán có đi đến.
3. Lễ tế ngựa, tế người,
Lễ uống nước thắng trân,
Lễ ném cầu may rủi,
Lễ rút lui khóa cửa,
Lễ ấy nhiều sát sanh,
Không đem lại quả lớn.
Chỗ nào giết de cừu,
Bò và sinh vật khác,
Các bậc theo Chánh đạo,
Các bậc Đại ẩn sĩ,
Tại tế đàn như vậy
Họ không có đi tới.
Tế đàn không sát sanh,
Thường cầu phước gia đình,
Không giết dê, cừu, bò,
Không giết sinh vật khác,
Các bậc theo Chánh đạo,
Các bậc Đại ẩn sĩ,
Tại tế đàn như vậy,
Họ đến tế đàn ấy,
Lễ ấy bậc trí làm,
Tế đàn ấy quả lớn,
Tế đàn vậy tốt lành,
Không đem đến ác hại,
Tế đàn càng to lớn,
Chư Thiên càng hoan hỷ.
(X) (40) UDÀYI
1. Rồi Bà-la-môn Udàyi đi đến Thế
Tôn; sau khi đến... Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Udàyi bạch Thế Tôn :
- Có phải Tôn giả Gotama không tán
thán tế đàn ?
2. - Này Bà-la-môn, Ta không tán
thán tất cả loại tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán
thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị
giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến
bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đế sát sanh;
Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì cớ sao ? Tế đàn có sát sanh như
vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán, và những ai đã đi trên con đường hướng
đến A-la-hán không có đi đến. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy
không có bò bị giết, không có de cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị
giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế
đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế
đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. vì cớ sao ? Tế đàn không có sát sanh như
vậy, này Bà-la-môn các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng
đến A-la-hán có đi đến.
3. Tế đàn không sát sanh,
Làm đúng thời thích hợp,
Tế đàn vậy, các bậc,
Phạm hạnh khéo chế ngự,
Đã vén rộng bức màn,
Khi còn ở trên đời,
Các bậc vượt thời gian,
Đi đến tế đàn ấy.
Bậc Giác ngộ thiện xảo,
Tán thán tế đàn ấy,
Hoặc tại lễ tế đàn,
Hoặc tín thí vong linh,
Tế vật cúng xứng đáng,
Tế lễ tâm hoan hỷ,
Hướng đến ruộng phước lành,
Đối các vị Phạm hạnh,
Khéo cúng, khéo tế lễ,
Khéo dâng bậc đáng cúng,
Tế đàn vậy rộng lớn,
Chư Thiên đều tán thán,
Bậc Trí sau khi lễ,
Tín thành tâm giải thoát.
V. PHẨM ROHITASSA
(I) (41) ĐỊNH
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn định
tu tập này. Thế nào là bốn ?
Có định tu tập, này các Tỷ-kheo,
do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. Có định tu tập,
này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri
kiến. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn,
đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, được
tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú
?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
ly dục, ly các pháp bất thiện... chứng đạt và an trú thiền thứ tư.
này các Tỷ-kheo, đây gọi là định
tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến
?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
tác ý tưởng ánh sang, an trú tưởng ban ngày, ngày như thế nào thời đêm
như vậy, đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở,
không có bị bao phủ, tu tập tâm đến chỗ sáng chói.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định
tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh
giác ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị
Tỷ-kheo, thọ khởi lên được rõ biết, thọ an trú được rõ biết, thọ
chấm dứt được rõ biết; tưởng khởi lên được rõ biết, tưởng an trú
được rõ biết, tưởng chấm dứt được rõ biết; tầm khởi lên được
rõ biết, tầm an trú được rõ biết, tầm chấm dứt được rõ biết.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định
tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
định tu tập, do tu tập, do tàm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu
hoặc ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
trú tùy quán sanh diệt trong năm thủ uẩn : "Đây là sắc, đây là sắc
tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ, đây là thọ tập khởi,
đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây
là tưởng chấm dứt; đây là các hành, đây là các hành tập khởi, đây
là các hành chấm dứt; đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức
chấm dứt.
