- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 7c
- (X) (60) SÂN HẬN
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp
này được người thù địch ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến
người phẫn nộ, đàn bà hay đàn ông. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
trở thành xấu xí!’ Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không
hoan hỷ kẻ thù địch của mình có dung sắc. Này các Tỷ-kheo, hạng người
nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người
ấy khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, tóc râu khéo sửa soạn, mặc toàn đồ
trắng rồi người ấy cũng trở thành xấu xí, vì bị phẫn nộ chinh phục.
Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất, được người thù địch ưa thích,
tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn
ông.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
ngủ một cách khổ sở!" Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch
không hoan hỷ kẻ thù địch của mình ngủ một cách an lành. Này các Tỷ-kheo,
hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối,
dầu có nằm trên ghế dài, nệm trải bằng len, chăn len trắng, chăn len thêu,
nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm khảm với lọng che phía
trên, ghế dài có đầu gối chân màu đỏ. Tuy vậy, họ vẫn ngủ một cách
khổ sở, vì bị phẫn nộ chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ
hai, được người thù địch ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến
người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
không có lợi ích!" Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không
hoan hỷ kẻ thù địch của mình có được lợi ích. Này các Tỷ-kheo, hạng
người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối,
thâu hoạch bất lợi, lại nghĩ rằng: "Ta được lợi ích", thâu
hoạch điều bất lợi ích, lại nghĩ rằng: "Ta không được lợi
ích". Những pháp này được nắm giữ khiến người khác trở thành
thù địch, đưa đến không hạnh phúc, đau khổ lâu dài, vì bị phẫn nộ
chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ ba, được người thù ưa thích,
tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn
ông.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
không có tài sản!" Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không
hoan hỷ kẻ thù địch của mình có được tài sản. Này các Tỷ-kheo, hạng
người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, những
tài sản của họ thâu hoạch do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức
mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thâu hoạch
hợp pháp. Các tài sản ấy được nhà vua cho chở về ngân khố nhà vua,
vì bị phẫn nộ chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ tư, được
người thù ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ,
đàn bà hoặc đàn ông.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
không có danh tiếng!" Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không
hoan hỷ kẻ thù địch của mình có được danh tiếng. Này các Tỷ-kheo, hạng
người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, nếu
có được danh tiếng gì nhờ không phóng dật thâu hoạch được, danh tiếng
ấy lánh xa họ, vì bị phẫn nộ chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là
pháp thứ năm, được người thù ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến
người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông.
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
không có bạn bè!" Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không
hoan hỷ kẻ thù địch của mình có được bạn bè. Này các Tỷ-kheo, hạng
người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, nếu
người đó có những bạn bè thân hữu, bà con huyết thống gì, họ sẽ xa
lánh, từ bỏ người đó, vì người đó bị phẫn nộ chinh phục. Đây là
pháp thứ sáu, được người thù ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến
người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: "Mong rằng kẻ này
sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa
ngục !" Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không hoan hỷ kẻ
thù địch của mình sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện
thú, Thiên giới, cõi đời này! Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ,
bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, người đó làm ác hạnh
với thân, người đó nói lời ác hạnh với lời, người đó nghĩ đến
điều ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, người đó sanh vào cõi dữ,
ác thú, đọa xứ, địa ngục. Đây là pháp thứ bảy, được người thù
ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc
đàn ông.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
được người thù địch ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người
phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông.
Kẻ phẫn nộ xấu xí,
Đau khổ khi nằm ngủ,
Được các điều lợi ích
Lại cảm thấy bất lợi.
Phẫn nộ, nó đả thương,
Với thân với lời nói,
Người phẫn nộ chinh phục,
Tài sản bị tiêu vong.
Bị phẫn nộ điên loạn,
Danh dự bị hủy diệt,
Bà con cùng bạn bè,
Lánh xa người phẫn nộ.
Phẫn nộ sanh bất lợi,
Phẫn nộ dao động tâm,
Sợ hãi sanh từ trong,
Người ấy không rõ biết.
Phẫn nộ không biết lợi,
Phẫn nộ không thấy pháp,
Phẫn nộ chinh phục ai,
Người ấy bị mê ám.
Người phẫn nộ thích thú
Làm ác như làm thiện,
Về sau phẫn nộ dứt,
Bị khổ như lửa đốt,
Như ngọn lửa dầu khói,
Được thấy thất thểu cháy,
Khi phẫn nộ lan tràn,
Khi tuổi trẻ nổi nóng,
Không xấu hổ, sợ hãi,
Lời nói không cung kính.
Bị phẫn nộ chinh phục,
Không hòn đảo tựa nương.
Việc làm đem hối hận,
Rất xa với Chánh pháp.
Ta sẽ tuyên bố họ,
Hãy nghe như tuyên bố,
Phẫn nộ giết cả cha,
Phẫn nộ giết cả mẹ,
Phẫn nộ giết Phạm chí,
Phẫn nộ giết phàm phu.
Chính nhờ mẹ dưỡng dục,
Người thấy được đời này,
Nhưng phàm phu phẫn nộ,
Giết người cho sự sống.
Chúng sanh tự ví dụ,
Thương tự ngã tối thượng,
Phàm phu giết tự ngã,
Điên loạn nhiều hình thức,
Lấy gươm giết tự ngã,
Điên loại uống thuốc độc,
Dây tự trói họ chết,
Trong hang động núi rừng,
Những hành động sát sanh,
Khiến tự ngã phải chết.
Họ làm nhưng không biết,
Kẻ phẫn nộ hại người,
Với hình thức phẫn nộ,
Ma bẫy ẩn trong tâm.
Hãy nhiếp phục cắt đứt,
Với tuệ, tấn, chánh kiến,
Bậc trí tuệ cắt đoạn,
Mỗi mỗi bất thiện pháp
Như vậy học tập pháp,
Không để tâm nản chí,
Ly sân, không áo não,
Ly tham, tật đố không,
Nhiếp phục, đoạn phẫn nộ,
Vô lậu, nhập Niết-bàn.
VII. ĐẠI PHẨM
(I) (61) XẤU HỔ
1. - Khi tàm quý không có, này các Tỷ-kheo,
với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế
ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến
hủy diệt. Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đến
hủy diệt. Khi chánh định không có, với người không có chánh định, tri
kiến như thật đi đến hủy diệt. Khi tri kiến như thật không có, với
người thiếu tri kiến như thật, nhàm chán ly tham đi đến hủy diệt. Khi
nhàm chán ly tham không có, với người thiếu nhàm chán ly tham, giải thoát
tri kiến đi đến hủy diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây không có
cành và lá, các mầm non của cây cấy không đi đến thành mãn; vỏ trong,
giác cây, lõi cây không đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi
tàm quý không có, với người không có tàm quý, chế ngự các căn đi đến
hủy diệt... giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.
2. Khi tàm quý không có, này các Tỷ-kheo,
với người đầy đủ tàm quý, chế ngự các căn đi đến đầy đủ. Khi
chế ngự các căn có mặt, với người đầy đủ chế ngự các căn, giới
đi đến đầy đủ. Khi giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh
định đi đến đầy đủ. Khi chánh định có mặt, với người đầy đủ
chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Khi tri kiến như thật
có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, nhàm chán ly tham đi đến
đầy đủ. Khi nhàm chán ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán
ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ. Ví như, này các Tỷ-kheo,
một cây không có cành và lá, các mầm non của cây cấy không đi đến thành
mãn; vỏ trong, giác cây, lõi cây không đi đến thành mãn. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, khi tàm quý có mặt, với người đầy đủ tàm quý ... giải
thoát tri kiến đi đến đầy đủ.
(II) (62) MẶT TRỜI
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Vesàlì, tại
rừng Ambapàli. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo".
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế
Tôn nói như sau:
2. - Này các Tỷ-kheo, các hành là
vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỷ-kheo,
các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ
để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối
với tất cả hành. Núi chúa Sineru, này các Tỷ-kheo, dài 84 ngàn do tuần, rộng
84 ngàn do tuần, chìm xuống biển lớn 84 ngàn do tuần, nổi lên trên biển
lớn 84 ngàn do tuần. Này các Tỷ-kheo, rồi có thời, nhiều năm, nhiều
trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, trời không mưa. Khi không
có mưa, các loài chủng tử, các loài thực vật, các rừng rậm dược thảo
đều khô héo cằn cỗi không có tồn tại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các
hành là vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này
các Tỷ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo,
là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải
thoát đối với tất cả các cành. Này các Tỷ-kheo, rồi có thời, sau một
thời gian rất dài, mặt trời thứ hai hiện ra.
3. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời
thứ hai có mặt, thời tất cả sông nhỏ, ao nhỏ khô cạn, khô kiệt,
không có tồn tại, như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường... là
vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi
có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ ba hiện ra.
4. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời
thứ ba có mặt, thời các sông lớn như sông Hằng, sống Yamunà, Aciravatì,
Sarabhù, Mahì, các con sông ấy bị khô cạn, bị khô kiệt, không có tồn tại.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường... là vừa đủ để giải
thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời,
sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ tư hiện ra.
5. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời
thứ tư hiện ra, thời các biển hồ lớn, từ đấy các sông lớn chảy
ra, ví như Anotattà, Sìhapapàtà, Rathakàrà, Kannamunda, Kunàlà, Chaddantà,
Mandàkinì, các biển hồ ấy bị khô cạn, bị khô kiệt, không có tồn tại.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường... là vừa đủ để giải
thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời,
sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ năm hiện ra.
6. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời
thứ năm có mặt, thời nước các biển lớn rút lui một trăm do tuần, nước
các biển lớn rút lui hai trăm do tuần, các nước biển lớn rút lui ba trăm
do tuần... Nước các biển lớn rút lui bảy trăm do tuần; nước các biển
lớn dừng lại sâu đến bảy cây sàla, sáu cây sàla, năm cây sàla, bốn
cây sàla, ba cây sàla, hai cây sàla, chỉ một cây sàla. Nước biển lớn dừng
lại, sâu đến bảy đầu người, sâu đến sáu đầu người, năm đầu
người, bốn đầu người, ba đầu người, hai đầu người, một đầu
người, nửa đầu người. Nước các biển lớn dừng lại, sâu chỉ đến
eo lưng của người, chỉ đến đầu gối của người, chỉ đến mắt cá
của người. Ví như này các Tỷ-kheo, vào mùa thu khi trời mưa hạt lớn,
chỗ này chỗ khác, trong các dấu chân của các con bò cái, có những vũng
nước nhỏ đọng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, chỉ còn những vũng
nước nhỏ trong dấu chân các con bò cái là nước của biển lớn còn lại,
chỗ này chỗ kia. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ năm hiện ra, nước
biển lớn chỉ bằng độ ngón tay. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là
vô thường... là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành.
Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời
thứ sáu hiện ra.
7. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời
thứ sáu hiện ra, thời đất lớn này và núi chứa Sineru, sanh khói lên, thổi
khói lên, phun khói lên. Ví như, này các Tỷ-kheo, các lò của người thợ
gốm mới đốt lửa lên, sanh khói lên, phun khói lên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
khi mặt trời thứ sáu hiện ra, thời đất lớn này và núi chứa Sineru
sanh khói lên, thổi khói lên, phun khói lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các
hành là vô thường... là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các
hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt
trời thứ bảy hiện ra.
8. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời
thứ bảy hiện ra, trái đất lớn này và núi chứa Sineru bốc cháy, rực
cháy, trở thành một màn lửa. Và khi quả đất lớn này và núi chứa
Sineru cháy đỏ lên, cháy rực lên ngọn lửa do gió thổi bốc cao đến Phạm
thiên giới. Các chóp ngọn của núi Sineru, cao đến một, hai, ba, bốn, năm
trăm do tuần, khi bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, bị cả khối lửa to lớn
phá hoại và chinh phục, liền sụp đổ xuống. Sau khi quả đất lớn và
núi Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen.
Ví như, này các Tỷ-kheo, khi bơ và dầu được cháy đỏ, được cháy rực
lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi quả đất
lớn này và núi chứa Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy
tro và lọ đen. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường. Này
các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỷ-kheo, các hành là
không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm
chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất
cả hành. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ai là người có thể nghĩ rằng, ai là
người có thể tin rằng: "Quả đất này và núi chứa Sineru sẽ bị đốt
cháy, sẽ bị hủy hoại, sẽ không còn tồn tại nữa", trừ những người
đã được chứng kiến.
9. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có
Đạo Sư Sunetta thuộc ngoại đạo, được ly tham trong các dục. Này các Tỷ-kheo,
Đạo Sư Sunetta có hàng trăm người đệ tử. Đao Sư Sunetta thuyết pháp
cho các đệ tử về cọng trú với chư Thiên ở Phạm thiên giới. Và tất
cả những ai nắm hiểu một cách hoàn toàn trọn vẹn lời thuyết dạy của
Sunetta, về cọng trú với chư Thiên ở Phạm thiên giới, khi thân hoại mạng
chung, họ được sanh lên thiện thú Phạm thiên giới. Những ai không nắm
hiểu một cách hoàn toàn trọn vẹn lời dạy của Sunetta, sau khi thân hoại
mạng chung ở Tha hóa Tự tại, một số được sanh cọng trú với chư Thiên
ở Hóa Lạc thiên, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Đâu-suất
thiên, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Dạ-ma thiên, một số
được sanh cọng trú với chư Thiên ở Thiên giới Ba mươi ba, một số
được sanh cọng trú với chư Thiên ở Bốn Thiên vương, một số được
sanh cọng trú với các đại gia đình Sát-đế-ly, một số được sanh cọng
trú với các đại gia đình Bà-la-môn, một số được sanh cọng trú với
các đại gia đình gia chủ.
10. Rồi này các Tỷ-kheo, Đạo Sư
Sunetta suy nghĩ như sau: "Thật không xứng đáng cho ta trong đời sau lại
có một sanh thú giống như sanh thú của các đệ tử. Vậy ta hãy tu tập tối
thượng từ bi". Rồi này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư Sunetta trong bảy
năm tu tập từ tâm. Sau khi tu tập từ tâm bảy năm, trong bảy năm thành kiếp
hoại kiếp, vị ấy không trở lui lại thế giới này. Trong kiếp thành của
thế giới, này các Tỷ-kheo, vị ấy đi đến thế giới của Àbhassara
(Quang Âm thiên). Trong kiếp hoại của thế giới, vị ấy được sanh trong
Phạm cung trống không. Tại đấy này các Tỷ-kheo, vị ấy là Phạm thiên,
Đại Phạm thiên, bậc chiến thắng, bậc vô năng, bấc biến tri, bậc tự
tại. Ba mươi sáu lần, này các Tỷ-kheo, vị ấy là Thiên chủ Sakka. Nhiều
lần bảy lần, vị ấy là vị Chuyển luân Thánh vương theo Chánh pháp, là
vị pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình
cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Vị ấy có hơn một ngàn người
con trai, là những bậc anh hùng, đúng mãnh, đánh tan địch quân. Và vị
ấy chiến thắng quả đất này xa cho đến hải biên, trị vì quả đất này
không dùng trượng, không dùng dao, đúng với Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo,
Đạo sư Sunetta ấy, dầu cho thọ mạng lâu dài như vậy, sống lâu dài như
vậy, nhưng không được thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu não.
Ta nói rằng vị ấy chưa giải thoát khỏi khổ. Vì cớ sao? Vì rằng vị
ấy chưa giác ngộ, chưa thể nhập bốn pháp. Thế nào là bốn?
11. Này các Tỷ-kheo, vì không giác
ngộ, không thể nhập Thánh giới; vì không có giác ngộ, không thể nhập
Thánh định; vì không giác ngộ, không thể chấp Thánh trí tuệ, vì không
giác ngộ, không thể nhập Thánh giải thoát. Này các Tỷ-kheo, sự kiện
là như sau: Khi Thánh giới được giác ngộ, được thể nhập; khi Thánh
trí tuệ được giác ngộ, được thể nhập; khi Thánh giải thoát được
giác ngộ, được thể nhập, cắt đứt là hữu ái; sợi dây đưa đến
sanh hữu được đoạn tận, nay không có tái sanh.
Thế Tôn nói như vậy. Bậc Thiện
Thệ nói xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm:
Vô thượng giới và định,
Trí tuệ và giải thoát,
Gotama danh tiếng,
Giác ngộ những pháp này.
Đức Phật với thắng trí,
Thuyết pháp cho Tỷ-kheo,
Bậc Đạo sư đoạn khổ,
Bậc Pháp nhãn tịch tịnh.
(III) (63) THÀNH TRÌ
1. - Này các Tỷ-kheo, khi nào một
thành trì biên địa của vua được khéo trang bị với bảy trang bị của
một thành trì, và bốn loại đồ ăn có được không khó khăn, có được
không mệt nhọc; có được không phí sức, thời này các Tỷ-kheo, thành
trì biên địa ấy được gọi là không bị chinh phục bởi quân địch ở
bên ngoài và kẻ đồng minh phản nghịch ở bên trong. Thế nào là được
khéo trang bị với bảy trang bị của một thành trì?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có một cột trụ đâm sâu vào đất, khéo đào
sâu, không bị dao động, không bị lay chuyển. Với trang bị thành trì thứ
nhất này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo
vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên
ngoài.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có một đường thông hào sâu và rộng. Với
trang bị thành trì thứ hai này là thành trì biên địa của vua được khéo
trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những
người bên ngoài.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có một đường chạy vòng xung quanh vừa cao
và vừa rộng. Với trang bị thành trì thứ ba này của một thành trì, là
thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những
người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều vũ khí được cất chứa như Salàkam
(cung tên) và Jevanìyam (cây lao) với trang bị thành trì thứ tư này là
thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những
người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều quân đội đồn trú, như những người
cưỡi voi, những người cưỡi ngựa, những người cưỡi xe, những người
cầm cung, những người cầm cờ, các quan lo chỗ ở, các lính lo vấn đề
lương thực, những người con vua dõng mãnh, những bộ đội xung kích, đội
voi lớn, các dũng sĩ, các binh sĩ mặc áo giáp, những người con của các
nô tỳ. Với trang bị thành trì thứ năm này là thành trì biên địa của
vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để
chống cự những người bên ngoài.
