- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 3e
- 103. KHÓC THAN
- Này các Tỷ-kheo, đây được xem
là khóc than trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh. Này các Tỷ-kheo,
đây được xem là điên loạn trong giới luật bậc Thánh, tức là múa nhảy.
Này các Tỷ-kheo, đây được xem là trẻ con trong giới luật bậc Thánh, tức
là cười quá đáng để lộ cả răng. Do luật này, này các Tỷ-kheo, hãy
phá cây cầu đi đến hát. Hãy phá cây cầu đi đến múa. Thật là vừa đủ
nếu các Thầy được hoan hỷ đúng pháp, mỉm cười để tỏ là các Thầy
được hoan hỷ.
KHÔNG THỎA MÃN
- Này các Tỷ-kheo, hưởng thọ ba sự
ở đời, không bao giờ thỏa mãn. Thế nào là ba ?
Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ-kheo,
không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ rượu men rượu nấu, này các Tỷ-kheo,
không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ sự dâm dục giao hợp, không bao giờ
thỏa mãn.
105. NÓC NHỌN (1)
Rồi gia chủ Ànathapindika đi đến
Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên ; Thế
Tôn nói với gia chủ Ànathapindika đang ngồi xuống một bên :
- Này gia chủ, khi tâm không phòng hộ,
thời thân nghiệp cũng không phòng hộ, khẩu nghiệp không phòng hộ, ý
nghiệp cũng không phòng hộ. Với ai thân nghiệp không phòng hộ, khẩu nghiệp
không phòng hộ, ý nghiệp không phòng hộ, thời thân nghiệp đầy ứ tham
dục và rỉ chảy ; khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy ; ý nghiệp
đầy ứ tham dục và rỉ chảy ; Với ai thân nghiệp đầy ứ tham dục và
rỉ chảy, khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp đầy ứ
tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý
nghiệp bị hủ bại. Với ai thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý
nghiệp bị hủ bại, sẽ chết không được hiền thiện, mạng chung không
được hiền thiện.
Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc
nhọn vụng lợp, thời nóc nhọn không được phòng hộ, rui kèo không được
phòng hộ, vách tường không được phòng hộ ; nóc nhọn bị đấy ứ, rỉ
nước, các rui kèo bị đầy ứ rỉ nước, các vách tường bị đầy ứ,
rỉ nước, nóc nhọn bị hủ bại, rui kèo bị hủ bại, vách tường bị hủ
bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm không được phòng hộ, thời thân
nghiệp cũng không được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp … sự chết
không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.
Này gia chủ, khi tâm được phòng hộ,
thời thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp cũng
được phòng hộ. Với ai thân nghiệp được phòng hộ, khẩu nghiệp được
phòng hộ, ý nghiệp được phòng hộ, thời thân nghiệp đầy không ứ
tham dục và rỉ chảy ; khẩu nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy
; ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy ; Với ai thân nghiệp
không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp không đầy ứ tham dục
và rỉ chảy, ý không nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân
nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý nghiệp không bị hủ bại. Với
ai thân nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý nghiệp không bị hủ
bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện
…
Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc
nhọn khéo lợp, thời nóc nhọn được phòng hộ, rui kèo được phòng hộ,
vách tường được phòng hộ ; nóc nhọn không bị đấy ứ, rỉ nước, các
rui kèo không bị đầy ứ rỉ nước, các vách tường không bị đầy ứ,
rỉ nước, nóc nhọn không bị hủ bại, rui kèo không bị hủ bại, vách tường
không bị hủ bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời
thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp không bị hủ
bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện.
106. NÓC NHỌN (2)
(Kinh này hoàn toàn giống như kinh
trên, chỉ khác có một chữ. Chỗ nào kinh trên dùng chữ "không phòng
hộ", thời ở đây dùng chữ "thất thế, lung lay" với những
thay đổi cần thiết).
107. BA NHÂN DUYÊN (1)
- Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo,
khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba ?
Tham là nhân duyên khiến các nghiệp
tập khởi, sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, si là nhân
duyên khiến các nghiệp tập khởi.
Phàm nghiệp nào do tham tác thành,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, do tham làm nhân duyên, do tham tập khởi,
nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị
thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp
đoạn diệt. Phàm nghiệp nào do sân tác thành … Phàm nghiệp nào do si tác
thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si, do si làm nhân duyên, do si tập khởi,
nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị
thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp
đoạn diệt. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp
tập khởi.
108. BA NHÂN DUYÊN (2)
- Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo,
khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba ?
Vô tham là nhân duyên khiến các
nghiệp tập khởi, vô sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô
si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
Phàm nghiệp nào do vô tham tác
thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ vô tham, do vô tham làm nhân duyên, do vô
tham tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp
ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt, nghiệp
ấy không đưa đến nghiệp tập khởi. Phàm nghiệp nào do vô sân tác
thành … Phàm nghiệp nào do vô si tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ
vô si, do vô si làm nhân duyên, do vô si tập khởi, nghiệp ấy là thiện,
nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy
không đưa đến nghiệp tập khởi, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
109. NHÂN DUYÊN (3)
1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo,
khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba ?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp
làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ ; ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai ; ước muốn khởi
lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện
tại ; ước muốn khởi lên.
2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn khởi
lên ?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp
làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát.
Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ ; với tâm, nó
tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó
bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một
kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các
pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn sanh khởi.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn khởi
lên ?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp
làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư
sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai ; với tâm,
nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên
nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một
kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các
pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi.
4. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn
khởi sanh ?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp
làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư
sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại ; với
tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn,
nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó
là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do
duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn sanh
khởi.
110. NHÂN DUYÊN (4)
1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo,
khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba ?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp
làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ ; ước muốn không khởi sanh. Này
các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai ;
ước muốn không khởi sanh. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ
cho dục tham trong hiện tại ; ước muốn không sanh khởi.
2. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không
sanh khởi ?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo,
quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham
trong quá khứ. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh
né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người
ấy không còn tham đắm ; với trí tuệ, người ấy thể nhập và thấy. Như
vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong
quá khứ, ước muốn không sanh khởi.
3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không
sanh khởi ?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo,
quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham
trong tương lai. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy
tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm
người ấy không còn tham đắm ; với trí tuệ, người ấy thể nhập và
thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục
tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn
không sanh khởi ?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo,
quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham
trong hiện tại. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy
tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm
người ấy không còn tham đắm ; với trí tuệ, người ấy thể nhập và
thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục
tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi.
