- Kinh Tăng Chi Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- 7a
- CHƯƠNG BẢY
- BẢY PHÁP
- I. PHẨM TÀI SẢN
- (I) (1) ĐƯỢC ÁI MỘ (1)
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvathì, Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các
Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý,
không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo. Thế nào
là bảy?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
ưa muốn lợi dưỡng, ưa muốn tôn kính, ưa muốn được tán thán, không xấu
hổ, không sợ hãi, ác dục và tà kiến.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý,
không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo.
4. Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính
trọng, được bắt chước tu tập theo. Thế nào là bảy?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
không ưa muốn lợi dưỡng, không ưa muốn tôn kính, không ưa muốn được
tán thán, có xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và chánh kiến.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính
trọng, được bắt chước tu tập theo.
(II) (2) ĐƯỢC ÁI MỘ (2)
... (như kinh 1, thay hai pháp cuối với
tật đố và xan tham và với không tật đố, không xan tham).
(III) (3) CÁC SỨC MẠNH TÓM TẮT
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy sức
mạnh này. Thế nào là bảy?
2. Tín lực, tấn lực, tàm lực,
quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
Này các Tỷ-kheo, có bảy sức mạnh
này.
Tín lực và tấn lực,
Tàm lực và quý lực,
Niệm lực và định lực,
Tuệ là lực thứ bảy,
Và tuệ lực thứ bảy;
Tỷ-kheo với lực này,
Sống hiền trí an lạc,
Như lý suy tư pháp,
Quán rõ đích trí tuệ,
Như ngọn lửa tàn diệt,
Với tâm được giải thoát.
(IV) (4) CÁC SỨC MẠNH RỘNG THUYẾT
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy sức
mạnh này. Thế nào là bảy?
2. Tín lực, tấn lực, tàm lực,
quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào
là tín lực?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Đây
là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế
Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín lực. Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tấn lực?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, làm
sanh khởi các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, không có bỏ rơi gánh nặng
đối với các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn lực. Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có lòng xấu hổ với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu
hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là tàm lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác,
ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là quý lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm lực?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử đầy đủ niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức nhớ, tùy
niệm những điều làm đã lâu, nói đã lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là niệm lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định lực?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử ly dục, ly các pháp ác bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền
thứ tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định lực. Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là tuệ lực?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập
(quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là tuệ lực.
Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là
bảy pháp.
Tín lực và tấn lực,
Tàm lực và quý lực,
Niệm lực và định lực,
Và tuệ lực thứ bảy;
Tỷ-kheo với lực này,
Sống hiền trí an lạc,
Như lý suy tư pháp,
Quán rõ đích trí tuệ,
Như ngọn lửa tàn diệt,
Với tâm được giải thoát.
(V) (5) CÁC TÀI SẢN TÓM TẮT
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản
này. Thế nào là bảy?
2. Tín tài, giới tài, tàm tài, quý
tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy tài
sản.
Tín lực và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và quý tài,
Và tuệ là tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Được gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
(VI) (6) CÁC TÀI SẢN RỘNG THUYẾT
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản
này. Thế nào là bảy?
2. Tín tài, giới tài, tàm tài, quý
tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Đây
là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là tín tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm
tài?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý
nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp các, bất thiện. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là tàm tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý tài?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác,
ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là quý tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã
nghe, những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ,
đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; những pháp
ấy, vị ấy nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần,
chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là văn tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với
bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích
san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là tuệ tài?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh
đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập
(quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là tuệ tài.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy
tài sản.
Tín lực và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ, tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Được gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
(VII) (7) UGGA
1. Bấy giờ Ugga, vị Đại thần của
vua đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, Ugga, vị đại thần của vua, bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế
Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến
như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra
Rohaneyyo!
- Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có
đến mức nào, đại phú đến mức nào, tài sản nhiều đến mức nào?
- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến
trăm ngàn, còn nói gì về bạc!
- Này Ugga, đây có thể là tài sản
chăng? Không phải Ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản
ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự,
thù địch. Bảy tài sản này, này Ugga không bị lửa, nước, vua chúa, ăn
trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài,
giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Bảy loại tài sản
này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự,
thù địch chi phối.
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ, tài thứ bảy;
Ai có tài sản này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Người ấy là đại phú
Thiên nhân giới khó thắng
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
(VIII) (8) CÁC KIẾT SỬ
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy kiết
sử này. Thế nào là bảy?
2. Tùy tham kiết sử, kiến kiết sử,
nghi kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử.
Này các Tỷ-kheo có bảy kiết sử
này.
(IX) (9) ĐOẠN TÂώ
1. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận,
do cắt đứt bảy kiết sử, Phạm hạnh được sống. Thế nào là bảy?
2. Do đoạn tận, cắt đứt tùy
tham kiết sử, Phạm hạnh được sống... sân kiết sử... kiến thiết sử...
nghi kiết sử... mạn kiết sử... hữu tham kiết sử... do đoạn tận, do cắt
đứt vô minh kiết sử, Phạm hạnh được sống.
Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận, cắt
đứt bảy kiết sử này, Phạm hạnh được sống. Này các Tỷ-kheo, khi
nào Tỷ-kheo đã đoạn tận tùy tham kiết sử, cắt đứt từ gốc rễ, làm
cho như thân cây sà la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi
trong tương lai, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát
ái, đã giải tỏa kiết sử, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn
tận khổ đau.
(X) (10) XAN THAM
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy kiết
sử này. Thế nào là bảy?
2. Tùy tham kiết sử, sân kiết sử,
kiến kiết sử, nghi kiết sử, mạn kiết sử, tật đố kiết sử, xan tham
kiết sử.
Này các Tỷ-kheo, có bảy kiết sử
này.
II. PHẨM TÙY MIÊN
(I) (11) TÙY MIÊN (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy
niệm. Thế nào là bảy?