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua, có người giữ cửa thành là người hiền trí,
thông minh, có trí, ngăn chặn những người lạ mặt, cho vào những người
quen biết. Với sự trang bị thành trì thứ sáu này là thành trì biên địa
của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành
và để chống cự những người bên ngoài.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có bức thành vừa cao vừa rộng, ngoài mặt
có trét vôi hồ. Với sự trang bị thành trì thứ bảy này là thành trì
biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở
trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
Với bảy loại trang bị thành trì
này, thành trì được xem là được khéo trang bị. Thế nào là bốn loại
đồ ăn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được
không phí sức?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều cỏ, củi, nước được tích trữ
để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc
trú và để chống cự những người bên ngoài.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều lúa và lùa mì để
những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc
trú và để chống cự những người bên ngoài.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều mè, đậu, các loại
giả đậu và ngũ cốc để những người ở trong thành... để chống cự
những người bên ngoài.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều dược phẩm, như thục
tô, sanh tô, dầu, mật, đường bánh, muối để những người ở trong thành...
để chống cự những người bên ngoài.
Bốn loại đồ ăn này, có được
không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.
Khi nào, này các Tỷ-kheo, một
thành trì biên địa của vua, được khéo trang bị với bảy món trang bị
này của một thành trì và bốn loại đồ ăn có được không khó khăn, có
được không mệt nhọc, có được không phí sức, thời này các Tỷ-kheo,
thành trì biên địa ấy được gọi là không bị chinh phục với quân địch
ở bên ngoài và kẻ đồng minh phản nghịch ở bên trong. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, khi nào Thánh đệ tử thành tựu với bảy diệu pháp và bốn
Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn,
có được không mệt nhọc, có được không phí sức, thời này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử này được gọi là không bị Ma chinh phục, không bị ác
chinh phục. Vị ấy thành tựu bảy pháp gì?
13. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có một cột trụ đâm sâu vào đất, khéo đóng,
không bị dao động, không bị lay chuyển để bảo vệ những người ở
trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai:
"Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn
Sư, Phật, Thế Tôn". Với lòng tin làm cột trụ, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập
không có tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ nhất
này, vị ấy được thành tựu.
14. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có một con đường thông hào, vừa sâu và rộng
để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người
bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng xấu hổ. Vị
ấy xấu hổ vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy xấu
hổ vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy xấu hổ vì
bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy xấu hổ làm con đường thông
hào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ
bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu
pháp thứ hai này, vị ấy được thành tựu.
15. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có một con đường vòng chung quanh, vừa cao vừa
rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những
người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ
hãi, sợ hãi vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy sợ
hãi vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy sợ hãi làm con đường
đi vòng xung quanh, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập
thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với
diệu pháp thứ ba này, vị ấy được thành tựu.
16. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều vũ khí được cất chứa, như cung tên
và cây lao để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những
người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử là người
nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, cất chứa điều đã được
nghe. Những pháp nào, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn,
nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Các pháp như vậy được
nghe nhiều, được thọ trì, được đọc cho thành thục, được ý khéo
tùy quán, được khéo thể nhập với tri kiến. Lấy nghe nhiều làm vũ khí,
này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ
có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp
thứ tư này, vị ấy được thành tựu.
17. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều quân đội đồn trú, như những người
cưỡi voi, những người cưỡi ngựa, những người cưỡi xe, những người
cầm cung, những người cầm cờ, những quan lo chỗ ở, các lính lo vấn đề
lương thực, những người con vua dõng mãnh, những bộ đội xung kích, đội
voi lớn, các dũng sĩ, các binh sĩ mặc áo giáp, những con của nô tỳ, để
bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên
ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn
để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, nỗ
lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp. Lấy tinh tấn
làm quân đội, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử sống có chánh niệm thành
tựu tối thắng niệm tuệ, nhớ đến và tùy niệm việc làm đã lâu
ngày. Với niệm niệm làm người giữa cửa thành, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện pháp, từ bỏ có tội, tu tập
không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ sáu này, vị
ấy được thành tựu.
19. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có bức thành vừa cao vừa rộng, ngoài mặt
trét vôi hồ để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự
những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có trí
tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự Thánh thể nhập vào con
đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Với trí tuệ làm lớp vôi hồ
trét bên ngoài, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập
thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với
diệu pháp thứ bảy này, vị ấy được thành tựu.
Với bảy diệu pháp này, vị ấy
thành tựu. Thế nào là bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc
trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không
phí sức?
20. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều cỏ, củi, nước được tích trữ
để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc
trú và để chống những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền,
một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ để tự mình được
an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để bước vào Niết-bàn.
21. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều lúa và lúa mì để những
người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú để
chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ
tử, do tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một
trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất
tâm để tự mình được an vui, không phải lo ngại, được lạc trú và để
bước vào Niết-bàn.
22. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều mè, đậu, các loại giả
đậu và ngũ cốc để những người trong thành được an vui, khỏi sự lo
ngại, được lạc trú và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy,
này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử, do ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác,
thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng
đạt và an trú Thiền thứ ba để tự mình được an vui, khỏi phải lo ngại,
được lạc trú và để bước vào Niết-bàn.
23. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
thành trì biên địa của vua có nhiều dược phẩm được cất chứa ví như
thục tô, dầu, mật, đường bánh, muối để những người trong thành được
an vui, người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử, do đoạn
lạc, do đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt
và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, để
tự mình được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để bước vào
Niết-bàn.
Bốn Thiền này thuộc tăng thượng
tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt
nhọc, có được không phí sức.
Này các Tỷ-kheo, khi nào Thánh đệ
tử thành tựu bảy diệu pháp này và bốn Thiền này, thuộc tăng thương tâm,
hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc,
có được không phí sức, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đệ tử không
bị ma chinh phục, không bị ác chinh phục.
(IV) (64) PHÁP TRÍ
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng... là phước điền
vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
là vị biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng, biết thời,
biết hội chứng, biết người thắng kẻ liệt. Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là Tỷ-kheo biết pháp?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
biết pháp: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự
thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng. Này
các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng... Phương
quảng, vị ấy ở đây không được gọi là vị biết pháp. Và này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng... Pháp chưa từng có, Phương
quảng; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết pháp. Như vậy là biết
pháp. Thế nào là biết nghĩa?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Đây là ý
nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này". Này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo không biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết
kia: "Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói
này", thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết nghĩa. Và
này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời
thuyết kia: "Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời
nói này".; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết nghĩa. Đây là biết
pháp, biết nghĩa. Thế nào là tự biết?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
tự biết; "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều,
bố thí, trí tuệ, biện tài". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết
tự ngã như vầy: "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe
nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài", ở thời đây, vị ấy không được
gọi là vị biết tự ngã. Nếu Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, biết tự ngã:
"Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí,
trí tuệ, biện tài"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết tự
ngã. Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết. Và thế nào là biết ước
lượng?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
biết ước lượng (vừa đủ) trong khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn
khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo
không biết ước lượng vừa đủ khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn
khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, thời vị ấy ở đây không
được gọi là vị biết ước lượng vừa đủ. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo
biết ước lưỡng vừa đủ khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất
thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; do vậy vị ấy được gọi là vị
biết ước lượng vừa đủ. Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết
ước lượng. Và thế nào là biết thời?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
biết thời: "Đây là thời để tuyên thuyết, đây là thời chất vấn,
đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh". Này các Tỷ-kheo, nếu
Tỷ-kheo không biết thời: "Đây là thời tuyên thuyết, đây là thời
chất vấn, đây là hời tu tập, đây là thời Thiền tịnh", thời ở
đây, vị ấy được gọi là không biết thời. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo
biết thời: Đây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là
hời tu tập, đây là thời Thiền tịnh"; do vậy, vị ấy được gọi
là vị biết thời, biết vừa đủ, biết thời. Và thế nào là biết hội
chứng?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
biết hội chúng: "Đây là hội chúng Sát-đế-ly, đây là hội chúng
Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây,
nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như
vậy, nên im lặng như vậy". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết
hội chúng: "Đây là hội chúng Sát-đế-ly, đây là hội chúng
Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây,
nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như
vậy, nên im lặng như vậy", thời ở đây, vị ấy không được gọi
là "Vị biết hội chúng". Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết
hội chúng: "Đây là hội chúng Sát-đế-ly, đây là hội chúng
Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây,
nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như
vậy, nên im lặng như vậy"; do vậy, được gọi là "Vị biết hội
chúng". Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết vừa đủ, biết
thời, biết hội chúng. Và thế nào là biết người thắng liệt?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị
Tỷ-kheo, loài Người được biết theo hai hạng: một hạng ưa thấy các bậc
Thánh, một hạng không ưa thấy các bậc Thánh. Người này không ưa thấy
các bậc Thánh, do có việc ấy, đáng bị quở trách. Còn người này ưa thấy
các bậc Thánh, do việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người
nghe diệu pháp: một hạng người ưa nghe diệu pháp, một hạng người không
ưa nghe diệu pháp. Hạng người này không ưa nghe diệu pháp, do sự việc
ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này ưa nghe diệu pháp, do sự việc
ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe diệu pháp: một hạng
người lắng tai nghe diệu pháp, một hạng người không lắng tai nghe diệu
pháp. Hạng người này không lắng tai nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng
bị quở trách. Hạng người này lắng tai nghe diệu pháp, do sự việc ấy,
đáng được tán thán. Có hai hạng người lắng tai nghe pháp: một hạng người
nghe xong, thọ trì pháp; một hạng người nghe xong, không thọ trì pháp. Người
này nghe xong không thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Người
này nghe xong thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai
hạng người nghe xong thọ trì pháp: một hạng người quán sát ý nghĩa các
pháp được thọ trì, một hạng người không quán sát ý nghĩa các pháp
được thọ trì. Hạng người này không quán sát ý nghĩa các pháp được
thọ trì, do sự việc ấy, đáng được quở trách. Hạng người này quán
sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng được tán
thán. Có hai hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì: một
hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, đã thực hành pháp; tùy
pháp; một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực
hành pháp, tùy pháp. Hạng người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp,
không thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng
người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp,
do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người sau khi hiểu
nghĩa, sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp; tùy pháp: một hạng người thực
hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha; một hạng người thực hành
với mục đích tự lợi và lợi tha. Hai hạng người này thực hành với mục
đích tự lợi, không có lợi tha, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng
người này thực hành với mục đích tư lợi và lợi tha, do sự việc ấy,
đáng được tán thán. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo, loài
Người được biết theo hai dạng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
biết hạng người thắng liệt.