Này các Tỷ-kheo, đây là định tu
tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.
Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu
tập này. Và cũng về vấn đề này, Ta có nói đến trong phẩm về mục đích,
trong kinh gọi là : Các câu hỏi của Punnaka.
6. Do tư sát, ở đời,
Các sự vật thắng, liệt,
Không vật gì ở đời,
Làm vị ấy dao động.
An tịnh, không mời mịt,
Không phiền não, không tham,
Ta nói vị ấy vượt,
Qua khỏi sanh và già,
(II) (42) CÁC CÂU HỎI
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn cách
thức để trả lời câu hỏi. Thế nào là bốn ?
Có câu hỏi, này các Tỷ-kheo, đòi
hỏi câu trả lời nhất nhướng (một chiều dứt khoát); có câu hỏi, này
các Tỷ-kheo, đòi hỏi một câu hỏi phản nghịch; có câu hỏi, này các Tỷ-kheo,
cần phải để một bên; có câu hỏi, này các Tỷ-kheo, cần phải trả lời
một cách phân tích.
Này các Tỷ-kheo, có bốn cách thức
để trả lời câu hỏi này.
2. Một trả lời nhất hướng,
Rồi trả lời phân tích,
Thứ ba là câu hỏi,
Đòi câu hỏi phản nghịch,
Loại câu hỏi thứ tư,
Cần phải để một bên,
Trong các câu hỏi ấy,
Ai rõ biết thuận pháp,
Tỷ-kheo ấy được gọi,
Thiện xảo bốn câu hỏi.
Khó nhiếp phục, khó thắng,
Thâm sâu, khó chiến thắng,
Thiện xảo trong nghĩa lý,
Cả hai, nghĩa không nghĩa,
Từ bỏ không ý nghĩa,
Bậc Trí nắm lấy nghĩa,
Bậc Trí minh kiến nghĩa
Được gọi là bậc Trí.
(III) (43) PHẪN NỘ (1)
1. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?
Kính trọng phẫn nộ, không kính trọng
diệu pháp; kính trọng gièm pha, không kính trọng diệu pháp; kính trọng lợi
dưỡng, không kính trọng diệu pháp; kính trọng cung kính, không kính trọng
diệu pháp.
Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, hiện hữu ở đời.
2. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?
Kính trọng diệu pháp, không kính
trọng phẫn nộ; kính trọng diệu pháp, không kính trọng gièm pha; kính trọng
diệu pháp, không kính trọng lợi dưỡng; kính trọng diệu pháp, không
kính trọng cung kính.
Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, hiện hữu ở đời.
3. Các Tỷ-kheo kính trọng,
Phẫn nộ và gièm pha,
Kính trọng các lợi dưỡng,
Kính trọng sự cung kính,
Vị ấy không lớn mạnh,
Trong pháp đức Phật thuyết,
Ai hiện sống, đã sống,
Kính trọng Chánh diệu pháp,
Các vị ấy lớn mạnh
Trong pháp đức Phật thuyết.
(IV) (44) SỰ PHẪN NỘ (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn phi diệu
pháp này. Thế nào là bốn ?
Kính trọng phẫn nộ, không kính trọng
diệu pháp; kính trọng gièm pha, không kính trọng diệu pháp; kính trọng lợi
dưỡng, không kính trọng diệu pháp; kính trọng cung kính, không kính trọng
diệu pháp.
Này các Tỷ-kheo, có bốn phi diệu
pháp này.
2. Này các Tỷ-kheo, có bốn diệu
pháp này. Thế nào là bốn ?
Kính trọng diệu pháp, không kính
trọng phẫn nộ; kính trọng diệu pháp, không kính trọng gièm pha; kính trọng
diệu pháp, không kính trọng lợi dưỡng; kính trọng diệu pháp, không
kính trọng cung kính.
Này các Tỷ-kheo, có bốn diệu
pháp này.
3. Trọng phẫn nộ, gièm pha,
trong lợi dưỡng, cung kính,
Như gột giống hư thối,
Trong thửa ruộng tốt lành,
Tỷ-kheo ấy không lớn,
Trong Chánh pháp vi diệu.