XII. PHẨM ĐỌA XỨ
111. RƠI VÀO ĐỌA XỨ
- Này các Tỷ-kheo, ba hạng người
này rơi vào đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ phi họ đoạn bỏ pháp
này. Thế nào là ba ?
Ai sống không Phạm hạnh, tự xưng
là sống Phạm hạnh ; đối với người sống Phạm hạnh thanh tịnh, hành
Phạm hạnh thật thanh tịnh, ai công kích là không Phạm hạnh một cách
không căn cứ ; ai chủ trương như sau : "Không có lỗi lầm trong các dục
vọng" và rơi vào say đắm trong các dục vọng ; những hạng người này,
này các Tỷ-kheo, là ba hạng người rơi vào đọa xứ, rơi vào địa ngục,
trừ phi họ đoạn bỏ pháp này.
KHÓ TÌM ĐƯỢC
- Sự xuất hiện của ba hạng người
này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là ba ?
Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của
Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khó tìm được ở đời. Người có
thể thuyết pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời.
Người tri ân, người biết ơn, khó tìm được ở đời.
Sự xuất hiện của ba hạng người
này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời.
113. KHÔNG THỂ ƯỚC LƯỢNG
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Dễ ước lượng, khó ước
lượng và không thể ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
dễ ước lượng ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm
không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người dễ ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi
là người khó ước lượng ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm
lắm miệng, không lắm lời, trú niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm,
các căn được bảo vệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người khó
ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi
là người không thể ước lượng ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
là bậc A-la-hán, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là hạng người không thể ước lượng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
114. KHÔNG VÔ BIÊN XỨ
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
hoàn toàn vượt qua sắc tưởng, chấm dứt đối ngại tưởng, không tác
ý các tưởng sai biệt, xem "hư không là vô biên", đạt đến an trú
và Không vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh
giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín
giải cảnh giới ấy, an trú nhiều trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ
cảnh giới ấy, đến khi mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên
đã đạt Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã
đạt đến Không vô biên xứ là hai mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi
trú ở đấy cho đến hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian
thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loại
bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú
ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng
của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là
sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị
Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú
và tái sanh.
2. Lại nữa, ở đây có người vượt
qua Không vô biên xứ, xem "thức là vô biên", đạt đến an trú Thức
vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy,
thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải cảnh
giới ấy, an trú nhiều trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới
ấy, đến khi mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên đã đạt Thức
vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã đạt đến Thức
vô biên xứ là bốn mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho
đến hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của
chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loại bàng sanh, đi vào
cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ
mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối
cùng nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự
tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều
và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
3. Lại nữa, ở đây có người vượt
qua Thức vô biên xứ, xem "không có gì cả", đạt đến an trú Vô
sở hữu xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy,
thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải cảnh
giới ấy, an trú nhiều trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới
ấy, đến khi mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên đã đạt Vô
sở hữu xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã đạt đến Vô
sở hữu xứ là sáu mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho
đến hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của
chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loại bàng sanh, đi vào
cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ
mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối
cùng nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự
tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều
và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
115. KHUYẾT ĐIỂM VÀ VIÊN MÃN
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba sự khiếm
khuyết này. Thế nào là ba ? Khiếm khuyết về giới, khiếm khuyết về
tâm, khiếm khuyết về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
khiếm khuyết về giới ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi,
nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm
khuyết về giới.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
khiếm khuyết về tâm ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
tham lam, với tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về
tâm.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
khiếm khuyết về tri kiến ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
có tà kiến, có tri kiến điên đảo : "Không có bố thí, không có lễ
hy sinh, không có cúng tế, không có quả dị thục trong các nghiệp thiện
ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha,
không có các loại hóa sanh, ở đời không có các hàng Sa-môn, Bà-la-môn
chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình với thắng trí, giác ngộ đời này,
đời sau và truyền dạy lại". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm
khuyết về tri kiến.
4. Do nhân khiếm khuyết về giới,
này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào
cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tâm, này
các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi
dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tri kiến,
này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào
cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là ba khiếm khuyết.
5. Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn
này. Thế nào là ba ? Viên mãn về giới, viên mãn về tâm, viên mãn về
tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
viên mãn về giới ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục,
từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ
nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về giới.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
viên mãn về tâm ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
không tham lam, không có tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên
mãn về tâm.
7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
viên mãn về tri kiến ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
có chánh kiến, không có tri kiến điên đảo : "Có bố thí, có lễ hy
sinh, có cúng tế, có quả dị thục trong các nghiệp thiện ác, có đời này,
có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, ở đời có các hàng
Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình với thắng trí,
giác ngộ đời này, đời sau và truyền dạy lại". Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là viên mãn về tri kiến.
8. Do nhân viên mãn về giới, này
các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi
thiện, cõi Trời, cõi đời này. Do nhân viên mãn về tâm, này các Tỷ-kheo,
các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi thiện, cõi
Trời, cõi đời này. Do nhân viên mãn về tri kiến, này các Tỷ-kheo, các
loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi thiện, cõi Trời,
cõi đời này. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba viên mãn.
117. HÀNH ĐỘNG
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba khiếm
khuyết này. Thế nào là ba ? Khiếm khuyết về hành động, khiếm khuyết về
sanh kế, khiếm khuyết về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
khiếm khuyết về hành động ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người sát
sanh … (như 115, 1) nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây là khiếm
khuyết về hành động.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
khiếm khuyết về sanh kế ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
theo tà sanh kế, nuôi sống bằng tà sanh kế. Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là khiếm khuyết về sanh kế.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
khiếm khuyết về tri kiến ? (như kinh 115, 3).
4. Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn
này. Thế nào là ba ? Viên mãn về hành động, viên mãn về sanh kế, viên
mãn về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
viên mãn về hành động ? … (như kinh 115, 5)
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
viên mãn về sanh kế ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
theo chánh sanh kế, nuôi sống bằng chánh sanh kế. Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là viên mãn về sanh kế.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
viên mãn về tri kiến ? … (như kinh 115, 7)
Này các Tỷ-kheo, các pháp này là
ba viên mãn.
118. THANH TỊNH (1)
- Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh
này. Thế nào là ba ? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
Thế nào là thân thanh tịnh ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
từ bỏ sánh sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục,
này các Tỷ-kheo, đây gọi là thân thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời
nói thanh tịnh ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
tục nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ
nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lời nói thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý
thanh tịnh ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
không có tham lam, với tâm không sân không hận, có chánh tri kiến. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là ba thanh tịnh.
119. THANH TỊNH (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh
này, Thế nào là ba ? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
thân thanh tịnh ? (như kinh 118, về thân thanh tịnh).