Do thành tựu bảy pháp này, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là phước điền vô thượng
ở đời.
(V) (65) CÂY KOVILÀRA PÀRICCHATTAKA
1. - Này các Tỷ-kheo, khi nào cây
Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa bắt đầu khô héo lá, thời
khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi Tàvatimsa hoan hỷ nghĩ rằng:
"Nay lá của cây Kovilàra Pàricchattaka đã khô héo, không bao lâu lá sẽ
rụng". Này các Tỷ-kheo, trong khi Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiên
Tàvatimsa rụng lá, thời khuấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi
Tàvatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: "Nay cây Kovilàra Pàricchattaka đã rụng
lá, không bao lâu, mầm non cánh hoa sẽ mọc ra". Này các Tỷ-kheo, trong
khi cây Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa mọc ra mầm non cánh
hoa, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên Tàvatimsa hoan hỷ nghĩ rằng:
"Nay cây Kovilàra Pàricchattaka mọc ra mầm non cánh hoa, không bao lâu, đọt
non cánh hoa sẽ mọc ra". Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilàra
Pàricchattaka mọc ra đọt non cánh hoa, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong
khi ấy, chư Thiên Tàvatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: "Nay cây Kovilàra
Pàricchattaka mọc ra đọt non cánh hoa, không bao lâu các nụ hoa... sẽ được
sanh ra". Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiên
Tàvatimsa sanh ra nụ hoa, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, chư Thiên Tàvatimsa
hoan hỷ nghĩ rằng: "Nay cây Kovilàra Pàricchattaka sanh ra nụ hoa, không
bao lâu, các bông hoa sẽ được sanh ra". Này các Tỷ-kheo, trong khi cây
Kovilàra sanh ra các bông hoa, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, chư Thiên
Tàvatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: "Nay cây Kovilàra Pàricchattaka sanh ra các
bông hoa, không bao lâu, các bông hoa sẽ được nở toàn diện". Này
các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilàra có bông hoa được nở toàn diện, này
các Tỷ-kheo, chư Thiên Tàvatimsa hoan hỷ, chơi đùa trong bốn tháng chư Thiên,
dưới gốc cây Kovilàra Pàricchattaka, vui chơi thọ hưởng, tận hưởng năm
dục công đức. Này các Tỷ-kheo, khi cây Kovilàra Pàricchattaka nở toàn diện
các bông hoa, mùi hương bay tràn xung quanh đến năm mươi do tuần; thuận gió,
mùi hương bay đến một trăm do tuần. Đây là uy lực của cây Kovilàra
Pàricchattaka.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi
Thánh đệ tử nghĩ đến xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,
trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử như lá héo cây Kovilàra
Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa. Này các Tỷ-kheo, trong khi ấy Thánh đệ
tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, Thánh đệ tử như cây
Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa bị lá rụng. Này các Tỷ-kheo,
trong khi vị Thánh đệ tử ly dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này các Tỷ-kheo, trong
khi ấy, Thánh đệ tử như mầm non cánh hoa được sanh của cây Kovilàra
Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa. Này các Tỷ-kheo, trong khi Thánh đệ tử
làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai,
trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử như đọt non cánh hoa được
sanh của cây Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiền Tàvatimsa. Này các Tỷ-kheo,
trong khi Thánh đệ tử như đọt non cánh hoa được sanh của cây Kovilàra
Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa. Này các Tỷ-kheo,, trong khi Thánh đệ
tử ly hỷ, trú xả... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, này các Tỷ-kheo,
trong khi ấy, Thánh đệ tử như nụ hoa được sanh của cây Kovilàra
Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Thánh đệ
tử đoạn lạc... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, này các Tỷ-kheo,
trong khi ấy, Thánh đệ tử như các bông hoa được sanh của cây Kovilàra
Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa. Này các Tỷ-kheo,, trong khi vị Thánh
đệ tử do đoạn diệt các lậu hoặc... chứng ngộ, chứng đạt và an
trú, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, Thánh đệ tử như các bông hoa được
nở toàn diện của cây Kovilàra Pàricchattaka của chư Thiên Tàvatimsa. Này
các Tỷ-kheo, trong khi ấy, chư Địa thần tuyên bố lớn tiếng: "Vị
Tôn giả với tên họ thế này, đồng trú cùng một lòng tin với Tôn giả
với họ tên thế này đã xuất gia từ làng như vậy, từ thị trấn như vậy,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc...
chứng ngộ, chứng đạt và an trú...". Sau khi nghe tiếng của chưa Địa
thần, chư Thiên Bốn Thiên vương thiên... chư Thiên Tàvatimsa... chư Thiên
Yàma... chư Thiên Tusità... chư Thiên Hóa lạc thiên... chư Thiên Tha hóa Tự
tại... chư Thiên Phạm chúng tuyên bố lớn tiếng: "Vị Tôn giả với
tên họ thế này, đồng trú cùng một lòng tin với Tôn giả với họ tên
như thế này đã xuất gia từ làng như vậy, từ thị trấn như vậy, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc ngay
trong hiện tại, tự mình thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô
lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát".
Như vậy trong sát-ma ấy, trong giây
phút ấy, tiếng ấy truyền đến Phạm thiên giới. Đây là uy lực của Tỷ-kheo
đã đoạn tận các lậu hoặc.
(VI) (66) VỊ TỶ-KHEO PHẢI KÍNH TRỌNG
AI
1. Rồi Tôn giả Sàriputta, trong khi
sống một mình, Thiền tịnh, tâm tư suy nghĩ như sau khởi lên: "Vị Tỷ-kheo
cung kính tôn trọng, sống nương tựa ai để có thể từ bỏ bất thiện,
tu tập thiện?" Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo
cung kính tôn trọng, sống nương tựa Đạo Sư để có thể từ bỏ bất
thiện, tu tập thiện. Tỷ-kheo cung kính tôn trọng, sống nương tựa Pháp...
chúng Tăng... Học pháp... Định... không phóng dật... Tỷ-kheo cung kính,
tôn trọng, sống nương tựa tiếp đón thân tình để có thể từ bỏ bất
thiện, tu tập thiện". Rồi Tôn giả Sàriputta lại suy nghĩ như sau:
"Những pháp này trong ta đã được thanh tịnh trong sáng. Vậy ta hãy
đi đến Thế Tôn và báo cho Thế Tôn rõ những pháp này, như vậy các
pháp này sẽ được thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa.
Ví như một người tìm được một đồng tiền vàng lớn, thanh tịnh trong
sáng. Người ấy suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến người thợ vàng và
đưa xem đồng tiền vàng này. Đồng tiền vàng này được ta đưa cho người
thợ vàng như vậy sẽ được thanh tịnh và trong sáng hơn nữa". Cũng
vậy, các pháp này ở nơi ta được thanh tịnh, trong sáng. Ta hãy đi đến
Thế Tôn và báo cho Thế Tôn rõ những pháp này. Như vậy các pháp này sẽ
được thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa". Rồi Tôn
giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy đến Thế Tôn;
sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một
bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
2. - Ở đây, bạch Thế Tôn, trong
khi con sống một mình Thiền tịnh, tâm tư suy nghĩ như sau khởi lên nơi
con: "Tỷ-kheo cung kính tôn trọng, sống nương tựa ai để có thể từ
bỏ bất thiện, tu tập thiện?" Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như
sau: "Tỷ-kheo cung kính tôn trọng, sống nương tựa Pháp... chúng Tăng...
Học pháp... Định... không phóng dật... Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống
nương tựa tiếp đón thân tình để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập
thiện". Rồi bạch Thế Tôn, con lại suy nghĩ như sau: "Những pháp
này trong ta đã được thanh tịnh trong sáng. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn
và báo cho Thế Tôn rõ những pháp này, như vậy các pháp này sẽ được
thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa. Ví như một người
tìm được một đồng tiền vàng lớn, thanh tịnh trong sáng. Người ấy
suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến người thợ vàng và đưa xem đồng tiền
vàng này. Đồng tiền vàng này được ta đưa cho người thợ vàng như vậy
sẽ được thanh tịnh và trong sáng hơn nữa". Cũng vậy, các pháp này
ở nơi ta được thanh tịnh, trong sáng. Ta hãy đi đến Thế Tôn và báo cho
Thế Tôn rõ những pháp này. Như vậy các pháp này sẽ được thanh tịnh
trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa".
- Lành thay, lành thay, này Sàriputta!