Ai đã sống, hiện sống,
Kính trong Chánh diệu pháp,
Các vị ấy lớn mạnh,
Trong Chánh pháp vi diệu,
Như dược thảo, dùng dầu,
Chữa trị lớn mạnh hơn.
(V) (45) ROHITASSA (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thiên tử Rohitassa
sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chiếu sáng toàn vùng
Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một
bên. Đứng một bên, thiên tử Rohitassa bạch Thế Tôn :
- Tại chỗ nào, bạch Thế Tôn,
không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này),
không có sanh khởi (đời khác), chúng con có thể đi đến để thấy, để
biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới không ?
- Này Hiền giả, tại chỗ nào
không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này),
không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến
để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.
2. - Thật vi diệu thay, bạch Thế
Tôn; thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ; thật là khéo nói, bạch Thế Tôn,
lời nói này của Thế Tôn : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị
già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời
khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để
đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Thuở xưa, bạch Thế Tôn,
con là vị ẩn sĩ tên là Rohitassa, con của Bhoja, có thần thông, đi được
trên hư không. Tốc độ của con là như thế này, bạch Thế Tôn; ví dụ
như một người bắn cung kiên cường, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục,
với một mũi tên nhẹ có thể dễ dàng bắn xuyên qua bóng một cây ta-la.
Bước chân của con là như vậy, như từ khoảng cách từ biển Đông qua biển
Tây. Với con, bạch Thế Tôn, thành tựu được với tốc độ như vậy, với
bước chân như vậy, con khởi lên ý muốn như sau : "Với bước chân
đi, ta sẽ đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Bạch Thế Tôn,
trừ khi ăn uống nhai nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ
để lấy lại sức, dầu thọ đến 100 tuổi, dầu đã sống một trăm tuổi,
dầu đi đến 100 năm, cũng không có thể đạt được tận cùng của thế
giới, nhưng giữa đường con đã chết. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn;
thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn; thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời
nói này của Thế Tôn : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già,
không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác),
Ta tuyên bố rằng không đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ
tận cùng của thế giới".
3. - Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng
: "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không
có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi
đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới".
Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng,
những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi,
về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.
4. Với đi, không bao giờ,
Đạt tận cùng thế giới.
Nếu không, không đạt được,
Chỗ tận cùng thế giới,
Thời không có giải thoát,
Ra khỏi ngoài khổ đâu.
Do vậy, bậc có trí,
Hiểu biết rõ thế giới,
Đi tận cùng thế giới,
Với Phạm hạnh thành tựu,
Bậc đạt được an tịnh,
Biết tận cùng thế giới,
Không mong cầu đời này,
Không mong cầu đời sau.
(VI) (46) ROHITASSA (2)
1. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã
qua, bảo các Tỷ-kheo:
- Đêm nay, này các Tỷ-kheo, Thiên tử
Rohitassa, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn
vùng Jetavana, đi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên,
này các Tỷ-kheo, thiên tử Rohitassa bạch với Ta :
"- Tại chỗ nào, bạch Thế
Tôn, không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời
này), không có sanh khởi (đời khác), chúng con có thể đi đến để thấy,
để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới ?"
Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo,
Ta nói với Thiên tử Rohitassa như sau :
"- Này Hiền giả, tại chỗ
nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời
này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi
đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới".