2. Dục tham tùy miên, sân tùy miên,
kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy
miên.
Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy miên
này.
(II0 (12) TÙY MIÊN (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận,
do cắt đứt bảy tùy miên, Phạm hạnh được sống. Thế nào là bảy?
2. Do đoạn tận, do cắt đứt dục
tham tùy miên, Phạm hạnh được sống... sân tùy miên... kiến tùy miên..
nghi tùy miên... mạn tùy miên... hữu tham tùy miên... do đoạn tận, do cắt
đứt vô minh tùy miên, Phạm hạnh được sống.
3. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận,
cắt đứt bảy tùy miên này, Phạm hạnh được sống. Này các Tỷ-kheo,
khi nào Tỷ-kheo nào đoạn tận dục tham tùy miên... vô minh tùy miên, cắt
đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây sàla, làm cho không thể tái sanh,
làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, này các Tỷ-kheo, đây gọi là
Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa tùy miên, với chơn chánh
hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
(III) (13) GIA ĐÌNH
1. - Này các Tỷ-kheo, gia đình nào
thành tựu bảy chi phần; nếu chưa đến thăm, thời không xứng đáng để
đi đến, nếu đã đến thăm, thời không xứng đáng để ngồi xuống. Thế
nào là bảy?
2. Không vui vẻ đứng dậy, không
vui vẻ chào đón, không vui vẻ mời ngồi; có chỗ ngồi đem giấu đi; từ
nhiều họ chí ít, từ đồ thù thắng, họ cho đồ thô xấu; họ cho không
có kính trọng, không có kính lễ.
Này các Tỷ-kheo, gia đình nào
thành tựu bảy chi phần này; nếu chưa đến, thời không xứng đáng để
đến; nếu đã đến, thời không xứng đáng để đến; nếu đã đến, thời
không xứng đáng để ngồi xuống.
(IV) (14) CÁC HẠNG NGƯỜI
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng
người đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường,
đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là
bảy?
2. Câu phần giải thoát, tuệ giải
thoát, thân chứng kiến, kiến chí, tín giải thoát, tùy pháp hành, tùy tín
hành.
Bảy hạng người này, này các Tỷ-kheo,
đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường,
đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
(V) (15) VÍ DỤ NƯỚC
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng
người được ví dụ với nước, có mặt hiện hữu ở đời. Thế pháp
là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người lặn một lần rồi chìm luôn; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sau khi nổi lên, lại chìm xuống; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sau khi nổi lên, được đứng lại; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sau khi nổi lên, lại nhìn và thấy; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sau khi nổi lên lại bơi tới; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sau khi nổi lên, đạt được chỗ có chân đứng; ở đây, này các
Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, sau khi bơi qua đến được bờ bên
kia, lên đứng trên đất liền, là một vị Bà-la-môn. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là hạng người, lặn một lần rồi chìm luôn?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người hoàn toàn thành tựu với các pháp đen, bất thiện. Như vậy, này
các Tỷ-kheo, là hạng người lặn một lần rồi chìm luôn. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là hạng người sau khi nổi lên lại chìm xuống?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người nổi lên và suy nghĩ: "Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp!
Lành thay, lòng xấu hổ... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn...
Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!" Lòng tin ấy của vị đo không
an trú, không tăng trưởng, bị giảm thiểu. Lòng xấu hổ đó của vị ấy...
lòng sợ hãi đó của vị ấy... sự tinh tấn đó của vị ấy... Trí tuệ
đó của vị ấy không an trú, không tăng trưởng, bị giảm thiểu.
Như vậy, này các Tỷ-kheo là hạng
người sau khi nổi lên, lại chìm xuống. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người nổi lên và suy nghĩ như sau: "Lành thay, lòng tin trong các thiện
pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự
tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!" Lòng tin đó của
vị ấy không giảm thiểu, không tăng trưởng, được đứng lại, lòng hổ
thẹn của vị ấy... lòng sợ hãi đó của vị ấy... sự tinh tấn đó của
vị ấy... trí tuệ đó của vị ấy không giảm thiểu, không tăng trưởng,
được đứng lại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi
lên, được đứng lại. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau
khi nổi lên, lại và nhìn thấy?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người nổi lên và suy nghĩ: "Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp!
Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn...
Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!" Vị ấy, sau khi đoạn diệt
ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng
ngộ Bồ đề. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên,
nhìn và thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên,
lại bơi tới?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người nổi lên và suy nghĩ: "Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp!
Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn...
Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!" Vị ấy, sau khi đoạn diệt
ba kiết sử, sau khi làm muội lược tham sân si, là bậc Nhất Như Lai, còn
trở lui đời này một lần nữa rồi đoạn tận khổ đau. Như vậy, này
các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại bơi tới. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại đạt được chân đứng?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người nổi lên và suy nghĩ: "Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp!
Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn...
Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!" Vị ấy, sau khi đoạn diệt
năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không
trở lui trạng thái ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi
nổi lên, đã đạt chân đứng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người
sau khi nổi lên đã bơi qua, đạt đến bờ bên kia, đứng trên đất liền
bậc Bà-la-môn?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người nổi lên và suy nghĩ: "Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp!
Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn...
Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!" Vị ấy, sau khi đoạn diệt các
lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng
đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này
các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên đã bơi qua, đã đến bờ bên
kia, đã đứng trên đất liền, là bậc Bà-la-môn.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy hạng
người được ví dụ với nước, có mặt, hiện hữu ở đời.