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
lời nói thanh tịnh ? (như kinh 118, về lời nói thanh tịnh).
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
ý thanh tịnh ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo,
nếu nội tâm có ước muốn về dục, vị ấy rõ biết : "Nội tâm ta
có ước muốn về dục". Nếu nội tâm không có ước muốn về dục,
vị ấy rõ biết : "Nội tâm ta không có ước muốn về dục". Ước
muốn về dục chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết
như vậy. Ước muốn về dục đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào,
vị ấy rõ biết như vậy. Và ước muốn về dục đã được đoạn trừ,
trong tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
5. Nếu nội tâm có sân, vị ấy
rõ biết : "Nội tâm ta có sân". Nếu nội tâm không có sân, vị
ấy rõ biết : "Nội tâm ta không có sân". Sân chưa sanh khởi, được
sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Sân đã sanh khởi, được
đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và sân đã được đoạn
trừ, trong tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
6. Nếu tâm có hôn trầm thụy
miên, vị ấy rõ biết : "Nội tâm ta có hôn trầm thụy miên". Nếu
nội tâm không có hôn trầm thụy miên, vị ấy rõ biết : "Nội tâm ta
không có hôn trầm thụy miên". Hôn trầm thụy miên chưa sanh khởi,
được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Hôn trầm thụy miên
đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và
hôn trầm thụy miên đã được đoạn trừ, trong tương lai không sanh khởi
thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
7. Nếu tâm có trạo hối, vị ấy
rõ biết : "Nội tâm ta có trạo hối". Nếu nội tâm không có trạo
hối, vị ấy rõ biết : "Nội tâm ta không có trạo hối". Trạo hối
chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Trạo
hối đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
Và trạo hối đã được đoạn trừ, trong tương lai không sanh khởi thế
nào, vị ấy rõ biết như vậy.
8. Nếu tâm có nghi, vị ấy rõ biết
: "Nội tâm ta có nghi". Nếu nội tâm không có nghi, vị ấy rõ biết
: "Nội tâm ta không có nghi". Nghi chưa sanh khởi, được sanh khởi
thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Nghi đã sanh khởi, được đoạn trừ
thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và nghi đã được đoạn trừ, trong
tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý
thanh tịnh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba thanh tịnh.
Thân và lời thanh tịnh
Tâm thanh tịnh vô lậu
Trong sạch được thanh tịnh
Được gọi ác đoạn trừ.
120. TOÀN HẢO
- Này các Tỷ-kheo, có ba sự toàn hảo.
Thế nào là ba ? Toàn hảo về thân, toàn hảo về lời nói, toàn hảo về
ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
toàn hảo về thân ? … (như kinh 118)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
toàn hảo về lời nói ? … (như kinh 118)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
toàn hảo về ý ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn trừ có lậu
hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt
và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là ý toàn hảo.
Và này các Tỷ-kheo, các pháp này
là ba toàn hảo.
Thân và lời toàn hảo,
Tâm toàn hảo vô lậu,
Toàn hảo, được toàn hảo
Được gọi đoạn tất cả.
XIII. PHẨM KUSINÀRA
121. TẠI KUSINÀRA
Một thời Thế Tôn ở Kusinàra, tại
khóm rừng Bariharana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn, Thế Tôn nói như sau :
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo
sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi người gia chủ hay con
người gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào
buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người gia chủ hay con
người gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Rồi người gia chủ hay con người gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa
mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị
ấy suy nghĩ : "Thật tốt lành thay, người gia chủ hay con người gia chủ
này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại
cứng và loại mềm ! "Rồi vị ấy suy nghĩ như sau : "Mong rằng
người gia chủ hay con người gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời
và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm
!". Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, tham dính say đắm, đam
trước, không thấy sự nguy hại, không thấy được sự xuất ly. Vị ấy
ở đây khởi lên suy tầm về dục, khởi lên sự suy tầm về sân, khởi
lên sự suy tầm về hại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo
như vậy không có quả lớn. Vì cớ sao ? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống
phóng dật.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, một
Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi người gia chủ
hay con người gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy
vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người gia chủ hay
con người gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Rồi người gia chủ hay con người gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa
mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị
ấy không có suy nghĩ : "Thật tốt lành thay, người gia chủ hay con người
gia chủ này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng
vị, loại cứng và loại mềm ! "Rồi vị ấy không suy nghĩ như sau :
"Mong rằng người gia chủ hay con người gia chủ này trong tương lai, tự
tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng
và loại mềm !". Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, không
tham dính, không say đắm, không đam trước, thấy được sự nguy hại, thấy
được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về viễn ly, khởi
lên sự suy tầm về vô sân, khởi lên sự suy tầm về vô hại. Này các Tỷ-kheo,
Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy có quả lớn. Vì cớ sao ? Này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không sống phóng dật.
TRANH LUẬN
- Tại phương hướng nào, này các
Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương
nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo,
khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đến chỗ ấy. Ở đây, Ta
đi đến kết luận như sau : "Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ
ba pháp và đã làm quá nhiều ba pháp".
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì ? Viễn
ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều ?
Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã làm quá nhiều.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo,
các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với
binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ
đến phương hướng ấy, còn nói gì đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết
luận như sau : "Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và
đã làm quá nhiều ba pháp này".
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo,
các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước
lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến
phương hướng ấy thật thoải mái cho ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng
ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau : "Thật vậy, các Tỷ-kheo
ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này".
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì ? Dục
tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều ?
Viễn ly vô tầm, vô sân tầm, bất hại tầm.
Trong phương hướng nào, này các Tỷ-kheo,
các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước
lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến
phương hướng ấy thật thoải mái cho ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng
ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau : "Thật vậy, các Tỷ-kheo
ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này".
ĐIỆN THỜ GOTAMA
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli,
tại điện thờ Gotama. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn, Thế Tôn nói như sau :
- Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với
thắng trí, không phải với không thắng trí. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết
pháp với nhân duyên, không phải với không nhân duyên. Này các Tỷ-kheo, Ta
thuyết pháp với thần thông, không phải với không thần thông. Này các Tỷ-kheo,
do vì Ta thuyết pháp có thắng trí, không phải với không thắng trí ; do
vì Ta thuyết pháp với nhân duyên, không phải với không nhân duyên ; do vì
Ta thuyết pháp với thần thông, không phải với không thần thông, nên
giáo giới cần phải làm, giảng dạy cần phải làm.