Khi nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo,
Thiên tử Rohitassa nói với Ta như sau :
"- Thật vi diệu thay, bạch Thế
Tôn; thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn; thật khéo nói, bạch Thế Tôn, lời
nói này của Thế Tôn : "tại chỗ nào không bị sanh, không bị già,
không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác),
Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt
đến chỗ tận cùng của thế giới !". Thuở xưa, bạch Thế Tôn, con
là vị ẩn sĩ tên là Rohitassa, con của Bhoja, có thần thông, đi được trên
hư không. Tốc độ của con là như thế này, bạch Thế Tôn; ví dụ như một
người bắn cung kiên cường, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục, với một
mũi tên nhẹ có thể dễ dàng bắn xuyên qua bóng một cây ta-la. Bước chân
của con là như vậy, như từ khoảng cách từ biển Đông qua biển Tây. Với
con, bạch Thế Tôn, thành tựu được với tốc độ như vậy, với bước
chân như vậy, con khởi lên ý muốn như sau : "Với bước chân đi, ta sẽ
đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Bạch Thế Tôn, trừ khi ăn
uống nhai nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy
lại sức, dầu thọ đến 100 tuổi, dầu đã sống một trăm tuổi, dầu
đi đến 100 năm, cũng không có thể đạt được tận cùng của thế giới,
nhưng giữa đường con đã chết. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn; thật
hy hữu thay, bạch Thế Tôn; thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói
này của Thế Tôn : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không
bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta
tuyên bố rằng không đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ
tận cùng của thế giới".
Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo,
Ta nói với Thiên tử Rohitassa :
"-Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng
: "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không
có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi
đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới".
Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng,
những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi,
về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.
2. Với đi, không bao giờ,
Đạt tận cùng thế giới.
Nếu không, không đạt được,
Chỗ tận cùng thế giới,
Thời không có giải thoát,
Ra khỏi ngoài khổ đâu.
Do vậy, bậc có trí,
Hiểu biết rõ thế giới,
Đi tận cùng thế giới,
Với Phạm hạnh thành tựu,
Bậc đạt được an tịnh,
Biết tận cùng thế giới,
Không mong cầu đời này,
Không mong cầu đời sau.
(VII) (47) RẤT XA XĂM
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn sự
việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn ?
Trời và đất, này các Tỷ-kheo,
là sự việc thứ nhứt rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này
các Tỷ-kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với
nhau. Từ chỗ mặt trời mọc lên, này các Tỷ-kheo, đến chỗ mặt trời lặn
xuống, là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người
bất thiện, này các Tỷ-kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc
thứ tư rất xa, rất xa với nhau.
Này các Tỷ-kheo, đây là bốn sự
việc rất xa, rất xa với nhau này.
2. Rất xa là bầu trời,
Cũng rất xa, quả đất,
Người ta nói rất xa,
Là bờ biển bên kia.
Từ chỗ mặt trời mọc,
Chói sáng, tỏa ánh sáng,
Đến chỗ mặt trời lặn.
Rằng xa, thật là xa,
Người ta nói xa hơn,
Là pháp của bậc thiện,
Với pháp kẻ bất thiện,
Thật xa, xa hơn nhiều.
Hòa hợp với bậc thiện,
Thường hằng, không hoại diệt,
Khi nào còn đứng vững,
Vẫn như vậy kiên trì,
Còn hòa hợp bất thiện,
Rất mau bị phá hoại,
Do vậy pháp bậc thiện,
Rất xa pháp kẻ ác.
(VIII) (48) VISÀKHA
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả
Visàkhà Pancàliputta, trong hội trường với pháp thoại, đang thuyết pháp
cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với lời
nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào với ý nghĩa rõ ràng minh bạch,
không có ngập ngừng. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ thiền tịnh
đứng dậy đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã
soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo, ai đang thuyết
pháp trong hội trường cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm
cho hoan hỷ, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào, với
ý nghĩa rõ ràng minh bạch, không có ngập ngừng ?
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả
Visàkhà Panàliputta :
- Lành thay, lành thay này Visàkhà !
Lành thay, này Visàkhà, Thầy đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo... không có
ngập ngừng.
2. Nếu vị ấy không nói,
Chúng không biết vị ấy,
Như vậy bậc Hiền trí,
Lẫn lộn với kẻ ngu,
Nếu vị ấy nói lên,
Chúng biết đến vị ấy,
Khi vị ấy thuyết giảng,
Con đường đến bất tử,
Vậy hãy thuyết giảng lên,
Chói sáng chơn diệu pháp,
Hãy dâng cao ngọn cờ,
Ngọn cờ các ẩn sĩ,
Khéo nói là ngọn cờ,
Của các bậc ẩn sĩ,
Và pháp là ngọn cờ,
Của những bậc ẩn sĩ.
(IX) (49) TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng
điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn ?