(VI) (16) KHÔNG THƯỜNG XUYÊN
1. - Có bảy hạng người này, này
các Tỷ-kheo, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được
chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, có hạng người sống tùy
quán vô thường trong tất cả hành, tưởng vô thường, cảm thọ vô thường,
trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải
với tuệ thể nhập. Vị ấy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc... sau
khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người
thứ nhất đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng
dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở
đây có hạng người sống tùy quán vô thường... với tuệ thể nhập. Với
vị ấy, sự chấm dứt các lậu hoặc và sự chấm dứt sinh mạng xảy đến
một lần, không trước không sau. Đây là hạng người thứ hai, này các Tỷ-kheo...
vô thượng ở đời.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở
đây có hạng người sống tùy quán vô thường... với tuệ thể nhập. Vị
ấy, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Niết-bàn...
chứng được Tổn hại Niết-bàn... chứng được Vô hành Niết-bàn... chứng
được Hữu hành Niết-bàn... chứng được Thượng lưu, đạt được Sắc
cứu cánh. Đây là hạng người thứ bảy, này các Tỷ-kheo, đáng được
cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được
chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Bảy hạng người này, này các Tỷ-kheo,
đáng được cung kính... vô thượng ở đời.
(VII) (17) KHỔ, VÔ NGÃ, TỊCH TỊNH
1. - Có bảy hạng người này, này
các Tỷ-kheo, đáng được cung kính... ở đời. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng
người sống tùy quán khổ trong tất cả các hành... sống tùy quán vô ngã
trong tất cả các pháp... sống tùy quán lạc trong Niết-bàn, tưởng lạc,
cảm thọ lạc trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm
thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy với sự đoạn diệt các lậu
hoặc... sau khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Đây là hạng người thứ
nhất đáng được cung kính... là ruộng phước vô thượng ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở
đây có hạng người sống tùy quán lạc trong Niết-bàn, tưởng lạc cảm
thọ lạc, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng
giải, với tuệ thể nhập. Với vị ấy, sự chấm dứt các lậu hoặc và
sự chấm dứt sinh mạng xảy đến một lần, không trước không sau. Đây
là hạng người thứ hai đáng được cung kính... là ruộng phước vô thượng
ở đời.
4. Lại nữa , này các Tỷ-kheo, ở
đây có hạng người sống quán lạc trong Niết-bàn, tưởng lạc, cảm thọ
lạc trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng
giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử,
chứng được Trung gian Niết-bàn..., chứng được Tổn hại Niết-bàn... chứng
được Vô hành Niết-bàn... chứng được Hữu hành Niết-bàn... chứng được
Thượng lưu, đạt được Sắc cứu cánh. Đây là hạng người thứ bảy,
này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính... là ruộng phước vô thượng ở
đời.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy hạng
người ở đời đáng được cung kính... là ruộng phước vô thượng ở
đời.
(VIII) (18) SỰ THÙ DIỆU
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy sự
thù diệu này. Thế nào là bảy?
2. Ở đây , này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
tha thiết hành trì học pháp; tha thiết quán Pháp và trong tương lai khát vọng
nhiếp phục lòng dục, và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục;
tha thiết Thiền tịnh, khát vọng Thiền tịnh trong tương lai; tha thiết
tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết
niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri
kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy căn
bản để được tán thán.
III. PHẨM VAJJÌ (BẠT KỲ)
(I) (19) TÀI SÀRANDADA
1. Như vậy , Thế Tôn trú ở giữa
dân chúng Vajjì, tại điện thờ Sàrandada. Bấy giờ có nhiều người
Licchavì đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống
một bên. Thế Tôn nói với các người Licchavì đang ngồi một bên:
- Này các Licchavì, Ta sẽ giảng cho
các Ông bảy pháp không làm cho suy giảm, Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ,
Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các người Licchavì ấy vâng đáp
Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Licchavì, thế nào
là bảy pháp không làm cho suy giảm? Này các Licchavì, khi nào dân vajjì thường
hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Licchavì, dân
Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào
dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, này các Licchavì, dân Vajjì được
lớn mạnh , không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajjì
tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cùng dường vác bậc trưởng lão Vajjì
và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được lớn
mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân Vajjì không bắt
cóc và cưỡng ép những phụ nữ, thiếu nữ Vajjì phải sống với mình,
thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ,
cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành,
không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước đúng với quy pháp, thời
này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này
các Licchavì, khi nào dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị
A-la-hán ở tại Vajjì, khi các vị A-la-hán đã đến được sống an lạc,
thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Và này các Licchavì, cho đến khi nào
bảy pháp không làm suy giảm này được tồn tại giữa dân Vajjì, khi nào
dân chúng Vajjì sẽ được thấy giữa bảy pháp không làm suy giảm này, thời
này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(II) (20) VASSAKÀRA
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở
Ràjagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ,
Ajàtasattu, con bà Videhi vua nước Magadha muốn chinh phạt dân chúng Vajjì.
Vua nói như sau:
- Ta quyết chinh phạt dân Vajjì
này, dầu họ có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajjì. Ta sẽ
tiêu diệt dân Vajjì. Ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vong.
Rồi Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước
Magadha nói với Bà-la-môn Vassakàra, đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế
Tôn, và nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có ít bệnh,
ít não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: "Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu con
bà Videhi, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài
ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú". Và khanh bạch tiếp: "Bạch Thế
Tôn, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha muốn chinh phạt dân Vajjì.
Vua tự nói: "Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dầu họ có uy quyền,
có hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajjì bị hoại vong". Thế Tôn trả
lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Như Lai
không bao giờ nói không như thật.
- Tâu Đại vương, xin vâng.
Bà-la-môn Vassakàra, đại thần nước
Magadha vâng theo lời dạy của Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, cho
thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với
các cỗ xe ấy đi ra khỏi Vương Xá, đến tại núi Linh Thứu, đi xe đến
chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn; sau khi
đến, liền nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakàra, đại thần nước Magadha bạch
Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, Ajàtasattu,
con bà Videhi, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn
an Ngài có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú. Thưa Tôn giả Gotama,
Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha muốn chinh phạt dân xứ Vajjì, vua
tự nói: "Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dù họ có uy quyền, có
hùng mạnh. Ta quyết làm c3 dân Vajjì. Ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì. Ta sẽ
làm cho dân Vajjì bị hoại vong".
2. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ànanda đứng
quạt phía sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ànanda:
- Này Ànanda, Thầy có nghe dân
Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
- Này Ànanda, khi nào dân Vajjì thường
hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ànanda , dân Vajjì
sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ànanda, Thầy có biết dân
Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và
làm việc trong niệm đoàn kết không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
chúng Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết
và làm việc trong niệm đoàn kết.
- Này Ànanda, khi nào dân Vajjì tụ
họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc
trong niệm đoàn kết, thời này Ànanda, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không
bị suy giảm. Này Ànanda, Thầy có nghe dân Vajjì không ban hành những luật
lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành,
sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thời xưa không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
Vajjì không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ
những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của
dân Vajjì thuở xưa.
- Này Ànanda, khi nào dân Vajjì
không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những
luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân
Vajjì như đã ban hành thuở xưa, thời này Ànanda, dân Vajjì sẽ được cường
thịnh, không bĩ suy giảm. Này Ànanda, Thầy có nghe dân Vajjì tôn sùng,
kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì, và nghe
theo lời dạy của những vị này không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão
Vajjì, và nghe theo lời dạy của những vị này.
- Này Ànanda, khi nào dân Vajjì tôn
sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì, và
nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được cường
thịnh, không bị suy giảm. Này Ànanda, Thầy có nghe dân Vajjì không bắt
cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải cứu sống với
mình không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì
phải sống với mình.
- Này Ànanda, khi nào có bắt cóc
và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình, thời
này Ànanda, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ànanda
Thầy có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự
miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các
cùng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp
không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của
Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã
cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
- Này Ànanda, khi nào dân Vajjì tôn
sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh
thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước,
đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời này Ànanda, dân Vajjì sẽ được
lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ànanda Thầy có nghe dân Vajjì bảo hộ,
che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì, khiến các vị
A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được
sống an lạc không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân
Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại
Vajjì, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị
A-la-hán đã đến được sống an lạc.
- Này Ànanda, khi nào dân Vajjì bảo
hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì, khiến
các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã
đến được sống an lạc, thời này Ànanda, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh,
không bị suy giảm.
3. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn
Vassakàra đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, một thời, Ta sống
ở Vesàli, tại tự miến Sàrandada, Ta dạy cho dân Vajjì bảy pháp không bị
suy giảm này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp không bị suy giảm, được
duy trì giữa dân Vajjì, khi nào dân Vajjì được giảng dạy bảy pháp
không bị suy giảm này, thời này Bà-la-môn, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh,
không bị suy giảm.
4. Khi được nói vậy, Bà-la-môn
Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nếu dân
Vajjì chỉ hội đủ một pháp không bị suy giảm này, thời dân Vajjì nhất
định được lớn mạnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ các bảy
pháp không bị suy giảm. Thưa Tôn giả Gotama, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước
Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận, trừ phi dùng ngoại
giao hay kế ly gián. Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có
nhiều việc và có nhiều bổn phận.
- Này Bà-la-môn, hãy làm những gì
Ông nghĩ là hợp thời.
Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại
thần nước Magadha hoan hỷ tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi
đứng dậy và ra đi.
(III) (21) VỊ TỶ-KHEO
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Vương
Xá, tại núi Linh Thứu (Gijjhakùta). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Có bảy pháp không bị suy giảm,
này các Tỷ-kheo. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào
là bảy pháp không bị suy giảm? Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thường
hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỷ-kheo, chúng
Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nà chúng Tỷ-kheo
tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc
Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ
được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những
luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban
hành, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị
suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo Thượng tọa,
những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc
cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo những lời dạy
của những vị này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn
mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác,
thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy
giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ
được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến
muốn đến ở. Và các bạn đồng tu thiện chú đã đến ở được sống
an lạc, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không
bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp
không làm suy giảm này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo
được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng
Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(IV) (22) CÔNG VIỆC
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp
không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng...
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm
thế sự, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không
bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm
luận, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị
suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không ưa thích ngủ nghỉ, không hoan hỷ ngủ nghỉ, không đam mê ngủ nghỉ,
thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy
giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ,
thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy
giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không có ác dục vọng, không bị chi phối bở các dục vọng, thời này
các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không bè bạn ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành
với các dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn
mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
không dừng ở nửa chừng giữa sự đạt đến những quả vị thấp kém
và những quả vị thù thắng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ
được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp
không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo
được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng
Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(V) (23) TIN TƯỞNG
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp
không bị suy giảm, hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào
là bảy pháp không bị suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tấn, có chánh niệm,
có trí tuệ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh,
không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp
không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo
được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng
Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(VI) (24) GIÁC CHI
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp
không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng... (như trên).
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác
chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu
tập xả giác chi, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh,
không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp
không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo
được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng
Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(VII) (25) TƯỞNG
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp
không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng... (như trên).
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo
tu tập vô thường tưởng, tu tập vô ngã tưởng, tu tập bất tịnh tưởng,
tu tập nguy hại tưởng, tu tập đoạn diệt tưởng, tu tập vô tham tưởng,
tu tập diệt tưởng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn
mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp
không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo
được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng
Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(VIII) (26) HỮU HỌC
1. - Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa đến sự thối đọa cho vị Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là bảy?
2. Ưa thích công việc; ưa thích
nói chuyện: ưa thích ngủ nghỉ; ưa thích hội chúng; các căn không phòng hộ;
ăn uống không tiết độ; khi chúng Tăng có sự việc, tại đấy, Tỷ-kheo
hữu học không có suy tư: "Giữa Tăng chúng có các trưởng lão có nhiều
kinh nghiệm, xuất gia đã lâu năm, gánh vác chức vụ. Họ sẽ được biết
đến vì những chức vụ này", và không có tự mình chuyên tâm.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa vị Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa.
3. Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa Tỷ-kheo hữu học đến không thối đọa. Thế nào là bảy?
4. Không ưa thích công việc; không
ưa thích nói chuyện; không ưa thích ngủ nghỉ; không ưa thích hội chúng;
các căn được phòng hộ; ăn uống có tiết độ; khi chúng Tăng có sự việc,
tại đấy, Tỷ-kheo hữu học có suy tư: "Giữa Tăng chúng, có các trưởng
lão có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu năm, gánh vác chức vụ. Họ sẽ
được biết đến vì những chực vụ này" và có tự mình chuyên
tâm".
(IX) (27) THỐI ĐỌA
1. - Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa một nam cư sĩ đến thối đọa. Thế nào là bảy?
2. Quên, không đến thăm Tỷ-kheo;
phóng túng nghe diệu pháp; không tu tập tăng trưởng giới; ít tin tưởng các
Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm cật nạn,
tìm tòi các khuyết điểm; tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng
chúng; tại đấy phục vụ trước.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa một nam cư sĩ đến thối đọa.
3. Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa một nam cư sĩ đến không thối đọa. Thế nào là bảy?
4. Không quên đến thăm vị Tỷ-kheo;
không phóng túng nghe diệu pháp; tu tập tăng thượng giới; nhiều tin tưởng
đối với các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với
tâm không cật nạn, không tìm tòi các khuyết điểm; không tìm người xứng
đáng cùng dường ngoài Tăng chúng; ở đấy phục vụ trước.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa nam cư sĩ đến không đọa lạc.
Cư sĩ không đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Không đến nghe Thánh pháp,
Không học tậﰠthắng giới,
Ít tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm thích cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Tìm ở ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lại lo phục vụ trước.
Bảy pháp làm suy giảm,
Được khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ chúng,
Diệu pháp bị suy giảm.
Cư sĩ có đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Có đến nghe thuyết pháp,
Có học tập thắng giới,
Có tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm không cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Không tìm ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lo lắng phục vụ trước.
Bảy pháp không suy giảm,
Được khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ chúng,
Diệu pháp không suy giảm.
(X-XII) (28-30) BẤT HẠNH, THỐI ĐỌA
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy bất
hạnh này của người cư sĩ... Này các Tỷ-kheo, có bảy điều may mắn của
người cư sĩ... Này các Tỷ-kheo, có bảy thối đọa này của người cư
sĩ... Này các Tỷ-kheo, có bảy thắng tiến này của người cư sĩ... Thế
nào là bảy?
2. Không quên đến thăm vị Tỷ-kheo;
không phóng túng nghe diệu pháp; tu tập tăng thượng giới, nhiều tin tưởng
đối với các vị Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với
tâm không cật nạn, không tìm tòi các khuyết điểm; không tìm người xứng
đáng cùng dường ngoài Tăng chúng; tại đấy phục vụ trước.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, là
thắng tiến của người cư sĩ.
Cư sĩ không đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Không đến nghe Thánh pháp,
Không học tập thắng giới,
Ít tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm thích cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Tìm ở ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lại lo phục vụ trước.
Bảy pháp làm suy giảm,
Được khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ họ,
Diệu pháp bị suy giảm.
Cư sĩ có đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Có đến nghe thuyết pháp
Có học tập thắng giới,
Có tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm không cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Không tìm ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lo lắng phục vụ trước.
Bảy pháp không suy giảm,
Được khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ chúng,
Diệu pháp không suy giảm.
IV. PHẨM CHƯ THIÊN
(I) (31) KHÔNG PHÓNG DẬT
1. Bấy giờ có một Thiên nhân, sau
khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana
đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
Đứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:
- Có bảy pháp này, bạch Thế Tôn,
không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo
Sư, tôn kính Pháp; tôn kính chúng Tăng; tôn kính học tập; tôn kính định;
tôn kính không phóng dật; tôn kính nghinh đón. Bảy pháp này, bạch Thế
Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc.
Thiên nhân ấy nói như vậy. Bậc
Đạo Sư chấp nhận. Rồi Thiên nhân ấy với ý nghĩ: "Bậc Đạo Sư
đã chấp nhận ta", thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại
chỗ.
2. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã
qua, liền bảo các vị Tỷ-kheo:
- Đêm nay, này các Tỷ-kheo, một
Thiên nhân sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng
toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên.
Đứng một bên, này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy thưa với Ta: "Có bảy
pháp, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy?
Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp;
tôn kính định; tôn kính không phóng dật, tôn kính nghinh đón. Bảy pháp
này bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc". Này các Tỷ-kheo,
Thiên nhân ấy nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng
về Ta, rồi biến mất tại chỗ.
Kính trọng bậc Đạo Sư,
Kính trọng Pháp và Tăng,
Kính trọng định, nhiệt tâm,
Chí thành kính học tập,
Kính trọng không phóng dật,
Chí thành kính nghinh đón,
Không thể bị đọa lạc,
Tỷ-kheo gần Niết-bàn.
(II) (32) XẤU HỔ
1. - Đêm này, này các Tỷ-kheo, một
Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng
toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên,
Thiên nhân ấy thưa với Ta: "Có bảy pháp này, bạch Thế Tôn không
đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn
kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính xấu
hổ, tôn kính sợ hãi. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến
thối đọa". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, nói như vậy
xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
Kính trọng bậc Đạo Sư,
Kính trọng Pháp và Tăng,
Kính trọng định, nhiệt tâm,
Chí thành kính học pháp,
Đầy đủ tàm và quý,
Tùy thuận và tôn kính,
Không thể bị đọa lạc,
Vị ấy gần Niết-bàn.