Này Sàriputta, Tỷ-kheo cung kính tôn trọng, sống nương tựa Đạo Sư, có
thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện. Này Sàriputta, Tỷ-kheo cung kính,
tôn trọng, sống nương tựa Pháp... chúng Tăng... Học pháp... Định... không
phóng dật... Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa tiếp đón
thân tình để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Khi được nói vậy, Tôn giả
Sàriputta bạch Thế Tôn:
3. - Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt
này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Bạch Thế
Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, sẽ cung kính Pháp sự
kiện này không xảy ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, vị
ấy cũng không cung kính Pháp. Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không
cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp sẽ cung kính chúng Tăng, sự kiện này
không xảy ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không
cung kính Pháp, vị ấy cũng không cung kính chúng Tăng. Bạch Thế Tôn, chắc
chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không cung
kính chúng Tăng, sẽ cung kính Học pháp, sự kiện này không xảy ra. Bạch
Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không
cung kính chúng Tăng, vị ấy cũng không cung kính học pháp. Bạch Thế Tôn,
chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không
cung kính chúng Tăng, không cung kính Học pháp, sẽ cung kính Thiền định. Sự
kiện này không xảy ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo
Sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính Học
pháp, vị ấy cũng không cung kính Thiền định. Bạch Thế Tôn, chắc chắn
Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không cung kính
chúng Tăng, không cung kính Học pháp, không cung kính Thiền định, sẽ cung
kính không phóng dật, sự kiện này không xảy ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo
nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng,
không cung kính Học pháp, không cung kính Thiền định, vị ấy cũng không
cung kính không phóng dật. Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không
cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không
cung kính Học pháp, không cung kính Thiền định, không cung kính không phóng
dật, sẽ cung kính tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy ra. Bạch
Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp, không
cung kính chúng Tăng, không cung kính Học pháp, không cung kính Thiền định,
không cung kính không phóng dật, vị ấy cũng không cung kính tiếp đón
thân tình.
Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung
kính Đạo Sư, sẽ không cung kính Pháp, sự kiện này không xảy ra. Bạch
Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, vị ấy cũng cung kính Pháp. Bạch
Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp sẽ không cung kính
chúng Tăng, sự kiện này không xảy ra. Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo nào
cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, vị ấy cũng cung kính chúng Tăng. Bạch
Thế Tôn, chắc chắn vị Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp,
cung kính chúng Tăng, sẽ không cung kính Học pháp, sự kiện này không xảy
ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, cung kính
chúng Tăng, vị ấy cũng cung kính học pháp. Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo
nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính Học
pháp, sẽ không cung kính Thiền định, sự kiện này không xảy ra. Bạch Thế
Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng,
cung kính Học pháp, vị ấy cũng cung kính Thiền định. Bạch Thế Tôn, chắc
chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng,
cung kính Học pháp, cung kính Thiền định, sẽ không cung kính không phóng dật,
sự kiện này không xảy ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư,
cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính Học pháp, cung kính Thiền định,
vị ấy cũng cung kính không phóng dật. Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo
nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính Học
pháp, cung kính Thiền định, cung kính không phóng dật, sẽ không cung kính
tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy ra. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo
nào cung kính Đạo Sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính Học
pháp, cung kính Thiền định, cung kính không phóng dật, vị ấy cũng cung kính
tiếp đón thân tình. Bạch Thế Tôn, với lời vắn tắt này của Thế
Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
4. - Lành thay, lành thay, này
Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta, với lời nói vắn tắt này của Ta, Thầy
đã hiểu một cách rộng rãi như vậy. Này Sàriputta, thật vậy, Tỷ-kheo
nào không cung kính Đạo Sư, sẽ cung kính Pháp, sự kiện này không xảy
ra. Này Sàriputta, Tỷ-kheo nào không cung kính bậc Đạo Sư, vị ấy cũng không
cung kính Pháp... Này Sàriputta, vị Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư...
không cung kính Pháp... không cung kính chúng Tăng... không cung kính Học
pháp... không cung kính Thiền định... không cung kính... không cung kính
không phóng dật, sẽ cung kính tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy
ra. Này Sàriputta, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo Sư, không cung kính Pháp,
không cung kính chúng Tăng, không cung kính Học pháp, không cung kính Thiền
định, không cung kính, không cung kính không phóng dật, vị ấy cũng không
cung kính tiếp đón thân tình.
Này Sàriputta, chắc chắn Tỷ-kheo
nào cung kính Đạo sư, sẽ không cung kính Pháp, sự kiện này không xảy
ra. Này Sàriputta, Tỷ-kheo nào không cung kính bậc Đạo Sư, vị ấy cũng
cung kính Pháp... Này Sàriputta, vị Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư... cung kính
Pháp... cung kính chúng Tăng... cung kính Học pháp... cung kính Thiền định...
cung kính không phóng dật, sẽ không cung kính tiếp đón thân tình, sự kiện
này không xảy ra. Này Sàriputta, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo Sư, cung kính
Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính Học pháp, cung kính Thiền định, không
cung kính, cung kính không phóng dật, vị ấy cũng cung kính tiếp đón thân
tình. Này Sàriputta, lời nói vắn tắt này của Ta, ý nghĩa cần phải được
thấy một cách rộng rãi như vậy.
(VII) (67) SỰ TU TẬP
1. - Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không
chí tâm trong sự tu tập khởi lên ước muốn như sau: "Mong rằng tâm
ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!" Tuy vậy,
tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị
ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ,
không có tu tập Bốn chánh cần, không có tu tập Bốn như ý túc, không có
tu tập Năm căn, không có tu tập Năm lực, không có tu tập Bảy Bồ-đề
phần, không có tu tập Thánh đạo tám ngành.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười
hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không
được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách.
Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý
muốn: "Mong rằng những con gà con của ta, với chân móng và đỉnh đầu,
hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách
an toàn, tuy vậy, các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh
đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một
cách an toàn!
Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, tám, mười
hay mười hai trứng gà mái ấy không được con gà mái nằm ấp một cách
đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không chú tâm trong sự tu tập, dầu cho có khởi lên ý muốn: "Mong rằng
tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ"; tuy
vậy, tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp
thủ.
Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị
ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ...
không có tu tập Thánh đạo tám ngành.
2. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống
chú tâm trong sự tu tập, dầu cho không khởi lên ước muốn: "Mong rằng
tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ";
tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp
thủ.
Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị
ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ, có tu tập Bốn
chánh cần, có tu tập Bốn như ý túc, có tu tập Năm căn, có tu tập Năm lực,
có tu tập Bảy Bồ-đề phần, có tu tập Thánh đạo tám ngành.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười
hay mười hai trứng gà. Các trứng ấy được con gà mái ấp nằm đúng
cách, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn. Dầu
cho con gà mái ấy không khởi lên ý muốn: "Mong rằng những con gà con
của ta, với chân móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể
vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn!", tuy vậy, các con gà con
ấy có thể với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm
bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn.
Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, tám, mười
hay mười hai trứng gà được con gà mái ấy ấp nằm một cách đúng đắn,
ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
sống chú tâm tu tập, dầu cho vị ấy không khởi lên ý muốn: "Mong rằng
tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ"; tuy
vậy, tâm vị ấy cũng được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp
thủ.
Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị
ấy có tu tập. Tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ... có tu tập
Thánh đạo tám ngành.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người
thợ nề hay đệ tử người thợ nề, khi nhìn vào cán búa, thấy dấu các
ngón tay và dấu ngón tay cái. Người ấy không có thể biết được như
sau: "Hôm nay từng ấy cán búa của ta bị hao mòn, hôm qua từng ấy,
các ngày khác từng ấy". Nhưng người ấy biết được cán búa bị
hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
chú tâm trong sự tu tập không có biết như sau: "Hôm nay từng ấy lậu
hoặc của ta được đoạn tận, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy".
Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được đoạn tận trên sự đoạn
tận các lậu hoặc.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc
thuyền đi biển, có đầy đủ cột buồm và dây buồm bị mắc cạn sáu
tháng do thiếu nước trong mùa đông, các cột buồm và dây buồm bị gió
và mặt trời làm hư hỏng. Rồi bị nước mưa đổ xuống trong mùa mưa,
chúng bị hư dần và mục nát một cách dễ dàng.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
sống chú tâm trong sự tu tập, các kiết sử rất dễ bị yếu dần và mục
nát.
(VIII) (68) LỬA
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn đang bộ hành
giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đang đi trên
con đường, Thế Tôn thấy tại một địa điểm, một nhóm lửa lớn đang
cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn. Thấy vậy, Ngài bước xuống
đường trên chỗ đã soạn sẵn, dưới một gốc cây. Ngồi xuống, Thế
Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy
nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc nào là tốt hơn: ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa
lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, hay ôm ấp,
ngồi gần đây, nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái
Sát-đế-ly, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái gia chủ?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn: Ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người
con gái Sát-đế-ly, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái chia chủ.
Khổ đau, bạch Thế Tôn, là ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa lớn
ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn!
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy,
không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng
tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình
bất tịnh. Thật là tốt hơn cho người ấy ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần
nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn. Vì
cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể đi đến
chết, hay đi đến khổ gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau
khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa
ngục. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới theo ác pháp... tánh
tình bất tịnh, ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ
của người con gái Sát-đế-ly, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con
gái gia chủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh đau
khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa
xứ, địa ngục.
2. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc gì là tốt hơn: Một người lực sĩ, với sợi dây đuôi ngựa
chắc chắn, cuốn vào hai ống chân rồi siết mạnh, sợi dây ấy cắt đứt
da ngoài, sau khi cắt đứt da ngoài, lại cắt đứt da trong, sau khi cắt đứt
da trong, lại cắt đứt thịt, sau khi cắt đứt thịt, lại cắt đứt dây
gân, sau khi cắt đứt dây gân, lại cắt đứt xương, sau khi cắt đứt
xương và chạm tủy và dừng lại; hay là nhận sự đảnh lễ của các
Sát-đế-ly đại phú hay các Bà-la-môn đại phú, hay các giả chủ đại phú?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn: Nhận sự vái chào của các Sát-đế-ly đại phú, hay các Bà-la-môn đại
phú, hay các gia chủ đại phú. Khổ đau, bạch Thế Tôn, là người lực
sĩ, với sợi dây đuôi ngựa chắc chắn... va chạm tủy và dừng lại.
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp,... ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh, thật là tốt
hơn bị một người lực sĩ, với sợi dây đuôi ngựa chắc chắn... va chạm
tủy và dừng lại. VÌ cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người
ấy đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết, nhưng không vì nhân
duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú,
đọa xứ, địa ngục. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới,
theo ác pháp, tánh tình bất tịnh, nhận sự đảnh lễ của các Sát-đế-ly
đại phú, hay các Bà-la-môn đại phú, hay các đại gia chủ đại phú; như
vậy khiến cho vị ấy bất hạnh đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng
chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
3. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc nào là tốt hơn: Bị một người lực sĩ, với cây kiếm sắc
bén, được dầu rửa sạch, đập vào giữa ngực; hay là thọ nhận chấp
tay vái chào của các Sát-đế-ly đại phú, hay các Bà-la-môn đại phú, hay
gia chủ đại phú?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn, (tức là) thọ nhận chấp tay vái chào của các Sát-đế-ly, đại phú,
hay các Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ đại phú. Khổ đau, bạch Thế
Tôn, là bị người lực sĩ, với cây kiếm sắc bén, được dầu mỡ rửa
sạch, đập vào giữa ngực.
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, thật là tốt hơn bị một người
lực sĩ với cây gươm sắc bén, được dầu rửa sạch, đập vào giữa ngực.
Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy , này các Tỷ-kheo, người ấy đi đến chết
hay đi đến khổ gần như chết. Nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân
hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới, theo ác pháp... tánh tình bất
tịnh, thọ nhận chắp tay vái chào của các Sát-đế-ly đại phú, hay các
Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ đại phú; như vậy khiến cho vị ấy
bất hạnh, đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ,
ác thú, đọa xứ, địa ngục.
4. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc nào là tốt hơn: Bị một người lực sĩ với các tấm sắt
nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn áp cuốn vào
thân; hay là hưởng thọ y áo do các Sát-đế-ly đại phú, hay Bà-la-môn đại
phú, hay các gia chủ đại phú vì lòng tin cúng dường?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn (tức là) hưởng thọ y áo do các Sát-đế-ly đại phú, hay các
Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ đại phú vì lòng tin cùng dường. Khổ
đau, bạch Thế Tôn, là bị người lực sĩ với các tấm sắt nóng đang cháy
đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn áp cuốn vào thân.
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nêu rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp, tánh tình bất tịnh, thật là tốt hơn bị một người
lực sĩ với các tấm sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa
ngọn áp cuốn vào thân. Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo,
người ấy đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết, nhưng không vì
nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác
thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới,
theo ác pháp, sở hành bất tịnh... tánh tình bất tịnh, hưởng thọ các y
áo, do các Sát-đế-ly đại phú, các Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ
đại phú, vì lòng tin cúng dường; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị
ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi
dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
5. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc nào tốt hơn: Bị một người lực sĩ với cái kềm sắt
nóng, cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, mở miệng và nhét miệng
một hòn sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, hòn
sắt ấy đốt cháy môi của người ấy, đốt cháy miệng, đốt cháy lưỡi,
đốt cháy cổ họng, đốt cháy bụng đem theo ruột non, ruột già và thoát
ra ngoài từ phần ở dưới; hay là thọ hưởng đồ ăn khất thực do các
Sát-đế-ly đại phú, các Bà-la-môn đại phú, các gia chủ đại phú, vì
lòng tin cúng dường?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn: Hưởng thọ các đồ ăn khất thực do các Sát-đế-ly đại phú, các
Bà-la-môn đại phú hay các gia chủ đại phú vì lòng tin cúng dường. Khổ
đau, bạch Thế Tôn, là người bị lực sĩ với cái kềm sắt nóng đang cháy
đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, mở miệng và nhét miệng một
hòn sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn. Hòn sắt
ấy đốt cháy môi của người ấy, đốt cháy miệng, đốt cháy lưỡi, đốt
cháy cổ họng, đốt cháy bụng đem theo ruột non, ruột già và thoát ra
ngoài từ phần ở dưới.
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, thật là tốt hơn bị một người
lực sĩ với các kềm sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa
ngọn, mở miệng và nhét miệng một hòn sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ
rực, cháy đỏ lửa ngọn. Hòn sắt ấy đốt cháy môi của người ấy, đốt
cháy miệng, đốt cháy lưỡi, đốt cháy cổ họng, đốt cháy bụng đem
theo ruột non, ruột già và thoát ra ngoài từ phần ở dưới. Vì cớ sao?
Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy đi đến chết hay đi đến
khổ gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng
chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng này
các Tỷ-kheo, khi một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh...
tánh tình bất tịnh, hưởng thọ các đồ ăn khất thực do các Sát-đế-ly
đại phú, các Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ đại phú, vì lòng tin
cúng dường; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh, đau
khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa
xứ, địa ngục.
6. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc nào là tốt hơn: Bị một người lực sĩ nắm lấy đầy
hay nắm lấy vai, ép ngồi hay ép nằm trên một giường sắt hay một ghế
sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn; hay là hưởng
thọ giường ghế do các Sát-đế-ly đại phú, các Bà-la-môn đại phú, hay
các gia chủ đại phú vì lòng tin cúng dường?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn: Hưởng thọ giường và ghế do các nhà Sát-đế-ly đại phú... do các
gia chủ đại phú vì lòng tin cúng dường. Khổ đau, bạch Thế Tôn, là bị
người lực sĩ nắm lấy đầu hay nắm lấy vai, ép ngồi hay ép nằm trên
một giường sắt hay một ghế nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ
lửa ngọn!
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, thật là tốt hơn bị một người
lực sĩ nắm lấy đầu hay nắm lấy vai, ép ngồi hay ép nằm trên một giường
sắt hay một ghế sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa
ngọn. Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy đi đến
chết hay đi đến khổ gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau
khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa
ngục. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới, theo ác pháp, sở
hành bất tịnh... tánh tình bất tịnh, hưởng thọ các giường ghế do Sát-đế-ly
đại phú, các Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ đại phú, vì lòng tin
cúng dường; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh, đau
khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa
xứ, địa ngục.
7. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, việc nào là tốt hơn: Bị một người lực sĩ nắm chân phía
trên, đầu phía dưới và quăng vào một ghè sắt nóng đang cháy đỏ, cháy
đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, tại đấy, người ấy bị nấu sôi lên như
bọt nước tự mình nổi lên, tự mình chìm xuống, tự mình đi ngang; hay là
hưởng thọ tinh xá do các Sát-đế-ly đại phú, các Bà-la-môn đại phú
hay do các gia chủ đại phú vì lòng tin cúng dường?
- Bạch Thế Tôn, việc này là tốt
hơn, hưởng thọ tinh xá do các Sát-đế-ly đại phú, các Bà-la-môn đại
phú, hay các gia chủ đại phú vì lòng tin cúng dường. Khổ đau, bạch Thế
Tôn, là bị người lực sĩ nắm chân phía trên, đầu phía dưới, và quăng
người ấy vào trong một cái ghè sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực,
cháy đỏ lửa ngọn. Tại đấy bị nấu sôi... tự mình đi ngang.
- Ta tuyên bố cho các Thầy, này
các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác
giới, theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, thật là tốt hơn bị người lực
sĩ nắm chân phía trên, đầu phía dưới... tự mình đi ngang. Vì cớ sao?
Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy đi đến chết hay đi đến
khổ gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng
chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Nhưng này
các Tỷ-kheo, khi một người ác giới, theo ác pháp... tánh tình bất tịnh,
hưởng thọ tinh xá, do các Sát-đế-ly đại phú... hay các gia chủ đại phú,
vì lòng tin cúng dường, như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho người ấy bất
hạnh, đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác
thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải
học tập như sau: "Chúng ta hưởng thọ các vật dụng như y áo, đồ
ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh của những ai, đối với
những người ấy, sở hành như vậy sẽ có quả lớn, có lợi ích hơn. Và
sự xuất gia của chúng ta sẽ không có trống không, có kết quả, có
thành tích".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy
cần phải học tập.
8. Này các Tỷ-kheo, với ai thấy
được lợi ích của mình, thật là vừa đủ để tinh cần, không phóng dật.
Này các Tỷ-kheo, với ai thấy được lợi ích của người, thật là vừa
đủ để tinh cần, không phóng dật. Này các Tỷ-kheo, với ai thấy được
lợi ích cả hai, thật là vừa đủ để tinh cần, không phóng dật.