Trong vô thường, nghĩ là thường,
này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo,
tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong không
thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo,
tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng điên
đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này.
2. Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng
không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này. Thế
nào là bốn ?
Trong vô thường, nghĩ là vô thường,
này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến
không điên đảo. Trong khổ, nghĩ là khổ, trong vô ngã, nghĩ là vô ngã,
trong không thành tịnh nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng
không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng không
điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này.
3. Trong vô thường, tưởng thường.
Trong khổ tưởng là lạc,
Trong vô ngã, tưởng ngã,
Trong bất tịnh, tưởng tịnh,
Chúng sanh đến tà kiến,
Tâm động, tưởng tà vọng,
Bị ma trói buộc chặt,
Không thoát khỏi ách nạn,
Chúng sanh bị luân chuyển,
Trong sanh tử luân hồi.
Khi chư Phật xuất hiện,
Ở đời chói hào quang,
Tuyên thuyết diệu pháp này,
Đưa đến khổ lắng dịu.
Nghe pháp, được trí tuệ,
Trở lại được tự tâm,
thấy vô thường không thường,
Thấy đau khổ là khổ,
Thấy tự ngã không ngã,
Thấy bất tịnh không tịnh,
Do hành chánh tri kiến,
Vượt qua mọi đau khổ.
(X) (50) CÁC UẾ NHIỄM
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn uế
nhiễm này của mặt trăng, mặt trời. Do những uế nhiễm này làm ô nhiễm
mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực
sáng. Thế nào là bốn ?
Mây, này các Tỷ-kheo, là uế nhiễm
của mặt trăng, mặt trời, do uế nhiễm này làm ô nhiễm mặt trăng, mặt
trời không có cháy sáng... không có rực sáng. Mù, này các Tỷ-kheo là uế
nhiễm của mặt trăng, mặt trời... khói và bụi, này các Tỷ-kheo là uế
nhiễm của mặt trăng, mặt trời... Ràhu, vua các loài A-tu-la, này các Tỷ-kheo,
là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời; do uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt
trăng, mặt trời không có cháy sang, không có chói sang, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm
này của mặt trăng, mặt trời, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt
trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực
sáng.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn
uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm,
các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sang, không có rực
sáng. Thế nào là bốn ?
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn,
Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men,
rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn,
Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có
cháy sáng... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn,
Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo,
đây là uế nhiễm thứ hai... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn,
Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc.
Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn,
Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo,
đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này
làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng,
không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm
này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên
các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực
sáng.
3. Có Sa-môn, Phạm chí,
Bị tham sân trói buộc,
Bị vô minh bao phủ,
Loài người ưa sắc đẹp,
Uống rượu men rượu nấu,
Hưởng thụ pháp dâm dục,
Mê hoặc, họ chấp nhận,
Nhận lấy vàng và bạc,
Các Sa-môn, Phạm chí,
Sinh sống theo tà mạng.
Phật, bà con mặt trời
Nói đến uế nhiễm ấy,
Bị ô nhiễm bởi chúng,
Các Sa-môn, Phạm chí,
Không cháy sang, chói sáng,
Ánh sáng bụi ô nhiễm,
Bao phủ bởi tối tăm,
Nô lệ bởi ái dục,
Bị ái kéo, dắt dẫn,
Họ làm đầy dẫy thêm,
Bãi tha ma ghê tởm,
Chúng lại phải tái sanh.
VI. PHẨM NGUỒN SANH PHƯỚC
(I) (51) NGUỒN SANH PHƯỚC (VỚI CƯ
SĨ) (1)
1. Nhân duyên ở Sàvatthi
2. - Có bốn nguồn sanh phước, nguồn
sanh thiện này đem lại an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục,
dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an
lạc. Thế nào là bốn ?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng
thọ y của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy là nguồn
sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện đem lại an lạc,
thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến
khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trong
khi hưởng thọ đồ ăn khất thực của ai...
... Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
trong khi hưởng thọ trú xứ của ai... hưởng thọ dược phẩm trị bệnh
của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy là nguồn sanh
phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện đem lại an lạc, thuộc
Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc,
khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
2. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ
tử thành tựu bốn nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ
gì để nắm lấy một số lượng phước thiện, và nói rằng : "Có chừng
ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, đem lại an lạc, thuộc thiên giới,
là quả lạc dị thục đem đến cõi trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ,
khả ý, hạnh phúc, an lạc"; vì rằng cả khối phước thiện lớn được
xem là vô số vô lượng.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển
lớn, thật không dễ gì để nắm lấy một số lượng nước và nói rằng
: "Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có
chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước";
vì rằng cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn nguồn sanh
phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ gì nắm lấy một số lượng
phước thiện và nói rằng : "có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn
sanh thiện, đem lại an lạc thuộc thiên giới, là quả lạc dị thục, đem
đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc;
vì rằng cả khối phước thiện lớn được xem là vô số vô lượng.
4. Biển lớn không hạn lượng,
Hồ lớn nhiều sợ hãi,
Là kho tàng cất giữ,
Vô số lượng châu báu,
Cũng là chỗ trú ẩn,
Vô số các loại cá,
Là chỗ các sóng lớn,
quy tụ chảy ra biển,
Cũng vậy người bố thí,
Đồ ăn và đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Chỗ ngồi và thảm nệm,
Bậc Hiền thí như vậy,
Phước đức ùa chảy đến,
Như sông dẫn dòng nước,
Ùa chảy vào bể cả.
(II) (52) NGUỒN SANH PHƯỚC (VỚI CƯ
SĨ) (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn nguồn
sanh phước, nguồn sanh thiện... hạnh phúc, an lạc. Thế nào là bốn ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử thành tựu với lòng tịnh tín bất động đối với Phật;
bậc Thế Tôn ấy là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,
Phật, Thế Tôn... Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh
thiện thứ nhất... hạnh phúc an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử thành tựu với lòng tịnh tín bất động đối với Pháp,
Pháp được Thế Tôn khéo nói, thiết thực hiện tại, không có thời gian,
đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự
mình giác hiểu. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện
thứ hai... hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử thành tựu với lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng,
Thiện hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế
Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. chánh hạnh là chúng đệ tử
Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng
được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng
được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các Tỷ-kheo,
đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện thứ ba... hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị
Thánh đệ tử thành tựu với những giới, được bậc Thánh ái kính,
không bị phá hoại, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế
nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp
thủ, đưa đến Thiền định. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước,
nguồn sanh thiện thứ tư... hạnh phúc, an lạc.
Này các Tỷ-kheo, bốn nguồn sanh phước,
nguồn sanh thiện này, đem lại an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị
thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh
phúc, an lạc.
2. Ai tin tưởng Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Ai tin giới, hiền thiện,
Bậc Thánh khen, mến chuộng.
Ai tịnh tín chúng Tăng,
Với cái nhìn chánh trực,
Người ấy được họ gọi,
Không phải là người nghèo.
Đời sống người như vậy,
Không phải đời trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thắng pháp,
Bậc trí chú tâm niệm,
Lời dạy của chư Phật.
(III) (53) SỐNG CHUNG (1)
1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên
con đường giữa Madhurà và Veranja. Và nhiều nam gia chủ và nữ gia chủ cũng
đang đi trên con đường giữa Madhurà và Veranja. Rồi Thế Tôn từ trên
đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, trên chỗ đã được
sửa soạn. Các nam gia chủ và nữ gia chủ thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc
cây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống
một bên. Thế Tôn nói với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ đang ngồi một bên :
2. - Này các Gia chủ, có bốn loại
sống chung này. Thế nào là bốn ?
Đê tiện nam sống chung với đê tiện
nữ. Đê tiện nam sống chúng với Thiên nữ. Thiên nam sống chúng với đê
tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ.
3. Và này các Gia chủ, thế nào là
đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ ?
Ở đây, này các Gia chủ, người
chồng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo,
đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một
tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn,
Bà-la-môn. Còn người vợ cũng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh
trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tánh ác,
sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này
các Gia chủ là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ.