(III) (33) DỄ NÓI (1)
... (Giống như kinh 32, chỉ khác là
thay thế hai pháp cuối cùng tàm và quý bằng thiện ngôn (dễ nói) và thiện
bằng hữu)...
(IV) (34) DỄ NÓI (2)
1. - Đêm nay, này các Tỷ-kheo, một
Thiên nhân sau khi đêm ấy đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng
toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên.
Đứng một bên, vị ấy thưa với Ta: "Bảy pháp này, bạch Thế Tôn,
không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Đạo
Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn
kính thiện ngôn, tôn kính thiện bằng hữu. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn,
không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy
nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi
biến mất tại chỗ.
2. Được nghe nói vậy, Tôn giả
Sàriputta bạch Thế Tôn:
3. - Lời nói vắn tắt này của Thế
Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như sau: Ở đây, bạch Thế
Tôn, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Đạo Sư, tán thán sự tôn kính bậc
Đạo Sư. Đối với những Tỷ-kheo khác không tôn kính bậc Đạo Sư, vị
ấy khích lệ họ tôn kính bậc Đạo Sư. Đối với những Tỷ-kheo khác
tôn kính bậc Đạo Sư, vị ấy tán thán một cách chơn thật, chơn chánh,
đúng thời. Tự mình tôn kính Pháp... tự mình tôn kính chúng Tăng... tự mình
tôn kính học pháp... tự mình tôn kính thiện ngôn... tôn mình tôn kính thiện
bằng hữu, tán thán sự tôn kính thiện bằng hữu. Đối với những Tỷ-kheo
khác không tôn kính thiện bằng hữu, vị ấy khích lệ họ tôn kính thiện
bằng hữu. Đối với những Tỷ-kheo khác Tôn kính thiện bằng hữu, vị
ấy tán thán một cách chơn thật, chơn chánh, đúng thời. Lời nói vắn tắt
này các Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như vậy.
4. - Lành thay, lành thay, này
Sàriputta! Này Sàriputta, lời nói vắn tắt này của Ta, đã được Thầy hiểu
ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tự
mình tôn kính bậc Đạo Sư... (như trên, với những thay đổi cần thiết)...
một cách chơn thực, chơn chánh, đúng thời. Lời nói vắn tắt này của
Ta, này Sàriputta, cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
(V) (35) BẠN HỮU (1)
1. - Thành tựu bảy chi phần, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn. Thế
nào là bảy?
2. Cho những gì khó cho, làm những
gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của
mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh,
không có khinh rẽ khi tài sản khánh tận.
Thành tựu bảy chi phần này, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn.
Bạn cho điều khó cho,
Làm những điều khó làm,
Kham nhẫn những lời nói,
Thật khó lòng kham nhẫn,
Nói lên bí mật mình,
Che giấu bí mật người,
Bất hạnh, không từ bỏ,
Khánh tận, không chê khinh,
Trong những trường hợp trên,
Tìm được người như vậy,
Với ai cần bạn hữu,
Hãy gần bạn như vậy.
(VI) (36) BẠN HỮU (2)
1. - Thành tựu bảy chi phần, này
các Tỷ-kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần
phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy?
2. Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng
được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu
kín; không có hối thúc những điều không hợp lý.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo là người bạn, cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần
phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.
Khả ái và đáng kính,
Đáng bắt chước, thuyết giả,
Kham nhẫn các lời nói,
Nói những lời thâm sâu,
Không hối thúc ép buộc,
Những điều không hợp lý,
Ai có những pháp này,
Ở đời, người như vậy,
Người ấy là bạn hữu,
Với ai cần bạn hữu,
Người mong muốn lợi ích,
Với lòng từ ai mẫn.
Dầu có bị đuổi xua,
Hãy thân cận bạn ấy.
(VII) (37) VÔ NGẠI GIẢI
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và
an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: "Đây là tâm ta thụ động";
khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: "Nội tâm ta muội lược";
khi nào tâm tán loạn, hướng ngoại". Vị ấy nhận thức được các
thọ khởi lên, nhận thức được các thọ an trú, nhận thức được các
thọ đi đến tiêu diệt; nhận thức được các tưởng khởi lên, nhận thức
được các tưởng an trú, nhận thức được các tưởng tiêu diệt; nhận
thức được các tầm khởi lên, nhận thức được các tầm an trú, nhận
thức được các tầm tiêu diệt. Đối với các pháp thích hợp hay không
thích hợp, đối với các pháp hạ liệt hay thù thắng, đối với các
pháp dự phần đen hay dự phần trắng, vị ấy khéo nắm giữ tướng, khéo
tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt
và an trú bốn vô ngại giải.
3. Thành tựu bảy pháp này, này
các Tỷ-kheo Sàriputta với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và
an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Sàriputta khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: "Đây là tâm ta thụ
động"; khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: "Nội tâm ta
muội lược";... (như trên, số 2,... chứng đạt và an trú bốn vô ngại
giải).
(VIII) (38) ĐIỀU PHỤC
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục. Thế nào
là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định,
thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái của định,
thiện xảo trong cảnh giới của định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục. Thế nào
là bảy?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Sàriputta thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú
định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái về
Thiền định, thiện xảo trong cảnh giới định, thiện xảo trong dẫn phát
đến định.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo,
Sàriputta điều phục tâm và Sàriputta không để mình bị tâm điều phục.
(IX) (39) THÙ DIỆU SỰ (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthì, tại Jetavana, trong khu vườn ông Ànathapindika. Bấy giờ Tôn giả
Sàriputta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvavatthì để khất
thực. Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất
thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo".
Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau
khi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với
các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những
lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
2. Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại
đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên:
"Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn
thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán
thán". Rồi Tôn giả Sàriputta không tùy hủy, không chỉ trích lời nói
của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, từ chỗ
ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ
Thế Tôn".
3. Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi khất
thực ở Sàvatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về,
đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi
sáng, con đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Rồi bạch
Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực
ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo".