Thật là vừa đủ, này các Tỷ-kheo,
để các Thầy bằng lòng. Thật là vừa đủ để các Thầy hân hoan. Thật
là vừa đủ để các Thầy hoan hỷ, Chánh Đẳng Giác là Thế Tôn ! Pháp
được Thế Tôn khéo thuyết, khéo hành trì, chúng Tăng !
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ lời Thế Tôn giảng. Trong khi lời thuyết giảng này
được nói lên, một ngàn thế giới đều rung động.
BHARANDU
1. Một thời, Thế Tôn đang du hành
giữa dân chúng Kosala và đi đến Kalipavatthu. Họ Thích Mahànàma nghe tin Thế
Tôn đã đến Kapilavatthu. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn ; sau
khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với họ
Thích Mahànàma đang đứng một bên :
- Hãy đi, này Mahànàma và tìm xem
ở Kapilavatthu có chỗ nào, tại chỗ ấy, hôm nay chúng ta sẽ trú lại một
đêm.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế
Tôn, đi vào Kapilavatthu, đi khắp toàn vùng Kapilavatthu và không thấy một
chỗ nào, Thế Tôn có thể trú một đêm. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến
Thế Tôn, sau khi đến bạch Thế Tôn :
2. - Bạch Thế Tôn, ở Kapilavatthu
không có chỗ nào, tại đây, hôm nay Thế Tôn có thể trú một đêm. Nhưng
có Bharandu, người Kàlàmà này, trước tu Phạm hạnh với Thế Tôn. Hôm
nay, Thế Tôn hãy ở một đêm tại am thất của vị ấy.
- Này Mahànàma, hãy đi và trải một
tấm thảm cho ta ở đó.
- Thua vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế
Tôn, đi đến am thất của Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, trải tấm
thảm, đặt nước để rửa chân, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch
Thế Tôn :
- Bạch Thế Tôn, tấm thảm đã trải,
nước để rửa chân đã sẵn sàng, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy làm
gì Ngài nghĩ là phải thời !
3. Rồi Thế Tôn đi đến am thất của
Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Sau
khi ngồi, Thế Tôn rửa chân.
Rồi họ Thích Mahànàma nghĩ như
sau : "Nay không phải thời để hầu hạ Thế Tôn. Thế Tôn đang mệt mỏi.
Ngày mai ta sẽ đến hầu hạ Thế Tôn". Nghĩ vậy xong bèn đảnh lễ
Thế Tôn, thân phía hữu hướng về ngài rồi ra đi.
Họ Thích Mahànàma, sau khi đêm ấy
đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống
một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang ngồi một bên :
4. - Này Mahànàma, có ba vị đạo
sư có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ?
Ở đây, này Mahànàma, có vị đạo
sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, nhưng không trình bày sự biến
tri của các sắc, không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Ở đây,
này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng,
trình bày sự biến tri của các sắc, nhưng không trình bày sự biến tri của
các cảm thọ. Nhưng ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự
biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, trình
bày sự biến tri của các cảm thọ. Này Mahànàma, có ba vị đạo sư này
có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba vị này, này Mahànàma, kết luận là
một hay là sai khác ?
5. Khi được nói như vậy, Bharandu,
người Kàlàmà, nói với họ Thích Mahànàma :
- Này Mahànàma, hãy nói là một.
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với
họ Thích Mahànàma :
- Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ hai, Brahandu, người Kàlàmà
nói với họ Thích Mahànàma :
- Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với họ
Thích Mahànàma :
- Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ ba Brahandu, người Kàlàmà
nói với họ Thích Mahànàma :
- Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với họ
Thích Mahànàma :
- Này Mahànàma, hãy nói là khác.
6. Rồi Bharandu, người Kàlàmà suy
nghĩ như sau : "Trước mặt họ Thích Mahànàma có thế lực lớn này,
ta bị Sa-môn Gotama nói trái ngược cho đến lần thứ ba. Vậy ta hãy rời
khỏi Kapilavatthu".
Rồi Bharandu người Kàlàmà đi ra
khỏi Kapilavatthu, một sự ra đi khỏi Kapilavatthu, không bao giờ có trở lại
nữa.
HATTHAKA
1. Một thời Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, tại Jetanava, khu vườn của Anàthapindika.
Rồi Thiên tử Hatthaka, sau khi đêm
đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetanava đi đến
Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy nghĩ : "Ta sẽ đứng thẳng trước Thế
Tôn", nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không có thể đứng thẳng
; ví như thục tô hay dầu đổ trên cát, chìm xuống, lún xuống, không thể
giữ lại. Cũng vậy, Thiên tử Hatthaka nghĩ rằng : "Ta sẽ đứng thẳng
trước mặt Thế Tôn", nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không thể
đứng thẳng.
2. Rồi Thế Tôn nói với Thiên tử
Hatthaka :
- Này Hatthaka, hãy hóa thành một tự
thể thô xấu.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thiên tử Hatthaka vâng đáp Thế
Tôn sau khi hóa thành một tự thể thô xấu, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng
một bên. Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka đang đứng một bên :
- Này Hatthaka, các pháp được diễn
tiến trước kia, khi Ông còn làm người, các pháp ấy hiện nay còn diễn
tiến đối với Ông không ?
- Bạch Thế Tôn, các pháp được
diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy hiện nay có
được diễn tiến đối với con. Và bạch Thế Tôn, có các pháp không được
diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn
tiến hiện nay đối với con. Ví như, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sống,
được các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-Niganthà, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua chúa,
các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo đoanh vậy.
Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con sống được các Thiên tử đoanh vậy. Từ
xa, bạch Thế Tôn, các Thiên tử đi đến, nghĩ rằng : "Chúng ta hãy đến
nghe pháp từ Thiên tử Hatthaka".
Có ba pháp, bạch Thế Tôn, con cảm
thấy không bao giờ vừa đủ, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Thế nào là ba ?
Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không
bao giờ vừa đủ được thấy Thế Tôn, con chết con vẫn còn ân hận luyến
tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được nghe Diệu
pháp, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy
không bao giờ vừa đủ được phục vụ hầu hạ chúng Tăng, con chết con
vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Có ba pháp này, bạch Thế Tôn, con
cảm thấy không bao giờ vừa đủ. Con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Con thấy không vừa đủ
Khi được gặp Thế Tôn
Được phục vụ chúng Tăng
Được lắng nghe Diệu pháp
Học tập tăng thượng giới
Thích thú nghe Diệu pháp
Do đối với ba pháp
Cảm thấy không vừa đủ
Thiên tử Hatthaka
Được sanh vô phiền thiên
126. THỐI NÁT
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Bàrànasi, tại Isipatana vườn Nai
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp
y, cầm y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Thế Tôn, trong khi đi khất
thực tại Goyogapilakkha, gần cây sung, chỗ cột đàn bò, thấy một Tỷ-kheo
hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ
hương vị hướng ngoại của dục vật, thất niệm, không tỉnh giác,
không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy,
Thế Tôn liền nói với vị Tỷ-kheo ấy :
- Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo ! Thầy
chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự
ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thối, rồi mong rằng các
loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự kiện như
vậy không xảy ra.
2. Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn
giáo giới với lời giáo giới như vậy, cảm thấy xúc động mạnh. Rồi
Thế Tôn, sau khi đi khất thực ở Ba-la-nại xong, sau bữa ăn, sau khi đi khất
thực trở về, bảo các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo, ở đây, sau khi
đắp y vào buổi sáng, Ta cầm lấy y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực.
Này các Tỷ-kheo, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, Ta thấy một Tỷ-kheo
hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ
hương vị hướng ngoại của dục vật, thất niệm, không tỉnh giác,
không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy,
Ta liền nói với vị Tỷ-kheo ấy : "Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo ! Thầy
chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự
ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thối, rồi mong rằng :
"Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự
kiện như vậy không xảy ra"".
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được
ta giáo giới với lời giáo giới này, cảm thấy xúc động mạnh.
3. Khi nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo
bạch Thế Tôn :
- Bạch Thế Tôn, thối nát cái gì,
mùi hôi thối cái gì, các loài rồi lằng là gì ?
- Tham cầu, này các Tỷ-kheo, là thối
nát ; sân là mùi hôi thối, các suy tầm ác bất thiện là ruồi lằng. Này
các Tỷ-kheo, ai làm cho các tự ngã thối nát, đầy ứ, thoát ra mùi hôi thối,
rồi mong rằng : "Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không chiếm
cứ", sự kiện như vậy không xảy ra.
Tai mắt không giữ gìn
Các căn không phòng hộ
Ruồi lằng sẽ bu đậu
Các tư duy tham ái
Tỷ-kheo làm thối nát
Đầy ứ những mùi hôi
Xa thay là Niết-bàn !
Chịu phần về bất hạnh
Tại làng hay trong rừng
Tự ngã không an tịnh
Kẻ ngu và không trí
Đi đứng đầy ruồi lằng
Ai đầy đủ giới luật
Thích tịch tịnh trí tuệ
Sống an tịnh hạnh phúc
Mọi ruồi lằng diệt trừ
127. ANURUDDHA (1)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi
xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn :
- Ở đây, bạch Thế Tôn, với
thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, con thấy phần lớn các nữ nhân, sau khi
thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Do đầy đủ với bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, các nữ nhân, sau khi thân
hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục ?
2. - Do đầy đủ ba pháp, này
Anuruddha, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ,
ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là ba ?
Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân vào
buổi sáng sống ở trong nhà, tâm bị cấu uế của xan lẫn ; vào buổi trưa
sống ở trong nhà, tâm bị cấu uế của tật đố ; vào buổi chiều sống
ở trong nhà, tâm bị cấu uế của dục tham. Do đầy đủ ba pháp này, các
nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa
xứ, địa ngục.
128. ANURUDDHA (2)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn
giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời
chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một
bên, Tôn giả Anuruddha nói với Tôn giả Sàriputta :
- Thưa Tôn giả Sàriputta, với
thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn
chấn là tinh tấn của tôi ; không có thụ động, niệm được an trú,
không có thất niệm ; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt ; tâm được
định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi
các lậu hoặc, không có không chấp thủ.
2. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả
suy nghĩ như sau : "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể
nhìn một ngàn thế giới". Đây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền
giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau : "Phấn chấn là tinh tấn
của tôi ; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm ;
tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt ; tâm được định tĩnh nhất tâm",
đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy
nghĩ như sau : "Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các
lậu hoặc, không có không chấp thủ" ; đây là hối quá của Hiền giả.
Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba
pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.
3. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau môt thời
gian, sau khi đoạn trừ ba pháp này, sau khi không tác ý ba pháp này, chú tâm
vào giới bất tử. Rồi Tôn giả Anuruddha sống một mình, an tịnh, không
phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một
thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với
thắng trí, sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Vị ấy chứng
tri : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm,
không còn trở lui trạng thái này nữa. Tôn giả Anuruddha trở thành một vị
A-la-hán nữa.
CHE GIẤU
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp
này được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba ?
Sở hành của nữ nhân, này các Tỷ-kheo,
được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Chú thuật của
Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ.
Tà kiến, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển
lộ.
2. Này các Tỷ-kheo, ba pháp này
chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trăng,
này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn
của mặt trời, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che
giấu. Pháp luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ-kheo, chói
sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Ba pháp này chói sáng, được hiển
lộ, không có che giấu
130. CHỮ VIẾT TRÊN ĐÁ, TRÊN ĐẤT,
TRÊN NƯỚC
1. - Có ba hạng người này, này
các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ? Hạng người
như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người
như chữ viết trên nước
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng
người như chữ viết trên đá ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này
các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa
mau chóng, được tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây
có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu
dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết
trên đá.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
hạng người như chữ viết trên đất ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không tiếp tục lâu dài.
Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa
mau chóng, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây
có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp
tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ
được viết trên đất.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
hạng người như chữ viết trên nước ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu
có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện,
và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên nước được mau chóng
biến mất, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người
dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu
có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện,
và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ
được viết trên nước.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
có mặt, xuất hiện ở đời.
XIV. PHẨM KẺ CHIẾN SĨ
KẺ CHIẾN SĨ
1. - Đầy đủ ba đức tánh, này
các Tỷ-kheo, một kẻ chiến sĩ xứng đáng cho vua sử dụng, thuộc sở hữu
nhà vua, là biểu tượng của vua.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẽ chiến
sĩ là người bắn xa, bắn như chớp nhoáng và đâm thủng được vật lớn.
Đầy đủ ba đức tánh này, này các Tỷ-kheo, một kẻ chiến sĩ xứng đáng
cho vua sử dụng, thuộc sở hữu nhà vua, là biểu tượng của vua.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đầy
đủ ba đức tánh, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng,
đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng
ở đời. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
là kẻ bắn xa, bắn như chớp nhoáng và đâm thủng được vật lớn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo bắn xa ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc
thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy
thấy như thật với chánh trí tuệ rằng : "Cái này không phải của
tôi, cái này không phải của tôi, cái này không phải tự ngã của
tôi".