4. Và này các Gia chủ, thế nào là
đê tiện nam sống chung với Thiên nữ ?
Ở đây, này gia chủ, người chồng
sát sanh... nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người vợ từ
bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm
say rượu men rượu nấu, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình không với
tâm bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các
Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ, là đê tiện nam sống chung với
Thiên nữ.
5. Và này các Gia chủ, thế nào là
Thiên nam sống chung với một đê tiện nữ ?
Ở đây, này các c, người chồng từ
bỏ sát sanh... không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Nhưng
người vợ là người sát sanh, lấy của không cho... nhiếc mắng chưởi rủa
các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ là Thiên nam sống chung với
đê tiện nữ.
6. Và này các Gia chủ, thế nào là
Thiên nam sống chung với Thiên nữ ?
Ở đây, này các Gia chủ, người
chồng từ bỏ sát sanh... không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn,
Bà-la-môn, và người vợ cũng là người không sát sanh... không nhiếc mắng
chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn.
Này các Gia chủ, có bốn loại
chung sống này.
7. Cả hai là ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Cặp vợ và chồng ấy,
Đê tiện sống đê tiện.
Chồng là người ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Vợ là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Như vậy vợ Thiên nữ
Sống với chồng đê tiện.
Chồng là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Vợ là đê tiện nữ,
Chúng sống chông, Thiên nam.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng.
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Đời sống nhiều hạnh phúc
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành.
Ở đây sống theo pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Đúng với điều cầu mong.
(IV) (54) SỐNG CHUNG (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại
sống chung này. Thế nào là bốn ?
Đê tiện nam sống chung với đê tiện
nữ. Đê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê
tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người
chồng là người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục,
nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân
tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế
xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người
vợ cũng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói
láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm,
tà kiến, ác giới, ác tánh, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế
xan tham chi phối. Như vậy, này các Gia chủ, là đê tiện nam chung sống với
đê tiện nữ.
3. Và này các Gia chủ, thế nào là
đê tiện nam sống chung với Thiên nữ ?
Ở đây, này các Gia chủ, người
chồng sát sanh... nhiếc mắng, chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người
vợ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ
nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không
tham, không có sân tâm, chánh kiến, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình
không với tâm vị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi
rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ, là đê tiện nam sống
chung với Thiên nữ.
4. Và này các Gia chủ, thế nào là
Thiên nam sống chung với đê tiện nữ ?
Ở đây, này các Gia chủ, người
chồng từ bỏ sát sanh... không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn,
Bà-la-môn. Nhưng người vợ là người sát sanh, lấy của không cho... nhiếc
mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ, là
Thiên nam sống chung với đê tiện nữ.
5. Và này các Gia chủ, thế nào là
Thiên nam sống chung với Thiên nữ ?
Ở đây, này các Gia chủ, người
chồng từ bỏ sát sanh... không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn,
Bà-la-môn; và người vợ cũng là người không sát sanh... không nhiếc mắng
chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn.
Này các Gia chủ, có bốn loại sống
chung này.
6. Cả hai là ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Cặp vợ và chồng ấy,
Đê tiện sống đê tiện,
Chồng là người ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Vợ là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Như vậy vợ Thiên nữ
Sống với chồng đê tiện.
Chồng là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Còn người vợ ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Vợ là đê tiện nữ,
Chung sống chồng, Thiên nam.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Đời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Đúng với điều cầu mong.
(V) (55) XỨNG ĐÔI (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa
dân chúng Bhagga tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế
Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha
Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn săn. Rồi gia chủ cha
Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha
Nakulà bạch Thế Tôn :
2. - Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà
được đem về đây cho con khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ biết con
có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng
nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau
trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.
Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế
Tôn :
- Bạch Thế Tôn, từ khi con được
đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ
biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulà, cho đến ý nghĩ
cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng
con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong
đời sau nữa.
- Vậy này các Gia chủ, khi cả hai
vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt
nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng
thí đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt
nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Đời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Đúng với điều sở cầu.