Rồi bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau
khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi
thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi, con ngồi
xuống một bên. Lúc bấy giờ, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy
đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư
Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật
là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán". Rồi bạch
Thế Tôn, con không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại
đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và
ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn". Bạch
Thế Tôn, trong Pháp và Luật này, có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được
tán thán, hoàn toàn do đếm số năm chăng?
- Này Sàriputta, trong Pháp, và Luật
này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do
đếm số năm. Bảy sự thù diệu này, này Sàriputta, sau khi với thắng
trí, Ta tự chứng ngộ, chứng đạt, an trú, và tuyên thuyết. Thế nào là
bảy?
4. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo
tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học
pháp; tha thiết quán pháp và trong tương lai khát vọng quán pháp; tha thiết
nhiếp phục lòng dục; tha thiết Thiền tịnh, trong tương lai khát vọng Thiền
tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần
tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha
thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.
Này Sàriputta, bảy thù diệu sự
này được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và
tuyên thuyết.
5. Thành tựu bảy thù diệu sự
này, này Sàriputta, Tỷ-kheo, nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh
viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng
được tán thán!". Nếu trong hai mười bốn năm hành trì Phạm hạnh
viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng
được tán thán!" Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên
mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được
tán thán!". Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn
thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán
thán!"
(X) (40) SỰ THÙ DIỆU (2)
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambì,
tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ànanda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát,
đi vào Kosambì để khất thực. Tôn giả Ànanda suy nghĩ: "Thật là quá
sớm để đi khất thực ở Kosambì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các
du sĩ ngoại đạo". Rồi Tôn giả Ànanda đi đến khi vườn của các du
sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những
lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân
hữu, liền ngồi xuống một bên.
2-3. ... (Giống như 2-3 của kinh trên,
chỉ khác Tôn giả Ànanda thế cho Tôn giả Sàriputta)... Thế nào là bảy?
4. Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo có
lòng tin, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, có nghe nhiều, có tinh cần
tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ.
Bảy thù diệu sự này, này Ànanda,
được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và
tuyên thuyết.
5. Thành tựu bảy thù diệu sự
này, này Ànanda, Tỷ-kheo nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên
mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói" Vị Tỷ-kheo đáng được
tán thán!". Nếu trong hai mười bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn
thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán
thán!" Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh,
thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!".
Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật
là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!"
V. PHẨM ĐẠI TẾ ĐÀN
(I) (41) THỨC TRÚ
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy thức
trú này. Thế nào là bảy?
2. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo,
thân khác, tưởng khác như loài Người, một số Thiên nhân, một số các
loài ở trong đọa xứ. Đây là thức trú thứ nhất.
3. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo,
thân khác, tưởng là một Phạm chúng thiên được sanh nhờ chứng sơ Thiền.
Đây là thức trú thứ hai.
4. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo,
thân là một, tưởng khác như chư Thiên Quang A⭮ Đây là thức trú thứ
ba.
5. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo,
thân là một, tưởng là một như chư Thiên Biến Tịnh. Đây là thức trú
thứ tư.
6. Có các loài hữu tính, này các Tỷ-kheo,
vượt hoàn toàn các sắc tưởng, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không
tác ý sai biệt tưởng, đạt đến Không vô biên xứ, biết rằng: "Hư
không là vô biên". Đây là thức trú thứ năm.
7. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo,
vượt hoàn toàn Không vô biên xứ, đạt đến Thức vô biên xứ, biết rằng:
"Thức là vô biên". Đây là thức trú thứ sáu.
8. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo,
vượt hoàn toàn Thức vô biên xứ, đạt đến Vô sở hữu xứ, biết rằng:
"Không có vật gì". Đây là thức trú thứ bảy.
Này các Tỷ-kheo, có bảy thứ trú
này.
(II) (42) TƯ LƯƠNG CHO ĐỊNH
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy tư
lương này của định. Thế nào là bảy?
2. Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh
ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Nhất tâm, này
các Tỷ-kheo, được bảy chi phần này làn tư lương; đây được gọi là
Thánh chánh định, này các Tỷ-kheo, với các sở ý, với các tư lương.
(III) (43) LỬA (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy loại
lửa này. Thế nào là bảy?
2. Lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa
những vị đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa các vị đáng cúng dường, lửa
củi.
Này các Tỷ-kheo, có bảy loại lửa
này.
(IV) (44) LỬA (2)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở
Sàvatthì, tại không, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một tế
đàn lớn đang được thiết lập cho Bà-la-môn Uggatasarìra, năm trăm con bò
đực được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con nghé đực được dắt
đến trụ tế đàn, năm trăm con nghé cái được dắt đến trụ tế đàn,
năm trăm con dê được dắt đến trụ tế đàn, và năm trăm con nghé cừu
được dắt đến trụ tế đàn. Rồi Bà-la-môn Uggatasarìra đi đến Thế Tôn,
sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi
nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Uggatasarìra thưa với Thế Tôn:
- Tôi được nghe như sau, thưa Tôn
giả Gotama: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn,
có lợi ích lớn".
- Này Bà-la-môn, Ta cũng có nghe:
"Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi
ích lớn".
Lần thứ hai... Lần thứ ba,
Bà-la-môn Uggatasarìra thưa với Thế Tôn:
- Tôi được nghe như sau, thưa Tôn
giả Gotama: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn,
có lợi ích lớn".
- Này Bà-la-môn, Ta cũng có nghe:
"Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi
ích lớn".
- Như vậy, thưa Tôn giả Gotama,
chúng ta đồng một mục đích, Tôn giả Gotama và chúng tôi; thật vậy,
chúng ta hoàn toàn đồng nhau.
2. Được nghe nói vậy, Tôn giả
Ànanda nói với Bà-la-môn Uggatasarìra:
- Này Bà-la-môn, không nên hỏi Như
Lai rằng: "Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: "Nhen nhúm
ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn".