Thế Tôn thuyết như vậy. Trong khi
lời nói này được nói lên, có khoảng sáu mươi vị Tỷ-kheo hộc máu
nóng từ miệng, có khoảng sáu mươi Tỷ-kheo từ bỏ học pháp và hoàn tục,
nghĩ rằng: "Khó làm thay, Thế Tôn! Thật khó làm thay, Thế Tôn!".
Có khoảng sáu mươi Tỷ-kheo, với tâm được giải thoát, không chấp thủ
các lậu hoặc.
(IX) (69) SUNETTA
1. - Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có
Đạo Sư tên là Sunetta, thuộc ngoại đạo, đã ly tham đối với các dục.
Đạo sư Sunetta, này các Tỷ-kheo, có hàng trăm đệ tử. Đạo sư Sunetta
thuyết pháp cho các đệ tử để cọng trú với thế giới Phạm thiên.
Này các Tỷ-kheo, những ai tâm không hoan hỷ với cuộc thế giới Phạm
thiên, khi thân hoại mạng chung, họ phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ,
địa ngục. Này các Tỷ-kheo, còn những ai tâm hoan hỷ với cuộc thuyết
pháp của Đạo sư Sunetta để cọng trú với thế giới Phạm thiên, khi
thân hoại mạng chung, họ được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời
này.
2. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có
Đạo sư tên là Mùgapakkha... có Đạo sư tên là Aranemi... có Đạo sư tên
là Kuddàla... có Đạo sư tên là Hatthipàla... có Đạo sư tên là
Jotipàla... có Đạo sư tên là Araka. Đạo sư Araka thuộc ngoại đạo đã
ly tham đối với các dục. Đạo sư Araka, này các Tỷ-kheo, có hàng trăm đệ
tử. Đạo sư Araka thuyết pháp cho các đệ tử cọng trú với thế giới
Phạm thiên . Này các Tỷ-kheo, những ai tâm không hoan hỷ với cuộc thuyết
pháp của Đạo sư Araka để cọng trú với thế giới Phạm thiên, khi thân
hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này
các Tỷ-kheo, còn những ai tâm hoan hỷ với cuộc thuyết pháp của Đạo
sư Araka để cọng trú với thế giới Phạm thiên, khi thân hoại mạng
chung, họ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
3. Các Thầy nghĩ thế nào, này các
Tỷ-kheo, ai với tâm ác quở trách, phỉ báng, bảy bậc Đạo sư này thuộc
ngoại đạo đã ly tham đối với các dục, được hàng trăm chúng đệ tử
đoanh vây, người ấy có tạo ra nhiều điều vô phước không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỷ-kheo, ai với tâm quở
trách, phỉ báng bảy Đạo sư này, thuộc ngoại đạo, đã ly tham đối với
các dục, được hàng trăm chúng đệ tử đoanh vây, người ấy tạo ra nhiều
điều vô phước; còn ai với ác tâm, quở trách phỉ báng một bậc đầy
đủ chánh kiến, do vậy, người này tạo ra nhiều điều vô phước hơn nữa.
Vì cớ sao? Ta tuyên bố không kham nhẫn một người như vậy, từ trong ra
ngoài, đối với các vị đồng Phạm hạnh. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các
Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ không có tâm ác độc
đối với các vị đồng Phạm hạnh". Này các Tỷ-kheo, các Thầy cần
phải học tập như vậy.
(X) (70) ARAKA
1. - Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có
Đạo sư tên là Araka thuộc ngoại đạo đã ly tham đối với các dục.
Này các Tỷ-kheo, Đạo sư Araka có đến hàng trăm đệ tử. Đạo sư Araka
thuyết pháp cho các đệ tử như sau:
2. " Này Bà-la-môn, ít oi là đời
sống của loài Người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều
ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm
hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, giọt
sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không
tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, như giọt sương là đời sống
loài Người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với
bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với
người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, khi trời mưa nặng
hạt, bong bóng nước trên nước mau chóng biến mất, không tồn tại lâu
dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, như bong bóng nước là đời sống của loài
Người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa
chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người
đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, con sông trên núi chảy
xa, dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn theo vật này vật khác, không có
sát-na nào, không có giây phút nào, không có thời khắc nào có dừng nghỉ,
nó phải chảy tới, cuồn cuộn chảy, thúc đẩy chảy tới. Cũng vậy, này
Bà-la-môn, ví như con sông ấy là đời sống của loài Người, nhỏ bé,
không đáng kể... với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này
Bà-la-môn, người lực sĩ tụ lại một cục nước miếng trên đầu lưỡi
và nhổ đi không có phí sức. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với cục nước
miếng là đời sống loài Người, nhỏ bé, không đáng kể... Với người
đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, một miếng thịt được
quăng vào một nồi sắt được hâm nóng cả ngày, mau chóng biến mất,
không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví như miếng thịt là
đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể... Với người đã sanh,
không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, con bò cái sắp bị giết, được
dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết,
gần đến chết. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với con bò cái sắp bị
giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau,
nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ, hay làm điều lành, hãy sống
Phạm hạnh. Với người đã sanh, không có bất tử".
3. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo,
tuổi thọ của loài Người lên đến 60.000 năm. Người con gái 500 tuổi
có thể đến tuổi lấy chồng. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, loài Người
có sáu loại bệnh: lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện. Này
các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư Araka ấy, với loài Người thọ mạng dài như vậy,
sống lâu như vậy, ít bệnh như vậy, lại thuyết pháp cho các đệ tử
như vậy: "Ít oi, này Bà-la-môn, là đời sống loài Người, nhỏ bé
không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ!
Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có
bất từ". Nay, này các Tỷ-kheo, ai nói một cách chơn chánh, phải nói
như sau: "Ít oi, là đời sống loài Người, nhỏ bé, không đáng kể,
nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với trí tuệ, hãy giác ngộ! Hãy làm điều
lành, hãy sống Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử".
Nay, này các Tỷ-kheo, ai sống lâu, vị ấy sống một trăm tuổi, ít hơn
hay nhiều hơn. Mạng sống 100 tuổi, này các Tỷ-kheo, được chia thành 300
mùa: một trăm mùa đông, một trăm mùa hạ, một trăm mùa mưa. Này các Tỷ-kheo,
dầu cho sống ba trăm mùa, người ấy sống 12 lần 100 tháng: 400 tháng lạnh,
400 tháng nóng, 400 tháng mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống 12 lần 100
tháng, người ấy sống 24 lần một trăm nửa tháng: 800 nửa tháng lạnh,
800 nửa tháng nóng, 800 nửa tháng mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống 24 lần
một trăm nửa tháng, người ấy sống 36 lần 1000 đêm: 12.000 đêm lạnh,
12.000 đêm nóng, 12.000 đêm mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống 36 lần 1000
đêm, người ấy ăn chỉ có 72 ngàn bữa cơm: 24 ngàn bữa cơm vào mùa lạnh,
24 ngàn bữa cơm vào mùa nóng, 24 ngàn bữa cơm vào mùa mưa. Đây gồm có với
sữa mẹ và thời gian không có đồ ăn. Ở đây, có những khi không có bữa
ăn này, nghĩa là tức giận không ăn cơm, khổ đau không ăn cơm, bịnh hoạn
không ăn cơm, trai giới không ăn cơm, không thâu hoạch được, không ăn
cơm.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, tuổi thọ
một trăm năm của loài Người được Ta gọi là tuổi thọ, được gọi là
lượng của tuổi thọ, được gọi là thời tiết, được gọi là năm,
được gọi là tháng, được gọi là nửa tháng, được gọi là đêm, được
gọi là đêm ngày, được gọi là bữa ăn, được gọi là giữa bữa ăn.
4. Này các Tỷ-kheo, những gì bậc
Đạo sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những
việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các Thầy. Này các Tỷ-kheo, đây
là những gốc cây, đây là những căn nhà không tịnh. Này các Tỷ-kheo,
hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ hối tiếc về sau. Đó là lời
giáo huấn của Ta cho các Thầy.
VIII. PHẨM VỀ LUẬT
(I) (71) TRÌ LUẬT (1)
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật. Thế nào là bảy?
2. Biết vi phạm; biết không vi phạm;
biết phạm nhẹ, biết phạm nặng; có giới luật, sống chế ngự với sự
chế ngự của giới bổn; đầy đủ uy nghi và chánh hạnh, thấy sợ hãi
trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp; bốn
Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn,
có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn trừ các lậu
hoặc, tự mình với thắng trí ngay trong hiện tại chứng ngộ, chứng đạt
vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật.
(II) (72) TRÌ LUẬT (2)
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật. Thế nào là bảy?
2. Biết vi phạm; biết không vi phạm;
biết phạm nhẹ, biết phạm nặng; cả hai giới bổn được khéo truyền lại
một cách rộng rãi, khéo phân loại, khéo điều chỉnh, khéo quyết định
thành sutta và thành chi tiết; bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại
lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được
không phí sức; do đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí ngay
trong hiện tại chứng ngộ, chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật.
(III) (73) TRÌ LUẬT (3)
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật. Thế nào là bảy?
2. Biết vi phạm; biết không vi phạm;
biết phạm nhẹ, biết phạm nặng; biết an trú trên luật không thể bác bỏ
được; bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm... có được không phí sức; do
đoạn trừ các lậu hoặc ... tuệ giải thoát.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật.