(VI) (56) XỨNG ĐÔI (2)
(Kinh này giống như kinh trước,
nhưng chỉ bắt đầu với lời của Thế Tôn dạy và nói cho các Tỷ-kheo).
(VII) (57) SUPPAVÀSÀ
1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa
dân chúng Koli tại thị trấn của dân chúng Koli tên là Sajjanela. Rồi Thế
Tôn vào buổi sáng, đắp y cầm y bát, đi đến trú xứ của Suppavàsà, người
dân Koli, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Suppavàsà
người dân Koli, sau khi tự tay mời Thế Tôn dùng cho đến thỏa mãn các
món ăn loại cứng và loại mềm, rồi Suppavàsà, thuộc dân tộc Koli, sau
khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, liền ngồi xuống một
bên. Thế Tôn nói với Suppavàsà, người dân Koli, đang ngồi một bên :
2. - Các Thánh nữ đệ tử khi bố
thí đồ ăn, này Suppavàsà, bố thí bốn sự cho những người nhận. Thế
nào là bốn ?
Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc,
cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng,
thuộc cõi Trời hay cõi Người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia
phần dung sắc, thuộc cõi Trời hay cõi Người. Sau khi cho an lạc, người
cho được chia phần an lạc, hoặc thuộc cõi Trời, hoặc thuộc cõi Người.
Sau khi cho sức mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc cõi Trời,
hay cõi Người. Này Suppavàsà, khi Thánh nữ đệ tử bố thí đồ ăn, bố
thí bốn sự này cho những người nhận.
3. Cho đồ ăn khéo làm,
Sạch, thù diệu, vị ngon,
Nàng với sự cúng dường,
Bố thí vị chánh trực,
Những vị sống chánh hạnh,
Là những bậc đại hành,
Với đức gặt công đức,
Lại được quả to lớn,
Bậc hiểu biết thế gian,
Có lời tán thán nàng,
Ức niệm tế đàn vậy,
Họ dạo quanh thế giới,
Với tâm tư hoan hỷ
Nhiếp phục gốc xan tham,
Không bị ai chỉ trích,
Chứng đạt được cõi Trời.
(VIII) (58) SUDATTA
1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế
Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên :
2. - Này Gia chủ, bậc Thánh đệ tử
bố thí đồ ăn, bố thí bốn sự cho người nhận. Thế nào là bốn ?
Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc,
cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng,
thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia
phần dung sắc, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho an lạc, người
cho được chia phần an lạc, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho sức
mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc chư Thiên hay loài Người.
Này Gia chủ, người Thánh đệ tử bố thí món ăn, bố thí bốn sự này
cho những người nhận.
3. Những ai khéo chế ngự,
Sống nhờ người bố thí,
Ai tùy thời, nhiệt thành,
Bố thí đồ ăn uống,
Đem lại cho các vị,
Bốn sự kiện như sau,
Cho thọ mạng, dung sắc,
cho an lạc, sức mạnh,
Vị bố thí thọ mạng,
Vị bố thí sức mạnh,
Người bố thí sức mạnh,
Thọ mạng dài, danh xưng,
Dầu sanh tại chỗ nào.
(IX) (59) CÁC ĐỒ ĂN
1. - Người bố thí đồ ăn, này
các Tỷ-kheo, bố thí bốn sự cho người nhận. Thế nào là bốn ?
Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc,
cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng,
thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho dung sắc ... cho an lạc ... Sau
khi cho sức mạnh, được chia phần sức mạnh, thuộc chư Thiên hay loài Người.
Này các Tỷ-kheo, người bố thí
các món ăn, bố thí bốn sự này cho người nhận.
- 2. Những ai khéo chế ngự,
- Sống bố thí người khác,
- Ai tùy thời nhiệt thành,
- Bố thí đồ ăn uống,
- Đem lại cho các vị,
- Bốn sự kiện như sau,
- Cho thọ mạng, dung sắc,
- Cho an lạc, sức mạnh,
- Vị bố thí thọ mạng,
- Vị bố thí dung sắc,
- Người bố thí an lạc,
- Người bố thí sức mạnh,
- Thọ mạng dài, danh xưng,
- Dầu sanh tại chỗ nào