Này Bà-la-môn, câu hỏi Như Lai như sau: "Bạch Thế Tôn, con muốn nhen
nhúm ngọn lửa, con muốn dựng lên trụ tế đàn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn
hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hay thuyết dạy cho con, để
con được hạnh phúc an lạc lâu dài!"
3. Rồi Bà-la-môn Uggatasarìra bạch
Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, con muốn nhen
nhúm ngọn lửa, con muốn dựng trụ tế đàn. Thưa Tôn giả Gotama, Tôn giả
Gotama hãy giáo giới cho con; Tôn giả Gotama hãy thuyết dạy cho con, để con
được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn
lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi tế lễ đàn, dựng lên ba cây kiếm
bất thiện đưa đến khổ sanh khổ dị thục. Thế nào là ba?
4. Thân kiếm, ngữ kiếm, ý kiếm.
Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước
khi lễ tế đàn, khơi lên ý nghĩ: "Chừng ấy con bò đực cần phải
giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con nghé đực cần phải giết cho lễ tế
đàn, chừng ấy con nghé cái cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy
con dê cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con cừu cần phải giết
cho lễ tế đàn". Vị ấy nghĩ rằng: "Tôi làm công đức", lại
làm bất thiện; nghĩ rằng: "Tôi tìm con đường đưa đến cõi
lành", lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người
nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng
lên ý kiếm thứ nhất, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
5. Lại nữa, này Bà-la-môn, người
nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, nói
như sau: "Hãy giết chừng ấy con bò đực cho lễ tế đàn. Hãy giết
chừng ấy con nghé đực cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con nghé cái
cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con dê cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng
ấy con cừu cho lễ tế đàn.". Vị ấy nghĩ rằng: "Tôi làm công
đức", lại làm phi công đức; nghĩ rằng: "Tôi làm thiện", lại
làm bất thiện; nghĩ rằng: "Tôi tìm con đường đưa đến cõi
lành", lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người
nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng
lên ý kiếm thứ nhất, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
6. Lại nữa, này Bà-la-môn, người
nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, tự
mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con bò đực cho lễ
tế đàn"; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các
con nghé đực cho lễ tế đàn"; tự mình bắt đầu khởi sự công việc:
"Hãy giết các con nghé cái cho lễ tế đàn"; tự mình bắt đầu
khởi sự công việc: "Hãy giết các con dê cho lễ tế đàn"; tự
mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con cừu cho lễ tế
đàn". Vị ấy nghĩ rằng: "Tôi làm công đức", lại làm phi
công đức; nghĩ rằng: "Tôi làm thiện", lại làm bất thiện; nghĩ
rằng: "Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành", lại tìm con đường
đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ
tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ý kiếm thứ nhất, bất thiện
đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn
lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ba cây kiếm
này, đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
7. Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này
cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa. Thế nào là ba?
8. Lửa tham, lửa sân, lửa si. Vì
sao, này Bà-la-môn, lửa tham cần phải đoạn diệt, cần phải tránh xa,
không nên thân cận?
9. Người bị tham làm cho ái nhiễm,
chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm
ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh
với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại
mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, lửa
tham này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Và
này Bà-la-môn, vì sao lửa sân cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa,
không nên thân cận?
10. Người bị sân làm cho tức giận,
chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm
ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh
với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại
mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy lửa sân
này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Và này
Bà-la-môn, vì sao lửa si cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không
nên thân cận?
11. Người bị si làm cho mê mờ,
chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm
ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh
với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại
mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy lửa si
này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.
Ba lửa này, này Bà-la-môn, cần phải
đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.
12. Ba lửa này, này Bà-la-môn, được
cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc.
Thế nào là ba?
13. Lửa đáng cung kính, lửa gia chủ,
lửa đáng cùng dường. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa đáng cung kính?
14. Ở đây, này Bà-la-môn, những
người mẹ, những người cha của người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi là
lửa đáng cung kính. Vì sao? Vì từ đó lửa đáng cung kính này khiến cho
mang lại, khiến cho sanh ra. Do vậy, này Bà-la-môn, lửa đáng cung kính này
được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh
lạc. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa gia chủ?
15. Ở đây, này Bà-la-môn, những
người con, những người vợ, những người phục dịch, những người
đưa tin, hoặc những người làm công cho người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi
là lửa gia chủ. Do vậy lửa gia chủ này được cung kính, được tôn trọng,
được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Và này Bà-la-môn, thế nào
là lửa đáng được cúng dường?
16. Ở đây, này Bà-la-môn, những
Sa-môn, Bà-la-môn nào từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, sóng kham nhẫn nhu hòa;
mỗi người điều phục tự ngã; mỗi người an chỉ tự ngã; mỗi người
lắng dịu tự ngã. Này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng được cúng dường.
Do vậy lửa đáng được cúng dường này được cung kính, được tôn trọng,
đáng được cúng dường, phải đem lại chánh lạc.
Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này
được cung kính, được tôn trọng, đáng được cúng dường, phải đem lại
chánh lạc.
Còn lửa củi này, này Bà-la-môn, cần
phải thường thường nhen đốt nó lên, cần phải thường thường chăm sóc
duy trì, cần phải thường thường dập tắt, cần phải thường thường
để một bên.
17. Được nói như vậy, Bà-la-môn
Uggatasarìra bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả
Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama hãy nhận còn
làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Và thưa Tôn giả Gotama, con sẽ thả năm trăm con bò đực và cho chúng sống;
con sẽ thả năm trăm con nghé đực và cho chúng sống; con sẽ thả năm
trăm con nghé cái và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con dê và cho
chúng sống; con sẽ thả năm trăm con cừu và cho chúng sống. Hãy để chúng
ăn cỏ xanh; hãy để chúng uống nước mát; hãy để gió thổi chúng mát.