(IV) (74) TRÌ LUẬT (4)
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật. Thế nào là bảy?
2. Biết vi phạm; biết phạm nhẹ,
biết phạm nặng; nhớ đến nhiều đời trước, như một đời, hai đời...
như vậy, nhớ đến nhiều đời trước với những đặc điểm, với những
chi tiết; với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân... biết rõ chúng sanh; do đoạn
trừ các lậu hoặc, tự mình... tuệ giải thoát.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật.
(V - VIII) (75-78) CHÓI SÁNG
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là bậc trì Luật chói sáng. Thế nào là bảy?
(Như trên, 71 - 74, chỉ khác thêm chữ
chói sáng)
(IX) (79) THÔNG ĐIỆP
1. Rồi Tôn giả Upàli đi đến Thế
Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Tôn giả Upàli bạch Thế Tôn:
- Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế
Tôn hãy thuyết pháp cho con một cách vắn tắt, sau khi nghe Thế Tôn thuyết
pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
2. - Này Upàli, những pháp nào Thầy
biết: "Những pháp này không được đưa đến nhất hướng nhàm chán,
ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn", thời
này Upàli, Thầy cần phải nhất hướng thọ trì là: "Đây không phải
Pháp, đây không phải Luật, đây không phải lời dạy Thế Tôn". Và
này Upàli, những pháp nào Thầy biết: "Những pháp này đưa đến nhất
hướng, nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn",
thời này Upàli, Thầy cần phải nhất hướng thọ trì là: "Đây là
Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy Thế Tôn".
(X) (80) DIỆT TRÁNH PHÁP
1. - Này các Tỷ-kheo, bảy pháp diệt
tránh này đưa đến chấm dứt, làm cho an tịnh các tranh luận tiếp tục
khởi lên. Thế nào là bảy?
2. Luật về sự hiện diện cần phải
áp dụng. Luật về ức niệm cần phải áp dụng. Luật về không si mê cần
phải áp dụng. Luật về tự thú nhận cần phải áp dụng. Luật về đa số
cần phải áp dụng. Luật về tìm tội ấy cần phải áp dụng. Luật về
trải cỏ cần phải áp dụng.
Này các Tỷ-kheo, bảy pháp diệt
tránh này đưa đến chấm dứt, làm cho an tịnh các tranh luận tiếp tục
khởi lên.
IX. PHẨM CÁC KINH KHÔNG NHIẾP
I.
(I)(1) SỰ PHÁ HOẠI
1.- Do phá hoại bảy pháp, này các
Tỷ-kheo, thành vị Tỷ-kheo. Thế nào là bảy ?
2. Phá hoại kiến có thân, phá hoại
nghi, phá hoại giới cấm thủ, phá hoại tham, phá hoại sân, phá hoại si,
phá hoại mạn.
Do phá hoại bảy pháp này, này các
Tỷ-kheo, thành vị Tỷ-kheo.
(II-VIII) (2-8) CÁC PHÁP KHÁC
1. Này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt
bảy pháp, thành vị Sa-môn … do vất bỏ bảy pháp, thành vị Bà-la-môn
… Do tiêu diệt bảy pháp, thành vị an lành … Do gột sạch bảy pháp,
thành vị đã gột sạch … Do biết rõ bảy pháp, thành bậc có trí … Do
phá hoại kẻ thù bảy pháp, thành vị Thánh … Do chặn đứng bảy pháp,
thành vị A-la-hán. Thế nào là bảy ?
2. Chận đứng kiến có thân, chặn
đứng nghi, chặn đứng giới cấm thủ, chặn đứng tham, chặn đứng sân,
chặn đứng si, chặn đứng mạn
Do chặn đứng bảy pháp này, này
các Tỷ-kheo, thành vị A-la-hán.
(IX)(9) PHI DIỆU PHÁP
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy phi diệp
pháp này. Thế nào là bảy ?
2. Bất tín, không xấu hổ, không sợ
hãi, không nghe nhiều, biếng nhác, thất niệm, ác tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bảy phi diệu
pháp này.
(X)(10) DIỆU PHÁP
1.- Có bảy diệu pháp này, này các
Tỷ-kheo. Thế nào là bảy ?
2. Tín, xấu hổ, sợ hãi, nghe nhiều,
tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bảy diệu
pháp này.
II.
(I)(1) NGƯỜI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC
CUNG KÍNH
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng
người này, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng
dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế
nào là bảy ?
2. Ở đời, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sống tùy quán vô thường trên con mắt, tưởng vô thường, cảm thọ
vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm
thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy, với sự đoạn diệt ngay trong
hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ
giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất đáng được
cung kính … là phước điền vô thượng ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sống tùy quán vô thường trên con mắt, tưởng vô thường, cảm thọ
vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm
thắng giải, với tuệ thể nhập. Với vị ấy, sự chấp dứt các lậu hoặc
và sự chấm dứt sanh mạng xảy đến một lần, không trước không sau.
Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ hai đáng được cung kính …
là phước điền vô thượng ở đời.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sống tùy quán vô thường trên con mắt, tưởng vô thường, cảm thọ
vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm
thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy sau khi diệt tận năm hạ phần
kiết sử, chứng được Trung gian Bát-Niết-bàn … chứng được Vô hành
Bát-Niết-bàn … chứng được Hữu hành Bát-Niết-bàn … chứng được
thượng lưu, đạt được Sắc cứu cánh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng
người thứ bảy đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được
cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Này các Tỷ-kheo, bảy hạng người
này đáng được cung kính … là ruộng phước vô thượng ở đời.
(II) (2) CÁC NGƯỜI KHÁC ĐÁNG ĐƯỢC
CUNG KÍNH
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng
người này, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng
dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế
nào là bảy ?
2. Ở đây, có hạng người sống tùy
quán khổ trên con mắt … tùy quán vô ngã trên con mắt … tùy quán diệt
tận trên con mắt … tùy quán hoại diệt trên con mắt … tùy quán ly tham
trên con mắt … tùy quán đoạn diệt trên con mắt … tùy quán từ bỏ
trên con mắt … trên tai … trên mũi … trên lưỡi … trên thân … trên
ý … trên các sắc … trên các tiếng … trên các hương … trên các vị
… trên các xúc … trên các pháp … trên nhãn thức … trên thân thức …
trên ý thức … trên nhãn xúc … trên nhĩ xúc …trên tỷ xúc.. trên thiệt
xúc … trên thân xúc … trên ý xúc … trên thọ do nhãn xúc sanh … trên
thọ do nhĩ xúc sanh … trên thọ do tỷ xúc sanh … trên thọ do thiệt xúc
sanh … trên thọ do thân xúc sanh … trên thọ do ý xúc sanh … trên sắc tưởng
… trên thanh tưởng … trên hương tưởng … trên vị tưởng … trên xúc
tưởng … trên pháp tưởng … trên sắc tư … trên thanh tư … trên hương
tư … trên vị tư … trên xúc tư … trên pháp tư … trên sắc ái …
trên thanh ái… trên hương ái … trên vị ái … trên xúc ái … trên pháp
ái … trên sắc tầm… trên thanh tầm … trên hương tầm … trên vị tầm
… trên xúc tầm … trên pháp tầm … trên sắc tứ … trên thanh tứ …
trên hương tứ … trên vị tứ … trên xúc tứ … trên pháp tứ … trên
sắc uẩn … trên thọ uẩn … trên tưởng uẩn … trên hành uẩn … sống
tùy quán vô thường trên thức uẩn … sống tùy quán khổ … sống tùy
quán vô ngã … sống tùy quán diệt tận … sống tùy quán hoại diệt …
sống tùy quán ly tham … sống tùy quán đoạn diệt … sống tùy quán từ
bỏ.
III.
(I)(1) THẮNG TRI THAM (1)
1.- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, bảy pháp cần phải tu tập. Thế nào là bảy ?
2. Niệm giác chi, trạch pháp giác
chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, bảy pháp này cần phải tu tập.
(II) (2) THẮNG TRI THAM (2)
1.- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, bảy pháp cần phải tu tập. Thế nào là bảy ?
2. Tưởng vô thường, tưởng vô
ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng ly
tham, tưởng đoạn diệt.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, bảy pháp này cần phải tu tập.
(III) (3) THẮNG TRI THAM (3)
1.- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, bảy pháp cần phải tu tập. Thế nào là bảy ?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết,
tưởng yếm ly trên đồ ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế
giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã
trên khổ.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, bảy pháp này cần phải tu tập.
(IV) (4) THẮNG TRI THAM (4)
1. - Này các Tỷ-kheo, để thắng
tri tham … để hoàn toàn diệt tận … để đoạn tận … để diệt tận
… để hoại diệt … để ly tham … để đoạn diệt … để xả bỏ …
đẻ từ bỏ … để từ bỏ tham. Bảy pháp này cần phải tu tập.
2. Để thắng tri sân … si … phẫn
nộ … hiềm hận … che đậy … não hại … tật đố … xan tham … man
trá … lường gạt … ngoan cố … tháo động … mạn … tăng thượng mạn
… kiếu, phóng dật … để liễu tri … để hoàn toàn diệt tận … để
đoạn tận … để diệt tận … để hoại diệt … để ly tham … để
đoạn diệt … để xả bỏ … đẻ từ bỏ … để từ bỏ tham. Bảy pháp
này cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo
hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn thuyết.