Phàm có cảm thọ gì, quá khứ, vị
lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng,
hoặc xa hay gần, tất cả cảm thọ, vị ấy thấy như thật với chánh
trí tuệ rằng : "Cái này không phải của tôi, cái này không phải của
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm có tưởng gì, quá khứ, vị
lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng,
hoặc xa hay gần, tất cả tưởng, vị ấy thấy như thật với chánh trí
tuệ rằng : "Cái này không phải của tôi, cái này không phải của
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm có các hành gì, quá khứ, vị
lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng,
hoặc xa hay gần, tất cả các hành, vị ấy thấy như thật với chánh trí
tuệ rằng : "Cái này không phải của tôi, cái này không phải của
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm có thức gì, quá khứ, vị
lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng,
hoặc xa hay gần, tất cả các thức, vị ấy thấy như thật với chánh
trí tuệ rằng : "Cái này không phải của tôi, cái này không phải của
tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
như thật tuệ tri : "Đây là khổ", như thật tuệ tri : "Đây
là khổ tập" ; như thật tuệ tri : "Đây là khổ diệt" ; như
thật tuệ tri : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" ; Như vậy,
này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo đâm thủng vật lớn ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
đâm thủng vô minh uẩn to lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đâm
thủng vật to lớn. Đầy đủ ba đức tánh này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường,
đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
HỘI CHÚNG
- Này các Tỷ-kheo, có ba hội chúng
này. Thế nào là ba ?
Hội chúng điêu luyện về khoa trương,
hội chúng điêu luyện về chất vấn, hội chúng điêu luyện về tuỳ theo
sở thích. Này các Tỷ-kheo, có ba hội chúng này.
133. BẠN
- Này các Tỷ-kheo, có đầy đủ ba
đức tánh, một người bạn cần được thân cận. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
cho điều khó cho, làm điều khó làm, nhẫn điều khó nhẫn. Này các Tỷ-kheo,
đầy đủ ba đức tánh, một người bạn cần được thân cận.
134. XUẤT HIỆN
1. - Này các Tỷ-kheo, dầu các Như
Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú
tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là : "Tất cả
các hành là vô thường". Vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh
giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị,
phân biệt, hiển thị : "Tất cả các hành là vô thường".
2. Này các Tỷ-kheo, dầu các Như
Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú
tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là : "Tất cả
các hành là khổ". Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác
ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị,
phân biệt, hiển thị : "Tất cả các hành là khổ".
3. Này các Tỷ-kheo, dầu các Như
Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú
tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là : "Tất cả
các pháp là vô ngã". Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh
giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết
giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị : "Tất
cả các pháp là vô ngã".
35. MỀN BẰNG TÓC
1. - Ví như, này các Tỷ-kheo, trong
tất cả loại vải được dệt, mền được dệt bằng tóc được xem là
hạ liệt nhất. Mền được dệt bằng tóc, này các Tỷ-kheo, khi trời lạnh
thì lạnh, khi trời nóng thì nóng, xấu xí, có mùi hôi, xúc chạm khó chịu.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các chủ thuyết của các Sa-môn ngoại đạo
tuyên bố, chủ thuyết của Makkhali được xem là hèn hạ nhất. Này các Tỷ-kheo,
Makkhali, kẻ ngu si có thuyết như sau : "Không có nghiệp, không có kết
quả của nghiệp, không có tinh tấn".
2. Này các Tỷ-kheo, những ai là
các vị A-la-hán trong thời quá khứ, các vị Chánh Đẳng Giác, các bậc Thế
Tôn ; các vị ấy đều chủ trương có nghiệp, đều chủ trương có nghiệp
quả, đều chủ trương có tinh tấn. Nhưng này các Tỷ-kheo, chỉ có
Makkhali, kẻ ngu si nói phản lại tất cả : "Không có nghiệp, không có
kết quả của nghiệp, không có tinh tấn".
3. Này các Tỷ-kheo, những ai là
các vị A-la-hán trong thời vị lai, các vị Chánh Đẳng Giác, các bậc Thế
Tôn ; các vị ấy đều chủ trương có nghiệp, đều chủ trương có nghiệp
quả, đều chủ trương có tinh tấn. Nhưng này các Tỷ-kheo, chỉ có
Makkhali, kẻ ngu si nói phản lại tất cả : "Không có nghiệp, không có
kết quả của nghiệp, không có tinh tấn".
Còn Ta, này các Tỷ-kheo, nay là bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác cũng chủ trương có nghiệp, chủ trương có nghiệp
quả, chủ trương có tinh tấn. Nhưng này các Tỷ-kheo, chỉ có Makkhali, kẻ
ngu si nói phản lại tất cả : "Không có nghiệp, không có kết quả của
nghiệp, không có tinh tấn".
5. Ví như, này các Tỷ-kheo, tại cửa
sông, có người đặt một cái sập bẫy cá đem đến bất hạnh, đau khổ,
tổn hại cho các loại cá. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Makkhali, kẻ ngu si
xuất hiện ở đời như cái bẫy sập người, đem lại bất hạnh, đau khổ,
tổn hại, nguy hại cho nhiều loài hữu tình.
136. THÀNH TỰU TĂNG TRƯỞNG
- Này các Tỷ-kheo, có ba sự thành
tựu này. Thế nào là ba ?
Thành tựu về tín, thành tựu về
giới, thành tựu về tuệ. Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba sự thành tựu.
Này các Tỷ-kheo, có ba sự tăng
trưởng. Thế nào là ba ?
Tăng trưởng về tín, tăng trưởng
về giới, tăng trưởng về tuệ. Này các Tỷ-kheo, ba pháp này là ba tăng
trưởng.
137. NGỰA CHƯA ĐƯỢC ĐIỀU PHỤC
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng
về ba loại ngựa chưa được điều phục và Ta sẽ giảng về ba hạng người
chưa được điều phục. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn, Thế Tôn nói như sau :
- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
ba loại ngựa chưa được điều phục ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại
ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không
có cân đối : bề cao, chu vi, bề ngoài. Nhưng ở đây, có loại ngựa chưa
được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có
tốc lực, có sắc đẹp, và cân đối. Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là
ba loại ngựa chưa được điều phục.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
hạng người chưa được điều phục ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp,
không có cân đối. Nhưng ở đây, có hạng người chưa được điều phục,
có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Nhưng ở đây, này
các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc
đẹp, và cân đối. Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa
được điều phục.
2. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng
người chưa được điều phục, có tốc lực, người không có sắc đẹp,
không có cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
như thật rõ biết : "Đây là khổ" ; như thật rõ biết : "Đây
là khổ tập" ; như thật rõ biết : "Đây là khổ diệt" ; như
thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" ; Đây
Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng
luật, vị ấy lại ngập ngừng không có trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa
không có sắc đẹp. Vị ấy không có chấp nhận được các đồ tư dụng,
như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta
nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người
chưa có điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân
đối.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp,
nhưng không cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
như thật rõ biết : "Đây là khổ" ; như thật rõ biết : "Đây
là khổ tập" ; như thật rõ biết : "Đây là khổ diệt" ; như
thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" ; Đây
Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng
luật, vị ấy trả lời là không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có
sắc đẹp. Vị ấy không có chấp nhận được các đồ tư dụng, như y
áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói
trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có
điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
4. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có
cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
như thật rõ biết : "Đây là khổ" ; như thật rõ biết : "Đây
là khổ tập" ; như thật rõ biết : "Đây là khổ diệt" ; như
thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" ; Đây
Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng
luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa
có sắc đẹp. Vị ấy có chấp nhận được các đồ tư dụng, như y áo,
đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa
có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có điều phục, có
tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các Tỷ-kheo,
là ba hạng người chưa có cân đối.
138. NGỰA ĐƯỢC ĐIỀU PHỤC
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng
về ba loại ngựa được điều phục và Ta sẽ giảng về ba hạng người
chưa được điều phục. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn, Thế Tôn nói như sau :
- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
ba loại ngựa được điều phục ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại
ngựa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không
có cân đối. Nhưng ở đây, có loại ngựa được điều phục, có tốc lực,
có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo,
có loại ngựa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, và cân đối.
Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là ba loại ngựa được điều phục.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
ba hạng người được điều phục ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không
có cân đối. Nhưng ở đây, có hạng người được điều phục, có tốc
lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo,
có hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, và cân
đối. Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa được điều
phục.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
hạng người được điều phục, có tốc lực, người không có sắc đẹp,
không có cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy được
nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời ấy nữa. Đây Ta nói trong
nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng luật, vị
ấy ngập ngừng, vị ấy không có trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa không
có sắc đẹp. Vị ấy không chấp nhận được các đồ tư dụng, như y
áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói
trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người
được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân
đối.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không
có cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy được
nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời ấy nữa. Đây Ta nói trong
nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng luật, vị
ấy trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị
ấy không chấp nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực,
sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực,
có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối
?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy được
nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời ấy nữa. Đây Ta nói trong
nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng luật, vị
ấy trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị
ấy chấp nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng
tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy,
này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc
đẹp, có cân đối.
Những hạng người này, này các Tỷ-kheo,
là ba hạng người được điều phục.
139. CÁC LOẠI NGỰA THUẦN THỤC
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết
giảng về ba loại ngựa hiền thiện, thuần thục, ba hạng người hiền
thiện, thuần thục. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
loại ngựa hiền thiện, thuần thục ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại
ngựa hiền thiện, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa hiền thiện, có tốc lực, có sắc
đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa
hiền thiện, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những loại này,
này các Tỷ-kheo, là ba loại ngựa hiền thiện, thuần thục.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
hạng người hiền thiện, thuần thục ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp,
không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện,
thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây,
này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực,
có sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là
ba hạng người hiền thiện, thuần thục.
2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, nhưng không có sắc
đẹp, không có cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí
chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp
và thắng luật, vị ấy ngập ngừng không trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa
không có sắc đẹp. Vị ấy không chấp nhận được các đồ tư dụng,
như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta
nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người
hiền thiện, thần thục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có
cân đối.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp,
nhưng không có cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí
chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp
và thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói
trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy không chấp nhận được các đồ tư dụng,
như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta
nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người
hiền thiện, thần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân
đối.
4. Như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, có
cân đối ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí
chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp
và thắng luật, vị ấy ngập ngừng không trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa
có sắc đẹp. Vị ấy chấp nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ
ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa có
cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thần
thục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
là ba hạng người hiền thiện, thuần thục.
140. MORANIVÀPA
1. Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha
tại Moranivàpa. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn, Thế Tôn nói như sau :
- Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo đạt đến tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ
ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng giữa chư Thiên
và loài Người. Thế nào là ba ? Với vô học giới uẩn, với vô học định
uẩn, với vô học tuệ uẩn, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị
Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ ách, tột
cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng giữa chư Thiên và loài
Người
2. Đầy đủ với ba pháp này, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi
các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng giữa
chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba ?
Với thần biến thần thông, với
ký thuyết thần thông, với giáo giới thần thông ; đầy đủ với ba pháp
này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn
khỏi các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng
giữa chư Thiên và loài Người
3. Đầy đủ với ba pháp này, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi
các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng giữa
chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba ?
Với chánh tri kiến, với chánh
trí, với chánh giải thoát, đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một
Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ ách, tột
cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng giữa chư Thiên và loài
Người.
XV. PHẨM CÁT TƯỜNG
141. KHÔNG THIỆN
- Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba ?
Với thân không làm thiện, với lời
nói không thiện, với ý nghĩ không thiện, đầy đủ ba pháp này, này các
Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, được sanh lên cõi trời. Thế nào là ba ?
Với thân làm thiện, với lời nói
thiện, với ý nghĩ thiện, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương
xứng như vậy, được sanh lên cõi trời.
142. CÓ PHẠM TỘI
- Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba ?
Với thân làm có tội, với lời
nói có tội, với ý nghĩ có tội, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, được sanh lên cõi trời. Thế nào là ba ?
Với thân làm không có tội, với lời
nói không có tội, với ý nghĩ không có tội, đầy đủ ba pháp này, này
các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, sanh lên cõi Trời.
143. KHÔNG THĂNG BẰNG
(Như kinh trên, chỉ khác là không
thăng bằng và thăng bằng)
BẤT TỊNH
(Như kinh trên, chỉ khác là bất tịnh
và tịnh)
MẤT GỐC (1)
- Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
kẻ ngu si, không thông minh, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như
kẻ mất gốc, bị thương tích, có phạm tội, bị người trí quở trách,
làm nhiều điều vô phước. Thế nào là ba ?
Với thân không làm thiện, với lời
nói không thiện, với ý nghĩ không thiện, đầy đủ ba pháp này, này các
Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử
sự như kẻ mất gốc, bị thương tích, có phạm tội, bị người trí quở
trách, làm nhiều điều vô phước.
Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
bậc Hiền sĩ thông minh, là bậc Chân nhân, không tự mình xử sự như kẻ
mất gốc, không bị thương tích, không có phạm tội, không bị người trí
quở trách, làm nhiều điều phước lành. Thế nào là ba ?
Với thân làm thiện, với lời nói
thiện, với ý nghĩ thiện, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền
sĩ không thông minh, là bậc Chân nhân, không tự mình xử sự như kẻ mất
gốc, không bị thương tích, không có phạm tội, không bị người trí quở
trách, làm nhiều điều phước lành.
MẤT GỐC (2)
(Như kinh trên, chỉ khác là có phạm
tội, không phạm tội) …
147. MẤT GỐC (3)
(Như kinh trên, chỉ khác là có thăng
bằng, không thăng bằng) …
MẤT GỐC (4)
(Như kinh trên, chỉ khác là bất tịnh,
và tịnh) …
KÍNH LỄ
- Này các Tỷ-kheo, có ba loại kính
lễ này. Thế nào là ba ?
Với thân, với lời nói, với ý,
các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba loại kính lễ.
150. BUỔI SÁNG TỐT ĐẸP
- Các loại hữu tình nào, này các
Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ
điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng
tốt đẹp. Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân
làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu
tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp. Các loại hữu
tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời
nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo,
có một buổi chiều tốt đẹp.
Vầng sao lành, điều lành
Rạng đông lành, dậy lành
Sát-na lành, thời lành
Cúng dường bậc Phạm hạnh
Thân nghiệp chánh, lời chánh
Ý nghiệp chánh, nguyện chánh
Làm các điều chơn chánh
Thì được lợi an lạc
Lớn mạnh trong Phật giáo
Hãy không bệnh an lạc
Cùng tất cả bà con.
XVI. PHẨM LÕA THỂ
151. ĐẠO LỘ (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba đạo lộ
này. Thế nào là ba ? Thâm cố đạo lộ, kịch khổ đạo lộ, trung đạo lộ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
thâm cố đạo lộ ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
nói như sau, thấy như sau : "Không có tội lớn trong các dục vọng"
và rơi vào say đắm trong các dục vọng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là
thâm cố đạo lộ.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
kịch khổ đạo lộ ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người
sống lõa thể, sống phóng túng, không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, điều
kiện khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng
lại, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu
cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không
nhận đồ ăn từ ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây
gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối gạo, không nhận đồ ăn
từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai,
không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn
từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận
đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn từ chỗ có ruồi bu,
không ăn cá, thịt, không uống rượu nấu, rượu men, cho đến không uống
cháo. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị
ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống
chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa,
bảy ngày một bữa. Như vậy, vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống,
cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần. Vị ấy ăn rau, ăn cây kê, ăn gạo
sống, ăn gạo rừng, ăn cây lau, ăn bột gạo, ăn bột gạo cháy, ăn bột
vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái
cây rụng để sống. Vị ấy mang vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với
các vải khác, mặc vải tẩm liệm quăng đi, mặc vải lượm từ đống rác,
dùng vỏ cây làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da
con sơn dương đen, mặc vải từ cỏ Kusa bện lại, mặc áo bằng vỏ cây,
mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc
áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống
nhổ râu tóc, là người theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh
thường đứng, không dùng chỗ ngồi, là người ngồi chỏ hỏ, sống theo
hạnh ngồi chỏ hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường,
thường ngủ nằm trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh
xuống nước tắm để gột sạch tội lỗi. Như vậy, dưới nhiều hình thức,
vị ấy sống thực hành các hạnh hành hạ, hành khổ thân thể. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là kịch khổ đạo lộ.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
trung đạo ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục, tham
ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ … quán tâm trên tâm … quán
pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp nhục tham
ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là trung đạo. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba đạo lộ.
152. ĐẠO LỘ (2)
- Này các Tỷ-kheo, có ba đạo lộ
này. Thế nào là ba ? thâm cố đạo lộ, kịch khổ đạo lộ, trung đạo lộ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
thâm cố đạo lộ ? (... như kinh trên 151, 1).
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kịch
khổ đạo lộ (như kinh trên 151, 2).
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
trung đạo lộ ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh, không
cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với
mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi
lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm ; với mục đích khiến
cho các thiện pháp từ trước chưa sanh, nay cho sanh khởi, khởi lên ý muốn
cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm ; với mục đích khiến cho các thiện
pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng,
được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố
gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm ; vị ấy tu tập thần túc thông câu hữu
với dục định tinh cần hành, tu tập thần túc thông câu hữu với tư duy
định tinh cần hành ; tu tập tín căn, tu tập tấn căn, tu tập niệm căn,
tu tập định căn, tu tập tuệ căn, tu tập tín lực, tu tập tấn lực, tu
tập niệm lực, tu tập định lực, tu tập tuệ lực, tu tập niệm giác
chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác
chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, tu
tập chánh tri kiến, tu tập chánh tư duy, tu tập chánh ngữ, tu tập chánh
nghiệp, tu tập chánh mạng, tu tập chánh tinh tấn, tu tập chánh niệm, tu tập
chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là trung đạo lộ.
153. SÁT SANH
- Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba ?
Tự mình sát sanh, khích lệ người
khác sát sanh, tùy hỷ sự sát sanh. Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
tương xứng như vậy được sanh thiên giới. Thế nào là ba ?
Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ
người khác từ bỏ sát sanh, tùy hỷ sự từ bỏ sát sanh. Đầy đủ ba pháp
này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, được sanh thiên giới.
154. LẤY CỦA KHÔNG CHO
(Giống như kinh trên, chỉ khác đây
là lấy của không cho) ...
155. TÀ HẠNH TRONG DỤC VỌNG
(Giống như kinh trên, chỉ khác đây
là tà hạnh trong dục vọng) ...
156-162 ...
... (Giống như kinh trên, chỉ khác
tuần tự các pháp sau này : nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác,
nói lời phù phiếm, tham, san, tà kiến ) ...
163. ĐỊNH
- Để thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo,
ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba ?
Không định, vô tướng định, vô
nguyện định. Để thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải
tu tập.
Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến
diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ
bỏ tham, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.
Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến
diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ
bỏ sân ... từ bỏ si ... từ bỏ phẫn nộ ... từ bỏ hận ... từ bỏ giả
dối ... từ bỏ não hại ... từ bỏ tật đố ... từ bỏ xan lẫn ... từ
bỏ man trá ... từ bỏ phản bội ... từ bỏ ngoan cố ... từ bỏ bồng bột
nông nổi ... từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn ... từ bỏ kiêu ... từ
bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các
vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.